Tin tức

Stray: Phim tài liệu về chó hoang và người tị nạn Syria ở Istanbul của Elizabeth Lo

24/03/2021

Vào năm 1910, những con chó hoang trên đường phố Istanbul đã bị vây bắt và đưa đến một hòn đảo ở Biển Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ. Hòn đảo đó không có cây cối, không có nước, không có thức ăn.

Có nhiều lý do trục xuất chúng. Một câu chuyện kể rằng một nhà ngoại giao người Anh, bị bọn chó hoang rượt đuổi, đã nhảy xuống vách đá chết và người Anh nhất quyết đòi trừng phạt. Nhưng có hai chi tiết bất biến: có thể nghe thấy tiếng tru của 80.000 con chó khi chúng chết dần chết mòn và vận rủi thế kỷ 20 của Thổ Nhĩ Kỳ trong các cuộc chiến tranh và động đất được cho là lời nguyền họ phải gánh.

Nhà làm phim người Hồng Kông Elizabeth Lo đã thực hiện một bộ phim tài liệu về những con chó hoang trên đường phố Istanbul có tựa đề Stray. Phim bắt đầu bằng tuyên bố bất ngờ rằng, vì các cuộc biểu tình phản đối việc giết chó diễn ra rộng rãi, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới mà việc “ăn thịt hoặc bắt giữ bất kỳ con chó hoang nào” là bất hợp pháp.

Chúng ta nhanh chóng gặp Zeytin, Nazar và Kartal, ba con chó đường phố; và Jamil, Halil và Ali, ba thiếu niên tị nạn từ Syria cũng đang sống khó khăn trên đường phố Istanbul.

Elizabeth Lo quay Stray ở Istanbul

Không có lời dẫn chuyện. Máy quay theo dõi cuộc sống của họ khi chó và con người tương tác với thành phố đó. Những con chó bới tìm thức ăn và phóng uế. Các thiếu niên ngủ trên công trường xây dựng và hít keo. Giữa chừng, bạn có thể thấy mình lo lắng cho số phận của Kartal, một chú cún con, hơn là ba cậu bé lang thang; bạn có thể cảm thấy xấu hổ với sự ưu tiên của mình.

Giải quyết loại cảm giác tội lỗi đó là điều đã đưa Elizabeth Lo, 34 tuổi, đến Istanbul. Cô muốn chúng ta chấp nhận phản ứng cảm xúc của chúng ta đối với động vật. Năm 2009, chú chó Mikey của cô, một chú chó Shetland Sheepdog, chết ở Hồng Kông. Khi đó Elizabeth Lo đang theo học điện ảnh tại Trường Nghệ thuật Tisch của Đại học New York.

Cô nói: “Tôi nhớ mình cảm thấy cần phải kìm nén sự đau buồn của mình trước sự ra đi của chó cưng vì nó đâu phải là một thành viên con người trong gia đình. Tôi cho rằng trải nghiệm cái cảm giác vì cái vỏ ngoài mà định nghĩa chó thấp kém hơn con người — làm hỏng cách tôi đau buồn — là một cú sốc đối với tôi.”

Elizabeth Lo, sống ở Los Angeles nhưng hiện trú ngụ Hồng Kông, rất nghiêm túc trong cuộc trò chuyện. Nhưng cũng thường xuyên cười lớn.

Bạn có thể thấy mình lo lắng cho số phận của chú cún con Kartal

Stray là phim dài đầu tay của cô và vì đây là cuộc phỏng vấn mặt đối mặt đầu tiên của cô ấy, không phải qua Zoom, một cảm xúc dâng trào. Trên màn hình, chỉ có máy quay của cô nói trực tiếp, nhưng người phụ nữ đứng sau nó hóa ra hùng biện một cách say sưa.

Ngay từ đầu, một số chủ đề nhất định — động vật, sự can thiệp của con người, quyền sống và quyền chết — đã rõ ràng trong các phim ngắn của cô. Trong thời gian ở Tisch, cô đã làm phim sinh viên về Sở thú Bronx, nơi một con người đã từng ở cùng với những con khỉ. “Chuỗi phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa liên loài và chủ nghĩa thực dân đều có trong vườn thú đó,” cô nói.

Tiếp nối là một bộ phim sinh viên khác, The Hunt, “nghiên cứu mối quan hệ mâu thuẫn giữa chúng ta với động vật”, được quay ở Michigan, bang quê nhà của mẹ cô. (Cha cô, KS Lo, chủ tịch công ty bất động sản Great Eagle có trụ sở ở Hồng Kông, đã gặp mẹ cô tại Đại học Michigan.)

Vào năm 2013, Elizabeth Lo đã thực hiện một phim ngắn có tựa Last Stop in Santa Rosa, tập trung vào một trại trú ẩn cho động vật ở California do một cặp vợ chồng người Anh có tên là Gail và Richard Pope điều hành. Những thú cưng bị vứt bỏ có thể sống ở đó mà không bị đau đớn cho đến khi chết tự nhiên. Lời thoại đầu tiên, do Gail Pope nói, là: “Tôi và chồng tôi đã chứng kiến cái chết của 594 con vật.”

Elizabeth Lo đã dành hơn sáu tháng để quay trong năm 2018, chủ yếu là từ một tư thế thu mình lại

Lúc đó, Lo đang học lấy thạc sĩ nghệ thuật về phim tài liệu tại Đại học Stanford. Gần khuôn viên trường, xe buýt công cộng số 22 chạy suốt 24 giờ qua Thung lũng Silicon. Cô đã nghe chuyện những người vô gia cư ngủ trên xe buýt đó vào ban đêm khi nó chạy quanh một số khu vực bất động sản đắt nhất thế giới.

Cô đi chuyến xe buýt đó trong một tháng, bắt quan hệ với tài xế và hành khách. Sau đó, cô đã dành một tuần để quay phim.

Cô nói: “Tôi đã phải làm mặt dày. Mỗi đêm, sẽ có một vài người hét vào mặt tôi. Tất nhiên, bạn đang ở trong không gian công cộng này, người ta đang thực hiện hành vi riêng tư và, tất nhiên, máy quay sẽ xâm phạm.”

Bộ phim từng đoạt giải thưởng Hotel 22 là lần đầu tiên cô kể một câu chuyện không lời. Cô đã cắt xén lời trong phim: vợ chồng Pope tại trại cưu mang động vật của họ đã trả lời những câu hỏi phỏng vấn. Nhưng trong Hotel 22, không có lời nói nào.

Nhà làm phim nói rằng chúng ta nên tự hỏi mình: tại sao các thành phố của chúng ta lại không xem chó là chó?

Giọng nói trên nhạc nền, chẳng hạn như mệnh lệnh của tài xế xe buýt buổi tối (“Vì vậy, hãy tuân thủ điều này: không nằm, không đặt chân lên ghế, nếu mệt, hãy tựa đầu vào cửa sổ”) nằm ngoài kiểm soát của đạo diễn.

Với Stray, cô đưa việc thuần túy quan sát đi xa hơn. Ban đầu, cô muốn làm một bộ phim về thân phận của những con chó đường phố trên khắp thế giới. Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút cô vì những gì xảy ra năm 1910 và bởi vì “người ta giữ niềm tin rằng chó là không thể thiếu đối với thành phố.”

Ngày nay, Istanbul có dân số 15 triệu người và gần 130.000 con chó hoang, theo số liệu của thành phố từ năm 2018. Thông qua các nhà đồng sản xuất nữ của cô — Ceylan Carhoglu, có trụ sở tại Los Angeles và Zeynep Koprulu, ở Istanbul — Elizabeth Lo đã liên hệ với các tổ chức chính phủ và các nhóm bảo vệ quyền động vật của Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2017, cô quay một đoạn phim mẫu. “Chúng tôi sẽ tìm những thứ mà chúng tôi quan tâm và quay những con chó xung quanh những thứ đó, thay vì để chúng ra lệnh đi đâu.” Năm 2018, cô trở lại Istanbul mà không có sắp xếp, không có lịch trình, không có lịch quay. “Chúng tôi muốn bộ phim là một thử nghiệm trong việc chuyển lời kể cho một chú chó.”

Nhà làm phim tài liệu người Mỹ Michael Moore đã miêu tả Stray là “một tác phẩm giản dị của thiên tài”

Một ngày nọ, hai con chó đi ngang qua Lo và Koprulu trong ga tàu điện ngầm. “Chúng có ý thức mục đích rõ rệt. Chúng tôi đã rất tò mò — chó hoang có thể có những cuộc hẹn nào?” Hai con răng nanh bận rộn đó là Zeytin và Nazar, đang bám sát gót mấy cậu trai người Syria. Những người phụ nữ đuổi theo. Một câu chuyện bắt đầu mở ra; câu chuyện được những con chó phất đuôi vẫy gọi.

Elizabeth Lo đã dành hơn sáu tháng để quay trong năm 2018, chủ yếu là từ một tư thế thu mình lại. Đôi khi, thoáng qua Hagia Sophia, nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng của thành phố, nhưng tầm nhìn chủ yếu là tầm nhìn của chó. Bạn chứng kiến ​​sự khoan dung bình thường của thành phố dành cho bọn chó hoang lang thang. Cuộc sống và chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, được lọc thông qua mẩu trò chuyện và chương trình phát sóng.

“Tôi đến từ Syria,” một trong ba cậu bé trả lời một người đàn ông hỏi quốc tịch của mình. Giữa cuộc tuần hành của phụ nữ chống lại bạo lực của nam giới, hai con chó bắt đầu ôm nhau. “Các ông, làm ơn! Hãy hỏi cô ấy trước!” một số người biểu tình hét lên. “Chỉ làm chuyện đó nếu cô ấy muốn!”

Các nhà làm phim muốn Stray là một thử nghiệm trong việc chuyển lời kể cho một chú chó

Bộ phim bắt đầu và kết thúc với Zeytin, một sự hiện diện đầy phẩm giá với ánh mắt kỳ lạ, xuyên thấu tâm hồn. “Nó rất độc lập,” Lo nói. “Nó là con chó duy nhất trong số những con chó không cố tình đi theo chúng tôi vì có mối quan hệ gắn bó. Phẩm chất đó khiến tôi muốn đi theo nó.”

Elizabeth Lo cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống ở Los Angeles. “Tôi nhận ra rằng ở phương Tây hoặc ở Hồng Kông chúng ta có xu hướng quan niệm các thành phố có số lượng chó hoang khổng lồ là vô nhân đạo. Một con chó không có chủ ở New York hoặc London hoặc Hồng Kông sẽ bị bắt, giam cầm, có khả năng bị tiêu hủy. Thật là điên rồ. Chúng ta nên tự hỏi mình — tại sao các thành phố của chúng ta lại không xem chó là chó?”

Bộ phim đã nhận được những bài bình xuất sắc. Nhà làm phim tài liệu người Mỹ Michael Moore, miêu tả Stray là “một tác phẩm giản dị của thiên tài”, đã viết để nói với cô rằng mặc dù không phải là người yêu chó, nhưng bộ phim khiến ông muốn trở thành một con chó.

Chó hoang có thể có những cuộc hẹn nào?

Bộ phim đã được Nhà phê bình lựa chọn trên The New York Times trong tháng này; vào tuần tới, phim sẽ khởi chiếu ở Vương quốc Anh. Như The Hollywood Reporter nhận định, đó là “một thành công đáng kinh ngạc.”

Phim vẫn chưa tìm được nhà phân phối ở Hồng Kông, mặc dù các buổi chiếu từ thiện đang được tổ chức. Phim cũng chưa được chiếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Elizabeth Lo muốn quyên tiền cho cả chó lẫn người tị nạn tại các buổi chiếu. Sáu nhân vật chính của cô, chó và người, vẫn đang sống trên đường phố.

Cô nói ước mơ của cô là một ngày nào đó sẽ mở một khu trú ẩn cho động vật. Cô phải chịu nhiều sự dè bỉu. Elizabeth Lo tự trách mình vì đã ăn chay nhưng vẫn chưa thuần chay (“điểm yếu cá nhân”). Cô rất tiếc vì Mikey yêu quý của cô ấy, mà bộ phim này dành tặng cho nó, là một con chó nòi và không được nhận nuôi (“Tôi không biết”).

Elizabeth Lo ở Kennedy Town, Hồng Kông, ngày 10/3/2021

Nhưng khi được hỏi liệu cô có nghĩ rằng mình đã làm đúng cho Mikey khi làm bộ phim này không, thì một khoảng lặng dài đột ngột — và trông cô rất xúc động — đến nỗi người phỏng vấnnày phải phá vỡ quy tắc cơ bản và trả lời câu hỏi thay cho cô ấy: vâng. Chắc chắn là đúng.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post