Tin tức

Phim Hàn DongjuSpirits' Homecoming theo dấu những nạn nhân thời Nhật Bản đô hộ

29/02/2016

Tiếp nối thành công ‘khủng’ của bộ phim hành động Assassination năm ngoái xoay quanh các chiến sĩ giành độc lập Hàn Quốc trong thời Nhật Bản đô hộ (1910-1945), điện ảnh Hàn chứng kiến thêm nhiều phim đề cập đến thời kỳ này.

Có hai phim lấy bối cảnh thập niên 1930 và 1940 ra rạp ― Dongju: The Portrait of a PoetSpirits' Homecoming.

Bài thơ yêu nước sống động trong bộ phim đơn sắc Dongju

Nam diễn viên Kang Ha Neul trong vai nhà thơ Yun Dong Ju

Đạo diễn Lee Joon Ik, nổi tiếng với những phim thành công như King and the Clown (2005) và The Throne (2015), giới thiệu bộ phim kinh phí thấp Dongju: The Portrait of a Poet.

Phim khắc họa nhà thơ yêu nước Yun Dong Ju (1917-1945), được đánh giá cao trong lịch sử Hàn vì những bài thơ phản kháng khi đất nước này bị Nhật Bản chiếm đóng. Tuy bị cầm tù vì bị kết tội tham gia phong trào độc lập và chết trong nhà tù ở Nhật, Yun Dong Ju vẫn sống trong tim của người Hàn Quốc qua những bài thơ của anh.

Dựa theo hồi ký về Yun Dong Ju do thân hữu của anh viết, phim miêu tả cuộc đời của Yun từ lúc học trung học đến những năm tháng cuối cùng, chỉ bằng hai màu đen trắng.

Đạo diễn nói ông "không ngần ngừ trong việc làm phim đen trắng ngay từ đầu."

"Tôi đã quay phim đen trắng như nhiều người Hàn Quốc vẫn còn nhớ nhà thơ qua những bức ảnh đen trắng của anh. Và quan trọng hơn đây là cách duy nhất để tiết kiệm chi phí sản xuất. Sẽ tốn hơn 10 tỉ won nếu quay phim màu," Lee nói với các phóng viên tại buổi họp báo tháng trước. Kinh phí sản xuất Dongju tổng cộng là 600 triệu won (495.600 đôla).

Trong 110 phút phim, Dongju tập trung vào việc Yun Dong Ju dành cuộc đời ngắn ngủi của mình để viết lên những bài thơ bày tỏ nỗi thống khổ của một nạn nhân thuộc địa.

Phim còn làm sáng tỏ về Song Mong Gyu, anh họ của Yun cũng chết trong tù năm 1945, 23 ngày sau khi Yun chết. Tuy Song Mong Gyu không để lại di sản đáng kể trong lịch sử Hàn Quốc, anh được miêu tả là người có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của Yun Dong Ju. Kang Ha Neul thể hiện vai diễn nhà thơ Yun có phần nhút nhát và cô độc trong khi Park Jung Min vào vai Song Mong Gyu.

Nô lệ tình dục trong Spirits' Homecoming

Trong khi Dongju miêu tả nỗi đau khổ của giới trí thức trong thời kỳ đô hộ, Spirits' Homecoming phơi bày hiện thực tăm tối của những cô gái mới lớn bị buộc phải trở thành nô lệ tình dục cho lính Nhật trong Thế chiến thứ II.

Phim do đạo diễn độc lập Cho Jung Rae chỉ đạo, từ năm 2002 ông đã làm việc tình nguyện cho nhà mở dành cho các nạn nhân nô lệ tình dục thời chiến tranh.

Tuy vất vả tìm nhà tài trợ, bộ phim đã hoàn thành nhờ 75.270 nhà đầu tư nhỏ, hầu hết là công dân bình thường. Vì bộ phim được đón nhận nhiệt liệt khi chiếu ra mắt cả ở Hàn Quốc lẫn nước ngoài, cuối cùng phim đã được phát hành rộng rãi từ ngày 24/2.

Đạo diễn bộ phim cho biết ông đưa vấn đề này lên màn ảnh sau khi xem bức vẽ của Kang Il Chul miêu tả lính Nhật đẩy các nô lệ tình dục trẻ xuống hố thiêu.

"Đó là chính là cảnh bắt đầu phim. Theo lời khai của các nạn nhân, khoảng 200.000 phụ nữ đã bị buộc làm việc trong nhà thổ phục vụ quân đội Nhật và hầu hết không trở về," đạo diễn Cho nói với các phóng viên sau buổi chiếu cho báo chí tại rạp Dongdaemun, đông Seoul, hôm 4/2.

Spirits' Homecoming xoay quanh cô bé Jung Min (Kang Ha Na, ảnh trên, giữa) 14 tuổi và các bạn trang lứa của cô bị buộc làm nô lệ tình dục năm 1943.

Cho Jung Rae làm phim này với hy vọng cứu rỗi linh hồn của những nạn nhân đã chết. "Tuổi trung bình của những cô gái này là 16. Thật đau đớn cho họ. Đây là lúc chúng ta hãy cứu lấy những linh hồn của những con người đã bị thiệt mạng này," ông nói.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea Times