Và số còn lại có lẽ đã không nói thật.
Stand By Me Doraemon khởi chiếu rộng rãi ở Nhật Bản từ ngày
8/8. Đây là lần đầu tiên câu chuyện về chú mèo máy được chuyển thể 3D
trên màn ảnh rộng. Bộ phim đáp ứng được mong mỏi của đông đảo khán giả
về một câu chuyện có chiều sâu và chứa đựng những tình cảm chân thành.
Tình bạn thân thiết giữa Doraemon và Nobita
Điểm đặc biệt trong cốt truyện lần này đó là phim không dựa theo truyện
dài, hay là xây dựng một chuyến phiêu lưu cho năm cô cậu bé. Bốn mẩu
truyện ngắn được đưa vào phim lần này là
Người bạn đến từ tương lai, Kỳ nghỉ lãng mạn trên đỉnh núi tuyết, Đêm trước ngày cưới của Nobita và
Tạm biệt, Doraemon
(thể hiện trong trailer sau đây). Thông điệp mà hai đạo diễn Yamasaki
Takashi và Yagi Ryuchi muốn gửi đến khán giả là: "Doraemon là một rô-bô
đến từ tương lai. Cậu ấy có thể sẽ phải trở về tương lai bất kỳ lúc nào.
Chúng tôi muốn làm một câu chuyện để nhắn nhủ rằng 'một ngày như mọi
ngày' cũng thật giá trị và đáng trân trọng biết bao."
Bên cạnh đó, ca khúc chủ đề do Motohiro Hata sáng tác và thể hiện là một
bản ballad ấm áp, chất chứa tình cảm và chạm đến tim người nghe.
Motohiro Hata đã lớn lên cùng loạt truyện Doraemon, bảo bối anh yêu
thích nhất chính là Tủ điện thoại yêu cầu.
Stand By Me Doraemon
quả là một cú đại bác nã thẳng vào phòng vé Nhật Bản. Tính đến ngày 31/8, hơn 5,8 tỉ yen (tương đương 55,6 triệu đôla) đã chui vào chiếc túi
thần kỳ của Doraemon, phim đứng đầu bảng xếp hạng doanh thu 4 tuần liên
tiếp với gần 5 triệu vé được bán ra.
Là phim thành công nhất hè 2014 ở Nhật Bản,
Doraemon còn có chiến thắng thuyết phục trước bom tấn Hollywood
Transformers: Age of Extinction.
Nhóm rô-bô biến hình của Michael Bay trong tuần ra mắt thu về 4,75
triệu đôla từ 700 rạp chiếu, trong khi một mình Mèo Ú cùng thời gian này ôm trọn 7,5
triệu đôla chỉ với 319 rạp chiếu.
Một trang nghiên cứu thị
trường đưa ra kết quả khảo sát cho thấy Doraemon có sức hút mạnh mẽ với
nhiều thế hệ khán giả Nhật Bản, bất kể giới tính: 20,4% khán giả là
thiếu nhi; 21,5% trong độ tuổi 20; 20,4% trong độ tuổi 30 và có tới
20,4% khán giả thuộc độ tuổi 40. Khán giả nam chiếm 47% còn tỷ lệ khán
giả nữ là 53%.
88.4% khán giả được hỏi thừa nhận đã có những khoảnh khắc rơi lệ trong rạp chiếu (và 11,6% có lẽ đã không nói thật).
Các nhà làm phim hoạt hình Nhật Bản vốn trung thành với nét vẽ 2D truyền thống đầy tinh tế. Việc ra mắt
Stand By Me Doraemon
bằng đồ họa vi tính là một phép thử, đồng thời cũng là sự kiện đặc biệt
kỷ niệm 80 năm ngày sinh cố họa sĩ Fujiko F. Fujio - cha đẻ của chú mèo
máy.
Phim Doraemon 2D có doanh thu cao nhất là
Doraemon: Nobita và viện bảo tàng bảo bối ra mắt tháng 3 năm 2013, thu được 3,98 tỉ yen, có nghĩa là
Stand By Me Doraemon trở thành phim thành công nhất trong lịch sử 35 năm của loạt phim này. Tuy vậy, tập phim của năm 2015 là
Doraemon: Nobita và những người hùng không gian sẽ trở lại với nét vẽ 2D.
Ngoài lãnh thổ Nhật Bản,
Stand By Me Doraemon sẽ chiếu tại 21
thị trường khác khắp châu Á và châu Âu, gồm có: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng
Kông, Macau, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái
Lan, Myanmar, Philippines, Indonesia, Ý, Malta, Monaco, Vatican, San
Marino, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha.
Chuyện thú vị bên lề:
- Khán giả Thái Lan "khủng bố" nhà rạp vì Doraemon
Phải tới cuối năm, Stand By Me Doraemon
mới chiếu rộng rãi tại Thái Lan và nhiều 'fan' chịu không nổi đã nghĩ
tới chuyện đặt vé đi Nhật. Trong khi đó, nhà rạp lớn nhất tại Thái Lan
là Major Cineplex đã "chọc điên" người hâm mộ khi đưa bộ phim lên trang
web của họ giới thiệu dưới cái tên Nobita and the Lost Blue Tanuki.
Doraemon không thích điều này. Chú ta vẫn thường nổi đóa trên phim hay
truyện mỗi khi ai đó nhầm lẫn gọi chú là 'Tanuki' (giống chồn Nhật).
Mỗi khi bị gọi là chồn xanh, mặt Doraemon thế này đây
Ngay lập tức, 'fan' Thái gây bão phản đối trên website và fanpage của
Major Cineplex, đến nỗi nhà rạp phải gỡ ngay phim khỏi web và lập tức
đính chính rằng "chưa có tựa phim tiếng Thái chính thức".
- Phiên bản Doraemon chiếu tại Mỹ có nhiều thay đổi
Sau
khi làm mưa làm gió ở 35 quốc gia khắp châu Á, loạt phim hoạt hình
Doraemon sẽ lần đầu tiên lên sóng tại Mỹ trên kênh Disney Channel với
nhiều thay đổi để gần gũi với khán giả Mỹ hơn. (Riêng truyện tranh sẽ
xuất bản ở Mỹ dưới dạng sách điện tử) Theo đó, tên của Nobita chỉ
ngắn gọn là Nobi, người bạn Jaian (Giant) sẽ được gọi là "Big G". Các
bảo bối sẽ sử dụng tên tiếng Anh, ví dụ như Dokodemo Doa / Cánh cửa thần
kỳ sẽ là Anywhere Door, Takekoputa / Chong chóng tre sẽ là Copter. Bên cạnh đó, trong bữa ăn các nhân vật sẽ sử dụng nĩa thay vì đũa gỗ và tên trên các bảng hiệu trong phim cũng đổi sang tiếng Anh (ảnh dưới).
Trái: Bữa ăn của gia đình Nobi | Phải: Cửa hàng bán rau và thịt của nhà Jaian
|
Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Tổng hợp từ các nguồn: Variety, The Hollywood Reporter, The Nation,
Anime News Network, Disney.com, AramaJapan.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi