Tin tức

Vô trung sinh hữu: Triển lãm nghệ thuật và phục trang tri ân điện ảnh Hồng Kông

29/05/2023

Trong phim, bộ phận nghệ thuật chịu trách nhiệm dựng cảnh, đạo cụ, phục trang và những đạo cụ thị giác giúp đưa kịch bản thành hiện thực.

Mặc dù những tạo tác nghệ thuật này thường bị vứt đi hay bỏ lại bám bụi trong những kho bãi bị lãng quên, thỉnh thoảng chúng cũng được các hãng phim, đoàn làm phim sưu tập khi nhận ra những đồ vật này thể hiện tinh thần và câu chuyện của lịch sử điện ảnh.

Trang phục thượng triều của Củng Lợi và Châu Nhuận Phát, do nhà thiết kế phục trang Hề Trọng Văn thực hiện, từ phim Hoàng kim giáp (2006) tại Triển lãm Nghệ thuật và Phục trang Điện ảnh Hồng Kông “Out of Thin Air” (tên tiếng Trung “Vô trung sinh hữu”, nghĩa là “Từ không thành có” ), một triển lãm lớn ở Bảo tàng Di sản Hồng Kông

“Out of Thin Air”, triển lãm mới ở Bảo tàng Di sản Hồng Kông đồng tổ chức với Hiệp hội Nghệ thuật Điện ảnh Hồng Kông (HKFAA), hồi sinh rất nhiều bảo bối từ những bộ phim giờ đã thành biểu tượng tận từ thời những năm 1950.

Sự tôn vinh mở rộng dành cho ngành công nghiệp giải trí của Hồng Kông — được dựng đồng thời với một triển lãm trong cùng bảo tàng này nhân dịp tưởng nhớ 20 năm ngày mất của siêu sao Trương Quốc Vinh — làm sống lại thời kỳ hoàng kim của văn hóa Hồng Kông.

Không hẳn chỉ là sự hoài niệm — có một bộ đồ luật sư Huỳnh Tử Hoa mặc trong A Guilty Conscience (2023), bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại ở Hồng Kông, cũng như bộ phục trang từ Anita (2021) đã làm nổi bật 284 bộ phục trang cho các diễn viên chính trong bộ phim tiểu sử Mai Diễm Phương.

Các hiện vật trưng bày triển lãm “Out of Thin Air”: góc phải là bộ đồ luật sư Huỳnh Tử Hoa mặc trong A Guilty Conscience

Một khu vực trưng bày khổng lồ ở lối vào triển lãm có các thiết kế dựng cảnh và phục trang từ những phim đã đi vào lịch sử theo cách riêng của mình, như Perhaps Love (2005), phim ca nhạc kinh phí lớn đương đại Trung Quốc đầu tiên trong 30 năm; Xích Bích (2008), bộ phim đắt đỏ nhất lịch sử Trung Quốc ở thời điểm đó; và Nhất đại tông sư (2013), thắng kỷ lục 12 giải thưởng tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông (Kim Tượng).

Gần như là một viên ngọc lịch sử — tuyển tập của Hãng Thiệu Thị bao gồm những dựng cảnh chi tiết của các bộ phim từ hãng này vào những năm 1960. Là một trong những cái tên lớn nhất ngành điện ảnh Hồng Kông, Thiệu Thị cũng cho mượn 11 bộ xườn xám tuyệt phẩm — trang phục truyền thống của Trung Quốc — cũng như những trang phục thời cổ được sử dụng trong các phim võ thuật ở triển lãm.

Nổi bật đáng nói là trang phục của Trương Mạn Ngọc trong phim Anh hùng (2002) do Emi Wada quá cố thiết kế. Với xuất phẩm đồng sản xuất Hồng Kông-Đại lục này, Wada đã dùng bốn tông màu đỏ khác nhau để thiết kế cho Trương Mạn Ngọc nhằm tăng hiệu ứng thanh tao của những cảnh hành động.

Bộ đồ đỏ của Trương Mạn Ngọc trong Anh hùng (2002) từ nhà thiết kế Emi Wada

Bộ phim thắng giải trang phục và hóa trang xuất sắc tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 22.

Những bộ trang phục bắt mắt nhất trong triển lãm là trang phục thượng triều rất lộng lẫy của Châu Nhuận Phát và Củng Lợi trong Hoàng kim giáp (2006), được Hề Trọng Văn và Đới Mỹ Linh thiết kế.

Với những họa tiết rồng phượng dát vàng lấp lánh vô cùng tỉ mỉ, mỗi bộ long bào dài khoảng 3 mét và nặng 18 kg.

Bộ phim nhận được ba giải thưởng cho thiết kế phục trang - từ Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 26 và, ở Mỹ, Giải thưởng Hiệp hội Nhà thiết kế Phục trang lần thứ 9 và Giải thưởng Saturn lần thứ 33.

Bộ đồ kẻ cướp giật của Lâm Thanh Hà trong Trùng Khánh Sâm Lâm (1994) của nhà thiết kế Trương Thúc Bình

Áo khoác dài của Lâm Thanh Hà từ Trùng Khánh Sâm Lâm (1994) của Vương Gia Vệ thì trông bình thường hơn, nhưng không hề khó nhận ra với những mọt phim.

Đạo diễn nghệ thuật Trương Thúc Bình quyết định rằng chiếc áo khoác này sẽ là trang phục duy nhất mà nhân vật không tên của Lâm Thanh Hà mặc — được nhắc đến là “cô gái trong bộ tóc giả vàng hoe” trong thông tin cuối phim — để thêm phần bí ẩn cho cô.

Có những vật lưu niệm từ các phim khác của đạo diễn Vương, như đèn ngủ với họa tiết thác nước từ Xuân quang xạ tiết (1997), bộ đồ ăn từ Tâm trạng khi yêu (2000) và chiếc đèn chùm từ 2046 (2004).

Trái: chiếc đèn ngủ họa tiết thác nước trong Xuân quang xạ tiết (1997); phải: bộ đồ ăn trong Tâm trạng khi yêu (2002). Cả hai đều do đạo diễn nghệ thuật Trương Thúc Bình chế tác

Tất cả những hiện vật này đều do những con người hết lòng với nghệ thuật của mình thực hiện — và được đề cập trong hai phim tài liệu chiếu tại triển lãm dựa trên các buổi phỏng vấn với 60 nghệ nhân ở Hồng Kông từ năm 2021 tới 2022.

Như cách đạo diễn nghệ thuật Trương Thế Hoành nói: “Không có gì nghiêm túc hơn dành cả đời để làm một việc.”

Văn Niệm Trung, chủ tịch HKFAA và cũng là một đạo diễn nghệ thuật kiêm thiết kế phục trang đã từng thắng nhiều giải thưởng, nói rằng ông sẽ tiếp tục làm công việc đang làm bởi ông yêu Hồng Kông và yêu ngành công nghiệp này.

Nhà đồng tuyển chọn cho triển lãm Lưu Thiên Lan, phó chủ tịch HKFAA và là một đạo diễn hình ảnh kiêm thiết kế phục trang có tiếng, cũng nói rằng bà không thể bỏ nghề.

Thiệu Thị cho mượn 11 bộ xườn xám tuyệt phẩm cũng như những trang phục thời cổ được sử dụng trong các phim võ thuật ở triển lãm

“Thực sự đáng khinh nếu bỏ nghề. Tôi không thể ngăn mình theo đuổi những thách thức mới, bởi mỗi dự án lại đem tới sự sáng tạo và tưởng tượng không bờ bến bất chấp tất cả những đêm dài thức trắng và cực nhọc.”

Hồng Kông có thể không còn được gọi là “Hollywood của phương Đông”, nhưng triển lãm này là một thông điệp có sức mạnh về di sản của ngành công nghiệp có chiều sâu và có ảnh hưởng của thành phố này, và cũng là một tín hiệu nói rằng sự sáng tạo đó vẫn còn khởi sắc.

Triển lãm Nghệ thuật và Trang phục Điện ảnh Hồng Kông: “Out of Thin Air” diễn ra từ ngày 5 tháng 3 đến ngày 4 tháng 9 năm 2023.

Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post