Tin tức

Những lời bàn tán trước và ngân sách làm phim phì đại giết chết một bộ phim?

20/06/2012

Người khổng lồ ngã quỵ.

Kênh truyền hình cáp của Oprah Winfrey gây choáng váng, lùng kiếm khán giả. Ba dự án gần đây nhất của Steven Spielberg — War Horse, The Adventures of Tintin và bộ phim truyền hình Terra Nova — thảy đều không có được sự ngưỡng mộ thật sự, tức là được nhiều người Mỹ yêu thích.

Nhưng tin xấu nhất của ngành công nghiệp giải trí đến từ Disney, mới đây đã công bố chịu lỗ 200 triệu đôla sau khi bom tấn sử thi phiêu lưu mạo hiểm John Carter hóa thành bom xịt — khiến cho bộ phim này chắc chắn đoạt danh hiệu là phim thua lỗ lớn nhất lịch sử điện ảnh.

John Carter đã cầm chắc danh hiệu phim thua lỗ lớn nhất lịch sử điện ảnh

Và Willem Dafoe — diễn viên đóng vai người ngoài hành tinh Tars Tarkas — có lý thuyết riêng về thảm họa này.

“Tôi tuyệt đối cho rằng điều tiêu cực về kinh phí đã làm hại bộ phim,” anh nói, liên hệ đến vô số tin đồn trên mạng về kinh phí của bộ phim. “Và tôi không hiểu sự bất bình này. …Không có gì bị đồn thổi cả. Tất cả sờ sờ trên màn ảnh. Công nghệ tốn kém quá quắt.”

Bất luận sự chỉ trích này có đúng hay không, rất lâu trước khi có ai xem được John Carter, thiên hạ đã kháo nhau về mức độ đắt đỏ của bộ phim, về thời gian làm phim lâu lắc, tốn kém bao nhiêu để quay lại bộ phim. Và cái kiểu chú ý này là một vấn đề.

“Khi câu chuyện là bàn về kinh phí thay vì bộ phim thì đã đặt một ý niệm tiêu cực lên mọi thứ,” Paul Dergarabedian, trưởng ban tin phòng vé của Hollywood.com, nói. “Chúng ta đã thấy với Evan Almighty, khi câu chuyện trở thành ‘Người ta tiêu tốn 170 triệu đôla cho một phần phim hài tiếp theo ư? Mà lại không có những ngôi sao của phần đầu nữa?’”

Bạn có thể cho là vậy đâu ảnh hưởng gì tới khán giả chứ, phim có tốn kém đến đâu đi nữa thì họ cũng chỉ mua vé xem phim với một giá như nhau kia mà.

Rốt cuộc, nếu khán giả thực sự quan tâm đến giá cả, thì họ sẽ thưởng công những phim nào dưới mức kinh phí — một lý thuyết mà Clint Eastwood tằn tiện có thể nói với bạn không phải là trường hợp này. Ông nổi tiếng là nhà làm phim tiện tặn và nhanh chóng — vậy mà bảy trong số mười phim gần đây nhất của ông đều thất bại với người hâm mộ.

Và lý thuyết này cũng khó bề giải thích James Cameron, không có kinh phí nào mà ông chẳng làm cho phá sản. Thế nhưng sự liều lĩnh ngày càng ngông cuồng của ông — Terminator 2, Titanic, Avatar — lại thu về cho hãng phim. Cameron không chỉ làm phim, ông còn làm sự kiện, trong đó kinh phí làm phim đã trở thành một đặc điểm bán hàng lợi hại.

Với đạo diễn Cameron, kinh phí làm phim đã trở thành một đặc điểm bán hàng lợi hại

Tuy nhiên, dù người hâm mộ có cảm nhận sự ngông cuồng đến thế nào, Dafoe và Dergarabedian nói đúng một điều. Với sự bùng nổ địa điểm làm phim, không có yếu tố nào — từ chọn diễn viên đến làm trailer — lại không bị mổ xẻ phân tích thái quá trước khi một bộ phim ra rạp. Mà tới lúc đó thì, một số khán giả đã viết ra những bài bình luận chê bai riêng của họ rồi.

“Một khi điều gì đã khắn vào đầu công chúng rồi thì khó mà gỡ ra lắm,” James Parish, tác giả của quyển Fiasco: A History of Hollywood’s Iconic Flops, nói “Mà, bạn biết đó, thiên hạ khoái bới móc, nhất là về những ngôi sao hoặc phim bom tấn. … Giống như ở trường, bạn 'tám' về bóng đá, hoặc trưởng nhóm cổ vũ.”

Bán tán gây hại

Các hãng phim cố sức kiểm soát những lời bàn tán, bằng cách cho phép những người viết “thân thiện” (tức là dễ chịu) xem phim trước, hoặc cho các tay bloggers liên hoan chè chén không mất tiền. Nếu vậy mà cũng không bảo vệ được, như Disney — đã cố làm cả hai chuyện này cho John Carter — nhận ra khi phim bắt đầu trình chiếu, thì lời thật mất lòng bắt đầu lan ra.

Bạn có thể tạo ra sự bàn luận. Nhưng bạn không thể kiểm soát tất cả những sự bàn luận đó.

“Hãng phim muốn người ta nói về cái hay,” Dergarabedian nói. “Nhưng khi bạn toàn nghe, ‘Ồ, phim này làm lố kinh phí, họ lại thay đổi lịch phát hành nữa rồi’ — thì không hay gì với khán giả hết. Hoặc với hãng phim.”

Tất nhiên, toàn bộ chuyện này đã tăng theo hàm mũ độ chừng một thập niên qua. Hầu hết nhất trí rằng đó là vì internet và, đặc biệt là, truyền thông xã hội, nơi mà bất cứ ai cũng có thể đưa quan điểm, và bất cứ dữ kiện (hay điều sai lầm) nào cũng lan truyền trong chớp mắt.

Có người, như Dafoe, băn khoăn không biết liệu đây không phải là bằng chứng cho một sự thô bỉ mới trong văn hóa của chúng ta đấy chứ. “Chúng ta mất đi rất nhiều bài viết về điện ảnh — bài phê bình, bài viết về văn hóa — và đã được thay thế bằng đưa tin về giải trí,” ông nói. “Đây không còn là về nghệ thuật nữa — mà toàn về tiền, làm ăn, địa vị. Chúng ta sống trong một thế giới Paris Hilton.”

Thực tế, bây giờ có lẽ là thế giới Kim Kardashian cũng nên — Paris Hilton qua lâu rồi. Nhưng có hai dữ kiện nhỏ cần ghi nhớ.

Một là đồn đoán trước phát hành thì xưa như điện ảnh. Trở lại hồi năm 1916 với bộ phim Intolerance của D.W. Griffith đến năm 1924 với Greed của Erich von Stroheim, bạn sẽ thấy những bộ phim sử thi tốn kém và tham vọng này phần nào đó bị tiêu đời bởi những lời xì xầm trong nghề về chi phí ngất ngưởng và hai nhà đạo diễn ám ảnh của chúng.

“Thời bây giờ bạn sẽ thấy những tin tức sai lạc đáng ngờ còn nhiều nữa,” Harry Medved, phát ngôn viên của Fandango.com, nói. “Nhưng Hollywood lúc nào mà chẳng đầy rẫy kẻ thêu dệt chứ. … Tôi nhớ hồi người ta làm Jaws, bạn đọc được những bài báo nói rằng đạo diễn trẻ của bộ phim này có vấn đề, rằng phim cá mập chẳng 'ăn' đâu — và rồi phim ra rạp và trở thành cỗ máy kiếm tiền lớn nhất thời đó.”

“Bạn thấy chuyện tương tự với Titanic,  ” Parish đồng ý. “Có những lúc, khi phim này đang quay, khi cả Hollywood thảy đều thắc mắc không biết hai hãng phát hành bộ phim này có ngăn chặn được chuyện bàn tán không, nói chi đến thu lại vốn. Nhưng ngay khi thiên hạ xem những clip quảng cáo, việc nói xấu liền xẹp đi.”

Bản thân bộ phim

Dẫn đến điểm quan trọng thứ hai phải nhớ — đồn đoán trước phát hành có thể gây hại, nhưng điều thực sự đánh đắm bộ phim là chính bản thân bộ phim.

Các hãng phim làm phần việc của mình, chắc chắn rồi (như RKO quyết liệt biên tập lại The Magnificent Ambersons của Orson Welles hay Fox cơ bản vứt bỏ phim châm biếm gây khó chịu Idiocracy của Mike Judge). Tin đồn về những buổi chiếu thử dở tệ — xin lỗi, The Love Guru — cũng chẳng ích gì.

Nhưng cuối cùng chính bộ phim là cái ra rạp, chứ không phải những tin tức của những người ngoài cuộc giả bộ là người trong cuộc nói về hiệu ứng nào nên được làm lại. Ai quan tâm đến kinh phí nào? Điều duy nhất giá trị với khán giả là thực sự nhận thấy liệu có đáng đồng tiền bát gạo của họ không.

The Hunger Games dù chịu nhiều lời ong tiếng ve ngờ vực tay nghề của đạo diễn
trước khi ra rạp vẫn thắng lớn bằng chính bản thân bộ phim

“Ý kiến cho rằng khán giả lảng tránh vì những câu chuyện vung tay quá trán kinh phí, tôi nghĩ đấy chỉ là biện minh mà thôi,” Gitesh Pandya, biên tập của trang BoxOfficeGuru.com, nói. “Có thể ở mức độ nào đó quả là có ảnh hưởng với John Carter. Nhưng nếu công tác tiếp thị tốt hơn, nếu các bài bình luận đánh giá tốt hơn, nếu bộ phim hay hơn — người ta sẽ đi xem.”

“Ở Hollywood rất nhiều lần bạn chấp nhận mạo hiểm điên rồ,” Medved nói. “Hãy xem The Hunger Games, một bộ phim kinh phí 80 triệu đôla với một đạo diễn gần 10 năm nay chưa làm phim nào. Và chắc chắn, trước khi tung phim ra, bạn đã nghe nói, ‘Ai lại đi chọn tay đạo diễn này vậy?’ ‘Ai chọn dàn diễn viên đó?’... Nhưng khi phim ra rạp, khán giả trên Fandango không hề nói những chuyện đó. Họ nói về bộ phim.”

Tám quả 'bom xịt' không tệ đến vậy

Những lời bàn tán xấu có thể giết chết một bộ phim. Nhưng cũng có thể giúp cải tử bộ phim, hoặc ít nhất là danh tiếng của bộ phim.

Vì cũng như kỳ vọng cao thì té đau, kỳ vọng thấp lại có lợi. Hãy thuê một trong những phim thất bại khét tiếng dưới đây và biết đâu bạn sẽ ngạc nhiên. Không có phim nào dở tệ như bạn đã nghe nói cả.

Thực ra, hầu hết những phim này vẫn — à, không hay lắm. (Tuy nhiên cũng có vài viên ngọc trong đá.)

Và khi những phim này không làm nên chuyện, phần lớn là do lỗi của chúng.

Những phim này ra rạp với những lời bàn tán gây hại? Thường là vậy. Chúng quá đắt đỏ? Rõ là vậy. Liều lĩnh một cách dại dột? Có lẽ vậy. Nhưng dù không kiếm lời, không phim nào trong số đó đáng bị vào "Hall of Shame" (tạm dịch: "Nhà xấu hổ" - chơi chữ "Hall of Fame" tức "Nhà lưu danh" - ND).

  • Bringing Out the Dead

Phát hành: 1999
Kinh phí: 55 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 16,8 triệu đôla

Vì sao phim này thua lỗ: Đơn giản là quá tốn kém với một dự án phim — Martin Scorsese chỉ đạo Nicolas Cage và Tom Sizemore trong vai hai trợ tá y tế dở điên, ảo giác? — cơ bản phim này được xác định là “sức hút có giới hạn”.

Vì sao phim này xứng đáng được có cơ hội thứ hai: Đây là một phim của Scorsese, với diễn xuất của Cage. Nhiêu đó đủ để bạn tò mò. Nếu chưa đủ, hãy thêm vào điểm mạnh cho nhạc punk cổ điển.

  • The Cotton Club

Phát hành: 1984
Kinh phí: 58 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 25,9 triệu đôla

Tại sao lỗ: Nhìn lại con số kinh phí đi — gần gấp đôi một phim Bond thời đó. Mà phim Bond có thể thu hút nhiều người hâm mộ hơn là một phim gangster thời Đại suy thoái.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Vì đây là một phim từ người liều lĩnh, Francis Ford Coppola, và, dù tệ hại, nó vẫn “trông” rất bảnh — và Bob Hoskins hung tàn trong vai đầu đảng.

  • The Fall of the Roman Empire

Phát hành: 1964
Kinh phí: 19 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 4,7 triệu

Tại sao lỗ: Hầu như là do sai thời điểm. Thể loại phim gươm giáo thời Trung cổ trên màn ảnh rộng đã đạt đỉnh với Ben-Hur năm 1959. Và ngôi sao Stephen Boyd, dù diễn đồng vai chính tốt trong phim này, không đảm đương nổi vai trò dẫn dắt.

Vì sao đáng có cơ hội thứ hai: Kịch bản phim thông minh về một giai đoạn thú vị (về sau Gladiator đã quay lại thời kỳ này), Christopher Plummer trong vai đại đế đầy lôi cuốn và Sophia Loren thì — đúng là Sophia Loren.

  • Heaven’s Gate

Phát hành: 1980
Kinh phí: 44 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 3,5 triệu

Tại sao lỗ: Một phim điện ảnh dài 219 phút về cuộc chiến Johnson County và một chuyện tình giữa Kris Kristofferson với Isabelle Huppert — một trong hai diễn viên này không hề diễn được, còn người kia thì không nói được tiếng Anh.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Diễn xuất thú vị từ Christopher Walken, John Hurt và Jeff Bridges, một vài cảnh cảm động và nghệ thuật quay phim tuyệt vời của Vilmos Zsigmond.

  • The King of Comedy

Năm phát hành: 1983
Kinh phí: 20 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 2,5 triệu

Tại sao lỗ: Một bộ phim cực kỳ tăm tối của Martin Scorsese về ngành giải trí và danh tiếng khiến khán giả nào đã xem thấy hoang mang rối rắm không biết thực ra đây có là phim hài không. Đúng là phim hài, chỉ có điều theo nghĩa đen nhất.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Vì đây là một phim tuyệt vời từ một đạo diễn vĩ đại. (Cũng là đạo diễn xài tiền của hãng phim để làm những phim nghệ thuật vĩ đại nhưng không có lời nhất. Xem Hugo năm ngoái thì biết.)

  • Star 80

Năm phát hành: 1983
Kinh phí: 12 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 6,5 triệu

Tại sao lỗ: Lại một phim u ám về danh tiếng từ năm 1983, phim nói về cuộc đời (và tên sát nhân) của Playboy Playmate Dorothy Stratten. Người hâm mộ chờ đợi những cảnh nóng mà các áp phích hứa hẹn đã thất vọng cay đắng.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Bộ phim cuối cùng của Bob Fosse, giống như toàn bộ sự nghiệp của ông, là một sự vạch trần đầy nghệ thuật về giới nghệ sĩ — và mặc dù Mariel Hemingway thì khó hiểu, Eric Roberts đạt đến đỉnh cao nghề nghiệp trong vai kẻ giết cô.

  • Strange Days

Năm phát hành: 1995
Kinh phí: 42 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 7,9 triệu

Tại sao lỗ: Sử thi về ngày tận thế của Kathryn Bigelow có một Ralph Fiennes thụ động, một Angela Bassett khích động, gợi dục lập dị và cớm phân biệt chủng tộc. Không điều nào trong số đó, ngoài tình dục, thực sự hấp dẫn người hâm mộ thể loại khoa học viễn tưởng chính thống.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Cũng chính là phần lớn những lý do khiến phim đã không thành công — chủ đề sắc cạnh, âm điệu u uất và thông điệp đi trước thời đại về một xã hội ám ảnh công nghệ, tâm thần.

  • Wyatt Earp

Năm phát hành: 1994
Kinh phí: 63 triệu đôla. Doanh thu phòng vé: 25 triệu

Tại sao lỗ: Về cơ bản, quá đắt đỏ và, với 191 phút, quá dài. Cũng quá muộn — Kevin Costner đẩy phim này ra sau khi bỏ Tombstone, một phim tương tự.

Tại sao đáng có cơ hội thứ hai: Bất cứ dự án nào của Lawrence Kasdan cũng có một kịch bản thông minh, và một dàn diễn viên giỏi. Phim này có cả hai — hãy xem một Dennis Quaid cừ khôi — cộng thêm nghệ thuật quay phim tuyệt vời của Owen Roizman.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi