Tin tức

Tẩy chay Hollywood có phải là hành động khôn ngoan?

08/02/2012

Vấn đề với Đạo luật ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến (SOPA) và Đạo luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (PIPA) là đây: mục đích gốc của hai đạo luật này không phải là nhắm vào vi phạm bản quyền. Không hẳn thế. Với việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần đây đóng cửa trang web chia sẻ thông tin khổng lồ Megaupload, và với những trang web tương tự như FileServe và FileSonic đều đang chạy lấy thân bằng cách hủy những chức năng chia sẻ, thì thật khó phủ nhận điều trên. Nhưng trên thực tế, hai đạo luật này nhằm mục đích giữ chỗ đứng cho những cơ quan liên quan.

Hai đạo luật này được đề xuất bởi những tập đoàn lớn đang muốn giữ độc quyền thị trường của mình (như GoDaddy – công ty tên miền internet, không những đã góp phần viết SOPA mà còn hoàn toàn được miễn tuân theo những điều luật trong đó!). Nhưng còn có những tổ chức khác như Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) và Hiệp hội Ngành Âm nhạc Hoa Kỳ (RIAA). Hãy đối mặt với thực tế thôi: cả hai tổ chức này đều là những con khủng long trước bờ vực tuyệt chủng. Nhưng họ nhất quyết sẽ không ngoan ngoãn nằm xuống mà sẽ dốc hết sức chống chọi để được sống. Để giữ được chỗ đứng của mình, họ cần quyền kiểm soát lớn hơn và hai đạo luật này sẽ giúp họ có được điều đó.

Nếu hai tổ chức này là khủng long, thì mảnh thiên thạch giết chết họ là mạng internet. Những bộ phim kia chẳng mất đi đâu cả. Âm nhạc cũng không. Nhưng cách phân phát và cách tạo ra phim ảnh, âm nhạc thế nào, khán thính giả tìm những tác phẩm đó thế nào và thưởng thức chúng thế nào… tất cả đều đang thay đổi. Và điều đó khiến những tổ chức này lo sợ rằng mô hình kinh doanh quen thuộc của họ không còn hiệu nghiệm và sẽ không bao giờ hiệu nghiệm nữa.

Và giờ đây, sau một câu trả lời kiêu ngạo của chủ tịch và giám đốc điều hành MPAA, Chris Dodd – từng là một nghị sĩ Thượng viện – liệu trong tương lai tới, ta sẽ trải qua một cuộc tẩy chay Hollywood?

Chiến dịch “tắt đèn trực tuyến” vào ngày 18 tháng 1 đã được lên kế hoạch rất nhanh. Nó không mất hàng tháng để chuẩn bị. Chỉ cần vài giờ thôi và tất cả đã hiện hình như một quả cầu tuyết khổng lồ. Chính mạng internet và tốc độ thông tin có thể được lan truyền là yếu tố thay đổi cuộc chơi này. Trên diễn đàn Reddit, ta đã có thể thấy những chủ đề thảo luận liên quan tới “Tẩy chay Hollywood”, gồm những thành viên lên ý tưởng “tắt đèn” đối với Hollywood trên quy mô lớn.

Tẩy chay The Dark Knight Rises có ảnh hưởng tới lợi nhuận của các hãng phim không?

Một trong những ý tưởng đó là Tháng 3 Đen. Tháng 3 năm 2012 sẽ là tháng cuối cùng của quý đầu tiên trong quy trình báo cáo tài chính, việc khiến các hãng phim phải kết thúc tháng này với lợi nhuận xuống dốc không phanh sẽ là một lời tuyên bố rất có sức thuyết phục. Một ý tưởng khác nhắm tới việc tẩy chay bộ phim The Dark Knight Rises vào hai ngày cuối tuần đầu tiên bộ phim được công chiếu. Những người lên kế hoạch này không ghét bỏ gì bộ phim. Ngược lại là khác, nhiều người trong số họ đang háo hức trông đợi bộ phim. Nhưng đây là một mục tiêu lớn nhất trước mắt và họ có thể ráng đợi thêm một, hoặc hai, hoặc ba tuần nữa để xem phim. Nhiều người khác kêu gọi việc tẩy chay các trang web như Fandango hay IMDB, nhưng không rõ việc này sẽ có tác động tới Hollywood ra sao và tại sao Hollywood lại phải quan tâm?

Một cuộc tẩy chay thường có mục đích gây tổn hại tới một ngành lớn để khiến họ thay đổi hoạt động của mình. Làm hại IMDB thì liên quan gì tới các hãng phim? Tất cả những gì hành đợng này có thể đạt được là làm tổn hại tới một công ty không hề có ảnh hưởng gì tới những hãng phim lớn và không có gì liên quan tới những hãng phim đó, ngoài việc treo vài biển quảng cáo cho họ. Họ chỉ là công ty cung cấp thông tin. Thế thôi. Và các hãng phim trông đợi gì ở Fandango? Còn có quá nhiều cách để họ bán được vé xem phim, cũng như việc bạn có thể xem thông tin phim ở rất nhiều nơi. Họ chỉ là những con cá bé nhỏ trong một cái hồ khổng lồ và cá lớn không cần họ cũng sống được.

Còn về ý tưởng Tháng 3 Đen, người viết cũng không tin rằng nó sẽ thành công. Nó không có đủ sức mạnh. Những trang web có thể thuyết phục thành viên của mình tẩy chay bộ phim này không thể có ảnh hưởng quá lớn tới doanh thu của bộ phim, ít ra là không ở mức hiệu quả.

Việc tẩy chay một cái gì đó khó làm hơn việc “tắt đèn” trên mạng nhiều. Đó là một cuộc chơi hoàn toàn khác. Chiến dịch “tắt đèn” được một số lớn những trang web có lượng truy cập lớn như Wikipedia, Reddit, Imgur, Wired, Tumblr và WordPress cùng tham gia bằng cách tự kiểm duyệt. Những hoạt động này do chính những trang web đó tự làm và được những người truy cập ủng hộ. Nó đưa thông tin tới những người sử dụng internet chưa hiểu rõ về vấn đề. Nó khiến công dân khắp nước Mỹ đổ xô về văn phòng các đại diện quốc hội của họ với những lời kiến nghị và phản đối. Google – một trong những trang web cũng hưởng ứng chiến dịch này bằng cách che đen biểu tượng của mình – đã thông báo rằng có 4,5 triệu người đã ký trang kiến nghị trực tuyến phản đối hai đạo luật gây tranh cãi nói trên. 18 Thượng nghị sĩ, sau khi thoát khỏi cú sốc khi thấy những người quanh họ cuối cùng cũng thực hiện quyền công dân, đã rút phiếu ủng hộ của họ đối với hai đạo luật này.

Điều này sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta tẩy chay Google. Nó xảy ra vì cộng đồng Reddit đã hợp lực phản đối đạo luật. Nó xảy ra vì Wired đã kiểm duyệt chính những đường tin của mình để phản đối. Nó xảy ra vì Google đã tham gia tích cực trong chiến dịch chống lại SOPA và PIPA, chứ không đơn thuần vì họ che đi biểu tượng của họ.

Nếu ta muốn có thay đổi trong cách hoạt động của Hollywood, nó phải đến từ ngay bên trong Hollywood. Nó phải đến từ những nhà biên kịch, nhà soạn nhạc, đạo diễn, diễn viên. Những người đó đã không bước ra công khai ủng hộ MPAA và RIAA trong khi hai tổ chức này vận động ủng hộ SOPA và PIPA vì họ nhận thấy kiểm duyệt và tự do ngôn luận là những vấn đề tế nhị. Ai có thể trách họ không công khai ủng hộ? MPAA và RIAA đều đang không có tiếng tăm vẻ vang gì. Nhưng họ đã phản ứng thế nào với chiến dịch “tắt đèn” kia? Họ có trở nên tôn trọng nỗi lo sợ của những người phản đối hơn không? Không. Ngược lại, những người như Dodd của MPAA lại gọi hành động phản đối của Google và Wikipedia là “sự lạm dụng quyền lực”. Hóa ra trong ngôn ngữ của những người thế này, vứt tiền cho các đại biểu quốc hội ủng hộ đạo luật bảo vệ họ là tự do ngôn luận, còn việc phản đối trong hòa bình lại là lạm dụng quyền lực. Sau cú sốc PIPA phải nhận, Dodd đã lên tiếng trả đũa Tổng thống Obama và tất cả những người ông cho rằng đang xem thường Hollywood.

“Tôi muốn khuyến cáo những người cho rằng chỉ vì trước đây “cộng đồng Hollywood” đã ủng hộ Đảng Dân chủ, rằng năm nay chúng tôi sẽ lại làm thế… Những vấn đề trước mắt là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới chính ngành này.”

Và lý lẽ lớn nhất của Dodd để ủng hộ quan điểm rằng vi phạm bản quyền là một vấn đề lớn: việc có 21 triệu lượt tải xuống (download) trái phép bộ phim Avatar. Ai cũng biết Avatar phải không? Bộ phim lớn nhất thế giới? Avatar đó đấy. Bộ phim đã có doanh thu gần 3 tỉ USD toàn thế giới chỉ ở các rạp chiếu phim, và giờ đây Dodd lôi nó ra để làm ví dụ dẫn chứng chứng minh rằng việc vi phạm bản quyền đang làm tổn hại tới ngành điện ảnh. Lý lẽ này không hẳn xua đi những lời khẳng định “càng nhiều người download bất hợp pháp thì càng khiến nhiều người mua sản phẩm đó”. Điều trớ trêu thứ hai là Avatar đã thành công chính vì nó đón nhận công nghệ và sự sáng tạo mới. Ngành trò chơi điện tử đã có lợi nhuận còn cao hơn Hollywood, chính vì nó biết sáng tạo.

Avatar

Nói một cách công bằng thì ngay sau khi nói những lời “gây dị ứng” trên, Dodd đã có những hành động “ngăn chặn hậu quả” và tỏ ra sẵn sàng “nghĩ khác” về vấn đề này và về chiến lược của MPAA. Việc này chứng minh một điều, dù sự tẩy chay một bộ phim Hollywood có thể không mang tới mất mát lớn ngắn hạn, liệu ngành điện ảnh có sẵn sàng làm mất lòng khán giả ngày càng hiểu biết của thế hệ internet?

Họ có thể trốn đằng sau lập luận chống vi phạm bạn quyền. Dodd và tay chân của ông sẽ nói với bạn rằng đây không phải vấn đề kiếm thêm tiền cho những tỉ phú. Đây là vấn đề giữ công việc cho những thợ mộc dựng phim trường, những người khâu trang phục, những người làm kỹ xảo, những người bốc vác phim trường, những diễn viên không có thời thoại… Đây là điều MPAA muốn bạn tin là mục đích đấu tranh của họ. Nhưng tất cả đều là giả dối. Nếu quan tâm tới những người như thế, họ đã không tiếp tục với những quy trình kiểm toán không trung thực khi thông báo rằng một bộ phim có doanh thu vài tỉ đôla toàn thế giới cuối cùng vẫn chịu lỗ.

MPAA và RIAA phải rất cẩn thận. Vấn đề của Dodd là ông đang bảo vệ một cách mù quáng một mô hình kinh doanh không còn hợp thời, trong khi ông nên hướng tới một tương lai mới. Ông ta đang bàn luận với các chính trị gia trong khi thật sự cần phải nói chuyện với khán giả. Ông quan tâm tới những tấm phiếu bầu cử, trong khi thật sự cần phải tìm hiểu cuối cùng người tiêu dùng muốn gì.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi