Tin tức

Hollywood kiếm tiền từ Trung Quốc

28/01/2013

Hollywood đang kiếm tiền từ cơn nghiện phim của Trung Quốc. Và dù có thể khó xác minh con số chính xác nhưng rõ ràng xu hướng phát triển mạnh trong những năm gần đây, dẫn đến việc những người làm trong ngành điện ảnh ở cả hai lục địa tìm cách tăng lợi nhuận.

Theo tin tức được đưa rộng rãi thì vào khoảng thời gian giữa năm 2010 và 2011, việc xây dựng rạp chiếu phim trên khắp Trung Quốc tăng mạnh với tốc độ gần 300 phòng chiếu trong một tháng. Để giúp các nhà phát triển lấp đầy những ghế trống, một thỏa thuận ăn chia doanh thu mới nhằm tăng số lượng phim Hollywood được chiếu ở Trung Quốc đã được ký kết giữa Trung Quốc và Mỹ. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 2/2012 và đã nâng tổng số phim nhập khẩu từ 20 lên thành 34 – với điều kiện là các phim bổ sung này ở định dạng 3D hoặc IMAX.

Cảnh trong phim Transformers

Mặc dù kết quả là các phim trong nước bị tàn sát, nhưng tổng doanh thu phòng vé vẫn lập kỷ lục hàng năm, với tổng doanh thu ước tính trong năm 2012 vọt lên khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (tương đương 2,4 tỉ đôla), theo Tân Hoa xã. Trong nửa đầu năm 2012, các phim trong nước chỉ kiếm được bằng một phần ba số tiền mà các phim nước ngoài nhập khẩu mang lại, và chẳng có lý do gì để tin rằng kết quả nửa cuối năm sẽ không lặp lại câu chuyện buồn đó.

* Chú thích: theo tin chính thức từ Tân Hoa xã, tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc năm 2012 đạt 17,07 tỉ nhân dân tệ, tương đương 2,74 tỉ đôla, trong đó tổng doanh thu các phim nhập khẩu chiếm 51,54%.

Trong khi các đạo diễn Trung Quốc bị để mặc gãi đầu gãi tai tìm cách có thêm suất chiếu ở các rạp, thì những nhà sản xuất Hollywood lại đang thèm nhỏ dãi và đang giành giật miếng bánh lớn hơn ở thị trường Trung Quốc.

Sự phát triển lũy tiến

Theo một nghiên cứu do tờ Legal Mirror tiến hành từ năm 2006 đến năm 2011 (bao quát giai đoạn năm năm trước khi có thỏa thuận mới), phần đóng góp của Trung Quốc vào doanh thu từ hải ngoại của Hollywood tăng từ 1,63% lên 7,9%.

Hiện giờ khi xu hướng được củng cố vững chắc và thỏa thuận ăn chia doanh thu đang chứng minh là có lợi, thì Hollywood nghĩ đến Trung Quốc ngay cả trong giai đoạn lên kế hoạch của nhiều bộ phim. Một số phim có thể chỉ có một ít yếu tố văn hóa Trung Hoa, trong khi những phim khác phát triển cả cốt truyện phụ liên quan đến Trung Quốc (các cảnh phim ở Thượng Hải trong phim Looper).

Nhưng điều mà những người trong ngành điện ảnh Trung Quốc thực sự tự hào chính là một mặt, các ngôi sao điện ảnh Trung Quốc được trao những vai quan trọng hơn nhằm thu hút khán giả (Lý Băng Băng trong phim Resident Evil 5), mặt khác, một số kịch bản đang được viết lại để tránh xúc phạm khán giả Trung Quốc.

Lý Băng Băng trong Resident Evil 5

Chẳng hạn như chiến lược mới đây của phiên bản làm lại phim Red Dawn (2008) của hãng MGM trong đó quân đội của kẻ thù bị đổi từ Trung Quốc thành Triều Tiên.

Phiên bản năm 1984 của phim có sự tham gia của Patrick Swayze miêu tả việc Xô Viết xâm lược Mỹ. Với bản làm lại, quân xâm lược lúc đầu được chuyển từ Xô Viết thành Trung Quốc. Nhưng đến lúc hoàn thành bộ phim, quân đội Trung Quốc đã được thay thế bằng quân đội Triều Tiên – sự nhượng bộ rõ ràng với thị trường Trung Quốc.

Trong một bài báo hồi năm 2011, tờ Los Angeles Times đã tóm lược bộ phim như sau: “Thậm chí nếu Bắc Kinh không nói một lời chỉ trích nào thì MGM cũng sẽ đổi phe phản diện trong phiên bản Red Dawn làm lại từ Trung Quốc thành Triều Tiên. Tất cả chỉ cốt để giữ cơ hội thâm nhập phòng vé sinh lời của siêu cường quốc châu Á này thôi.”

Không thấy tự hào

Mặc dù nhiều người Trung Quốc vui khi thấy sở thích của khán giả Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến những ông trùm điện ảnh ở Hollywood, nhưng những người trong ngành lại thực tế hơn.

“Chúng tôi chỉ có thể nói rằng thị trường Trung Quốc có lẽ ngày càng quan trọng hơn đối với Hollywood,” Đằng Tỉnh Thụ, phó tổng giám đốc công ty Chinese Entertainment Shanghai, nói. Quan điểm của bà Đằng được nhà phê bình điện ảnh Tất Thành Công ủng hộ. Ông Tất nói với tờ Global Times rằng thị trường nước ngoài cho Hollywood được xây dựng vững chắc với Anh, Pháp, Đức và Nhật từng là những thị trường lớn nhất.

“Trong khoảng năm năm gần đây, một vài thị trường mới nổi lên: Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Mexico, Brazil và Tây Ban Nha, đã phát triển khá nhiều đến ngang tầm với những thị trường cũ,” Tất Thành Công nói. “Tuy nhiên, trong số đó, không nước nào phát triển nhanh như Trung Quốc. Và tỷ lệ tăng hàng năm ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn tỷ lệ của các nước khác cộng lại.”

Phim Avatar

Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều thời gian để tổng doanh thu phòng vé của Trung Quốc ngang bằng mức Hollywood đạt được ở Mỹ.

Theo một bài báo của tờ Legal Mirror, doanh thu phòng vé của Trung Quốc năm 2011 là khoảng 2 tỉ đôla. Ở Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ và Canada), con số này là 10 tỉ đôla.

Theo lời Tất Thành Công, sẽ mất chín hoặc mười năm để bắt kịp: “Chỉ khi đó thì thị trường Trung Quốc sẽ được đánh giá quan trọng như thị trường Anh và Pháp.”

Theo như ông Tất phân tích, đó là do tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé ở Trung Quốc (30%) hiện giờ thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế. Thế nên, dù một bộ phim thu được 10 triệu đôla ở Trung Quốc, số tiền Hollywood thu được từ phim đó sẽ thấp hơn so với trường hợp phim đó thu 42% của 9 triệu đôla ở một nước khác.

Tất Thành Công và Đằng Tỉnh Thụ đồng ý rằng trong tình hình hiện tại, với các rạp chiếu và phòng chiếu mới mọc lên, thì các nhà sản xuất ở Hollywood xem tỷ lệ ăn chia còn quan trọng hơn doanh thu phòng vé.

Nước Mỹ nhìn ra bên ngoài

So với thị trường Trung Quốc, giới truyền thông của cả Mỹ và Trung Quốc đều nói Bắc Mỹ đang trải qua thời kỳ tuột dốc.

Trong một bài báo trên trang web chính thức của tạp chí Foreign Policy, Stephen Galloway, biên tập viên cao cấp của tờ The Hollywood Reporter, viết rằng doanh thu rạp chiếu năm 2012 ở Bắc Mỹ từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 9 đã giảm 3% so với năm 2011, và “số người xem phim vào mùa hè ít hơn so với bất cứ giai đoạn tương ứng nào trong vòng 20 năm.” Ông tiếp tục cám ơn người nước ngoài nói chung vì đã đến giải cứu ngành điện ảnh.

Nói đến việc liệu thị trường Mỹ sẽ tiếp tục đi xuống hay không, Đằng Tỉnh Thụ không nghĩ thế. “Quy luật thị trường là thỉnh thoảng có một phim bom tấn mở ra cuộc cách mạng kỹ thuật, giống như Avatar, và đôi khi sẽ có những phim mang tính nghệ thuật hay chính trị hơn có thể không thu được nhiều tiền tại phòng vé,” bà nói.

Vào cuối năm 2012, các phim bom tấn như SkyfallThe Hobbit đẩy tổng doanh thu phòng vé toàn cầu hàng năm của Hollywood quay lại vùng kỷ lục. Tin tốt cho Trung Quốc là những người trong ngành ở hai bờ Thái Bình Dương hiểu rõ một điều quan trọng – điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết hợp tác.

Dịch: © Minh Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi