Cùng với việc các câu chuyện về sinh tử là các chủ đề phổ biến trong
phim, những ai làm việc trong các ngành nghề liên quan đến cái chết đều
khơi gợi sự tò mò của mọi người. Khi phim Nhật
Okuribito ra mắt
năm 2008 và rốt cuộc thắng giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại
giải Oscar lần thứ 81 năm 2009, cách phim nhẹ nhàng lật giở nghề nghiệp
của một người chỉnh trang cho xác chết và cách anh chứng kiến những câu
chuyện tình ấm lòng sau mỗi cái xác lạnh khiến phim trở nên rất nhân
bản, xóa đi sự ghê tởm thường thấy đối với nghề làm việc cùng xác chết.
Giờ một đạo diễn Trung Quốc cũng đang thử sức trong lĩnh vực này.
The Cremator,
sản xuất năm 2012, đã được chiếu ở một số liên hoan phim quốc tế, trong
đó có Liên hoan phim quốc tế Toronto lần thứ 37, và hiện đang chiếu ở
Trung Quốc. Là một tác phẩm kinh phí thấp với khoảng một triệu nhân dân
tệ (chưa đến 161.000 USD), phim độc lập này không bước vào các rạp giải
trí mà chỉ được chiếu ở một số khu nghệ thuật.
Poster phim
Có chủ đề hiếm thấy trong các phim điện ảnh và tài liệu Trung Quốc, bộ
phim không chỉ làm dấy lên sự hứng thú của khán giả nước ngoài mà còn
của khán giả Trung Quốc về nghề này và những người liên quan. “Họ ở tận
cùng xã hội. Tình cảnh của họ còn tệ hơn của các công nhân nhập cư vì
nhiều người khinh nghề của họ [là bị nguyền rủa] và nghĩ họ cũng [xúi
quẩy] như vậy,” Bành Thao, đạo diễn phim
The Cremator, cho biết.
“Họ
ở đâu cũng không được chú ý, người ta chẳng bao giờ nghĩ đến việc mời
họ đi tiệc hay hỉ sự,” ông nói. “Tôi muốn người ta chú ý hơn đến nhóm
người này thông qua phim.”
Khổ cực tột cùngÝ tưởng
quay phim này của đạo diễn Bành được khơi cảm hứng từ một bài báo về
“âm hôn”, một tục lệ Trung Quốc ở những vùng như tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây
và Hà Nam, nối duyên cho hai người chết mà chưa lập gia đình khi còn
sống. Phần lớn trong số họ đều đoản mệnh và chết vì tai nạn giao thông,
và gia đình họ không muốn họ đơn chiếc ở thế giới bên kia, họ có một
phối ngẫu đã qua đời.
Trong phim, một người đàn ông tên Lưu Thao
làm việc trong một nhà xác ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây; để kiếm thêm chút
tiền, ông giúp các gia đình sắp xếp các cuộc “phối hôn” này. Tuy nhiên,
khi về già, ông cũng muốn tìm một người bạn đời lúc ra đi như thế cho
chính mình. Ông tự cảm thán, “Tôi làm nghề này ai mà muốn lấy chứ?”
Một cảnh trong phim
Một ngày nọ, thi thể vô hồn của một cô gái trẻ đẹp chết đuối được đưa
đến nhà xác. Khi không ai đến nhận xác, Lưu Thao bí mật giữ xác và tự tổ
chức một lễ cưới giả cho mình.
Sau đó, em gái của người chết, A
Chu, đến nhà xác tìm xác chị. Lưu Thao nói dối, bảo rằng ông không nhớ
có xác cô gái trẻ nào được mang đến đây.
Khi câu chuyện tiến
triển, tình cảnh khốn khổ của Lưu Thao và A Chu bắt đầu liên quan đến
nhau và cuối cùng xoắn vào đến mức một mối quan hệ gia quyến được phát
triển. Nhưng sự gần gũi này không làm giảm nhẹ nỗi đau của họ.
Ví
dụ, Lưu Thao vô tình gặp A Chu ở nhà thổ khi họ bị bắt. Lưu Thao phải
dùng tiền chắt chiu của mình để bảo lãnh cả hai người ra. Rồi ông mắc
bệnh hiểm nghèo và nói cho A Chu nghe sự thực về cái chết của chị cô.
Ông cho A Chu toàn bộ số tiền còn lại của mình và bảo cô về nhà.
Nhân vật A Chu
Nhưng cô không đi. Hy vọng chữa trị được cho Lưu Thao, A Chu đồng ý ‘làm
mai’ người chị đã chết với một người đàn ông khác trong một cuộc “âm
hôn”. Cô nhận được 10.000 tệ khi “bán” chị mình, nhưng khi quay lại bệnh
viện cô thấy Lưu Thao đã ra đi vĩnh viễn.
Không chỉ là một bi kịch lớnKhông
có nhạc nền và sử dụng cách quay bằng máy cầm tay, phim nhìn giống như
một phim tài liệu. “Tôi đã đi thăm nhiều nhà xác trước khi quay phim, và
những người tôi gặp có cuộc sống còn khổ hơn những gì được miêu tả trên
phim,” đạo diễn Bành nói với
Global Times.
“Họ đã quen
sống với cái cực khổ vận vào mình mà không nghĩ nhiều đến sinh tử. Có
thể đó là bản chất của người Trung Quốc,” ông nói thêm.
Đạo diễn Bành Thao
Trong khi đạo diễn Bành cố gắng làm khán giả xúc động bằng những suy
nghĩ của mình về người Trung Quốc sống dưới đáy xã hội, những người khác
có góc nhìn khác nhau. “Phim nói chung là tốt, phản ảnh được sự quan
tâm và thái độ của đạo diễn với lớp người này, nhưng thiếu góc nhìn đa
chiều,” Đông Hiểu Phong, phó giáo sư ở Viện Mỹ thuật Trung tâm cho biết.
“Những người sống dưới đáy xã hội cũng có lúc vui cười… Để thể hiện
cuộc sống đắng cay của họ không chỉ dựa vào sự miêu tả sự khổ cực của
họ, mà phải là sự phơi bày tròn vẹn và đa chiều về tính cách và cuộc
sống của họ,” ông nói với
Global Times.
“Đây là một câu
chuyện hoàn toàn đau thương, nhưng không phải là bi kịch lớn có thể chạm
lòng người và gợi nên suy nghĩ,” ông nói thêm.
Ý tưởng sai lầmBắt đầu có danh tiếng năm 2007, đạo diễn Bành Thao được biết đến trong giới với phim độc lập đầu tiên của mình
Little Moth / Huyết thiền, xuất hiện ở một số liên hoan phim quốc tế năm đó. Là một phim khác về người sống dưới đáy xã hội,
Huyết thiền chú trọng vào trẻ em khuyết tật bị gia đình bỏ rơi, và rơi vào tay bọn xấu bắt các em ăn xin kiếm tiền trên đường.
Poster Huyết thiền
Không chỉ Bành Thao mà nhiều nhà làm phim độc lập khác cũng chọn những
chủ đề như thế cho phim của mình. Theo đạo diễn Bành, phần lớn là vì
quay phim về các chủ đề như thế ít tốn kém do đó căn bản là thực trạng
xã hội.
Tuy nhiên, một yếu tố không nên bị thờ ơ là những phim
này đều có giải ở các liên hoan phim quốc tế, vì người nước khác muốn
biết nhiều hơn về một Trung Quốc đang biến đổi nhanh.
“Thực sự
thì Trung Quốc hiện nay phức tạp hơn những gì phim phản ánh rất nhiều,
và con người sống ở đó cũng vậy. Không đơn giản định nghĩa đó là tốt hay
xấu được,” giáo sư Đông nói.
“Giờ phần lớn các phim độc lập ở
Trung Quốc có vẻ đều sa vào ý tưởng sai lầm rằng chỉ thể hiện sự cay
đắng của người dưới đáy xã hội là có thể phản ánh nỗi đau của họ và làm
dấy lên quan tâm của mọi người,” ông nói thêm.
Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi