Tin tức

Nhĩ Đông Thăng làm hài lòng khán giả Đại lục

09/02/2012

Đạo diễn kỳ cựu Nhĩ Đông Thăng là tên tuổi đứng phía sau hầu hết các bộ phim hình sự thành công về mặt doanh thu nhất tại Hồng Kông những năm gần đây.

Ông là giám chế cho bộ phim Overheard (Thiết Thính Phong Vân), với kinh phí 15 triệu nhân dân tệ (khoảng 2,38 triệu đôla) và thu về tổng cộng 94 triệu nhân dân tệ trong năm 2009. Chậm thì chết (Triple Tap), do ông làm đạo diễn trở thành bộ phim đầu tiên vét sạch 100 triệu nhân dân tệ tiền vé vào mùa hè năm 2010.

Trong giới đạo diễn Hồng Kông, nhà làm phim 55 tuổi này được biết đến với sự sáng suốt trong kịch bản và nhạy cảm thị trường. Ông còn được coi là một bộ óc thực dụng và minh mẫn - hiếm khi để sổng tiền bạc hay khiến cho các nhà đầu tư phải lao đao.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ông hài lòng với lãnh địa phim tội phạm Hồng Kông của mình. Dự án mới nhất của ông, Đại ma thuật sư (The Great Magician), được làm tại Bắc Kinh. Và đây cũng là phim hài đầu tiên của ông trong gần 30 năm qua.

Đạo diễn Nhĩ Đông Thăng trên phim trường Đại ma thuật sư

Câu chuyện dựa trên cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh Bắc Kinh những năm đầu thế kỷ 20, nói về một ảo thuật gia giành lại người yêu từ tay tên quân phiệt.

Cuốn tiểu thuyết đầy sầu muộn, nhưng Nhĩ Đông Thăng đã đưa lên màn ảnh một câu chuyện vui để phục vụ khán giả.

"Tôi đã di chuyển bằng xe điện ngầm ở Bắc Kinh khi đi tìm kiếm địa điểm bấm máy, và tôi quan sát thấy mọi người trông rất mỏi mệt," ông nói. "Thậm chí họ trông còn mệt mỏi hơn những người tôi thấy ở Hồng Kông hay Tokyo. Vì thế tôi muốn làm dịu những căng thẳng của họ trong kỳ nghỉ lễ."

Bộ phim được làm để ra mắt từ đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Đây chính là phong cách Nhĩ Đông Thăng: định vị rõ ràng thị trường mục tiêu.

Không muốn làm trò tếu, ông tập hợp những diễn viên "đỉnh" nhất cho các vai chính, như Lương Triều Vỹ, Lưu Thanh Vân và Châu Tấn - những người nổi tiếng với kỹ năng diễn xuất sành sỏi.

"Tạo ra những tiếng cười, nhưng không phải thứ hài tục tĩu, còn đòi hỏi khắt khe hơn cả làm người ta bật khóc," ông cho biết.

Làm phim hài không có nghĩa là tiếng cười ngập tràn cả trường quay. Quá trình quay phim hoàn toàn thực hiện ở Đại lục thực sự thử thách sự khôn ngoan trải đời và lòng kiên nhẫn của nhà làm phim Hồng Kông kỳ cựu.

Ở Hồng Kông, tối đa là 150 người làm việc tại trường quay. Nhưng ở Đại lục, nơi mà doanh thu phòng vé mỗi năm cứ tăng lên 30% kể từ năm 2003, thì một đoàn làm phim có quy mô 400 người.

Ông buộc phải xử lý "những chuyện nằm ngoài phim ảnh".

Một số diễn viên mang theo các trợ lý riêng, để lo dù quạt cho họ ở trường quay. Nhĩ Đông Thăng thuyết phục Lương Triều Vỹ để trợ lý ở nhà, và các diễn viên khác cũng nhanh chóng làm theo.

Lương Triều Vỹ (phải) trong Đại ma thuật sư

"Những năm gần đây ngành công nghiệp điện ảnh làm ăn phát đạt, vậy nên thậm chí diễn viên chẳng cần phải làm việc cật lực họ vẫn được chào vai hàng ngày," Nhĩ Đông Thăng cho biết. "Nhưng tôi cần phải nói điểm mấu chốt ở đây là bạn vẫn có được những lời mời gọi ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Tôi đến đây để làm việc với những người chuyên nghiệp - chứ không phải đi huấn luyện những kẻ nghiệp dư."

Ông còn phải làm việc với cơ quan kiểm duyệt nữa.

Nhĩ Đông Thăng gửi bản phim đầu tiên tới Cục Điện ảnh và được yêu cầu chỉnh sửa 20 chỗ, trong đó bao gồm cả một số tên nhân vật có thể gây húy kỵ. Ông lập tức thay đổi.

"Tôi xác định rõ ràng mình làm phim thương mại phục vụ nhu cầu giải trí trong kỳ nghỉ, vậy tại sao phải phí thời gian tranh luận nhỉ?"

Dự án tiếp theo của ông, The Disappearing Bullet (Tiêu thất đích tử đạn), cũng lấy bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20.

"Đó là phim về đề tài tham nhũng," ông nói. "Nếu tôi đặt nó trong bối cảnh hiện đại, hẳn sẽ làm đau đầu các nhà phát hành đây."

Vị đạo diễn sinh ra tại Hồng Kông này cũng phải làm việc vất vả để mang đến một Bắc Kinh thật sự thuyết phục trong phim.

Không như nhiều đạo diễn Hồng Kông khác, chọn dựng trường quay hay cất nhà ở Đại lục để dễ dàng tiếp cận thị trường, Nhĩ Đông Thăng vẫn gắn bó với Hồng Kông và không chuyển tới sống ở Bắc Kinh.

"Tôi không thể sống xa biển, hay là tôi nên hài lòng ngắm nhìn dòng Lượng Mã (con kênh chảy qua phía đông Bắc Kinh) cả ngày đây?" ông nói vui.

Dịch: Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China Daily


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi