Tin tức

Vì sao Hollywood sợ biến đổi khí hậu đến thế

22/11/2019

Mối bận tâm về môi trường là động lực của các nhân vật phản diện trong phim siêu anh hùng và khoa học giả tưởng gần đây. Nhưng các nhà phê bình nói rằng ngành công nghiệp điện ảnh cần chỉ ra xã hội có thể cải cách cách vận hành như thế nào.

Con người phá hủy mọi thứ. Họ đã sinh sản quá nhiều và vắt kiệt đất, không khí và đại dương.

Trong Avengers, đại phản diện Thanos chọn chống lại sự sụp đổ môi trường bằng cách cắt giảm nhân loại — cùng với tất cả các sinh vật — xuống một nửa

Thế cho nên họ phải bị bốc hơi một nửa, hoặc bị những quái vật cao chọc trời tấn công, hoặc bị cư dân giận dữ từ đại dương tràn lên chế ngự. Chưa hết, họ phải lao động cực nhọc với đồng lương chết đói, tuyệt vọng sống trên Trái đất xanh tươi một thời giờ bị băng hoặc hạn hán tàn phá.

Đó là cách mà nhiều bộ phim siêu anh hùng và khoa học giả tưởng gần đây — trong số đó có phần mới nhất của Avengers Godzilla cũng như Aquaman, Snowpiercer, Blade Runner 2049, Interstellar Mad Max: Fury Road — viện dẫn khủng hoảng khí hậu. Những phim đó tưởng tượng ra tương lai hậu tận thế hoặc phản địa đàng nơi hệ sinh thái sụp đổ là không thể tránh khỏi, các nhà môi trường là tội phạm, và suy nghĩ cho sinh thái là động lực của các nhân vật phản diện.

Nhưng những phim đó đều có tư tưởng chủ bại, các nhà phê bình nói, và một dàn đồng thanh lên tiếng thúc giục ngành công nghiệp giải trí kể nhiều câu chuyện cho thấy con người thích nghi và cải cách để tránh những mối đe dọa khí hậu tồi tệ nhất.

Trong Godzilla: King of the Monsters, bọn khủng bố sinh thái thả những quái vật săn mồi ra

Michael Svoboda, giáo sư Đại học George Washington và là tác giả của trang web đa phương tiện Yale Climate Connections nói, "Hơn bao giờ hết, phim ảnh đang không nhắm trúng đích, thường là theo cùng một cách giống nhau. Hầu như không có phim nào trong số những phim này miêu tả sự chuyển đổi thành công của xã hội.”

Trong Avengers: Infinity War, đại phản diện Thanos chọn chống lại sự sụp đổ môi trường bằng cách cắt giảm nhân loại — cùng với tất cả các sinh vật — xuống một nửa. Trong Godzilla: King of the Monsters, những kẻ khủng bố sinh thái thả những quái vật săn mồi ra để tránh bị tuyệt chủng hàng loạt và giữ cho dân số loài người trong vòng kiểm soát. Trong Aquaman, Vua Orm, lãnh đạo của một vương quốc dưới đáy biển, kết luận rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự hủy diệt trái đất là gây chiến với con người.

David Leslie Johnson-McGoldrick, một trong những biên kịch của Aquaman, nói rằng sử dụng ô nhiễm làm động lực khiến Orm trở nên đáng tin cậy hơn và đỡ phản diện hơn, và nói thêm, “cho nhân vật bản sắc nào đó.”

Cư dân đại dương giận dữ trong Aquaman

Nhưng giáo sư Svoboda coi Vua Orm là một phần của xu hướng chuyển khủng hoảng khí hậu thành lĩnh vực quen thuộc và dễ chịu về mặt cảm xúc. Nhân vật phản diện bị đánh bại và khán giả cảm thấy nhẹ nhõm, ông nói, không chỉ bởi vì thoát trách nhiệm: Con người có thể đang thực sự làm hại, nhưng những giải pháp thay thế còn tồi tệ hơn.

Xu hướng liên kết chủ nghĩa môi trường với khủng bố sinh thái không giới hạn ở phim siêu anh hùng và phim thể loại, giáo sư Svoboda nói. Trong phim độc lập First Reformed năm 2017, Ethan Hawke đóng vai một mục sư cực đoan, âm mưu đánh bom tự sát tại một buổi lễ nhà thờ có sự tham gia của một nhà công nghiệp gây ô nhiễm.

“Phim này làm lợi cho những luận điểm bảo thủ mà các nhà môi trường đưa ra để giảm ô nhiễm và hạn chế lối sống và là tội ác diệt chủng,” theogiáo sư Svoboda. “Họ tạo ra những kẻ giết người hàng loạt là những người duy nhất chiến đấu vì biến đổi khí hậu.”

Trong First Reformed, Ethan Hawke đóng vai một mục sư cực đoan, âm mưu đánh bom tự sát tại một buổi lễ nhà thờ có sự tham gia của một nhà công nghiệp gây ô nhiễm

Trong một bài phản biện cho tờ The Washington Post, nhà báo chuyên về điện ảnh Sonny Bunch đã phản đối rằng các nhà môi trường là những kẻ xấu lý tưởng vì họ muốn làm cho cuộc sống của chúng ta tồi tệ hơn bằng cách cấm ống hút nhựa, gia đình đông con, đi máy bay và thịt đỏ.

Tỉnh táo hơn về chủ đề này, ít nhất là trên màn bạc, phần lớn giới hạn trong các phim tài liệu, mà ngoại trừ bộ phim thành công đình đám của Al Gore năm 2006, An Inconvenient Truth, khán giả và người mua hầu hết đều xa lánh. (Trên màn ảnh nhỏ, phim bộ tài liệu và các chương trình khác thường đề cập đến vấn đề này, nhưng hiếm khi đột phá trong thời đại đỉnh cao của truyền hình.) Một bộ phim hãng lớn xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, The Day After Tomorrow, trong đó siêu bão bao trùm một nửa địa cầu, được phát hành 15 năm trước. Nhiều nỗ lực gần đây đã sa lầy, như Downsizing của Alexander Payne (2017), tưởng tượng con người thu nhỏ kích thước xuống bằng con sóc chuột để giảm lượng khí thải carbon trong khi vẫn sống đông nhung nhúc.

Svoboda chỉ ra Young Ones năm 2014 do Michael Shannon đóng vai một người cha nỗ lực tồn tại trong thế giới bị hạn hán tàn phá, là một bộ phim hiếm hoi cho thấy con người thích nghi với sự nóng lên toàn cầu, nhưng hầu như chẳng gây được mảy may quan tâm.

Phim Young Ones: Michael Shannon đóng vai một người cha nỗ lực tồn tại trong thế giới bị hạn hán tàn phá

Nam diễn viên kiêm đạo diễn Fisher Stevens, đã thực hiện một số phim tài liệu về các vấn đề môi trường, trong đó có hai phim với Leonardo DiCaprio, cho biết anh cảm thấy thất vọng sâu sắc khi Hollywood không đưa Big Oil lên màn ảnh cho ra tấm ra món.

“Chúng ta cần một phim Forrest Gump văn hóa đại chúng để thức tỉnh mọi người,” Stevens nói, “vì ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đang làm mọi cách để ngăn người Mỹ tin rằng nhiên liệu hóa thạch đang gây ra biến đổi khí hậu.”

(DiCaprio, một nhà bảo vệ môi trường quyết tâm có quỹ khắc phục biến đổi khí hậu, đã không trả lời yêu cầu bình luận).

Vậy tại sao không có những phim hiện thực hơn, hoặc bán hiện thực, hoặc, dám đề cập về biến đổi khí hậu?

Bởi vì, nhiều đạo diễn cho biết, rất khó tìm nguồn tài chính cho những bộ phim có nguy cơ trở thành liều thuốc thực sự và thách thức khán giả thay đổi cung cách của họ. Bởi vì sự tuyệt chủng hàng loạt rất chán và người ta tìm đến giải trí để thoát ly hiện thực.

The Day After Tomorrow, trong đó siêu bão bao trùm một nửa địa cầu, được phát hành 15 năm trước

Bởi vì, Roland Emmerich, biên kịch và đạo diễn The Day After Tomorrow, nói không dễ để tìm thấy một câu chuyện mà các hãng nghiện phim chuỗi chịu phát hành. “Chúng tôi không làm tốt công việc,” ông nói, “Và tôi không ngừng cố gắng tìm ra cách nào khác để thể hiện nó.”

Adam McKay, phim Vice của ông liên hệ đến việc giảm thiểu biến đổi khí hậu của Đảng Cộng hòa, cho biết thực tế là cuộc khủng hoảng quá lớn khiến khó mà lĩnh hội và nắm bắt được câu chuyện. Nhưng ông nói thêm rằng ông đang làm một bộ phim mới giải quyết vấn đề này, và công ty sản xuất của ông đang phát triển phim dài tập có kịch bản xem xét ảnh hưởng của sự nóng lên do bức xạ đối với nền văn minh.

“Bấy nhiêu đó có đủ không? Không hề,” McKay đã viết trong một email. “Xem ra không có cái chuyện gọi là ‘đủ’ với sự nóng lên toàn cầu.”

Trong Aquaman, Vua Orm, lãnh đạo của một vương quốc dưới đáy biển, kết luận rằng cách duy nhất để ngăn chặn sự hủy diệt trái đất là gây chiến với con người

Hai bên bờ Đại Tây Dương, có những nỗ lực để thay đổi điều đó và truyền tải những câu chuyện kể với hy vọng. Cùng với trình bày tỉ mỉ cho thấy các dự án có thể giảm lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất như thế nào, Hiệp hội sản xuất phim Hoa Kỳ, và, dứt khoát hơn, Học viện Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc, đang cho các nhà sáng tạo nội dung thấy cách kết hợp các chủ đề xanh vào phim và chương trình của họ.

Trên trang web Hướng dẫn sản xuất Guild’s Green Production, một báo cáo của Học viện Rocky Mountain, tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự bền vững, đưa ra những cách tái tạo có thể được mô tả trên màn ảnh. Một số cốt truyện được đề xuất, từ việc thể hiện các nhân vật sống bên ngoài xã hội văn minh cho đến những kẻ tán hươu tán vượn lắp pin năng lượng mặt trời. Jacob Corvidae, một trong những tác giả của báo cáo, nói vấn đề là lĩnh vực năng lượng sạch chuyển tiếp mạnh mẽ đến đâu, và cũng để gieo hy vọng. “Chúng ta cần miêu tả rằng sự việc sẽ ổn bởi vì người ta đã nỗ lực,” anh nói.

Mùa xuân này, BAFTA đã phát hành một nghiên cứu cho thấy số lần thuật ngữ sinh thái xuất hiện trên truyền hình Anh trong một năm (báo cáo không nêu phim nào). Chẳng hạn, thuật ngữ “biến đổi khí hậu” xuất hiện nhiều hơn so với “zombie”, nhưng đứng sau thuật ngữ “lợi nhuận bất chính”, và hoàn toàn thua từ “nữ hoàng” và “trà”. Học viện cũng khởi động sáng kiến Planet Plocation, cổ vũ những người sáng tạo nội dung điện ảnh và truyền hình giúp “tạo ra phim chủ lưu về hành vi môi trường tích cực”. Họ nói, với tầm rộng lớn của các ngành công nghiệp màn chiếu, đó là cơ hội để định hình phản ứng của xã hội đối với biến đổi khí hậu.

Downsizing của Alexander Payne (2017), tưởng tượng con người thu nhỏ kích thước xuống bằng con sóc chuột để giảm lượng khí thải carbon trong khi vẫn sống đông nhung nhúc

Aaron Matthews, người đứng đầu về bền vững công nghiệp tại BAFTA cho biết, “Câu chuyện môi trường 25 năm qua là về sự hy sinh và diệt vong và không làm những gì bạn muốn và không đạt được những gì bạn muốn. Chúng tôi không nghĩ đó là tông điệu phù hợp để giúp con người vượt qua.”

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times