Tin tức

Nỗ lực mới nhằm chống gian lận phòng vé ở Trung Quốc

26/03/2014

Gian lận trong công nghiệp điện ảnh bắt nguồn từ việc bán vé lậu đã trở thành một vấn đề nóng hổi tại Trung Quốc những năm gần đây. Sự việc này sắp tới sẽ được giám sát chặt chẽ hơn.

Tổng cục Báo chí, Phát thanh, Điện ảnh & Truyền hình Trung Quốc đã đưa ra công bố quyết tâm dẹp bỏ việc thao túng thông số nhằm lợi nhuận tài chính.

Theo công bố, phần mềm bán vé phải được cấp giấy phép trước khi đưa vào sử dụng ở rạp, cũng như việc vận hành và quản lý phần mềm sẽ được kiểm tra phòng trừ lỗi khi hoạt động, các cuộc thanh tra rạp định kỳ sẽ được khởi xướng, và hình phạt cho các hành vi phạm luật sẽ được tăng lên.

Mọi phần mềm bán vé sẽ được nâng cấp trước ngày 1/5/2014, những cá nhân vi phạm luật nặng và thường xuyên sẽ bị tước giấy phép.

Trương Hồng Sâm, cục trưởng Cục Điện ảnh thuộc tổng cục, nói với trang thông tin giải trí ent.sina.com.cn rằng “chúng tôi đang tăng cường nỗ lực chặn phá các hành động gian lận phòng vé.”

Theo thống kê của tổng cục, phòng vé Trung Quốc thu về 21,8 triệu nhân dân tệ (3,6 triệu USD) trong 2013, nhưng các chuyên gia cho rằng ít nhất 10% nguồn thu có thể đã bị biển thủ trong các hoạt động trái phép, theo Tân Hoa xã.

Người xem xếp hàng mua vé tại Bắc Kinh [Ảnh: CFP]

Việc gian lận có thể được tiến hành theo nhiều cách, giả sử dùng phần mềm trái phép thông báo giá vé thấp hơn giá mua thật. Một phương thức đơn giản hơn là một vé được xuất cho phim A nhưng người xem nhận vé xem phim B, thậm chí có thể phát vé viết tay.

Beisangdeshaolian, một cư dân mạng tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, đã đăng lên trang Sina Weibo cá nhân về trải nghiệm gian trá vé. “Khi đi xem Transformers 3, tôi nhận vé cho phim Beginning of the Great Revival / Kiến Đảng vĩ nghiệp. Phim này chỉ được trình chiếu hai tháng nhưng một số rạp bán vé phim đó tới gần nửa năm.”

Đôi khi các vé phim được bán cùng bỏng ngô và khi doanh thu phòng vé được thống kê chỉ một phần trăm nhỏ là thuộc về phim.

Hoàng Tử Yên, phó chủ tịch tiếp thị cho Le Vision Pictures, nói với ent.sina.com.cn việc bán vé gộp như vậy khiến họ gặp nhiều vấn đề hơn.

“Một vé phim cùng một túi bỏng ngô là 80 nhân dân tệ, nhưng rạp phim nói giá vé phim chỉ là 20. Như vậy thật khó tranh luận,” ông Hoàng nói.

Kang Haitao, giám đốc khu vực của Dadi Cinema Lines tại Bắc Kinh, nói với Global Times rằng tuy những hoạt động vậy bị chính quyền coi là bất thường, giờ đã có những hành vi gian lận phức tạp hơn.

Gian lận phòng vé ở Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu đến nền điện ảnh

“Một rạp phim có thể cấu kết với một trang bán vé trên mạng và thu một khoản nhỏ, 5 nhân dân tệ từ 35 tệ chẳng hạn, như phí dịch vụ,” ông Kang nói. “Thật khó nói đó là đúng hay sai.”

Gian lận phòng vé, theo ông Kang, xảy ra nhiều hơn ở các thành phố nhỏ, bởi người dân không có ý thức về quyền sở hữu tài sản còn các hành động giám sát thì lỏng lẻo hơn.

Triệu Tiểu Khê, một đạo diễn Đại lục, nói với Global Times rằng tuy không kiểm tra doanh thu cho phim của mình nhưng ông đã nghe về các hoạt động bất hợp pháp từ lâu và chúng ảnh hưởng tới cảm hứng làm phim mới của ông.

“Ngay lúc phòng vé ăn chia giữa rạp phim và nhà sản xuất thì các hoạt động gian lận đã diễn ra,” ông Kang nhận xét. “[Giờ mọi người đều biết điều đó bởi] đã có nhiều thông báo về chúng trong những năm gần đây.”

Triệu Tiểu Khê và Kang Haitao đều đón nhận các quy định mới, nhưng điều họ lo lắng là liệu những biện pháp chi tiết có được áp dụng hay không.

“Tôi không biết liệu Tổng cục có phân một nhóm đặc biệt chuyên đối đầu với gian lận vé hay không. Ở thời điểm hiện tại, thanh tra đều đến từ các công ty sản xuất, họ không hiệu quả bằng các cơ quan chính quyền” Kang bình luận. “Nhưng tôi mong sẽ có một luật giải quyết những vụ gian lận này và tăng hình phạt cho những hành vi trái phép.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi