Tin tức

Phim võ hiệp còn nhưng giang hồ biến mất

13/08/2023

Từ Thủy hử đến Ngọa hổ tàng long, “giang hồ” là bối cảnh của một số tác phẩm hư cấu và kỳ ảo được yêu thích nhất của Trung Quốc. Nhưng có còn ai quan tâm đến “giang hồ” không?

Một cảnh từ phim bộ trực tuyến Tuyết trung hãn đao hành năm 2021 có 7 tỉ lượt xem

Phim bộ võ thuật, thể loại mà tiếng Trung Quốc gọi là kiếm hiệp, là một phần quan trọng trong thời thơ ấu của người viết. Hồi còn rất nhỏ, người viết và cha mình đã nài nỉ mẹ để được xem những phim bộ võ hiệp mới nhất do Hồng Kông sản xuất thay vì những phim bộ Đài Loan ưa thích của bà. Những giấc mơ ban ngày của người viết tràn ngập cảnh các cao thủ thực hiện những pha phi thân nguy hiểm, chạy lên tường và phóng mình từ mái hiên các tòa nhà khi họ chiến đấu vì công lý trong lãnh địa bán thần thoại được gọi là giang hồ.

Nhìn lại, những ký ức này dường như là những mảnh vỡ của một thế giới không còn tồn tại. Phim võ hiệp không chết, dù đôi khi tưởng là vậy. Nhiều thập kỷ nay, các nhà văn trẻ đã cố gắng và thất bại trong việc nối gót những người vĩ đại đã định hình thời kỳ hoàng kim của thể loại này hồi giữa thế kỷ 20, các tác giả như Kim Dung, Cổ Long và Lương Vũ Sinh. Nhưng vài năm gần đây đã chứng kiến thời kỳ phục hưng của kiếm hiệp nhờ vào sự phát triển như vũ bão của văn học trực tuyến, và một số tiểu thuyết trực tuyến nổi tiếng có thể được xếp vào thể loại kiếm hiệp hoặc liền kề với võ hiệp.

Một cảnh trong phim bộ truyền hình Lộc đỉnh ký năm 1998, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Kim Dung

Nhưng trong khi những tiểu thuyết này — và những phim bộ truyền hình chuyển thể mà chúng tạo ra — chứa đầy khúc mắc thậm chí còn nhiều hơn những cuốn sách mà người viết đã đọc từ nhỏ, chúng cũng mang lại cảm giác khác biệt. Có lẽ bởi vì, võ hiệp thì vẫn còn sống nhưng giang hồ đang chết.

Giang hồ — nghĩa đen là “sông và hồ” — hàng bao thế kỷ đã được sử dụng để miêu tả lãnh địa của các giang hồ hiệp sĩ Trung Quốc. Trong các tiểu thuyết “hiệp khách” thời Đường (618-907), thuật ngữ này dùng để chỉ thế giới đời thường: là những con đường nhỏ và những con đường mòn cho những người hành hiệp trượng nghĩa có thể tạo nên tên tuổi cho mình.

Đến thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1912), giang hồ đã phát triển thành miền tây hoang dã của Trung Quốc, một đối trọng vô pháp vô thiên nhưng cao quý trước cung đình thối nát của đế chế. Trong thế kỷ trước, các nhà văn như Kim Dung đã phát triển giang hồ thành một vũ trụ thay thế, một vũ trụ trong đó triều đình mờ dần vào hậu cảnh dành chỗ cho những người hành hiệp giúp đỡ bá tánh.

Cảnh trong phim bộ Tiếu ngạo giang hồ của TVB Hồng Kông năm 1984 với Châu Nhuận Phát (trái) trong vai Lệnh Hồ Xung

Giang hồ khác xa địa đàng không tưởng lãng mạn. Nó cũng đầy rẫy tranh giành quyền lực, thao túng và thường là các phe phái có thứ bậc cứng nhắc. Nhưng đặc trưng của giang hồ là tính mở. Đây là nơi dành cho đủ loại nhân vật lập dị, từ chính nhân quân tử đến bậc hiền mẫu cũng là những kẻ giết người tàn nhẫn.

Những nhân vật này thường đưa ra những bình luận châm biếm về luật lệ, thứ bậc và cấu trúc quyền lực của thế giới thực. Ví dụ, nhân vật chính của một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Kim Dung, Lộc đỉnh ký, sinh ra trong nhà thổ, không giỏi giang gì, kỹ năng duy nhất là chạy nhanh. Nhưng anh ta có thể lừa vua, cao nhân giang hồ và giới quan lại cho đến khi anh ta bất ngờ trở thành một quan chức cấp cao trong triều đình.

Các phim bộ chuyển thể trước đây thường đưa tinh thần này đi xa hơn. Trong Tiếu ngạo giang hồ của Kim Dung, nam chính Lệnh Hồ Xung chất vấn xu hướng tính dục của mình sau khi gặp gỡ với Đông Phương Bất Bại ái nam ái nữ. Cho rằng võ hiệp được coi là một trong những thể loại văn học “nam tính” nhất, việc đưa chủ đề LGBT vào phim chuyển thể có vẻ gây ngạc nhiên, nhưng sự đảo ngược các chuẩn mực chính thống này hoàn toàn phù hợp với bản chất phóng khoáng, phá niêm luật của giang hồ.

Cảnh trong phim bộ Khánh dư niên năm 2019 được xem hơn 20 tỉ lượt

Mặc dù kiếm hiệp đã giảm độ phổ biến vào khoảng đầu thiên niên kỷ, nhưng sự lên ngôi của văn học trực tuyến và các tác phẩm chuyển thể truyền hình từ đó đã thổi luồng sinh khí mới vào thể loại từng lụi tàn này. Xem ra khán giả trẻ tuổi bị thu hút bởi cốt truyện phức tạp và giá trị thuyết phục của bộ phim. Cả Lang Nha Bảng năm 2015 và Khánh dư niên năm 2019 đều được xem hơn 20 tỉ lượt. Tuy Tuyết trung hãn đao hành năm 2021 không đạt được thành công tương tự nhưng vẫn có 7 tỉ lượt xem, trở thành một trong những chương trình ăn khách nhất của năm.

Nhưng bất cứ khi nào xem những phim bộ nổi tiếng đại chúng này, người viết không thể không tự hỏi: giang hồ đâu?

Chính thể chế mà giang hồ từng tự xác định phải chống lại — triều đình — giờ chiếm vị trí trung tâm, với một số âm mưu thậm chí chỉ diễn ra sau cánh cửa đóng kín trong cung cấm. Nhân vật chính của những câu chuyện này không phải là thường dân đang vật lộn trong một thế giới hỗn loạn, mà là con cái của tướng lĩnh, hoàng thân quốc thích hoặc quan thượng thư. Thay vì tự do hành tẩu giang hồ, họ xúi giục tranh giành quyền lực và âm mưu tại triều đình. Trong Lang Nha Bảng, người hùng Mai Trường Tô là thủ lĩnh môn phái giang hồ lớn nhất, nhưng anh chủ yếu sử dụng địa vị của mình như một vũ khí để trả thù và giúp một hoàng đế mới lên ngôi.

Một cảnh trong phim truyền hình Lang Nha Bảng năm 2015. Người hùng Mai Trường Tô là thủ lĩnh môn phái giang hồ lớn nhất, nhưng anh chủ yếu sử dụng địa vị của mình như một vũ khí để trả thù và giúp một hoàng đế mới lên ngôi

Võ công vẫn quan trọng, và các nhân vật chính của những phim bộ này vẫn thể hiện đủ loại cung bậc chống đối các biểu tượng quyền lực. Nhưng họ chỉ có thể thể hiện được thái độ của mình nhờ có sự hỗ trợ dồi dào của danh môn vọng tộc, và thành công cuối cùng của họ được đánh giá bằng khả năng vươn lên các vị trí quyền lực.

Ở chừng mực nào đó, đây có thể được coi là một cách tiếp cận võ hiệp “thực tế” hơn. Ngày nay, khó có thể tưởng tượng được một thế giới trong đó những nhân vật bên lề như kẻ lang thang và đứa trẻ đường phố có thể trở thành anh hùng. Hiệp khách thế thiên hành đạo, những trải nghiệm đa dạng mà anh ta có được trên đường hành hiệp và những quái nhân mà anh gặp không phù hợp với khán giả đương đại.

Điều người xem muốn là chủ nghĩa thoát ly thực tế: một thể loại câu chuyện thành công họ có thể tin tưởng vào nhân vật chính có cái đầu lạnh sẽ luôn chiếm thế thượng phong trong các cuộc đấu tranh chính trị phức tạp nhờ trí tuệ bẩm sinh và mối quan hệ mạnh mẽ của họ

Điều người xem muốn là chủ nghĩa thoát ly thực tế: một thể loại câu chuyện thành công họ có thể tin tưởng vào nhân vật chính có cái đầu lạnh sẽ luôn chiếm thế thượng phong trong các cuộc đấu tranh chính trị phức tạp nhờ trí tuệ bẩm sinh và mối quan hệ mạnh mẽ của họ. Họ sẽ cảm thấy thích thú xem quá trình chiến thắng của một nhân vật có xuất thân tốt hơn là thấy một kẻ dưới cơ kiên trì lật ngược hoàn cảnh. Sự hỗn loạn, nguy hiểm và phi lý trong giang hồ của Kim Dung không còn được quan tâm nữa — điều thực sự quyến rũ người xem là suy nghĩ vươn lên trên thang thứ bậc và nắm giữ quyền lực trong một xã hội có trật tự, phân tầng cao.

Sức hấp dẫn của giang hồ từng nằm ở những khả năng vô tận mà nó mang lại. Mọi người đều có thể đi theo con đường của riêng mình. Bằng cách đánh đổi tính cá nhân của giang hồ lấy sự phù hợp chốn triều đình, các nhà văn đã làm giảm khí chất nhân vật của họ cũng như của thể loại kiếm hiệp nói chung.

Bằng cách đánh đổi tính cá nhân của người trong giang hồ lấy sự phù hợp chốn triều đình, các nhà văn đã làm giảm khí chất nhân vật của họ cũng như của thể loại kiếm hiệp nói chung

Tiểu thuyết cận đại Thủy Hử — được cho là một trong những tác phẩm tiền thân có ảnh hưởng nhất của tiểu thuyết kiếm hiệp — kết thúc với việc thủ lĩnh Tống Giang cuối cùng chọn quy phục và trở lại triều đình. Đó là phép ẩn dụ phù hợp cho số phận của võ hiệp hiện đại, khi những kẻ ngoại đạo lập dị của thể loại này lui về chốn triều ca — và đóng cửa với những vùng đất hoang dã bên ngoài.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone