Tin tức

Số phận của ngành lồng tiếng ở Trung Quốc

12/04/2012

Ngành công nghiệp lồng tiếng đang đối mặt với tương lai vô định, nhường chỗ cho phụ đề.

Phim kinh điển được lồng tiếng: Jane Eyre

Theo Xiaoxiang Morning Herald, các tựa phim nước ngoài chiếm 46% doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2011. Do phim nước ngoài tiếp tục thu hút khán giả, phương pháp lồng tiếng một thời được ưa chuộng đã bị phụ đề chiếm chỗ. Một nhân viên rạp UME tại Bắc Kinh nói với Global Times rằng các rạp phim hiện nay thường chiếu phim phụ đề nhiều hơn phim lồng tiếng.

"Trong tuần đầu ra mắt của một phim nước ngoài, một ngày sẽ có tám hoặc chín suất chiếu, trong đó ba hoặc bốn suất là phiên bản lồng tiếng," người này cho biết. "Phim càng được chiếu lâu tại rạp, số suất chiếu phiên bản lồng tiếng càng ít, và cuối cùng chỉ được chiếu vào cuối tuần, thời điểm có nhiều trẻ em và người lớn tuổi đi xem hơn."

Vai trò thay đổi

Lồng tiếng có mặt ở Đại lục từ cuối thập niên 1940, và ở thời hoàng kim vào những năm 1970 và 1980. Trong giai đoạn đó, phim lồng tiếng là cánh cửa sổ duy nhất mở ra thế giới bên ngoài đối với nhiều người Trung Quốc. Khán giả biết đến các phim kinh điển như Jane Eyre qua diễn xuất của các diễn viên lồng tiếng, đánh đồng họ với các nhân vật như cách chúng ta đánh đồng Kate Winslet với Rose trong Titatic.

Nhưng gần đây, do càng ngày càng có nhiều người Trung Quốc học tiếng Anh, phụ đề thường được chuộng hơn.

You Ming, một luật sư 42 tuổi ở Thượng Hải cho biết, phim lồng tiếng là một phần của tuổi thơ anh, nhưng giờ anh chọn xem phụ đề hơn là lồng tiếng.

“Phim phụ đề giúp tôi luyện kỹ năng nghe tiếng Anh. Bên cạnh đó, ngày nay có vẻ ít có phim được lồng tiếng ngoài rạp hơn, và kể cả có đi nữa thì nhìn chung những phim đó được làm rất cẩu thả,” anh cho biết.

“Việc lồng tiếng hiện nay không tốt như ngày xưa nữa,” anh nói. “Ví dụ, phiên bản Hamlet năm 1958 của Tôn Đạo Lâm là phim kinh điển. Trong thời đại sống gấp hiện nay, người ta ít chăm chút để có bản dịch tốt.”

Phim kinh điển: Random Harvest

Hậu trường

Theo Hứa Bằng Lạc, cựu giám đốc công ty lồng tiếng Thượng Hải, quá trình tạo ra phiên bản lồng tiếng của một phim nước ngoài đòi hỏi các diễn viên chuyên nghiệp được đào tạo bài bản.

“Dịch lời thoại trong phim rất khó,” ông nói. “Đầu tiên, phần dịch không được quá ngắn hoặc quá dài. Nếu không sẽ không khớp với cử động của diễn viên hay với các sự kiện trong phim. Thứ hai, cách lựa chọn từ ngữ phải phù hợp với nhân vật. Ví dụ, một quý ông sống ở thời nữ hoàng Victoria tại Anh phải có cách nói chuyện đặc biệt.”

Các diễn viên lồng tiếng cần có thời gian để truyền tải cảm xúc, thực sự đem những trải nghiệm của nhân vật vào đời thực qua phần dịch phim,” ông bổ sung.

Ông đồng ý rằng chất lượng lồng tiếng đã suy giảm những năm gần đây, và nói rằng chủ yếu vì diễn viên có ít thời gian hơn, và nhiều người trong ngành chạy theo lợi nhuận.

"Trong quá khứ, công ty lồng tiếng Thượng Hải và hãng phim Trường Xuân là hai công ty chính được phép sản xuất phim lồng tiếng. Mỗi năm, chỉ có khoảng 10 đến 15 phim nước ngoài được giao cho mỗi công ty lồng tiếng, và đội ngũ làm phim được trả mức lương cố định.

Ngày nay, số phim nhập về hàng năm chỉ từ Mỹ cũng đã là 20.

“Giờ có quá nhiều phim được nhập về, các hãng nhỏ cũng được phép tham gia, và các nhóm lồng tiếng được trả lương theo từng phimm,” ông cho biết. “Không những thế, để ngăn chặn việc DVD lậu tràn ra thị trường trước, các nhóm lồng tiếng phải gấp rút hoàn tất công việc, do đó kết quả rất tệ.”

Phim gần đây: Journey

Chất lượng tạo ra thị trường

Trong khi phụ đề được dân thành thị ưa chuộng hơn tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, ông Mã Chính Kỳ, giảng viên trường đại học Truyền thông Trung Quốc, tin rằng các phim lồng tiếng nên tiếp tục được ưu tiên trong ngành điện ảnh.

“Hiện tại, chỉ có người trí thức mới hiểu rõ tiếng Anh, và đội ngũ lồng tiếng cần có những chuyên gia ngôn ngữ thực thụ. Chúng ta vẫn cần các tài năng chuyên nghiệp cho lĩnh vực này,” ông nói.

“Ngoài ra, nhiều người Trung Quốc không biết tiếng Anh và sống ở vùng nông thôn. Nhu cầu phim lồng tiếng ở đây còn rất lớn. Nói phim lồng tiếng ở Trung Quốc đang dần mất đi khán giả là không đúng.”

Li Minghua, một phụ nữ 48 tuổi sống ở thị xã Ngô Giang, tỉnh Giang Tô, cho biết bà thích phim lồng tiếng hơn.

“Khi xem phim nước ngoài có phụ đề, mắt tôi khó mà theo kịp tốc độ phim. Tôi thích phim lồng tiếng vì có thể dễ dàng hiểu được nội dung hơn.”

Ông Hứa Bằng Lạc đồng ý rằng người Trung Quốc được lợi từ phim lồng tiếng hơn người ta nhận thấy. “Kể cả người học chuyên tiếng Anh cũng không thể hiểu 100% một bộ phim nước ngoài,” ông nói, cho biết thêm để tăng nhu cầu phim lồng tiếng, chất lượng phim phải được cải thiện. "Nếu công tác lồng tiếng được thực hiện tốt, khán giả sẽ hưởng ứng.”

Về việc thu hút thêm nhân viên có chuyên môn vào ngành, ông Hứa Bằng Lạc lấy Nhật Bản làm gương học hỏi. "Diễn viên lồng tiếng nằm trong số những nghề được kính trọng và trả lương cao nhất ở Nhật," ông cho biết. "Họ được đối xử như ca sĩ và diễn viên điện ảnh nổi tiếng."

Dịch: © Thái Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi