Tin tức

Năm ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng ẩn giấu trong Mật mã gốc

29/04/2011

Đạo diễn Duncan Jones lấy cảm hứng từ mọi thứ, từ Grand Theft Auto đến Quantum Leap.

Moon không phải là dạng phim rộng mà không sâu của Hollywood. Đạo diễn Duncan Jones không có nguồn tài chính dồi dào để đổ vào những hiệu ứng hình ảnh cỡ Avatar. Thay vào đó, ông dựng nên một bản sao cỡ nhỏ của một trụ sở trên mặt trăng và cho Sam Rockwell đóng vai chính trong những hoạt động lạ lung diễn ra ở đó.

Bộ phim là một tác phẩm khoa học viễn tưởng làm sững sờ người xem, nên không có gì ngạc nhiên khi Jones có một kế hoạch làm phim tương tự cho tác phẩm tiếp theo, Source Code (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Mật mã gốc), Jake Gyllenhaal đóng chính. “Chúng tôi đã bàn về việc sử dụng mô hình cỡ nhỏ trong Source Code, nhưng thời gian chống lại chúng tôi,” Jones nói, ám chỉ lịch làm việc của Gyllenhaal. “Nên chúng tôi dùng nhiều đồ họa vi tính.”

Do đó tất cả những màn xe lửa nổ tung trong phim – và số lượng đó nhiều đến chóng mặt – được tạo ra trong máy tính chứ không phải được quay thật. Điều này khá phù hợp, dựa trên nội dung phim. Tuy vậy, Moon chỉ là một trong nhiều ảnh hưởng của văn hóa đại chúng xuất hiện trong Source Code.

Jake Gyllenhaal trong Source Code [Ảnh: Summit Entertainment]

  • Mối liên hệ với Michel Gondry

Gyllenhaal vào vai một phi công trực thăng, Cơ trưởng Colter Stevens, thành viên thuộc một chương trình tối mật của chính phủ đưa nhiều lần anh về quá khứ trong cơ thể một người khác, chính xác tám phút trước khi một tên khủng bố kích nổ một quả bom trên xe lửa, nhằm cố gắng tìm ra danh tính kẻ đánh bom và ngăn chặn đợt tấn công tiếp theo. Trên thực tiễn, điều đó có nghĩa là câu chuyện cứ quay lại một đoạn dài tám phút hết lần này đến lần khác. Thách thức Jones gặp phải là làm cho sự kiện tuần hoàn này không có vẻ tẻ nhạt. Để có cảm hứng, ông tìm đến Michel Gondry.

“Tôi nhớ có từng nghe về việc Gondry đã làm các đoạn phim âm nhạc – ông từng làm các tác phẩm của Daft Punk và những thứ tương tự,” Jones cho biết. “Ông từng phác họa mọi thứ ra và có những sơ đồ chi tiết về cách thực hiện. Nên tôi thử qua cách đó và lấy ra mọi nét lặp đi lặp lại xuất hiện trong phim, rồi tạo nên một bản đồ máy quay về cách để mình có thể quay lại sự kiện này mỗi lần mỗi khác. Đó là ở cấp độ kỹ thuật.”

“Rồi đến cấp độ tường thuật,” ông nói thêm. “Tôi đảm bảo mỗi lần quay lại có giới thiệu nhân vật mới. Bạn không bao giờ thấy một thứ đến lần thứ hai.”

  • Mối liên hệ với Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Mối liên hệ giữa Source Code và Gondry không chỉ dừng lại ở các đoạn phim âm nhạc. Jones cũng tuyển mộ Louis Morin, giám sát hiệu ứng hình ảnh của Eternal Sunshine, để coi sóc công tác đồ họa vi tính trong phim mới này – đặc biệt là những vụ nổ xe lửa lặp đi lặp lại.

“Ông ấy có sự hòa quyện giữa một chuyên gia kỹ thuật thật sự và một nghệ sĩ,” Jones cho biết. “Chúng tôi tìm cách làm mỗi lần nổ có cá tính riêng và đáng sợ thót cả ruột. Trong bảng phác nội dung, chúng tôi đảm bảo các góc máy làm cho các vụ nổ có cảm giác rất gần và mang tính cá nhân về mặt hiệu ứng. Rồi đến giai đoạn hình họa, khi mọi thứ di chuyển, bạn bắt đầu có cảm giác về bề mặt và số lượng đất bị quăng vào không khí. Bạn bắt đầu vặn vẹo và nhận thấy ảnh hưởng thót gan ruột.”

  • Mối liên hệ với Grand Theft Auto

Trong tất cả các vụ nổ xe lửa căng thẳng cao độ, có lẽ cảnh quay ấn tượng nhất của bộ phim là cảnh Gyllenhaal nhảy khỏi một con tàu đang chạy. Đơn giản vậy thôi. Nhưng điều phi thường là máy quay không bao giờ cắt cảnh và bạn thấy Gyllenhaal vấp và quay tròn rồi kết thúc trên lề đường mình đầy máu me bầm tím.

“Đó là một lời kính cẩn dành cho Grand Theft Auto,” Jones diễn giải. “Khi bạn đang lái xe tốc độ cao trong trò chơi điện tử này và mở cửa rồi nhảy khỏi xe, máy quay không cắt cảnh đi; vẫn ở đó khi bạn lăn tròn. Tôi muốn làm cảnh đó vì tôi chưa thấy cảnh đó trong phim bao giờ.”

“Đó là hiệu ứng hậu kỳ thời thượng,” ông tiếp tục. “Chúng tôi thi gan với công nghệ nhằm đảm bảo có khả năng làm điều đó trước khi sẵn sàng tạo hiệu ứng. May là mọi thứ ăn khớp đúng lúc.”

  • Mối liên hệ với Quantum Leap

Trong tất cả các tác phẩm khoa học viễn tưởng có trước đó, Source Code có lẽ gợi khán giả nhớ đến Quantum Leap nhất. Jones cũng lập tức nghĩ đến chương trình này của NBC khi đọc kịch bản. Lúc nào cũng là một đạo diễn bông đùa, ông quyết định thuê diễn viên chính của chương trình này để có thứ ông gọi là “chút ngả mũ cúi chào trong phim”.

“Tôi không biết bạn có chú ý không, nhưng Scott Bakula có vào vai khách mời một chút,” ông hé lộ. “Ông ấy lồng tiếng cho vai cha của Colter. Thậm chí còn nói, ‘Ôi trời,’ giữa một cuộc trò chuyện điện thoại, như một chút gợi ý!”


Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: MTV