Tin tức

Tương lai của 'trường phái hoạt hình Trung Quốc'

08/04/2022

Bản phục chế 4K bộ phim hoạt hình kinh điển Trung Quốc Thiên thư kỳ đàm / The Legend of Sealed Book đã ra rạp.

Poster Thiên thư kỳ đàm bản phục chế 4K

Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1983, Thiên thư kỳ đàm là một phần của làn sóng những kiệt tác sáng tạo kiên định, không khoan nhượng được tạo ra trong những ngày đầu thời đại “cải cách và mở cửa”. Cùng với những tác phẩm kinh điển khác từ thời đó, như Na Tra đại náo long cung / Prince Nezha’s Triumph Against the Dragon King, bộ phim đã xác định diện mạo và cảm xúc của hoạt hình Trung Quốc hiện đại cho nhiều thế hệ khán giả.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi việc phục chế bộ phim này một lần nữa khơi dậy các cuộc thảo luận giữa những người mê phim về tình trạng được cho là đang suy giảm của ngành hoạt hình Trung Quốc. Các cuộc tranh luận tương tự đã xảy ra sau khi phát hành phiên bản phục chế của Đại náo thiên cung / Havoc in Heaven năm 1961 vào năm 2019 và phiên bản chưa cắt của một bộ phim hoạt hình kinh điển khác, Tây nhạc kỳ đồng / Saving Mother năm 2006. Mặc dù hoạt hình do Trung Quốc sản xuất vẫn được yêu thích, những mọt phim kinh điển thường phàn nàn rằng hoạt hình đương đại thiếu vẻ đẹp của những bộ phim thời trước — cũng như cách tiếp cận sáng tạo của chúng để thích ứng với mỹ học truyền thống.

Cảnh phim Đại náo thiên cung bản phục chế

Nhưng chỉ trích như vậy có thực sự là công bằng? Các nhà làm phim hoạt hình ngày nay đang làm việc trong bối cảnh quốc tế hơn nhiều. Đối tượng mục tiêu của họ là những người trẻ tuổi Trung Quốc đã lớn lên trong một bối cảnh văn hóa rất khác, trong đó họ có khả năng biết rành những điều trong lẫn ngoài vũ trụ Marvel cũng ngang với những tiểu thuyết hay của Trung Quốc mà rất nhiều phim hoạt hình kinh điển dựa theo.

Thật đáng ngạc nhiên, khái niệm về cách tiếp cận đặc trưng Trung Quốc đối với hoạt hình xuất phát từ nguồn gốc của nó, theo lời của một nhà làm phim hoạt hình người Anh. Sau buổi chiếu Sơn thủy tình / Feeling From Mountain and Water tại Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Thượng Hải lần đầu năm 1988, John Halas — nhà làm phim hoạt hình của bản chuyển thể Animal Farm năm 1954 — đã ca ngợi việc khám phá ra thế giới hoạt hình mới của Trung Quốc. Sau những lời khen ngợi của Halas dành cho phong cách độc đáo của các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc, trong vòng vài tháng, các nhà phê bình và học giả địa phương đã bàn tán về một “trường phái hoạt hình Trung Quốc” đặc trưng bằng sự kết hợp các phong cách nghệ thuật truyền thống Trung Quốc, kinh kịch và văn chương phương ngữ.

Anh hùng Đản Sinh trẻ tuổi bảnh bao

Nhưng bối cảnh hoạt hình thịnh vượng mà Halas ngưỡng mộ vào năm 1986 thực sự là thời kỳ hoàng kim thứ hai của hoạt hình Trung Quốc. Thời kỳ đầu tiên, kéo dài từ những năm 1950 đến đầu những năm 1960, đạt đỉnh cao với những bộ phim như Đại náo thiên cung, Where is Mama?Kiêu ngạo tướng quân / The Proud General.

Trong thời đại đó, các nhà làm phim hoạt hình Trung Quốc được thúc đẩy bởi các chỉ thị mạnh mẽ từ trên xuống để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc và hình ảnh dân tộc. Như Chen Huangmei, Cục trưởng Cục Điện ảnh Trung ương lúc bấy giờ, đã nói với một số nhà làm phim hoạt hình hàng đầu của đất nước vào năm 1955: “Phim hoạt hình cần có những câu chuyện trẻ em, thần thoại và truyện dân gian. Chúng cần rút ra từ văn hóa dân tộc; không tôn vinh được di sản quốc gia của chúng ta báo hiệu sự vắng bóng của chủ nghĩa dân tộc.”

Lời của Chen đã có tác động rất lớn đến quỹ đạo phát triển của phim hoạt hình Trung Quốc. Để đáp lại, các nhà làm phim hoạt hình đã tìm cách tạo ra một ngôn ngữ hình ảnh riêng biệt xoay quanh nghệ thuật Trung Hoa cổ và nhịp điệu trình diễn của kinh kịch truyền thống Trung Quốc.

Lũ hồ ly tinh trong Thiên thư kỳ đàm

Phần lớn họ đã thành công. Tất cả ngoại trừ ba kịch bản được chọn cho một tuyển tập các phim hoạt hình từ năm 1949 đến năm 1979 đều lấy chất liệu từ những câu chuyện dân gian và truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc. Về phong cách, hoạt hình Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các kỹ thuật truyền thống như cắt giấy, gấp giấy và tranh thủy mặc. Nhiều nghệ sĩ thủ công và mỹ nghệ đã được mời giúp đỡ quá trình thiết kế, tạo ra hình ảnh dựa trên nghệ thuật lịch sử và tạo tác như nông cụ bằng đồng, sơn mài, bích họa và tranh Tết Nguyên đán. Trong khi đó, các câu chuyện vay mượn rất nhiều từ tuồng tích kinh kịch và các phong cách tuồng cổ địa phương khác, bao gồm các đặc điểm như sử dụng cồng và trống để mở màn buổi biểu diễn.

Thời kỳ hoàng kim thứ hai của hoạt hình Trung Quốc, ít nhất ở một mức độ nào đó, là sự tiếp nối của thời kỳ đầu. Bắt đầu từ cuối những năm 1970, các nhà làm phim hoạt hình đã sản xuất một số phim kinh điển dựa trên nền văn hóa truyền thống Trung Quốc, bao gồm Na Tra đại náo long cung, Sơn thủy tình, và Thiên thư kỳ đàm.

Hồ ly tinh luôn biến thành mỹ nhân

Mặc dù các nhà làm phim hoạt hình làn sóng thứ hai thường xuyên sử dụng “di sản quốc gia” của Trung Quốc, họ cũng vay mượn rộng rãi từ nhiều nguồn không phải của Trung Quốc, bao gồm Hollywood kinh điển, chủ nghĩa biểu hiện, và phim noir. Ví dụ, bộ phim hoạt hình làn sóng đầu tiên Đại náo thiên cung bao gồm cuộc chiến dữ dội giữa Tề Thiên Đại Thánh và Nhị Lang thần. Bắt chước những cảnh võ thuật trong kinh kịch, nhóm biên tập đã sử dụng những cảnh quay chậm, dài để hình dung cuộc đối đầu của họ. Nhưng khi nhân vật chính của Na Tra đại náo long cung năm 1979 chết do tự sát ở đoạn cao trào phim, các nhà làm phim hoạt hình thực hiện một loạt cắt cảnh nhanh giữa Na Tra, cha của anh và Long Vương để làm gián đoạn hành động và nhấn mạnh tác động cảm xúc của cảnh phim.

Thiên thư kỳ đàm là xuất phẩm của những năm 1980. Mặc dù phần lớn câu chuyện bắt nguồn từ văn hóa truyền thống Trung Quốc — đặc biệt là câu chuyện của từ cuốn tiểu thuyết Tam toại bình yêu truyện thời nhà Minh (1368-1644) nói về một anh hùng chống hồ ly tinh — xung đột thực sự của bộ phim được tìm thấy trong cuộc chiến giữa Ngọc Hoàng và Nguyên Công, một nhân vật phụ có nhiệm vụ canh gác thiên đình. Nguyên Công tin rằng Ngọc Hoàng độc chiếm quyền lực của sách trời cho mục đích riêng trong khi vẫn để thế giới loài người phải chịu đau khổ. Vì vậy ông giúp họ, kết cuộc ông bị bắt giam và đưa ra xử giữa thiên đình để trừng phạt.

Nguyên Công là ông già mặt đỏ

Thoạt nhìn, Thiên thư kỳ đàm mang nét thẩm mỹ truyền thống của Trung Quốc. Phong cách nghệ thuật chịu ảnh hưởng của Ngô môn họa phái thời nhà Minh, và thiết kế nhân vật được mô phỏng theo nguyên mẫu kinh kịch: hồ ly tinh là mỹ nhân quyến rũ, anh hùng Đản Sinh trẻ tuổi bảnh bao, và Nguyên Công là ông già mặt đỏ.

Nhưng hình ảnh của phim cũng dựa trên cuộc sống hàng ngày của Trung Quốc những năm 1980. Ví dụ, phần trình bày của bộ phim về quan tòa dựa trên cả nguyên mẫu truyện tranh từ kinh kịch Bắc Kinh và hộp hình nộm lò xo rất được trẻ em Trung Quốc yêu thích vào thời điểm đó. Quần áo của ông đều từ kinh kịch truyền thống, nhưng cơ thể ông được nối với đầu bằng một chiếc lò xo, để nhô khuôn mặt góc cạnh lắc lư qua lại trên vai. Tương tự, Tiểu Thái tử được tạo hình theo một món đồ chơi phổ biến khác vào thời đó: búp bê bìa cứng, rẻ tiền với cơ thể cố định và đầu quay được. Kết quả là một nhân vật đồng thời gây ấn tượng với khán giả vì vừa mạnh mẽ vừa hoàn toàn thiếu tự chủ.

Khu chợ nhộn nhịp trong phim

Tất cả những điều này muốn nói rằng Thiên thư kỳ đàm được nhớ đến như một tác phẩm kinh điển không chỉ vì tính thẩm mỹ trừu tượng hay giới thiệu văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà còn vì cách nó kết nối với thời đại mà nó được tạo ra. Khi nhìn lại những màn múa lân sư rồng, rối bóng, khu chợ nhộn nhịp, và thuyền đánh cá trong phim, chúng có vẻ giống như những di tích của một thời đại đã qua, nhưng tất cả chúng vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc vào những năm 1980. Từ thông điệp tinh thần đến sự khởi sắc trong thử nghiệm, Thiên thư kỳ đàm là một sản phẩm của thời đại của nó.

Ngay cả việc bộ phim sử dụng các yếu tố kinh kịch cũng liên quan nhiều đến địa vị tương đối chính thống của kinh kịch trong những năm 1980 hơn là để tôn vinh văn hóa truyền thống Trung Quốc. Lý do các nhà làm phim hoạt hình cho biểu cảm nhân vật của họ dựa trên các nguyên mẫu kinh kịch vì chúng là một tập hợp các biểu tượng thẩm mỹ được khán giả dự định của họ công nhận và hiểu được một cách toàn diện. Và ngay cả khi đó, ý nghĩa của những nguyên mẫu này vẫn không bị cố định. Ví dụ, Nguyên Công có thể được miêu tả trong truyền thống của những chiến binh như Quan Vũ, nhưng vào thời điểm mà văn học và văn hóa phương Tây một lần nữa được tiếp cận ở Trung Quốc Đại lục, nhiều khán giả cũng liên hệ ông và cuộc chiến chống lại các vị thần ích kỷ của ông với Prometheus trong thần thoại Hy Lạp.

Hoạt hình Trung Quốc chịu ảnh hưởng của các kỹ thuật truyền thống như cắt giấy, gấp giấy và tranh thủy mặc

Bất chấp những gì mà các bài viết có thể gợi ý, “trường phái hoạt hình Trung Quốc” không bao giờ chỉ đơn giản là kết hợp các yếu tố thuộc “di sản quốc gia” của Trung Quốc như kinh kịch, hội họa hoặc cắt giấy. Văn hóa không tĩnh tại và nghệ thuật cũng vậy. Những người ủng hộ sự phục hưng hoạt hình theo chủ nghĩa truyền thống sẽ làm hết sức để bỏ lại những bản sao cứng nhắc của quá khứ trong bảo tàng và để các họa sĩ làm công việc chế tác nghệ thuật.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone