Tin tức

Những lợi thế còn lại trong cuộc cạnh tranh của hai đài truyền hình Hồng Kông TVB và ATV

18/06/2011

Với cuộc cạnh tranh sắp diễn ra khi các đối thủ mới gia nhập thị trường truyền hình phát sóng miễn phí ở Hồng Kông, không lý nào hai đài TVB và ATV lại tiếp tục tranh cãi về cách tính chỉ số bạn xem đài.

Bấy lâu nay ATV không đồng ý với cách tính luôn được sử dụng trước đây, nên họ quyết định tự mình thuê một công ty khác là hệ thống nghiên cứu tỷ suất bạn xem đài của trường Đại học Hồng Kông để tính tỷ suất. Tuy nhiên, các nhà phê bình sáng suốt luôn biết rõ rằng hai cách tính này liên quan đến hai hệ thống dữ liệu khác nhau. Chỉ số bạn xem đài mà TVB đưa ra – kết hợp với CSM – là dựa trên việc trung bình có bao nhiêu khán giả gia đình xem toàn bộ một chương trình, thêm vào đó phần lớn hệ thống này còn tính xem có bao nhiêu gia đình bắt sóng bằng thiết bị ăng ten, những chỉ số của truyền hình kỹ thuật số cũng được tính, nhưng rất hiếm khi được công bố rộng rãi. Chỉ số mà ATV đưa ra – kết hợp với nghiên cứu tỷ suất của Đại học Hồng Kông – là dựa trên có bao nhiêu gia đình xem một chương trình tại một số thời điểm khi chương trình đang được phát sóng, tuy nhiên, xem tại một số thời điểm không có nghĩa là khán giả theo dõi toàn bộ chương trình. Do đó, “tỷ suất người xem” này dĩ nhiên sẽ cao hơn chỉ số trung bình mà TVB công bố; rõ ràng là hai loại số liệu này hoàn toàn khác nhau.

TVB và ATV là hai đối thủ cạnh tranh lâu đời ở Hồng Kông

CSM cũng có khả năng tính được có bao nhiêu khán giả đang xem một chương trình trong bất cứ thời điểm nào chương trình đang được phát – nếu họ lấy những chỉ số này và so sánh với số liệu mà Đại học Hồng Kông đưa ra trong cuộc “nghiên cứu” của họ, thì chỉ số này chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn. Các công ty quảng cáo hầu hết đều dùng chỉ số tỷ suất người xem của CSM vì những lý do: Thứ nhất, hệ thống này sử dụng những thiết bị điện tử để tính số liệu qua từng phút và xác nhận chắc chắn có bao nhiêu khán giả đang xem chương trình trong mỗi khung giờ. Thứ hai, đây là cách tính được sử dụng rộng rãi ở nước ngoài, theo cấp bậc quốc tế. Cách tính của ATV trước đây được dùng như một phương pháp “thử nghiệm” để khảo sát xem khán giả có theo dõi một chương trình cụ thể nào đó hơn năm phút thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau (bao gồm internet và nhóm khán giả xem ngoài trời) trong vòng bảy ngày qua hay không. Thật ra không cần phải “thử nghiệm” vì gần như mỗi cư dân Hồng Kông đều là một khán giả xem truyền hình, đơn giản chỉ cần khảo sát xem có bao nhiêu người xem chương trình của TVB và bao nhiêu người xem chương trình của ATV là đã có thể ước tính khoảng cách giữa hai đài lớn thế nào.

Nếu thật sự năm nay có thêm ba giấy phép thành lập đài truyền hình phát sóng miễn phí được ban hành ra thì với dân số bảy triệu người của Hồng Kông, tự nhiên mỗi phần của chiếc bánh được chia sẽ trở nên nhỏ hơn – cuối cùng thì cả TVB lẫn ATV đều bị ảnh hưởng như nhau. TVB mới đây đã thông báo sẽ tăng cường hợp tác với các đài truyền hình Trung Quốc, đây chính xác là cách thức của họ để đột phá khỏi thị trường Hồng Kông nhỏ hẹp chỉ với bảy triệu người và mở rộng tầm với đến thị trường Đại lục rộng lớn hơn. Sau cùng thì sẽ có nhiều cơ hội hơn khi so sánh dân số 1,3 tỉ người của Trung Quốc với bảy triệu người ở Hồng Kông. Gần đây trên thị trường điện ảnh, tỷ lệ doanh thu phòng vé của Trung Quốc so với Hồng Kông là 10:1 và đang tiếp tục tăng. Tuy nhiên thị trường truyền hình lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Trước đây TVB đã từng hợp tác làm phim truyền hình với Đại lục, nhưng kết quả cũng chỉ tàm tạm. Ở một vài thời điểm trong quá khứ, các đài truyền hình của Hồng Kông thật sự đã có lợi thế ở bên ngoài – ví dụ như cho đến nay khán giả Trung Quốc vẫn còn rất thích những bộ phim kinh điển như Máu nhuộm bến Thượng Hải do Châu Nhuận Phát đóng vai chính năm 1980.

Máu nhuộm bến Thượng Hải của TVB (1980) đến nay vẫn còn được yêu thích

Do sự mở rộng nhanh chóng của thị trường truyền hình Đại lục, thêm vào đó là số nghệ sĩ và nhà sản xuất Hồng Kông rời bỏ thị trường Hồng Kông để tiến sang Trung Quốc, các bộ phim truyền hình Đại lục ngày nay đã vượt xa TVB về chất lượng tác phẩm. Nếu là vậy thì “lợi thế” mà TVB vẫn còn lại là gì? Cho đến nay, TVB vẫn là một “thương hiệu” nổi tiếng rộng rãi – thông qua DVD (cả bản gốc lẫn đĩa sao chép lậu) cũng như internet, nhiều khán giả Đại lục có thể xem các bộ phim đích thực do TVB sản xuất. Khi ATV gần như đang lưỡng lự trong công tác sản xuất phim truyền hình thì TVB trở thành nguồn phim truyền hình duy nhất ở Hồng Kông. Đa số các bộ phim này không phải là tác phẩm hợp tác với Đại lục và vì thế không trực tiếp bị những hướng dẫn phê duyệt của Trung Quốc điều chỉnh. Hợp tác làm phim với Đại lục đòi hỏi phải thông qua quá trình phê duyệt, nghĩa là chắc chắn sẽ có một số hạn chế về nội dung phim – một cách tự nhiên, điều này làm giảm “lợi thế” mà TVB có được.

Một lợi thế khác là chi phí sản xuất thấp hơn. Với đường lối làm phim theo kiểu công xưởng và phim trường quy mô lớn, TVB có khả năng sản xuất hàng loạt gần như 24/7, thêm nữa là họ có một xưởng phim hiệu quả, nhiều bộ phim Đại lục chỉ dùng một chiếc máy quay với cảnh thật, khiến việc quay phim diễn ra lâu hơn, trong khi ở TVB thì phần lớn công tác quay phim diễn ra ngay trong phim trường của họ. Hơn nữa, thậm chí dù có “thanh thế” là đài truyền hình lớn nhất Hồng Kông thì thù lao mà TVB trả cho nghệ sĩ vẫn thấp hơn nhiều so với các đài truyền hình và công ty sản xuất khác. Ngày nay trong ngành này, thù lao trả cho diễn viên chính của một bộ phim truyền hình thường chiếm một nửa (hoặc cao hơn) chi phí sản xuất, thế nên với khoản tiền mà TVB tiết kiệm được khi trả lương cho nghệ sĩ, sẽ là một lợi thế nếu như tiền được đổ vào đầu tư cho chính bộ phim. Câu hỏi đặt ra là, lợi thế này sẽ kéo dài được trong bao lâu?

Về phần ATV, khi đối mặt với đối thủ cạnh tranh mới, họ sẽ là người chịu thua thiệt nhất, chủ yếu là vì họ từ bỏ việc tự sản xuất chương trình quá sớm, đặc biệt là trong mảng phim truyền hình mà hầu hết các đài truyền hình đều tự hào. Với việc phụ thuộc lâu dài và quá lệ thuộc vào các chương trình từ nguồn ngoài, thật sự ATV không có cách tự bảo vệ . Do đó về cơ bản, lợi thế duy nhất của ATV rằng họ là “sự lựa chọn khác” duy nhất cho những khán giả không xem TVB sẽ nhanh chóng kết thúc một khi “những sự lựa chọn khác” đi vào hoạt động (ba đài truyền hình phát sóng miễn phí sắp được cấp phép).


Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Asian Fanatics