Tin tức

One Hundred Thousand Bad Jokes: Trung Quốc bắt đầu làm phim hoạt hình dành cho người lớn

22/06/2015

Sau khi rời khỏi rạp xem phim One Hundred Thousand Bad Jokes, điều đầu tiên tác giả bài viết này đã làm là mở WeChat lên và giới thiệu bộ phim đó với bạn bè nào cũng là ‘fan’ phim hoạt hình. Xem One Hundred Thousand Bad Jokes có cảm giác như thăm lại tất cả ký ức về vô số phim hoạt hình điện ảnh lẫn truyền hình tác giả từng xem hồi nhỏ.

Áp phích phim

Giờ đây hiếm còn thấy hãng phim nào không cường điệu công nghệ 3D hoặc đầu tư mạnh tay vào hiệu ứng thị giác khi quảng bá phim của họ. Nhưng Bad Jokes không cần những điều đó, vì phần cốt lõi của bộ phim là câu chuyện và nhân vật. Nói thật, trước khi bước vào rạp tác giả bài này có lúc thấy rất khó hình dung làm thế nào một loạt phim hoạt hình bao gồm nhiều phim ngắn 10 phút lại có thể chuyển thể thành công thành một phim điện ảnh dài 100 phút. Tuy nhiên, tác giả đã ngạc nhiên vui sướng khi phim rốt cuộc đã kể được một câu chuyện hoàn chỉnh trong khi vẫn giữ được cảm giác sôi nổi độc đáo về nhân vật trong truyện tranh gốc và loạt phim trên mạng.

Thu về hơn 100 triệu tệ (16 triệu đôla) từ khi bắt đầu công chiếu vào ngày cuối năm 2014, Bad Jokes được xếp vào hàng ngũ những tài sản trí tuệ kiếm được nhiều tiền nhất như Pleasant Goat and Big Big WolfBoonie Bears. Tuy nhiên trong khi hai phim vừa kể tên nhắm vào trẻ em, Bad Jokes là phim hoạt hình dành cho người trưởng thành. Vì thế, nhiều cư dân mạng đã khen ngợi đây là một trong những điển hình thành công đầu tiên của phim hoạt hình Trung Quốc dành cho khán giả trưởng thành.

Sức mạnh tổng hợp

Là một phim hoạt hình trên mạng và truyện tranh thành công, việc gây vốn cộng đồng cho bộ phim điện ảnh này bắt đầu từ tháng 8/2013, thu thập được 1,37 triệu tệ từ 5.000 ủng hộ viên trên trang demohour.com. Là một trong những ủng hộ viên đó (góp 170 tệ), tác giả bài viết đã nhận được bảy email từ dự án mời tham dự các cuộc họp chia sẻ ý tưởng. Sự ủng hộ của ‘fan’ có thể được thấy trong phim, vì hình ảnh của các ủng hộ viên xuất hiện trên màn hình máy tính của một nhân vật và các đoạn phim ngắn của ‘fan’ hét lên tên nhân vật hoạt hình Trung Quốc xuất hiện cuối phim. Cảm giác dấn thân này, chắn chắn bổ sung thêm một lớp chiều sâu cho bộ phim mà những phim khác thiếu.

Phá vỡ khuôn mẫu

Gợi ý của tác giả dành cho bất cứ ai muốn xem bộ phim này là hãy xem loạt phim trên mạng trước rồi hẵng xem phim điện ảnh. Dù bộ phim điện ảnh hoàn chỉnh một câu chuyện độc lập trên màn ảnh rộng, bạn sẽ thấy thú vị hơn rất nhiều khi biết tại sao khán giả lại cười trước ý tưởng kết hợp Bạch Tuyết và Pinocchio, cũng như hiểu được nhân vật Mr. Kong huyền thoại là ai và tại sao anh ta sống chung với một nàng tiên rắn.

Phim không ngừng đưa những tình tiết và nhân vật chúng ta trông đợi từ những câu chuyện này và làm thay đổi hoàn toàn. Chẳng hạn, câu chuyện về một người tìm cách cứu thế giới, nhưng không may thay rốt cuộc lại tàn phá thế giới.

Với những ai sinh vào thập niên 1980 và 1990 ở Trung Quốc, bộ phim này đưa họ trở về với những ký ức thời thơ ấu khi họ xúc động với nhân vật Nezha dũng cảm trong phim hoạt hình Prince Nezha's Triumph Against Dragon King (1979) vì phim khắc họa một phiên bản mới của Nezha với cơ thể cường tráng và khuôn mặt điển trai đáng ngưỡng mộ. Trong khi đó, nhân vật cha của Nezha sẽ làm khán giả ngạc nhiên với kỹ năng hài hước tuyệt vời.

Những thay đổi khác bao gồm biến gương thần từ chuyện Bạch Tuyết thành một máy tính bảng thông minh lúc nào cũng ở trạng thái hoạt động và luôn la mắng chủ nhân của mình vì quên tắt máy.

Những tình tiết bất ngờ

Có rất nhiều tình tiết nhỏ trong phim dành cho ‘fan’ hoạt hình. Có một thời điểm trước khi tận thế, một người đàn ông vận quần ngắn và đội mũ rơm giống y nhân vật chính Luffy từ truyện tranh One Piece la lên, "Giờ mình sẽ không bao giờ được biết truyện tranh One Piece kết thúc ra sao nữa rồi!" Một tình tiết nhỏ như thế muốn làm cho những ‘fan’ bộ manga Nhật 17 năm tuổi này cười rộ lên, hay thậm chí khóc òa.

Những rôbô truyện tranh Nhật Bản như Beast King Go Lion (1981) và phiên bản chuyển thể của Mỹ là Voltron: Defender of the Universe (1984) cũng có trong phim, và khi xem khán giả không đừng được cứ phải la hét theo nhân vật.

Nhiều phim hiện đại cũng được nhắc tới. Một mở đầu kiểu Marvel thể hiện chớp nháng các trang truyện tranh vắn tắt lấp đầy bối cảnh nền, và một nhân vật mặc vào bộ giáp gợi nhớ các phim Iron Man gần đây, rồi đột ngột đưa khán giả quay lại Transformers khi nhân vật biến thành xe tải.

Là ‘fan’ của loạt truyện tranh Nhật Neon Genesis Evangelion (1995), tác giả hơn cả phấn khích khi thấy rất nhiều chi tiết gợi nhớ bộ truyện mình yêu thích. Bài hát cuối phim Bad Jokes chắc chắn chuyển thể từ Komm, süsser Tod (Come, Sweet Death), một bài hát được chèn vào bộ phim hoạt hình The End of Evangelion năm 1997. Trong khi đó, bối cảnh "Absolute Terror Field" của Evangelion cũng được sử dụng trong Bad Jokes.

Người yêu thích phim hoạt hình sẽ còn tìm thấy nhiều tình tiết quen thuộc trong phim này, kể cả từ Satoshi Kon của Studio Ghibli, và ngay cả những truyện tranh gần đây hơn như loạt Fate. Nếu là ‘fan’ hoạt hình, còn rất nhiều thứ nữa để bạn thấy ngạc nhiên và tán thưởng Bad Jokes ở lần xem thứ nhì thậm chí thứ ba.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times