Tin tức

Vì sao các hãng phim Hollywood cần học tiếng Trung Quốc

05/04/2013

Trong mấy năm vừa qua, Hollywood tăng cường tập trung vào việc phát hành các phim nói tiếng Anh ở Trung Quốc, một trong những thị trường điện ảnh tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhưng có lẽ việc đó là chưa đủ.

Trong vài năm tới, có thể họ cũng muốn làm phim Hoa ngữ nữa.

Hai phim phát hành gần đây do Village Roadshow Pictures Asia (VRPA), chi nhánh của Village Roadshow Limited chú trọng vào các phim Hoa ngữ, đồng sản xuất cho thấy vì sao ngôn ngữ có thể quan trọng hơn bao giờ hết.

Nỗ lực đầu tiên của hãng, bộ phim hài hành động giả tưởng Journey to the West: Conquering Demons (đã phát hành ở Việt Nam với tựa đề Tây du ký: Mối tình ngoại truyện) của đạo diễn kiêm diễn viên phim Tuyệt đỉnh Kungfu Châu Tinh Trì, đã kiếm được tổng cộng 122 triệu nhân dân tệ (19,6 triệu đôla Mỹ) trong một ngày – mỉa mai thay, là ngày Lễ tình nhân – và con số này nhiều hơn doanh thu của bất kỳ phim nào vào bất cứ ngày nào trong lịch sử phòng vé Trung Quốc. Tây du ký: Mối tình ngoại truyện cũng trở thành phim đạt mốc 100 triệu đôla Mỹ nhanh nhất ở Trung Quốc.

Và phim thứ hai Say Yes!của hãng VRPA, một phim Hoa ngữ làm lại từ phim truyền hình, đã lập kỷ lục mới cho buổi công chiếu phim tình cảm vào ngày Lễ tình nhân, mà năm nay vô tình trùng với Tết Nguyên đán, và thu được 7,5 triệu đôla Mỹ.

Journey to the West – phim đạt doanh thu cao nhất trong một ngày ở Trung Quốc

Hai phim này đã chiếm đến 85% doanh thu phòng vé mùa Lễ tình nhân.

“Đây sẽ là thị trường bản địa lớn nhất bên cạnh thị trường phim Anh ngữ ở Mỹ,” Greg Basser, giám đốc điều hành của Village Roadshow Entertainment Group, nói với TheWrap. “Thị trường hãy còn rất non trẻ, nhưng chúng tôi hiểu biết rất rõ về vùng này và có thương hiệu tốt ở đó.”

Họ không phải hãng phim duy nhất xâm nhập thị trường. Hãng DreamWorks Animation hợp tác với ba công ty Trung Quốc để mở công ty DreamWorks Oriental đặt trụ sở chính ở Từ Hối. Công ty này sẽ làm những bộ phim Hoa ngữ nguyên bản dựa trên những câu chuyện địa phương, và bộ phim gốc đầu tiên sẽ ra rạp năm 2017.

Hãng Fox International Productions, công ty con của News Corp., đã phát hành các phim tiếng địa phương ở nhiều thị trường, bao gồm Trung Quốc. Hồi tháng 10/2012, hãng này đã cộng tác với Bona Film Group để sản xuất thêm nhiều phim tương tự nữa.

“Với thị trường Trung Quốc đang phát triển, các bạn sẽ còn thấy nhiều việc thế này nữa,” Phil Contrino, phó chủ tịch và nhà phân tích chính của trang BoxOffice.com, nói với TheWrap. “Một phim Hollywood sẽ không hấp dẫn khán giả Trung Quốc chỉ vì phim có cảnh quay ở Bắc Kinh hay Thượng Hải. Tương tự, một người Mỹ có thể sẽ không xem phim tiếng Hoa với nguyên dàn diễn viên người Trung Quốc chỉ vì 10 phút phim diễn ra ở Mỹ.”

Lost in Thailand – thành công mới nhất của phim Hoa ngữ

Dù thành công của các phim Hoa ngữ không phải là mới, nhưng số kỷ lục bị phá vỡ tăng vọt gần đây phản ánh sự phát triển không thể kiềm hãm của thị trường này. Một loạt công ty Trung Quốc, do hãng Beijing Enlight Pictures lèo lái, đóng góp siêu phẩm lớn nhất ở Trung Quốc, Lost in Thailand vào năm 2012 đã phá vỡ kỷ lục của Avatar xác lập hồi năm 2009.

Hãng Fox International Productions, phát hành bộ phim lập kỷ lục Tây du ký: Mối tình ngoại truyện ở Đài Loan, Việt Nam, Malaysia nhưng không đảm nhiệm phát hành phim này ở Trung Quốc, đang tạo ra những thành công nhỏ hơn như phim tình cảm hài Love in Space lấy bối cảnh ở Hồng Kông và Hot Summer Days.

Chẳng trách mà hãng Village Roadshow tại Úc, sở hữu công ty Village Roadshow Pictures hùn vốn và đồng sản xuất chính của Warner Bros., đang lên kế hoạch làm từ bốn đến tám phim Hoa ngữ mỗi năm, với ngân sách từ 2 đến 25 triệu đôla Mỹ. Phim phát hành tiếp theo là The Man of Tai Chi, xuất phẩm đầu tiên của Keanu Reeves trong vai trò đạo diễn, do hãng Universal phân phối.

Village Roadshow tham gia thị trường điện ảnh Trung Quốc đã hơn 40 năm. Trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với Golden Harvest, một công ty điện ảnh ở Hồng Kông hiện đã đổi tên thành Orange Sky Golden Harvest, Village Roadshow phân phối các phim của Lý Tiểu Long ở Úc, trong khi đó, Golden Harvest phân phối một số phim của Village Roadshow ở Trung Quốc.

Một rạp chiếu phim của Golden Village ở Singapore

Năm 1988, hai công ty ký kết hợp đồng liên doanh thành lập Golden Village, công ty kinh doanh các cụm rạp khắp châu Á. Hai bên cùng mở rạp chiếu phim đầu tiên ở Singapore, và từng điều hành các rạp chiếu ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Họ cũng mở cụm rạp đầu tiên ở Thượng Hải. “Nói hơi kiêu ngạo là chúng tôi “phổ cập” cụm rạp ở châu Á,” Basser nói.

Hơn 20 năm sau, Village Roadshow quyết định là họ nên sản xuất phim ở Trung Quốc hơn là chỉ sở hữu các rạp chiếu. Ngay trước khi phim Avatar phát hành năm 2009, từng là phim thành công nhất trong lịch sử Trung Quốc mãi đến lúc có Lost in Thailand, Basser và chủ tịch công ty Village Roadshow Rob Kirby gặp Orange Sky để nói về lượng khán giả tăng lên ở Trung Quốc

“Có hơn 300 công ty điện ảnh khác nhau ở Trung Quốc,” Basser nói với trang TheWrap. “Ở đây có sự khao khát cực lớn. Dù đã phát hành khoảng 70 phim ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi quyết định tập trung vào việc làm phim Hoa ngữ cho thị trường Trung Quốc.”

Và chi phí tiếp thị là bao nhiêu? “Một phần nhỏ,” theo lời Basser, bởi vì ở Trung Quốc các hãng phim không phải mất các khoản chi ngoài tương đương với phí quảng cáo trên truyền hình, báo và tạp chí như ở Mỹ.

Cloud Atlas làm mưa làm gió ở cả Hollywood và Trung Quốc

Dĩ nhiên, dù thành công của một số xuất phẩm Hoa ngữ kiểu này cho thấy sự mong mỏi có thêm nhiều phim mang tính địa phương hơn nữa, nhưng những điều này không có nghĩa người Trung Quốc sẽ thôi không xem phim Mỹ với phụ đề hay lồng tiếng.

Contrino chỉ ra thành công gần đây của Cloud Atlas, tác phẩm từng oanh tạc ở Mỹ và giờ cũng làm tương tự ở Trung Quốc. Năm vừa qua doanh thu phòng vé toàn cầu lập kỷ lục phần lớn là nhờ sự phát triển của thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã kiềm hãm các nhà làm phim, nhà sản xuất và nhà phân phối từ khắp nơi trên thế giới do áp đặt hạn mức phim được phép nhập khẩu. Họ cũng đặt giới hạn phần trăm doanh thu phòng vé thu về từ các phim nước ngoài.

Nhiều công ty tìm ra cách để lách hạn mức, những dự án hợp tác sản xuất đáng chú ý nhất quay ở Trung Quốc và mang yếu tố Trung Quốc.

Với phim Looper, Endgame Entertainment hợp tác với hãng DMG Entertainment ở Bắc Kinh, chuyển việc sản xuất từ Pháp sang Trung Quốc và đưa thêm diễn viên mới vào phim. Công ty Sony, sở hữu hãng phim TriStar Pictures phát hành phim Looper và từng cộng tác với Tập đoàn Điện ảnh Trung Quốc thực hiện phim The Karate Kid (2010), đạt được quyền sử dụng một số di tích lịch sử ở Trung Quốc.

Iron Man 3 dự định được đăng ký là phim hợp tác

Hãng DreamWorks Animation lên kế hoạch phim Kung Fu Panda 3, phần mới nhất trong loạt phim tỉ đôla, sẽ là tác phẩm hợp tác. Và Marvel Studios làm điều tương tự với phim Iron Man 3 ra mắt ngày 3/5, mặc dù chưa chính thức đăng ký là phim hợp tác.

Nhưng giám đốc điều hành Ashok Amritraj của Hyde Park Entertainment, công ty quản lý một quỹ ở Singapore được dùng để thực hiện các phim hợp tác sử dụng ngôn ngữ địa phương, nói rằng số lượng phim hợp tác còn ít do những khó khăn về pháp lý và hậu cần.

“Ngày càng khó khăn hơn khi phê chuẩn các phim Anh ngữ đủ điều kiện là tác phẩm hợp tác,” Amritraj nói. “Các quy định khá chặt và ta phải rất cẩn thận với việc xác nhận phim đủ điều kiện.”

Phần lớn các phim hợp tác đều gặp phải một rào cản nữa – việc điều tra liên tục của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC). Kết quả của những cáo buộc cho rằng các công ty sản xuất đi hối lộ để đảm bảo có giấy phép quay phim, SEC xem xét liệu các công ty Mỹ có vi phạm Luật chống tham nhũng nước ngoài hay không, đạo luật này nghiêm cấm các công ty Mỹ hối lộ công chức ở các nước khác.

Mặc dù gần đây có bài báo nói rằng việc điều tra này làm nhiều công ty nản lòng, một số công ty liên quan từ chối bình luận trên trang TheWrap về chuyện đó, các luật sư nói rằng việc điều tra còn là dấu hiệu cảnh báo cho những dự án khác trong tương lai.

Ngọa hổ tàng long – ví dụ tiêu biểu và hiếm hoi về phim Hoa ngữ thành công ở Mỹ

Câu hỏi lớn hơn xuất hiện: khi thị trường phim Hoa ngữ tiềm năng phát triển, lượng khán giả nhiều hơn, có thể bao gồm cả khán giả ở Mỹ, đem lại những cơ hội gì?

Ít phim điện ảnh Hoa ngữ từng thành công ở quê nhà thu hút khán giả Mỹ. Lost in Thailand thu về chưa đến 30.000 đôla trong tuần đầu tiên ở Mỹ còn Love in Space chỉ chiếu trong thời gian ngắn ở New York.

Ngọa hổ tàng long là ví dụ tốt nhất về một phim Hoa ngữ đã thành công ở Mỹ, nhưng phần lớn mọi người đều xem đó là trường hợp ngoại lệ, không phải quy luật chung.

“Chưa có công thức cho phim điện ảnh dùng ngôn ngữ địa phương có thể chiếu ở bất cứ đâu chứ không chỉ riêng nhóm khán giả ở Mỹ hay các nước khác,” Amritraj nói. “Khi làm phim Hoa ngữ thì bạn đang tự giới hạn mình ở thị trường Trung Quốc rồi.”

Nhưng hai hãng Village Roadshow và DreamWorks Animation vẫn đánh cược rằng phim của họ cuối cùng sẽ đi khắp thế giới.

“Phim điện ảnh Trung Quốc có thể thành công khắp thế giới không?” Contrino hỏi. “Bước đầu tiên là thu hút chính khán giả nội địa. Sau đó, họ có thể tham vọng hơn và cố gắng cạnh tranh với Hollywood trên quy mô toàn cầu.”

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Chicago Tribune


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi