Tin tức

Phim võ hiệp hay nhất của Trương Nghệ Mưu là Vô ảnhHoàng kim giáp

03/11/2021

Hero Thập diện mai phục là những phim võ hiệp nổi tiếng nhất của Trương Nghệ Mưu, nhưng không phải là phim hay nhất. Thành tựu lớn nhất trong thể loại võ hiệp của vị đạo diễn Trung Quốc này nằm ở hai phim khác.

Hoàng kim giáp (2006)

Hai phim võ hiệp đầu tiên của đạo diễn Trương, Hero Thập diện mai phục bị chỉ trích ở Trung Quốc Đại lục vì giả tạo, nên ông quyết định làm bộ phim Hoàng kim giáp (Curse of the Golden Flower) năm 2006 đặt nặng vào nội dung.

Châu Nhuận Phát trong Hoàng kim giáp, bộ phim năm 2006 của Trương Nghệ Mưu và cũng là một trong những phim võ hiệp hay nhất của ông

Cốt truyện phim dựa trên vở kịch kinh điển Lôi vũ năm 1934 của Tào Ngu, kể câu chuyện một gia đình quyền thế loạn luân, độc tài và tham nhũng những năm 1930. Đạo diễn Trương quyết định lùi câu chuyện này về thời hậu Đường (932-937 trước Công nguyên), một thời đại phồn vinh ở Trung Quốc — cũng là thời đầy nhiễu loạn và thối nát sau giai đoạn đầu ổn định của triều đại.

Hoàng kim giáp khác với hai phim “hành động” trước đó của đạo diễn Trương, và Vô ảnh / Shadow sau này, vì gần với phim cung đấu và chiến tranh hơn là võ hiệp.

Tuy nhiên, những cảnh võ thuật, do bậc thầy Hồng Kông Trình Tiểu Đông chỉ đạo, được trình diễn tuyệt hảo, và những cảnh hành động — kỳ ảo hơn là thực tế — hòa quyện hoàn hảo với kịch tính.

Củng Lợi vào vai Hoàng hậu của Đại vương (Châu Nhuận Phát), đang đầu độc bà. Hoàng hậu ngoại tình với con chồng, và âm mưu làm phản của nhị hoàng tử (Châu Kiệt Luân), bày ra cảnh lừa dối, thảm họa và chết chóc.

Củng Lợi trong vai hoàng hậu

Biên đạo võ thuật Trình Tiểu Đông, nổi tiếng qua những phim cộng tác với đạo diễn Từ Khắc, thành công trong việc đưa dấu ấn của mình vào phim của đạo diễn Trương.

Ví dụ cấm vệ quân, là những chiến binh như ninja đi xuyên không khí như những nhân vật trong Kiếm khách II hay Tiếu ngạo giang hồ: Phong vân tái khởi, cả hai đều do Trình Tiểu Đông chỉ đạo và Từ Khắc sản xuất.

Trong khi đó, Châu Nhuận Phát, vung kiếm khoa trương hơn trong Ngọa hổ tàng long sáu năm về trước. Trình Tiểu Đông cũng chỉ đạo một cảnh đại chiến — một cuộc thảm sát — chủ yếu sử dụng CGI.

“Trình Tiểu Đông và tôi đã hợp tác trong nhiều dự án,” Trương Nghệ Mưu nói trong phần ghi chú của phim, đề cập đến tác phẩm Thập diện mai phụcHero của họ, và vai chính của Trương trong phim A Terracotta Warrior năm 1989 do Trình Tiểu Đông làm đạo diễn.

Nhị hoàng tử (Châu Kiệt Luân) dẫn dắt cuộc chính biến

“Thiết kế hành động của anh ấy xuất sắc trong phân cảnh chiến đấu có hàng nghìn chiến binh, mặc giáp vàng, tấn công cung điện. Cảnh quan trọng này là một trong những phần yêu thích của tôi. Trong đoạn này, giữa các hoạt động lễ hội, những bí mật xấu xa của hoàng gia đang được làm sáng tỏ.”

Ngoài ra còn có một số cách sử dụng vũ khí truyền thống khá thú vị — ví dụ, quan ngự y sử dụng nguyệt nha sản, một vũ khí hiếm.

Các bộ giáp vàng được trang trí công phu và các bộ trang phục, được thiết kế để phản ánh trang phục triều đình của Louis XIV, “Nhật Đế” của Pháp, đã suy tàn. Một số người chỉ trích những bộ váy cắt xẻ sâu của phụ nữ — điều bất thường trong phim cổ trang Trung Quốc — nhưng đạo diễn Trương nói rằng vậy là chính xác.

(Từ trái qua) Châu Kiệt Luân, Củng Lợi và Châu Nhuận Phát trong Hoàng kim giáp

Ông nói với Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương của UCLA trong một phỏng vấn: “Làm tôn phần ngực là mốt của triều đình trong thời [hậu Đường]. Hoàn toàn xác thực.”

Vô ảnh / Shadow (2018)

Vô ảnh là phim võ hiệp hay nhất của đạo diễn Trương, kết hợp một cốt truyện được lên kế hoạch tốt — lấy cảm hứng từ Kagemusha kinh điển của Akira Kurosawa, đạo diễn tiết lộ — với những cảnh võ thuật ấn tượng phản ánh truyền thống của thể loại này.

Nhân vật tính cách biến hóa do Trương Chấn định hình, và đạo diễn Trương tinh chỉnh để thêm khía cạnh con người nhiều hơn. Thậm chí còn có một đoạn huấn luyện đầy cảm hứng kinh điển, mặc dù miêu tả phong cách võ thuật của Võ Đang huyền bí hơn là phong cách Thiếu Lâm thông thường vì giai đoạn lịch sử mà bộ phim lấy bối cảnh.

Mục tiêu bao quát của đạo diễn Trương với Vô ảnh là khám phá âm khắc chế dương và triết học Đạo giáo dạy người hùng thuận theo tự nhiên của trận chiến thay vì tấn công vũ bão.

Vai diễn biến hóa của Trương Chấn trong Vô ảnh

Câu chuyện được lấy cảm hứng từ thời Tam Quốc vào thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, khi ba thành bang tranh giành quyền thống trị Kinh Châu ở Trung Quốc. Một vị tướng ốm yếu buộc một người đàn ông trông giống hệt mình đóng giả hắn trong một phần của âm mưu xâm lược thành bang lân cận và soán ngôi vua. Nhưng “cái bóng” của hắn rất thông minh, và nhận ra anh ta có thể xoay chuyển tình thế có lợi cho mình — dù không tránh khỏi đổ máu.

“Tột cùng bộ phim này nói về đấu tranh, sống còn, những éo le tàn khốc và tham vọng ngông cuồng — làm sao một người đàn ông bình thường có thể xoay xở không chỉ để sống sót trong trò chơi quyền lực của tầng lớp quý tộc, mà còn xoay xở để chuyển bại thành thắng,” đạo diễn Trương nói trong ghi chú khi sản xuất phim.

Việc phát minh ra các thiết bị và vũ khí khác thường là một phần của phim võ hiệp truyền thống, và đạo diễn Trương đã phát triển một số chiếc ô kim loại gây chết người cho những kẻ xâm lược sử dụng. Kim loại mềm dẻo và hỗ trợ ý tưởng âm khắc dương.

Tôn Lệ (trước) và Đặng Siêu trong một cảnh phim. “Đối với Vô ảnh, phong cách hành động đại diện cho nguyên lý nhu chế cương, âm khắc dương, thủy khắc hỏa — đó là lý do tại sao thân thủ [trong các cảnh hành động] đều rất nữ tính”

“Đối với Vô ảnh, phong cách hành động đại diện cho nguyên lý nhu chế cương, âm khắc dương, thủy khắc hỏa — thế nên thân thủ [trong các cảnh hành động] đều rất nữ tính,” nhà quay phim Triệu Tiểu Đinh nói trên tạp chí mạng The Film Stage.

Do Cốc Hiên Chiêu của Hồng Kông biên đạo, người xử lý hành động cho tác phẩm đẫm máu The Sacrifice của Trần Khải Ca, các chiến binh không có siêu năng lực nhưng phong cách chiến đấu của họ vẫn được phóng đại theo truyền thống võ hiệp.

Triệu Tiểu Đinh nói anh nhắm nét hiện thực khi quay phim cho đạo diễn Trương: “Nếu một diễn viên có thể diễn, đừng quay cảnh người đóng thế vào — đừng cố cắt rồi ghép vào với nhau. Để diễn viên hoàn tất cảnh hành động, ghi lại nó, và đưa lên màn ảnh. Đó là một nguyên tắc hết sức đơn giản, nhưng nâng tầm mọi thứ.”

Vương Thiên Nguyên (trước) trong một cảnh phim Vô ảnh

Đạo diễn Trương dự định giao diện tổng thể của bộ phim thể hiện tranh thủy mặc của Trung Quốc, vì vậy không chú trọng màu sắc. Hầu hết mọi thứ trên màn ảnh đều là thật — có rất ít hiệu ứng vi tính — và ngay cả mưa cũng là thật, kết quả của nhiều máy tạo mưa có thể tạo ra những giọt nước có kích thước khác nhau.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post