Thế mà
Pacific Rim Uprising, phần tiếp theo của bộ phim đã bị báng bổ đến thế, sẽ ra rạp trong tháng này. Tại sao? Một từ thôi: Trung Quốc.
Khán giả Trung Quốc rõ thích các rôbô chiến đấu lạ lùng của nước ngoài
trong phim đầu; hơn một phần tư tổng doanh thu phòng vé của bộ phim đến
từ Trung Quốc. Đối với các ông trùm hãng phim Hollywood, sức mua của
‘fan’ điện ảnh ở Hoa Kỳ và Anh không còn đủ mạnh nữa. Thay vào đó, các
nhà sản xuất phim đang hướng về phía đông để đổi đời, và trong quá trình ấy, đang thay đổi cách thức làm phim — và hình thức của phim ảnh.
Theo
báo cáo của cơ quan quản lý truyền thông Trung Quốc, thị trường điện
ảnh Trung Quốc năm ngoái trị giá 8,6 tỉ USD, tăng 13% so với năm trước.
Đây là thị trường điện ảnh lớn thứ hai trên thế giới, đứng sau vựa người
xem phim trị giá 11 tỉ đôla của Bắc Mỹ — nhưng đang nhanh chóng bắt
kịp.
Phim điện ảnh ở Mỹ, Anh và các nơi khác phải tranh giành
người xem và sự chú ý với Netflix, Amazon Prime và YouTube — tất cả
những dịch vụ này đều rẻ hơn một túi bỏng ngô cỡ lớn ở nhiều rạp chiếu. Ở
Trung Quốc, phim điện ảnh vẫn quần tụ được người xem. Thế là, cân bằng
quyền lực đang dịch chuyển.
“Có lợi ích ‘khủng’ trong việc làm
phim hấp dẫn được thị trường Trung Quốc,” Aynne Kokas, phó giáo sư về
nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia, tác giả cuốn
Hollywood Made in China, nói về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới điện ảnh phương Tây.
Nữ diễn viên Trung Quốc Cảnh Điềm (trang phục màu trắng) là sức hấp dẫn mới cho Pacific Rim: Uprising ở thị trường Trung Quốc
|
Theo Kokas, những tính toán đằng sau những bộ phim bom tấn có kinh phí
hơn 200 hoặc 300 triệu đôla đòi hỏi thành công nào đó ở Trung Quốc thì
mới có lời. “Để lấy lại vốn, hãng phim có nhiệm vụ lấy được lịch phát
hành ở Trung Quốc,” cô nói.
Việc Hollywood xâm nhập vào thị
trường điện ảnh Trung Quốc phát sinh từ hai nguồn: trước tiên, đây là
thị trường đang phát triển nhanh chóng có sẵn người tiêu dùng (lượt
người đi xem rạp ở Trung Quốc năm 2017 tăng 18% so với năm trước). Nhưng
ngoài ra, các hãng phim Hollywood đã nhìn thấy cơ hội để bước vào một
thị trường nhộn nhịp mới giữa lúc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi
người tiêu dùng phương Tây cắt giảm chi tiêu cho giải trí, chẳng hạn vé
xem phim.
“Trung Quốc đã đi từ chỗ không bỏ đồng vốn nào đến
đầu tư rất nhiều từ lâu,” Rob Cain của Pacific Bridge Pictures, công ty
đồng sản xuất cung cấp dịch vụ tư vấn cho các công ty giải trí phương
Tây đang muốn vào Trung Quốc, nói. “Là ngành công nghiệp đang khát vốn,
Hollywood xem Trung Quốc là đối tác quan trọng.”
Vấn đề là
thị trường cực kỳ hạn chế của Trung Quốc. Ngành công nghiệp điện ảnh của
nước này chỉ cho phép 34 phim nước ngoài được phát hành ở đây mỗi năm,
để tạo phao cứu sinh cho các xuất phẩm trong nước.
Bộ poster “Burn in China” của Pacific Rim Uprising riêng cho thị trường Trung Quốc gồm sáu mẫu, ảnh trên là một trong số đó
|
“34 là con số quá ít,” Fraser Elliott, tiến sĩ về điện ảnh Trung Quốc
tại Đại học Manchester, giải thích, xem xét vai trò của phim Trung Quốc
và văn hóa điện ảnh Anh. “Nhưng nếu bạn đồng sản xuất phim với một công
ty Trung Quốc, sẽ được coi là xuất phẩm ‘nội địa’ và do đó bỏ qua hạn
ngạch.”
Tuy nhiên, các xuất phẩm đồng sản xuất đi kèm với những
điều kiện ràng buộc. Diễn viên Trung Quốc phải chiếm một tỷ lệ phần trăm
nhất định trong dàn diễn viên; một số cảnh được yêu cầu phải quay ở các
địa điểm Trung Quốc; và bộ phim phải — bắt buộc, để thành công ở châu Á
— thu hút được khán giả Trung Quốc.
Có nghĩa là mọi thứ đang
thay đổi một cách cốt lõi từ động cơ nhân vật đến cốt truyện — hoặc thậm
chí chuyển địa điểm của toàn bộ xuất phẩm từ Tây sang Đông — cho đến
khi trở nên gần như không còn có thể nhận ra.
Việc Trung Quốc lấn
chiếm các bộ phim của Hollywood có thể được nhìn thấy trong việc chọn
diễn viên của các phim bom tấn, cũng như các quyết định về cốt truyện và
nhân vật. Kẻ thù không đội trời chung của Iron Man, The Mandarin (một
sự rập khuôn về chủng tộc), không còn là người Trung Quốc khi
Iron Man 3, được dự kiến thành công ở Trung Quốc, phát hành.
Nam diễn viên Stanley Tucci uống sữa hộp giấy Trung Quốc trong một cảnh phim Transformer: Age of Extinction
|
Trong phim
Doctor Strange của Marvel năm 2016, nhân vật Thượng
Cổ Tôn Giả (Ancient One) — rốt cuộc do Tilda Swinton đóng — đã thay đổi
di sản từ Tây Tạng sang Celtic. Cái gọi là “tẩy trắng” nhân vật này là
một nỗ lực để tránh xúc phạm khán giả Trung Quốc, mặc dù với phương Tây
bị xem là một sự xúc phạm khán giả Trung Quốc bằng cách “tước đoạt” một
vai diễn danh giá có thể dành cho một diễn viên châu Á để chuyển sang
một diễn viên da trắng.
Ảnh hưởng của Trung Quốc còn có thể được nhìn thấy qua những cách kém rõ ràng hơn, ví dụ như, sữa.
Nhân vật chính trong hầu hết phim phương Tây sẽ không thể tìm được một cốc sữa lạnh khi họ muốn giải khát, nhưng trong
Iron Man 3 và
Independence Day: Resurgence,
hai phim hành động cháy nổ do Hollywood sản xuất được đo ni đóng
giày để thành công ở Trung Quốc, nhân vật với lấy sữa hộp giấy do
Yili Milk sản xuất và đối thủ cạnh tranh của họ, Moon Milk, theo thứ tự
lần lượt, cả hai đều trả tiền quảng cáo sản phẩm trong phim.
Những
thỏa hiệp văn hóa này có thể khiến khán giả phương Tây chướng mắt khi
nhìn thấy những hình ảnh và thương hiệu không quen thuộc và, theo
Elliott của Đại học Manchester, những vấn đề mang tính cơ
cấu có thể còn lớn hơn.
Sữa hộp giấy Moon Milk, nhìn thấy trong phim Independence Day: Resurgence
|
Hiểu biết ngày càng tăng rằng phim bom tấn Hollywood bị cắt gọt lại để
đáp ứng luật kiểm duyệt ngặt nghèo hơn của Trung Quốc đã dẫn đến một
loạt sức ép tệ hại lên cả hai phía: khán giả Trung Quốc cằn nhằn là họ
không có được trải nghiệm Hollywood “đúng điệu”, trong khi khán giả
phương Tây lo lắng rằng các hãng phim đang quỳ gối khom lưng trước
yêu sách của Trung Quốc.
“Bây giờ việc tự kiểm duyệt xảy ra trước
rồi,” Elliott cảnh báo. “Các hãng phim Âu Mỹ sẽ viết kịch bản và làm ra
những bộ phim không cần phải biên tập để phát hành ở Trung Quốc, vì vậy
những gì đang xảy ra là việc làm phim toàn cầu đã được định hình để phù
hợp với pháp luật Trung Quốc.”
Cain, người giúp tư vấn cho các
hãng phim Hollywood cách luồn lách trong thị trường phức tạp của Trung
Quốc, đồng ý. “Nhiều phim của họ bắt đầu với ý thức rằng chúng sẽ được
trình lên các nhà kiểm duyệt Trung Quốc, vì vậy họ biết rất rõ những quy
định đó là gì,” ông giải thích.
Nhưng lúc này quyền lực nằm ở
thị trường Trung Quốc đang lên, và vì vậy Hollywood cần phải thỏa mãn
thị hiếu của họ cũng như phải thỏa mãn khán giả phương Tây. Ví dụ, chúng
ta không thể thấy một phần tiếp theo của
Ghostbusters: lệnh
cấm “phim kinh dị” (trong trường hợp này là có ma) ở Trung Quốc nghĩa là
bộ phim này không bao giờ được phát hành ở đó; Bloomberg ước tính bộ
phim thua lỗ đến 60 triệu USD.
Ngô Diệc Phàm, trái, trong XXX 3
|
Điều đó cho thấy, người xem phim ở Trung Quốc đang trở nên hiểu biết hơn
về cách làm phim đồng sản xuất — vốn gây đau đầu cho các hãng phim
Hollywood nào đang cố gắng luồn lách trong thị trường khổng lồ này mà
không muốn thỏa hiệp trong tầm nhìn nghệ thuật.
“Họ gọi việc chọn
diễn viên Trung Quốc cho có là ‘bình hoa’,” Kokas nói, “kiểu là để
trang trí bối cảnh để làm cho bộ phim có định hướng Trung Quốc.” Việc
chọn các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc như Ngô Diệc Phàm trong
XXX 3, Phạm Băng Băng và Vương Học Kỳ trong
Iron Man 3 (cả hai đều có cảnh mở rộng trong phiên bản dành riêng cho Trung Quốc), tất cả đều được coi là mời đóng cho có.
Ngay
cả một trong những phim chuỗi lớn nhất trong lịch sử đã mời diễn viên
Trung Quốc đóng để lấy lòng khán giả phương Đông. Trên quảng cáo cho
Star Wars: Rogue One,
một phần gần đây của chuỗi phim khoa học giả tưởng nổi tiếng này, là
Khương Văn và Chân Tử Đan — hai cái tên dễ nhận biết dường như được mời
đóng để thu hút khán giả Trung Quốc vốn dĩ không biết hoặc không quan
tâm đến
Star Wars bởi vì họ không lớn lên với những câu chuyện của Han
Solo và Luke Skywalker ăn sâu trong nhận thức văn hóa chung của họ.
Đưa Khương Văn và Chân Tử Đan vào Rogue One chẳng tác dụng gì đến thành tích phòng vé của bộ phim ở Trung Quốc
|
Đối với họ, những lần lặp lại gần đây nhất của chuỗi phim không gian này
chỉ là những phim khó hiểu làm ăn kém cỏi so với các xuất phẩm khác thú
vị hơn.
Đưa Khương Văn và Chân Tử Đan vào
Rogue One
chẳng tác dụng gì đến thành tích phòng vé: có chi phí 265 triệu đôla Mỹ,
bộ phim này thu về 30,6 triệu đôla trong tuần lễ mở màn vào tháng
1/2017, theo hãng tư vấn điện ảnh châu Á Artisan Gateway. Phần tiếp
theo,
The Last Jedi, thất bại còn nặng nề hơn trong tháng vừa rồi, thu được 28,6 triệu đôla, chưa đến một phần năm doanh thu phòng vé.
Ex-File 3: The Return of the Exes,
phim hài lãng mạn Trung Quốc, hơn xa trong cùng thời gian đó. Bất chấp
Disney đã tung sức mạnh của mình cho việc ra mắt bộ phim, trong đó tổ
chức một buổi chiếu ra mắt hào nhoáng tại công viên giải trí chủ đề
Disney Thượng Hải.
Đó là điển hình cho sự thay đổi rộng lớn
hơn trong cách phim bom tấn Hollywood được đối xử ở Trung Quốc. Tuy một
số lượng lớn các phim phương Tây đã kiếm được hơn 200 triệu đôla ở Trung
Quốc trong năm 2017, nhưng phim tiếng Trung chiếm thị phần của kẻ mạnh —
53,8% trong tổng doanh thu phòng vé ở quốc gia này.
Sự kiện ra mắt The Last Jedi hào nhoáng tại công viên giải trí chủ đề Disney Thượng Hải
|
“Trong khi 10 năm trước các hãng phim tiến vào Trung Quốc với giả định
rằng họ có thể chiếm lĩnh thị trường vì họ đã chiếm ưu thế ở những nơi
khác, giờ giả định đó đã nguội lạnh,” Kokas nói.
Thực tế, chính
phủ Trung Quốc can thiệp để quảng bá cho phim của chính họ khiến phim bom tấn Hollywood nhập khẩu phải trả giá. Phim có doanh thu cao
nhất mọi thời đại của Trung Quốc,
Chiến lang 2, và tùy cách bạn
theo dõi doanh thu, thứ hai hoặc ba trong số những phim bán chạy nhất
toàn cầu chỉ trong một vùng lãnh thổ, đã được phát hành trong giai đoạn
‘cấm cửa’, khi chính phủ cấm phát hành phim quốc tế.
Những xuất
phẩm cây nhà lá vườn của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên, Kokas dự đoán.
“Thế hệ sinh ra sau năm 1990 ở Trung Quốc chưa bao giờ thực sự trải
nghiệm một thế giới mà trong đó Trung Quốc không phải là thế lực đang
lên,” cô nói. “Tiêu điểm tầm nhìn của họ là thấy cuộc sống và trải
nghiệm của chính họ được thể hiện.”
Nhưng trong thời gian này,
Hollywood vẫn tiếp tục gửi phim đến Trung Quốc, cố gắng nắm bắt khán giả
— và phim Hollywood sẽ biến đổi để đáp ứng nhu cầu riêng của người xem
phim ở Trung Quốc.
Một khổng lồ quai búa "chiếm" quảng trường Sanlitun ở Bắc Kinh trong quảng cáo trưng bày chủ đề phim Warcraft. Bộ phim đã làm ăn rất tốt ở Trung Quốc bất chấp bị chê bai thậm tệ ở mọi thị trường khác
|
Có thể nghĩa là chúng ta sẽ có thêm những phim của nợ như
Warcraft: The Beginning, chuyển thể điện ảnh trò chơi video trực tuyến
Warcraft phổ
biến năm 2016, được một nhà phê bình miêu tả là “giải trí kiểu này có
thể khiến bạn đau đầu vỡ sọ và rỗng ví,” ấy vậy mà lại làm ăn rất tốt ở
Trung Quốc. Thế nào mà nó lại kiếm được ở các rạp chiếu Trung Quốc gấp
sáu lần đã kiếm được ở Mỹ; may thay không có kế hoạch làm phần tiếp
theo.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Telegraph