Tin tức

The Farewell: Có nên nói dối người thân nếu họ sắp chết không

08/10/2019

Tưởng tượng biết người thân của mình sắp qua đời, nhưng phải giữ bí mật chuyện đó.

Đó là trăn trở đạo đức hóc búa mà sáu năm trước đạo diễn/biên kịch người Mỹ gốc Hoa Lulu Wang đã thấy ở bản thân, khi cô biết người bà yêu dấu của mình bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 4.

Đạo diễn/biên kịch người Mỹ gốc Hoa Lulu Wang (trái) trên trường quay The Farewell

Giữ truyền thống lâu đời của Trung Quốc không tiết lộ bệnh nan y cho người già biết, gia đình Wang quyết định không nói với bà, được gọi yêu là “Nãi Nãi”, rằng bà chỉ còn sống được ba tháng. Thay vào đó, họ nhanh chóng đẩy sớm đám cưới của họ hàng cô tại quê hương Trường Xuân, Trung Quốc, để mọi người có thể tập hợp nói lời từ biệt.

Đó là câu chuyện xúc động mà Wang khai thác một cách tinh tế trong bộ phim hài hước và cảm động sâu sắc The Farewell, được nhà phê bình và khán giả yêu thích với 99% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes và 17,1 triệu USD doanh thu phòng vé mùa hè (với ngân sách 3 triệu USD khiêm tốn). Nó đã được dự báo là một ứng cử viên Oscar lớn, với nhiều nhà tiên đoán trên trang web giải thưởng GoldDerby.com các đề cử cho Phim hay nhất và Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho ngôi sao Awkwafina, có màn ra mắt thể loại chính kịch trong vai Billi, một phiên bản hư cấu của Wang.

Lớn lên ở Mỹ nên việc này là “hoàn toàn mới mẻ” đối với Wang: “Tôi không biết đó là văn hóa phổ biến – tôi tưởng chỉ riêng trong gia đình tôi mới vậy.” Nhưng sau khi chia sẻ câu chuyện của cô trên một tập của This American Life vào năm 2016, “tôi đã biết được độ phổ biến của nó, bởi vì tôi bắt đầu nhận được email và tin nhắn trên mạng xã hội từ mọi người trên khắp thế giới.”

Đạo diễn The Farewell Lulu Wang, trái, và diễn viên Awkwafina, đóng phiên bản bán tự thuật của cô trên phim, Billi

Theo một nghiên cứu năm 2017 được công bố trên tạp chí y tế Supportive Care in Cancer, việc giấu thông tin về chẩn đoán giai đoạn cuối là phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore, cũng như một số nước phương Tây, bao gồm Tây Ban Nha, Ý và Hy Lạp.

Trong các nền văn hóa coi gia đình là đơn vị xã hội chính, thường thành viên gia đình – chứ phải bệnh nhân – nhận chẩn đoán từ bác sĩ và quyết định làm gì với thông tin đó, theo Anita Hannig, phó giáo sư nhân chủng học tại Đại học Brandeis chuyên môn về sinh sản và cái chết.

“Có quan niệm về ‘món nợ hiếu thảo’, rằng bạn nợ cha mẹ đã chăm sóc bạn suốt đời, vì vậy khi người đó bị bệnh, gia đình bước lên để chăm sóc họ,” Hannig nói. “Những quyết định này (về chăm sóc sức khỏe) sau đó được phân phối trong gia đình và quan điểm tự lo được chuyển sang cho các thân bằng quyến thuộc.”

Ban đầu Billi thấy sự dối trá là đáng ghê tởm. Nhưng cô bắt đầu đổi ý sau một cuộc thảo luận đau lòng với chú của mình (Jiang Yongbo), nói rằng gia đình phải gánh vác gánh nặng cảm xúc cho Nãi Nãi (Zhao Shuzhen), bà không cần thêm nỗi sợ chết trong khi sức khỏe thể chất suy giảm.

Gia đình nhanh chóng đẩy sớm đám cưới của họ hàng cô tại quê hương Trường Xuân, Trung Quốc, để mọi người có thể tập hợp nói lời từ biệt

Sự lo toan chu đáo cho sức khỏe tinh thần của một người như thế bắt nguồn từ một triết lý của Trung Quốc được gọi là “xung tẩy”, tức niềm tin rằng về cơ bản bạn có thể gột rửa bất hạnh bằng niềm vui.

“Trong nhiều nền văn hóa, có quan niệm nếu bạn nói cho ai biết chẩn đoán bệnh của họ, điều đó có thể khiến họ từ bỏ,” Hannig nói. “Về cơ bản, quan niệm này cho rằng tin xấu báo hiệu một kết cục xấu, và lời nói có sức mạnh làm hại hoặc chữa lành, và những lời nói ra có thể giết chết bạn theo nghĩa đen. Tất nhiên, điều đó hoàn toàn đi ngược quan điểm trong y học phương Tây, chủ trương trong y sinh học là thảo luận mở về căn bệnh, chẩn đoán và tiên lượng.”

“Nước Mỹ khá độc đáo về phương diện thực sự không thoải mái với chủ đề cái chết,” theo Jon Radulovic, phó chủ tịch truyền thông của Tổ chức Chăm sóc An dưỡng và Giảm nhẹ Quốc gia. "Chúng ta tiếp cận công nghệ y khoa nhiều hơn các quốc gia khác trên thế giới, vì vậy người ta cứ điều trị và điều trị miễn là có sẵn cách can thiệp y tế. Chúng ta không nghĩ về chất lượng cuộc sống.”

Billi (Awkwafina, thứ hai từ trái qua) bay về Trung Quốc dự đám cưới nhằm nói lời từ biệt với người bà lâm bệnh, Nãi Nãi (ngồi, Zhao Shuzhen)

Nhưng khi nhiều người quay sang y học tổng hợp, “chúng ta sẽ thấy nhiều người thuộc thế hệ bùng nổ sinh sản quan tâm hơn về các lựa chọn có sẵn cho họ,” Radulovic nói. “’Lợi ích của hóa trị liệu là gì? Liệu cuộc phẫu thuật này có thực sự làm được gì khác biệt cho tôi không?’ Có một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2017 cho thấy, vào cuối đời những người chọn chăm sóc an dưỡng sống trung bình lâu hơn 28 ngày so với những người tiếp tục điều trị chữa bệnh. Đây là một bài học quan trọng rằng đôi khi tiếp cận căn bệnh một cách toàn diện, tập trung vào con người, thực sự có thể có những lợi ích mà không nhất thiết bệnh viện cung cấp được.”

Gia đình Wang đôi khi đã thực hiện các biện pháp cực đoan để che giấu chẩn đoán bệnh với Nãi Nãi, đưa các loại thuốc trị ung thư dưới dạng vitamin và thay đổi kết quả xét nghiệm bằng bút xóa Wite-Out để mô tả các khối u của bà là “bóng mờ lành tính” bịa đặt. Các bác sĩ của Nãi Nãi thậm chí đã trở thành đồng lõa nói dối, theo yêu cầu của gia đình bà.

“Nếu bà bị ho và muốn đi gặp bác sĩ, họ sẽ nói với bà, ‘Ồ, đó chỉ là bệnh lây nhiễm’ và cho bà uống một số loại thuốc kháng sinh,” Wang nói.

Ban đầu Billi thấy sự dối trá là đáng ghê tởm

Theo hiểu biết của Radulovic, không có luật nào ở Mỹ cấm các gia đình nói dối người thân của họ về bệnh tật, mặc dù giả mạo báo cáo y khoa được đưa vào lĩnh vực pháp lý gai góc, đặc biệt là nếu bác sĩ biết điều đó.

“Và nếu chính bệnh nhân yêu cầu bác sĩ nói cho họ biết chuyện gì đang xảy ra, tôi nghĩ bác sĩ sẽ cần phải làm điều đó,” Radulovic nói. “Nhưng chắc chắn họ sẽ cố gắng hiểu lý do của các thành viên trong gia đình (để nói dối), và chắc chắn có rất nhiều yếu tố. (Bệnh nhân) Bao nhiêu tuổi? Họ có đang mắc chứng mất trí hoặc Alzheimer, khiến có thể không hiểu được khi giải thích mọi chuyện, không?”

Ngoài ra còn có nhiều mâu thuẫn cá nhân vượt ra ngoài sự chăm sóc cuối đời: Nếu ai đó tiếp tục sống cuộc sống của họ không biết gì về một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, bạn có đang cướp mất cơ hội của họ được nói lời từ biệt “thỏa đáng” với người thân yêu, hoặc thực hiện bất kỳ mong muốn cuối cùng về những điều họ muốn làm hoặc muốn nhìn thấy không?

Billi thấy khó khăn để giữ bí mật chẩn đoán bệnh nan y của bà mình

“Mỗi người đều có quyền cơ bản được đối phó với cái chết sắp xảy ra của mình theo cách họ chọn, vì vậy che giấu sự tồn tại của một căn bệnh nan y đang gây bất lợi lớn cho người sắp chết,” theo Larry Samuel, một nhà sử học văn hóa người Mỹ đã viết về tâm lý cái chết. “Tìm cách kết thúc, nói lời từ biệt, hay nói cách khác là ‘sắp xếp lại nhà cửa’ là những cách thiết yếu để chúng ta có thể hoàn thành chương cuối cùng của cuộc đời, đồng thời giúp đưa cái chết vào cuộc trò chuyện thông thường.”

Ở góc độ đạo đức, “Tôi không nghĩ mọi người phải nghe nói dối về sức khỏe của mình,” Wang nói. “Tôi vẫn cảm thấy rất mâu thuẫn về mặt đạo đức đối với lời nói dối này, và liệu làm vật là đúng hay sai.”

Nhưng cá nhân, cô thấy lời nói dối là một phước lành lẫn lộn: Ở cuối Farewell, một cảnh chữ tiết lộ rằng Nãi Nãi ngoài đời vẫn sống khỏe. Không có lời giải thích y khoa nào về lý do bà đã sống lâu hơn tiên lượng nghiệt ngã năm 2013 đó, nhưng chẩn đoán bệnh của bà là thực sự chính xác.

Các bác sĩ của Nãi Nãi thậm chí đã trở thành đồng lõa nói dối, theo yêu cầu của gia đình bà

“Bà đã 86 tuổi và bị bệnh, vì vậy có thể hình dung (sức khỏe của bà) lên xuống,” Wang nói. “Chúng tôi luôn luôn bồn chồn về điều đó và tôi cố gắng trò chuyện với bà nhiều nhất có thể và dành thời gian để gặp bà bất cứ khi nào tôi có thể. Tôi không coi nhẹ bất cứ thời gian nào chúng tôi có được.”

Nãi Nãi gọi FaceTime cho Wang thường xuyên và đến thăm trường quay Farewell khi phim quay vào năm ngoái, mặc dù cho đến ngày nay, bà vẫn không biết tên phim hay thực sự phim nói về cái gì. Wang nói với Nãi Nãi đó là một bộ phim hài về đám cưới gia đình, “về chi tiết, chúng tôi đã không nói dối bà (điều đó),” cô cười lớn nói.

“Lời nói dối ấy đã cho phép tôi dành nhiều thời gian với bà của mình hơn hồi tôi 6 tuổi, và được thấy tôi làm đạo diễn và xây dựng toàn bộ xuất phẩm này thực sự có ý nghĩa với bà,” Wang nói. Vậy mà, “bà biết phim chiếu ở Mỹ và đã hỏi, ‘Khi nào bà được xem?’ Nên gia đình tôi đang phải đối phó với tất cả những điều đó, và vẫn có những ý kiến khác nhau trong gia đình về việc chúng tôi có nên cho bà xem hay không.”

Lời nói dối ấy đã cho phép Wang ngoài đời và phiên bản hư cấu của cô trên phim Billi dành thời gian với bà của mình nhiều hơn

Ngay cả bây giờ, Wang vẫn tự hỏi, “Có thực sự hiệu quả không? Có phải nói dối là một phần thiết yếu – hay lý do chính – khiến bà sống lâu như vậy? Và nếu chúng tôi nói cho bà biết sự thật (bây giờ) và bà xem bộ phim và có chuyện xảy ra, liệu tôi có cảm thấy tội lỗi và có trách nhiệm, rằng bằng cách nào đó việc tiết lộ sự thật giờ đã tác động tiêu cực đến bà không?

“Chúng không phải là câu hỏi mà tôi thực sự có thể trả lời, nhưng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh với chúng.”

The Farewell ra rạp ở Việt Nam từ ngày 11/10 với tựa Lời từ biệt.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: USA Today