Tin tức

Raya và Rồng thần cuối cùng: Câu chuyện giả tưởng đậm đà bản sắc Đông Nam Á của Disney

05/03/2021

Phim giả tưởng Raya and the Last Dragon của Walt Disney Animation Studios tìm thấy nguồn cảm hứng từ Đông Nam Á, một quá trình bắt đầu bằng các chuyến đi nghiên cứu đến Lào, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Singapore và Malaysia.

Raya and the Last Dragon ra rạp ở Việt Nam từ ngày 5/3/2021 với tựa Raya và Rồng thần cuối cùng

“Một trong những điều khiến [đạo diễn Don Hall và Carlos López Estrada] cảm động nhất và khiến êkíp thực sự muốn neo nguồn cảm hứng Đông Nam Á cho bộ phim là ý thức cộng đồng mà họ gặp được, ý thức ‘chúng tôi’, tầm quan trọng của ‘chúng tôi’ hơn ‘tôi’,” nhà sản xuất Osnat Shurer giải thích. “Nó sâu và hoàn chỉnh đến mức người ta phải trở về và chúng tôi bắt đầu đi sâu vào phần còn lại của vẻ đẹp, họa tiết, vải vóc, ẩm thực. Điều đó đã trở thành nguyên tắc cơ bản, nguồn cảm hứng đằng sau thế giới Kumandra tưởng tượng này.”

Thế giới này tạo thành hình dạng một con rồng và bao gồm năm vùng: Tâm (quê nhà của Raya), Nanh, Ngạnh, Vuốt và Đuôi, mỗi vùng có một vẻ riêng biệt. Nghiên cứu trang phục liên quan đến việc nghiên cứu các kiểu xếp nếp, chẳng hạn như sabaisampot. Các nhà làm phim còn thành lập tổ chức được mệnh danh là Quỹ câu chuyện Đông Nam Á — một nhóm các chuyên gia tư vấn do nhà nhân chủng học người Lào Steve Arounsack dẫn đầu.

Raya lớn lên ở Tâm, tắm trong nước đầy màu sắc, nhưng khi trưởng thành, “cô ấy không muốn để lộ tung tích, vì vậy chúng tôi lấy bảng màu đi, nhưng đưa ra những ám chỉ tinh tế hơn. Có hình hạt mưa trên áo bolero của cô ấy,” nhà dựng phim Paul Felix cho biết. Cái nón của Raya lấy cảm hứng từ giáp trụ chiến binh: “Phần đế stupa [hình tháp] tượng trưng thổ và đường cong hướng lên thể hiện thủy,” nhà nhân chủng học Steve Arounsack nói. “Phần chủ đề là hành trình của Raya chạm đến điểm thông thái và thấu suốt, đến tận cùng ngọn ngành.”

Biên kịch Qui Nguyen, cũng là một biên đạo múa, đã trang bị cho Raya những vũ khí khác nhau, từ gậy Arnis mà cô sử dụng khi còn nhỏ, đến phong cách chiến đấu dựa theo Pencak Silat cho đến một thanh kiếm lấy cảm hứng từ dao găm của người Mã Lai.

Chào hỏi, cảm ơn và tạm biệt ở thế giới Kumandran liên quan đến việc dùng tay tạo hình một viên đá quý. Đưa tay lên càng cao để làm cử chỉ đó càng thể hiện sự kính trọng. “Đó là một sáng tạo dựa trên những cách chào hỏi thông thường mà bạn sẽ thấy ở toàn bộ khu vực [Đông Nam Á], người ta siết tay nhau. Ở Lào gọi là nop, và wai trong tiếng Thái, đều cùng có ý nghĩa là đưa tay ra với nhau,” Arounsack nói.

Sisu, con rồng nước trong câu chuyện, được lấy cảm hứng từ thần Naga của Đông Nam Á, sinh vật bán thần có thể hiện hình thành rắn hoặc người. Để phù hợp với yếu tố nước, con rồng có màu xanh lam và xanh lá cây. “Mào rồng là biểu tượng cho biết sức mạnh đến từ đâu. Đó là sự uy nghi của thần long,” Arounsack nói. “Đó phải là điểm cao nhất trong bộ khung, thể hiện sự sùng bái và kính trọng.”

Xứ Vuốt chịu ảnh hưởng của các chợ nổi và chợ đêm khắp Đông Nam Á mà nhóm nghiên cứu đã ghé thăm. Arounsack nói: “Dù ở Lào, Thái Lan hay Indonesia, bạn sẽ thấy gian hàng dày đặc và tấp nập điên cuồng ở chợ. Cho nên bạn thấy rất nhiều hoạt động, ánh sáng, con người, trẻ em, người già, thức ăn, mùi, đủ thứ.”

Đuôi là vùng sa mạc ở cuối sông Rồng của Kumandra, lấy theo dòng Mekong chảy xuyên Đông Nam Á. Felix nói: “Người dân ở đó có bản tính độc lập hơn, vì vậy chúng tôi đã hình dung họ thành những thôn làng nhỏ hơn không có ý thức thống nhất [hơn]. Về mặt thẩm mỹ có nhiều cảm giác mộc mạc, thủ công hơn.”

Đem lại cảm giác quân phiệt, xứ Nanh có thiết kế hình học, hoành tráng hơn, chịu ảnh hưởng của những điểm dừng chân trong chuyến đi nghiên cứu Angkor Wat của Campuchia. Nhân vật Namaari, từ xứ Nanh, sử dụng phong cách chiến đấu lấy cảm hứng từ Muay Thái và cõ thuật dựa trên vũ khí Krabi-Krabong, cũng từ Thái Lan.

Felix nói rằng yếu tố nước chiếm ưu thế ở xứ Tâm vì lòng tôn kính của người dân đối với rồng nước được truyền cảm hứng từ Naga. “Naga là thần bảo vệ vùng nước. Bất cứ khi nào đến các ngôi đền hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến nước, bạn sẽ thấy các biểu tượng của thần Naga là người bảo vệ,” Arounsack nói thêm. “Vì vậy, Naga tự nhiên dẫn lối vào thế giới này một cách trực quan và theo chủ đề.”

Shurer cho biết, những cây tre đen khổng lồ có “kích thước như những cây gỗ đỏ” đánh dấu xứ Ngạnh. “Ở Việt Nam và những nơi khác, người ta dùng tre làm ra những món đồ thủ công tuyệt vời, và vì vậy mọi thứ trong làng đều được làm bằng tre.” Xứ Ngạnh “có nền văn hóa chiến binh,” Felix nói, và khí hậu lạnh giá với trang phục “dày hơn” thể hiện “nguyên tắc ăn mặc bao bọc”.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter