Tin tức

Những ý khiến khác nhau về chống làn sóng Hàn ở Nhật Bản

03/12/2011

Khi Jang Geun Suk, một diễn viên kiêm ca sĩ Hàn Quốc 24 tuổi, tuyên bố về một buổi hòa nhạc ở ba thành phố vào cuối tháng 10, 60.000 vé của buổi diễn được bán hết trong vòng năm phút. Điều này xảy ra ở Nhật Bản, không phải Hàn Quốc.

Jang Geun Suk là một trong nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng ở Nhật Bản, tham gia và tuyên truyền cho một hiện tượng được biết đến rộng rãi là "Hallyu", tiếng Hàn có nghĩa “làn sóng Hàn”.

Âm nhạc Hàn Quốc, được gọi là K-Pop, đã viết nên một trang sử mới khi sân khấu 50.000 chỗ ngồi Tokyo Dome chật kín cả ba ngày diễn ra những buổi hòa nhạc trong tháng 9.

Sunny, một thành viên của nhóm nhạc nữ dẫn đầu làn sóng Hàn, Girls' Generation, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng khi thấy người Nhật đang dùng những bài hát của nhóm nhạc này làm chuông điện thoại thì cô mới nhận ra nhóm nhạc của cô được yêu thích đến thế nào.

Nhưng làn sóng Hàn không hẳn làm hài lòng tất cả mọi người ở Nhật Bản.

Những người phản đối làn sóng Hàn tập hợp bên ngoài đài truyền hình
Fuji Television ở Tokyo ngày 21/8/2011. Hình ảnh do một người Nhật chụp lại

Bắt đầu từ ngày 7/8 ở Tokyo, những nhóm người Nhật theo chủ nghĩa dân tộc đã tổ chức những cuộc biểu tình thường xuyên phản đối đài truyền hình Fuji Television và những công ty tài trợ, yêu cầu hãng truyền hình ngừng "phát sóng quá nhiều phim truyền hình và những chương trình giải trí khác của Hàn Quốc," theo một trang web do một trong những người tổ chức việc phản đối đưa tin.

Theo sau cuộc biểu tình, nhiều hành động phản đối hơn được tổ chức suốt tháng 9 và tháng 10, với nhiều thành viên hơn, mở rộng ra các thành phố khác.

Lịch sử sóng gió giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có phần tạo nên một tình trạng thù địch giữa một số người dân ở hai nước. Có người tin rằng chính sự thù địch này đứng đằng sau những hoạt động phản đối làn sóng Hàn ở Nhật Bản, khiến những người xem làn sóng Hàn như một sự xâm chiếm để phản đối trên đường phố.

Nhiều người Nhật đã chú ý đến sự phản đối này, và trong khi không ủng hộ việc chống đối làn sóng Hàn, ít nhất họ cũng nhận ra lý do tại sao lại có hiện tượng đó.

"Lòng yêu nước mạnh mẽ đã đưa họ tham gia vào phong trào này," Mariya Saito, 24 tuổi, ở Saitama, Nhật Bản, nói trong một cuộc phỏng vấn qua e-mail.

Mariya Saito thêm rằng trong khi các sản phẩm truyền thông Hàn Quốc và làn sóng Hàn là những cách tốt để thắt chặt tình giao hảo giữa hai quốc gia, "quá nhiều văn hóa Hàn Quốc xâm nhập lại là điều khó chịu đối với những người phản đối, vì văn hóa Hàn Quốc không phải là văn hóa chính ở Nhật Bản."

Minami Goibuchi, 23 tuổi, cũng ở Saitama, không đồng ý, cho rằng những người phản đối không thực sự chống lại bản thân làn sóng Hàn, họ đang phản đối một đài truyền hình mà họ nghĩ rằng đang quảng bá cho những nghệ sĩ và phim truyền hình của Hàn Quốc nhiều hơn so với của nước nhà.

Trong quá khứ, những sự phản đối liên quan đến Hàn Quốc ở Nhật Bản chủ yếu do những người ở độ tuổi trung niên đến lớn hơn, nhưng những người biểu tình chống đối đài truyền hình Fuji Television thuộc nhiều độ tuổi. Một vài người ở tuổi thiếu niên, với thành phần chủ yếu tham gia có độ tuổi cuối 20 và 30.

"Cuộc biểu tình này không chỉ gồm những người có suy nghĩ lỗi thời của thế hệ lớn tuổi. Có vẻ như họ chỉ không thích sự gia tăng đột ngột của sản phẩm Hàn Quốc trong truyền thông Nhật Bản," Sunao Tabunoki, 23 tuổi, ở Kawasaki, Nhật Bản nói.

Làn sóng Hàn thực sự có được sức bật không lâu sau World Cup 2002 do Hàn Quốc và Nhật Bản đồng tổ chức. Thành công của Hàn Quốc ở World Cup là phương tiện nâng cao hình ảnh của Hàn Quốc trong lòng người Nhật, và những nhà nhập khẩu đoán đúng rằng người Nhật đã sẵn sàng tiếp thu văn hóa Hàn Quốc trên diện rộng.

Sau khi phim truyền hình Hàn Quốc Bản tình ca mùa đông được phát sóng trên truyền hình Nhật, các diễn viên chính Choi Ji Woo và Bae Yong Joon trở thành những cái tên phổ biến, sau đó trở thành một thần tượng của phụ nữ Nhật ở mức độ chỉ ít nghệ sĩ từng đạt được, thậm chí ngay trong đất nước của họ. Không lâu sau, chính quyền Hàn Quốc bắt đầu chú ý và nỗ lực góp phần tiếp cận làn sóng Hàn, với sự tuyên truyền sản phẩm văn hóa Hàn Quốc xuất khẩu được chính phủ hỗ trợ.

Đôi diễn viên chính của Bản tình ca mùa đông trở thành thần tượng của phụ nữ Nhật

Goibuchi, một nhân viên ngành du lịch, cho biết cô và mẹ cô là những người hâm mộ cuồng nhiệt những ngôi sao làn sóng Hàn. "Các diễn viên và nghệ sĩ ca nhạc Hàn Quốc rất gợi cảm," cô nói. Nhưng bất chấp việc bản thân là đối tượng của những thần tượng của cô, cô cũng nhận ra những điều tốt những người nổi tiếng đã làm cho hình ảnh của Hàn Quốc. "Những thần tượng âm nhạc Hàn Quốc là nhân tố chủ chốt thu hút sự chú ý của quốc tế với những lĩnh vực thương mại khác," cô nói. Cô cũng lưu ý làn sóng Hàn đã thúc đẩy du lịch đến Hàn Quốc, đặc biệt là ở phụ nữ trung niên Nhật.

Trong một số người Nhật, có một cảm nhận rằng cách truyền thông Hàn Quốc đối phó với những người chống đối này có thể gây ra tâm lý chống-Nhật ở khán giả Hàn. Họ nói những người phản đối không đại diện cho tình cảm chung của người Nhật đối với Hàn Quốc, và giới truyền thông Hàn Quốc nên cẩn thận hơn về vấn đề này.

"Tôi sợ rằng từ cách truyền thông Hàn Quốc đang đưa tin về những cuộc biểu tình này, người dân Hàn Quốc có thể dẫn đến tin rằng đây là cách tất cả người Nhật nghĩ về Hàn Quốc và cảm thấy tiêu cực hơn với Nhật Bản," Sasuke Tanaka, một sinh viên Nhật 26 tuổi ở Hàn Quốc, nói.

"Họ quá tập trung vào phỏng vấn những người phản đối và không phỏng vấn đủ đối với những người bình thường về truyền thông Hàn Quốc."

Tabunoki chỉ ra cái cô gọi là bản chất hẹp hòi của Nhật Bản trong khi thảo luận về sự phản đối làn sóng Hàn. Bản chất này, kết hợp với lịch sử thế kỷ trước, dẫn đến đến một số người Nhật trở thành những người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ không thể chấp nhận một thuộc địa cũ hiện diện ngày càng nhiều ở Nhật.

Cô nhấn mạnh không phải tất cả người Nhật đều nghĩ như vậy. "Tôi nghĩ đây chỉ là một số rất nhỏ người Nhật," cô nói. Cô cũng có phần chỉ trích những người chống đối làn sóng Hàn, nói rằng văn hóa âm nhạc Nhật được xuất khẩu sang nhiều nước khác và không gặp sự phản đối nào.

Tabunoki cũng nghi ngờ việc người Hàn Quốc sẽ mở lòng với sự hiện diện nhiều hơn của văn hóa Nhật ở Hàn hay không. "Tôi không nghĩ một làn sóng Nhật ở Hàn có thể xảy ra, vì nhiều người Nhật đã cố gắng thực hiện điều đó ở Hàn Quốc; nhiều người đã thất bại," cô nói.

Saito cũng đồng quan điểm, cho biết, "Tôi không nghĩ có thể có một làn sóng Nhật ở Hàn vì người Hàn tự hào về nền văn hóa của họ."

Tanaka nói anh tin văn hóa Nhật không được đông đảo người Hàn quan tâm. "Nhìn vào bộ phim Nhật nổi tiếng Boys over Flowers / Vườn sao băng," anh nói, "thay vì nhập khẩu phiên bản Nhật, người Hàn Quốc chỉ dùng câu chuyện đó và làm lại với các diễn viên Hàn Quốc."

Dịch: © Trúc Linh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Yonhap News


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi