Tin tức

Phân loại R cho Demon Slayer ở Mỹ so với PG12 ở Nhật nhấn mạnh khác biệt quan điểm

06/05/2021

Đã thống trị phòng vé để trở thành phim có doanh thu cao nhất mọi thời của Nhật Bản, một phim chuyển thể từ loạt anime ăn khách Demon Slayer cuối cùng cũng hướng tới rạp Mỹ vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên có cái khó. Bộ phim đã được Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) phân loại R, nghĩa là bất cứ ai dưới 17 tuổi phải có người giám hộ trưởng thành đi cùng mới được xem phim này ở rạp Mỹ.

Kể về một kiếm sĩ thiếu niên chiến đấu với yêu quái trong nỗ lực cứu em gái đã bị biến thành yêu quái, bộ anime và truyện tranh Demon Slayer đã biến thành một cơn sốt toàn nước Nhật

Tin về phân loại R ở Mỹ, do “hình ảnh bạo lực và máu me”, theo MPA, đã gây ngạc nhiên ở Nhật Bản, nơi bộ phim bom tấn này nhận được phân loại nhẹ nhàng hơn và tìm được cho mình một lượng người hâm mộ khổng lồ gồm trẻ con ở mọi lứa tuổi.

Sự khác biệt trong quan điểm dành cho Demon Slayer là nhắc nhở mới nhất về việc nội dung anime có thể khá thoải mái tiếp cận trẻ em ở Nhật Bản không chừng lại chứa đựng những nhạy cảm về bạo lực, khỏa thân hay tội phạm dễ dàng khiến các bậc cha mẹ nước ngoài bất bình.

Không phải là nói cha mẹ Nhật Bản hoàn toàn dửng dung với liều lượng ghê rợn nặng nề đã gần như định nghĩa loạt phim ăn khách này — một số đã lên mạng xã hội bày tỏ nghi ngại với những cảnh đó. Nhưng sự nhập nhằng tương đối của hệ thống hướng dẫn cha mẹ của Nhật Bản đã khiến nhiều người phải chịu đựng — hoặc đơn giản thờ ơ với — việc con trẻ của họ tiếp xúc với những miêu tả bạo lực có tiềm năng gây sang chấn.

Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train hạ bệ tuyệt tác đoạt Oscar của Studio Ghibli Spirited Away lấy doanh thu gần 40 tỉ yen, dễ dàng đứng thứ nhất doanh thu trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản

Kể về một kiếm sĩ thiếu niên chiến đấu với yêu quái trong nỗ lực cứu em gái đã bị biến thành yêu quái, loạt truyện đã biến thành một cơn sốt toàn quốc. Phiên bản chuyển thể điện ảnh, phát hành năm ngoái với tựa Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train, đã hạ bệ tuyệt phẩm đoạt Oscar của Studio Ghibli Spirited Away lấy doanh thu phòng vé gần 40 tỉ yen tính tới giờ, dễ dàng lên vị trí số một trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản.

Việc chặt đầu ác quỷ của kiếm sĩ trẻ Tanjiro Kamado, và phần hồn tốt bụng của cậu vẫn tồn tại trong suốt bộ phim, khiến máu me và hành động giết người gần như là một phần không thể thiếu trong phim.

Không ngạc nhiên khi bộ phim có phân loại hơi khắt khe hơn các phim anime nổi tiếng khác trong quá khứ khi ra mắt ở Nhật Bản năm ngoái.

Người đi xem phim xếp hàng dưới biển quảng cáo phim Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba the Movie: Mugen Train ngoài rạp chiếu ở quận Shinjuku ở Tokyo vào tháng 10. Ở Mỹ bộ phim được phân loại R

Một tổ chức độc lập có tên Tổ chức Xếp hạng và Phân loại Phim, thường được gọi với tên Eirin trong tiếng Nhật, chịu trách nhiệm kiểm duyệt phim. Eirin phân loại Demon Slayer PG12, lưu ý cần “tư vấn và hướng dẫn” của phụ huynh cho khán giả dưới 12 tuổi.

Nhưng vì không bắt buộc cha mẹ “đi cùng”, các phim phân loại PG12, độ nghiêm ngặt thứ ba trong hệ thống phân loại bốn cấp của Eirin, trong thực tế cho phép mọi người xem, bất kể độ tuổi.

Khác biệt văn hóa

Việc bộ phim có phân loại R ở Mỹ có khả năng phản ánh nhận thức về thể loại gọi là chambara (đấu kiếm) hằn sâu trong văn hóa giải trí Nhật Bản, Tomoharu Ishikawa, giám đốc điều hành Eirin, nói.

Việc chặt đầu ác quỷ của kiếm sĩ trẻ Tanjiro Kamado, và phần hồn tốt bụng của cậu vẫn tồn tại trong suốt bộ phim, khiến máu me và hành động giết người gần như là một phần không thể thiếu trong phim

“Người Nhật đã quen miêu tả một người bị giết dưới lưỡi kiếm Nhật, nhưng khán giả nước ngoài có thể không quen và thấy nó tàn nhẫn,” Ishikawa nói.

Trong một cảnh mà một nhân viên phân loại của Eirin, Makoto Ozaki, nói có thể đã khiến các đồng nghiệp Mỹ đặc biệt thấy báo động, Tanjiro quyết định dùng kiếm liên tiếp tự đâm mình để đánh thức bản thân thoát khỏi nguy rơi vào trạng thái như mơ mà kẻ thù kéo cậu vào.

“Cảnh đó có thể đã được coi là bạo lực và không phù hợp với trẻ em hơn trong khi ở Nhật Bản nói chung chấp nhận” những miêu tả như vậy, Ozaki nói.

Khi được The Japan Times liên lạc, MPA nói họ không “bình luận chi tiết cụ thể của việc phân loại từng phim.”

Người Nhật đã quen miêu tả một người bị giết dưới lưỡi kiếm Nhật, nhưng khán giả nước ngoài có thể không quen và thấy nó tàn nhẫn

Ngoài PG12, Eirin có ba cấp phân loại khác: G (khán giả nói chung); R15+ (chỉ cho những người 15 tuổi trở lên); và R18+ (chỉ cho những người 18 tuổi trở lên). Dù cách xa phân loại R của Mỹ — chỉ đứng sau hạng khắt khe nhất của MPA NC-17, cấm mọi khán giả từ 17 tuổi trở xuống đi xem — PG12 vẫn là một phân loại khá nghiêm ngặt cho một phim anime mà trẻ em khá quen thuộc. Những bom tấn thân thiện với khán giả trẻ trong quá khứ, như Spirited Away, FrozenYour Name, đều được phân loại G ở Nhật Bản, đưa chúng đến với lượng khán giả rộng lớn gồm cả gia đình.

Mức độ phổ biến của phân loại G đã khiến nhiều công ty sản xuất và phân phối thương thảo với Eirin để xin phân loại G, và phim Demon Slayer cũng không phải là ngoại lệ.

“Chúng tôi đã có rất nhiều thảo luận qua lại với (công ty sản xuất phim) trước khi quyết định PG12,” Ozaki nói. “Nhận định của chúng tôi là ý tưởng giết và chặt đầu yêu quái là trọng tâm thể hiện của phim, chúng tôi không còn lựa chọn nào ngoài việc xếp bộ phim có phân loại PG12.”

Eirin phân loại Demon Slayer PG12, lưu ý cần “tư vấn và hướng dẫn” của phụ huynh cho khán giả dưới 12 tuổi

Các công ty giải trí Aniplex của America và Funimation, đang đồng phân phối bộ phim cho khán giả Bắc Mỹ, đều từ chối bình luận về phân loại R, kể cả họ nghĩ phân loại này sẽ ảnh hưởng thế nào tới doanh thu phòng vé.

Nội dung người lớn trong anime

Demon Slayer không hẳn là phim anime Nhật Bản đầu tiên được phân loại R nghiêm ngặt ở Mỹ. Phim gay cấn tâm lý khoa học-giả tưởng năm 2006 Paprika và phim giả tưởng hành động chủ đề yakuza năm 2006 Tekkonkinkreet đều được phân loại G ở Nhật Bản nhưng phân loại R khi phát hành tại Mỹ lần lượt do “hình ảnh bạo lực gợi cảm” và “các hình ảnh bạo lực và gây bất an, và cảnh tình dục ngắn.”

Kể cả ở Nhật Bản, phim anime có thể có phân loại cao hơn, một trong những ví dụ gần nhất là phim giả tưởng đen tối năm 2020 Made in Abyss: Dawn of the Deep Soul, được Eirin phân loại R15+ do “miêu tả bạo hành tàn nhẫn, trong đó có chặt tay chân trẻ em.”

Tekkonkinkreet được phân loại G ở Nhật Bản nhưng phân loại R khi phát hành tại Mỹ do “các hình ảnh bạo lực và gây bất an, và cảnh tình dục ngắn”

Nhưng đôi khi, lằn ranh giữa các phim, như những phim phân loại PG12 và những phim được phân loại R15+ mờ nhạt đi, đưa ra những câu hỏi về tính chính đáng của mỗi phân loại.

Một trong những phim anime gây tranh cãi gần đây được Eirin xem xét là phim kinh dị sinh tồn The Island of Giant Insects năm 2019, câu chuyện về một nhóm thiếu niên đi dã ngoại với trường bị bỏ lại trên đảo hoang toàn những côn trùng khổng lồ ăn thịt người.

Trong phim, các cô gái tuổi thiếu niên được miêu tả không mặc áo và cũng được cho thấy trong các cảnh riêng bị một đàn côn trùng mới sinh ăn thịt trong khi đang trần truồng và tham gia vào những hành động tình tứ thân mật trong khi tắm biển. Eirin, tuy thừa nhận bộ phim có “một số mô tả tàn bạo và biểu hiện gợi cảm” lại phân loại phim PG12, tương đương với Demon Slayer.

Phim giả tưởng đen tối năm 2020 Made in Abyss: Dawn of the Deep Soul được Eirin phân loại R15+ do “miêu tả bạo hành tàn nhẫn, trong đó có chặt tay chân trẻ em”

Nhưng kết quả tương tự sẽ gần như khó nghĩ tới ở Mỹ, theo nhà phê bình phim làm việc tại Los Angeles Yuki Saruwatari, nói một phim với cảnh khỏa thân lộ liễu ngập tràn như vậy “chắc chắn sẽ được phân loại R” nếu được phát hành ở Mỹ.

Hàng loạt khác biệt giữa Nhật Bản và Mỹ trong phân loại phim nhấn mạnh cách nhìn khác nhau cơ bản của họ về độ trưởng thành của nội dung trong phim hoạt hình, Saruwatari nói.

“Ở Mỹ, phim hoạt hình, cụ thể là những phim do Disney và Pixar làm, về cơ bản được tiếp thị hướng tới trẻ em và chúng cần được gia đình thưởng thức trước tiên và trên hết,” bà nói. Với một số ngoại lệ của những bộ phim thô tục, châm biếm được thiết kế riêng cho khán giả trưởng thành — chẳng hạn như phim hài Sausage Party năm 2016 — việc phim hoạt hình Mỹ bị xếp loại R là điều gần như không thể tưởng tượng nổi,” bà nói.

The Island of Giant Insects năm 2019 với cảnh khỏa thân lộ liễu ngập tràn như vậy “chắc chắn sẽ được phân loại R” nếu được phát hành ở Mỹ

Theo nghĩa này, những miêu tả các cô gái trẻ tính dục cao đôi khi xuất hiện trong anime Nhật Bản, đặc biệt là những phim dường như được lấy cảm hứng từ những tưởng tượng của nam giới, “có thể sẽ bị khán giả ở Mỹ phản đối mạnh mẽ,” Saruwatari nói.

Sự thờ ơ từ phụ huynh

Thêm vào khoảng cách quan điểm này là việc hướng dẫn của phụ huynh được nhìn nhận nghiêm túc hơn ở Mỹ.

Cuộc điều tra năm 2018 với 1.559 phụ huynh Mỹ có con trong độ tuổi từ 7 đến 16 — do công ty dữ liệu Nielsen thay mặt MPA thực hiện — cho thấy 91% hoặc “cực kỳ” hoặc “rất” quen thuộc với hệ thống phân loại, trong khi 95% đồng ý phân loại là công cụ có ích.

Phim gay cấn tâm lý khoa học-giả tưởng năm 2006 Paprika phân loại R khi phát hành tại Mỹ do “hình ảnh bạo lực gợi cảm”

Cuộc bình chọn cũng cho thấy họ rất quan tâm hình ảnh của một loạt chi tiết người lớn trong phim ảnh, với 79%, 69% và 67% hoặc “cực kỳ” hoặc “rất” nghi ngại đối với các cảnh miêu tả tình dục, khỏa thân toàn bộ của nam và nữ giới, theo thứ tự tương ứng.

Tuy nhiên, ở Nhật Bản, mối quan tâm tương tự của phụ huynh đối với phân loại phim có thể nói là không hề có. Hơn nữa, quan điểm phụ huynh không được Eirin coi trọng như MPA, với hội đồng phân loại gồm những nhân viên phân loại bản thân là cha mẹ. Ở Eirin, kinh nghiệm phụ huynh không phải là điều kiện tiên quyết để thành người phân loại. Hội đồng phân loại Nhật Bản cũng nói họ không thực hiện các cuộc điều tra lớn nào để đo lường mức độ nhận thức của công chúng về hệ thống phân loại của họ.

Mami Hosoya, một bà mẹ Tokyo có con gái 11 và 7 tuổi, nói cô không hề biết phân loại phim ở Nhật Bản có ý nghĩa gì. Cô cũng không nghiên cứu bộ hay phim lẻ anime trước khi để con mình xem.

Ở Nhật Bản, mối quan tâm của phụ huynh đối với phân loại phim có thể nói là không hề có

Hai con gái cô đều là người hâm mộ cuồng nhiệt Demon Slayer và đã xem cả phim truyền hình anime và phim lẻ. Tuy nhiên, Hosoya, nói cô không mảy may lo việc chúng tiếp xúc với những cảnh đổ máu đầy rẫy trong thiên truyện.

“Nội dung phim đâu chỉ về con người bị giết hay yêu quái bị chặt đầu. Những thể hiện đó chỉ là một phần nội dung bộ phim, nên tôi không để tâm lắm,” Hosoya, 38 tuổi, nói.

Quan điểm tương tự cũng đến từ Sachie Komatsu 44 tuổi, có con trai 7 tuổi và con gái 2 tuổi cũng đã xem hết các tập anime.

Nhiều phụ huynh Nhật không mảy may lo việc trẻ con tiếp xúc với những cảnh đổ máu đầy rẫy trong thiên truyện

“Tôi hơi choáng với tập đầu,” Komatsu nói, nhắc đến cảnh khi Tanjiro về nhà và phát hiện toàn bộ gia đình — trừ em gái Nezuko — đã bị sát hại dã man bởi một con yêu quái thân hình nhuốm máu.

“Nhưng điều đó không ngăn cản tôi cho các con tôi xem. Khi câu chuyện tiếp tục, bạn nhận ra những con yêu quái đó có quá khứ bi thảm của riêng chúng hoặc một chút khía cạnh nhân tính, điều này khá cảm động. Con trai tôi cũng cảm thấy như vậy,” cô nói.

Komatsu nói, cho đến nay, các con cô không có biểu hiện gì là bị sang chấn hoặc bị ảnh hưởng bởi bạo lực được mô tả trong phim. Nhưng cụ thể thì, cô nhận thấy con trai bắt đầu cư xử giống Tanjiro hơn.

Mức độ phổ biến của phân loại G đã khiến nhiều công ty sản xuất và phân phối thương thảo với Eirin để xin phân loại G, và Demon Slayer cũng không phải là ngoại lệ

“Nó cõng em gái trên lưng và chạy quanh nhà. Giờ nó hay nói 'Mình cần bảo vệ em gái và gia đình mình' hơn, cô nói. “Nên tôi đoán có thể thằng bé chịu ảnh hưởng từ bộ phim, nhưng theo một cách tốt.”

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Japan Times