Tin tức

Saturday Fiction: Lâu Diệp làm phim và qua được kiểm duyệt ở Trung Quốc

14/09/2019

Phim của đạo diễn người Trung Quốc Lâu Diệp đã nhiều năm gặp vấn đề trong việc được chấp thuận. Nhưng bộ phim mới nhất của anh thì không thế, Saturday Fiction đã ra mắt tại Venice.

Lâu Diệp đã chia sẻ những bất đồng giữa anh với các nhà kiểm duyệt phim Trung Quốc qua sự nghiệp thành công và tự hào của anh.

Đạo diễn Lâu Diệp (trái) và đoàn phim tại sự kiện ở Venice cho Saturday Fiction

Đã có lệnh cấm làm phim hai năm sau khi chiếu bộ phim Sông Tô Châu / Suzhou River tại Liên hoan phim quốc tế Rotterdam, lệnh cấm năm năm sau khi thực hiện Cung điện Mùa Hè / Summer Palace và, gần đây nhất, là một quy trình phê duyệt kéo dài cho The Shadow Play, được chiếu vào tháng 2 tại Liên hoan phim Berlin. Khi Lâu Diệp không nhận được sự chú ý nhiều của cơ quan chức năng thì chuyện đó gần như lên tin ngay.

Một ngoại lệ đối với hồ sơ theo dõi này là bộ phim Saturday Fiction của Lâu Diệp, lấy bối cảnh Thượng Hải thời chiến vào tháng 12 năm 1941 và tập trung vào một nữ diễn viên Thượng Hải bị lôi kéo vào âm mưu. Phim đã có buổi ra mắt thế giới tại Liên hoan phim quốc tế Venice.

“Tôi đã từng trải qua quá trình kiểm duyệt nhiều lần, và là một nhà làm phim, tôi chưa bao giờ hiểu được hoàn toàn lý do cách phản ứng của các nhà kiểm duyệt. Tôi hoàn toàn không biết,” Lâu Diệp nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Trung Quốc.

Củng Lợi, đeo kính râm, vào vai một diễn viên trong Saturday Fiction, Lâu Diệp đạo diễn

Saturday Fiction là một trong 66 phim mới trong Lựa chọn chính thức Liên hoan phim Venice lần thứ 76 vừa qua. Phim của Lâu Diệp trình chiếu cùng với các tác phẩm của Hirokazu Kore-eda (The Truth, phim khai mạc), Olivier Assayas (Wasp Network), James Grey (Ad Astra), Noah Baumbach (Marriage Story), Roman Polanski (J’Accuse), Roy Andersson (About Endlessness), Pablo Larrain (Ema) và Steven Soderbergh (The Laundromat).

Saturday Fiction có Củng Lợi vào vai một nữ diễn viên nổi tiếng tham gia vào một vở kịch và làm gián điệp. Lâu Diệp đã được nhà phê bình Shelly Kraicer gọi là “đạo diễn điện ảnh Trung Quốc đương đại vĩ đại nhất của các diễn viên”, và bộ phim mới về thời điểm trước vụ Trân Châu cảng hứa hẹn sẽ khớp kịch tính cao của Lâu Diệp với các phim lịch sử khác.

Summer Palace lấy bối cảnh Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và Purple Butterfly ở Mãn Châu và Thượng Hải trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng.

Gác qua một bên các sự kiện toàn cầu, Lâu Diệp đã tìm thấy sức hấp dẫn đặc biệt trong môi trường sân khấu quen thuộc của bộ phim mới. Cha mẹ anh làm việc ở hậu trường trong nhà hát, và anh rất nhớ Nhà hát Lan Tâm ở Thượng Hải thể hiện trong phim.

Nhân vật Vu Cận của Củng Lợi trong phim là một nữ diễn viên nổi tiếng tham gia vào một vở kịch và làm gián điệp

“Tôi là một sản phẩm của thế giới sân khấu,” anh nói. “Nên đây là trải nghiệm rất đặc biệt khi có thể quay trở lại Thượng Hải” — từ Bắc Kinh, nơi anh sống — “sau một thời gian dài và quay bộ phim này ở khu phố đó.” (Tựa tiếng Trung của bộ phim là “Lan Tâm đại kịch viện”.)

Cốt truyện phức tạp diễn ra trong sáu ngày căng thẳng và là sự pha trộn giữa chính kịch lịch sử, tình bi và câu chuyện gián điệp. Giống như tác phẩm trước đó của Lâu Diệp, bộ phim đi theo niềm đam mê của các nhân vật. Câu chuyện được cộng tác viên của Lâu Diệp, Mã Anh Lực, chuyển thể từ tiểu thuyết Death in Shanghai của Hong Ying thành kịch bản. Mã Anh Lực cũng là nhà sản xuất và đạo diễn phim tài liệu, bao gồm những cảnh hậu trường về The Shadow Play.

Mã Anh Lực, học làm phim ở Berlin trước khi bức tường sụp đổ, đã xem Thượng Hải thời chiến là không gian chính để khám phá cách kể chuyện và cấu trúc. Cô nói cô tin rằng việc mô tả cuộc sống hai mặt như thế của nhân vật chính có thể cộng hưởng với nhiều người xem.

Nhà hát Lan Tâm xuất hiện trên phim

“Tôi muốn kể một câu chuyện cho thấy những điều nhỏ bé thực sự có thể ảnh hưởng đến lịch sử chung và tất cả chúng ta có vai trò như thế nào trong cuộc sống xung quanh ta,” biên kịch Mã nói trong một phỏng vấn qua điện thoại. “Đây là một phép tương tự chính xác về những người có cuộc sống trên sân khấu và ngoài sân khấu, với những thân phận và lựa chọn khác nhau.”

Trong âm mưu lừa dối, nhân vật của Củng Lợi tung hứng một người chồng cũ, một người cha nuôi và sự cám dỗ trốn thoát khỏi cuộc chiến với người yêu. (Dàn diễn viên quốc tế bao gồm Pascal Greggory, Joe Odagiri và Triệu Hựu Đình.) Đối với Mã Anh Lực, khoảnh khắc đầy khó khăn trong lịch sử này đã bất ngờ khiến cô nhớ lại thời còn là sinh viên ở Đức, mặc dù kết nối không xuất hiện trong khi viết.

“Khi tôi ở Tây Berlin trong những năm 1980, bức tường vẫn còn đó,” cô nói. “Tây Berlin được gọi là một hòn đảo cô đơn, bởi vì nó bị bao vây hoàn toàn.”

Củng Lợi và Triệu Hựu Đình trong một cảnh phim Saturday Fiction

Bất chấp bối cảnh câu chuyện, bộ phim đã có được quá trình phê duyệt suôn sẻ của các nhà kiểm duyệt Trung Quốc. Lâu Diệp và Mã Anh Lực coi đó là nhờ tính chất lịch sử của bộ phim, được quay đen trắng.

“Về khía cạnh chủ đề, các chủ đề và ý tưởng mà tôi đang cố gắng giải quyết trong bộ phim mới này, tôi cảm thấy có những điểm tương tự với The Shadow Play,” Lâu Diệp nói. “Cả hai đều là những phim xử lý hiện thực trái với ảo ảnh, cái hiện thực khác với cái giả mạo. Có lẽ khoảng cách về thời gian và không gian làm cho bộ phim này trở nên dễ được chấp nhận hơn.”

Quá trình phê duyệt phát hành của Trung Quốc không thể đoán trước. Khung thời gian có biến thiên, biên kịch Mã nói. Bắt đầu với việc đánh giá kịch bản, thường mất 20 ngày hoặc ít hơn. Nhưng một khi bộ phim được quay và bản cuối cùng đã sẵn sàng để trình chiếu, nó có thể mất nhiều thời gian hơn đáng kể. Đối với Saturday Fiction, không mất nhiều thời gian được chấp thuận, trước sự ngạc nhiên của Lâu Diệp.

Mã Anh Lực nói cô muốn “kể một câu chuyện về những điều nhỏ bé thực sự có thể ảnh hưởng đến lịch sử nói chung như thế nào”

Nhưng khả năng trì hoãn hoặc hủy bỏ không lường trước có thể khiến người lên chương trình liên hoan hơi căng thẳng. Quan ngại đó là dễ hiểu sau khi bộ phim danh giá mới nhất của Trương Nghệ Mưu, Once Second cũng tham gia Liên hoan Berlin với The Shadow Play của Lâu Diệp, đã bị rút lại.

“Biết rằng tình hình ở Trung Quốc rất phức tạp, chúng tôi đã có chút lo lắng,” Alberto Barbera, giám đốc Liên hoan Venice, nói qua điện thoại. Barbera đã xem bộ phim này ở dạng ban đầu hồi tháng 4, và đến tháng 6 thì được đảm bảo rằng nó sẽ được phép chiếu ở nước ngoài.

Sự chấp thuận này có nghĩa là kịch tính của Saturday Fiction sẽ được giới hạn ở những gì trên màn ảnh. Nhưng nếu những kinh nghiệm trước đây của Lâu Diệp về quá trình phê duyệt đã ảnh hưởng đến việc làm phim của anh, thì anh không thể hiện điều đó.

Áp phích phim

“Khi tôi đang trong quá trình sáng tạo, khi tôi đang tập trung vào việc tạo ra bộ phim, tôi chỉ tập trung vào đó, tôi không nghĩ gì về những người kiểm duyệt cả,” anh nói.

Với hai bộ phim được chú ý trong một năm, xem ra Lâu Diệp và Mã Anh Lực đã tìm ra cách để tiếp tục hiệu quả ở cấp cao. Bằng chứng nằm trong buổi ra mắt của Saturday Fiction ở Lido.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times