Tin tức

Thế hệ làm phim trẻ Hồng Kông chọn tự do sáng tạo hơn tiền của Đại lục

30/08/2016

Quay bộ phim bạn luôn muốn với kinh phí eo hẹp hay bán đi và làm một bộ phim bom tấn? Đó là một tình thế lưỡng nan các đạo diễn Hồng Kông thường xuyên đối mặt khi sự quyến rũ của ngành điện ảnh Đại lục vẫy gọi.

Hiện tại, với những quan ngại ngày càng gia tăng về ảnh hưởng lớn dần của Bắc Kinh lên Hồng Kông, một số nhà làm phim đang thách thức áp lực thương mại và chính trị để sản xuất những bộ phim cây nhà lá vườn nói tiếng Quảng Đông – và thêm cuộc sống mới vào những thước phim của đặc khu này.

Áp phích bộ phim Long tranh hổ đấu [Ảnh: Asia Society]

Hồng Kông từng sản xuất ít nhất 200 phim điện ảnh mỗi năm, từ Long tranh hổ đấu / Enter the Dragon (1973) của Lý Tiểu Long tới Tâm trạng khi yêu / In the Mood for Love (2000) của Vương Gia Vệ, qua không biết bao nhiêu phim ly kỳ cảnh sát và xã hội đen.

Nhưng một thập kỷ trở lại đây ngành điện ảnh Hồng Kông đã suy giảm và chỉ khoảng một tá phim được sản xuất hằng năm.

Một nguyên nhân chính đó là sự bùng nổ của lĩnh vực điện ảnh Trung Quốc, mang lại cho các đạo diễn có kinh nghiệm lẫn những người trẻ mới tốt nghiệp nhiều tiền và cơ hội hơn.

Tuy nhiên với những người dễ dao động giờ có vẻ đang hướng ngược lại, khi mà nỗi khát khao tự do thể hiện có sức nặng hơn tài lực 'khủng' của Đại lục.

Trong bức ảnh chụp vào đầu tháng 6/2016 này, sinh viên điện ảnh
mới tốt nghiệp 24 tuổi Crosby Yip, giữa, đang xem lại một cảnh quay
cho bộ phim lãng mạn-hài đầu tay
Diary of First Love do anh tự huy động vốn

“Với phim mới, mọi người đều hỏi: ‘Nó có thể được phát hành ở Trung Quốc không? Các bạn có thể hợp tác với phía Trung Quốc?’ Đó là cách (các nhà đầu tư) thu lại tiền,” đạo diễn 54 tuổi Hồng Kông Triệu Sùng Cơ, đạo diễn một loạt phim Hồng Kông và đã làm việc ở Đại lục cho biết.

Ông nói ông đã gặp nhiều trắc trở khi tìm nhà tài trợ cho bộ phim sắp tới Chung Ying Street, tập trung vào cuộc nổi dậy chống thực dân Anh trước khi nhảy vọt tới phong trào biểu tình hiện nay.

Đạo diễn Triệu cho biết các công ty lớn Hồng Kông và Đại lục đã từ chối đề nghị đầu tư của ông. Một nhà đầu tư tư nhân cũng đưa ra lo ngại rằng việc này có thể ảnh hưởng tới lợi ích kinh tế của ông ta ở Trung Quốc.

“Nếu làm Chung Ying Street không chừng tôi không được làm ăn ở Trung Quốc. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ nó,” đạo diễn Triệu nói với AFP.

When C Goes to G7, phim đầu tay về tuổi mới lớn
của đạo diễn trẻ Hồng Kông Giản Quân Tấn

“Tôi cần kiểm soát sự sáng tạo và tự do, mà Trung Quốc không thể đem lại điều đó.”

Dòng tiền từ đám đông

Nhiều đạo diễn Hồng Kông đã tìm tới huy động vốn cộng đồng để có tiền mà vẫn duy trì sự độc lập của mình.

Đạo diễn tiếng tăm Christopher Doyle, một cư dân lâu năm của Hồng Kông được biết đến nhiều nhất với những tác phẩm hợp tác cùng đạo diễn Vương Gia Vệ, dùng hệ thống huy động vốn Kickstarter cho dự án nhạy cảm chính trị mới nhất của mình, thu hút hơn 100.000 USD.

Hong Kong Trilogy: Preschooled, Preoccupied, Preposterous được phát hành năm ngoái, dựa trên phỏng vấn ba thế hệ người Hồng Kông. Một phần bộ phim được dành để nói về những cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ từng khiến một phần Hồng Kông tê liệt hồi năm 2014.

Một cảnh trong phim Hong Kong Trilogy: Preschooled, Preoccupied, Preposterous của Christopher Doyle

“Bạn chỉ có thể nói một số điều nhất định ở Trung Quốc, thế nên bạn làm phim cổ trang và phim hành động, trái hẳn với những phim mang hơi hướng xã hội hơn,” nhà làm phim Doyle chia sẻ với AFP.

“Ở đây, chúng tôi phải làm điều ngược lạ. Chúng tôi phải tìm đến kinh phí nhỏ hơn, phải băn khoăn hơn với chút tự do còn lại.”

Ông Doyle còn thêm rằng việc chuyển từ nguồn vốn đảm bảo của Đại lục sang ưu tiên sự tự do đã xảy đến “rất nhanh”, và là sự thay đổi lớn nhất gần đây trong nền điện ảnh Hồng Kông.

Bộ phim nội địa năm 2015 thành công cả về thương mại lẫn phê bình 10 Years – một loạt những đoạn phim ngắn vẽ lên bức tranh khắc nghiệt về cuộc sống ở Hồng Kông năm 2015 – một chúc thư gửi cho sự thay đổi tâm thức.

“Tôi nghĩ bởi tình thế xã hội và chính trị ở Hồng Kông, các đạo diễn băn khoăn nhiều hơn với những vấn đề địa phương,” Andrew Choi, một trong những nhà đồng sản xuất bộ phim cho biết.

Ten Years

Giữ được cái chất

Bất chấp nguồn năng lượng mới trong nền điện ảnh Hồng Kông, nhiều người nói rằng thời huy hoàng của nền điện ảnh này sẽ khó mà được tái hiện với sự hiện diện của một Trung Quốc uy lực và sự cạnh tranh toàn cầu.

“Khi những cái tên lớn được phát hiện những năm 1980, thị trường và thế giới ít chật chội hơn,” Thi Nam Sanh, một nhà sản xuất phim Hồng Kông kỳ cựu, từng làm giám chế bộ phim ly kỳ thành công năm 2002 Internal Affairs và làm giám khảo tại Liên hoan phim Cannes.

Bà thêm rằng nhiều nhà làm phim vẫn sẽ bị thu hút tới Đại lục hay các xuất phẩm Trung Quốc đồng sản xuất với kinh phí lớn hơn và phát hành rộng hơn.

“Tôi nghĩ đây chỉ là một giai đoạn tự nhiên khi mà một số đạo diễn kỳ cựu tới Trung Quốc để làm việc.”

Tuy nhiên, các nhà làm phim thế hệ mới nói rằng giữ tiêu điểm về địa phương không chỉ biểu tượng cho tự do – nó cũng chính là cách tốt hơn để thu hút khán giả.

Nam diễn viên trang điểm trước khi quay cho bộ phim của Crosby Yip

“Tôi thà làm việc với nguồn lực hạn chế về điều gì mà tôi ý thức được,” sinh viên 24 tuổi mới ra trường Crosby Yip cho biết, trong lúc đang ghi hình bộ phim đầu tay tự huy động vốn thể loại hài-lãng mạn Diary of First Love.

“Nếu tôi làm phim về nơi tôi sinh trưởng, tôi nghĩ tình cảm sẽ chất và thật hơn,” anh chia sẻ thêm – cảm nghĩ mà nhiều sinh viên ngành điện ảnh hiện nay cùng chia sẻ khi phỏng vấn với AFP.

“Đây là lý do tại sao tôi khăng khăng muốn làm phim chủ đề Hồng Kông.”

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Hong Kong Free Press