Tin phòng vé

Phòng vé Trung Quốc 2013: Lại một năm bội thu

27/01/2014

Phim Trung Quốc năm vừa qua bán chạy hơn so với các phim Hollywood nhập khẩu. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 khi Trung Quốc cuối cùng cũng thực hiện các điều khoản trong cam kết gia nhập WTO 2001 bằng việc cho tăng thêm 14 phim Hollywood chiếu ở nước này.

Doanh thu phòng vé từ các phim nhập khẩu tăng từ 8,8 tỉ (1,45 tỉ đôla) lên 9 tỉ nhân dân tệ, tuy nhiên thị phần của các phim này trên thị trường Đại lục nói chung giảm từ 51,5 xuống 41,4%.

Phim nội địa đạt 12,8 tỉ nhân dân tệ, tăng 54,3% so với con số 8,3 tỉ nhân dân tệ của năm 2012, theo People's Daily lấy nguồn từ Cục Quản lý báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình.

Tổng doanh thu phòng vé tại Trung Quốc Đại lục đạt 21,8 tỉ nhân dân tệ trong năm 2013, tăng 17,1 triệu nhân dân tệ (tương ứng 27,5%) so với 2012.

Trang ent.sina.com.cn, cổng thông tin giải trí hàng đầu Trung Quốc đưa tin, tổng cộng 638 phim sản xuất tại Trung Quốc trong năm 2013 được công chiếu, ít hơn 107 phim so với 2012.

Để giải thích việc doanh thu phòng vé tăng, People’s Daily cho biết rằng năm vừa qua có 5.077 rạp chiếu mới được dựng lên trên kắp Đại lục, chủ yếu tại các đô thị loại ba và bốn, nâng tổng số rạp phim trên toàn quốc lên con số 18.195.

Năm vừa qua doanh thu của phim Trung Quốc tại các phòng vé quốc tế cũng tăng 33% lên 1,4 tỉ nhân dân tệ. The Grandmaster / Nhất đại tông sư, bộ phim võ thuật mới nhất của đạo diễn Hồng Kông Vương Gia Vệ đã thu về hơn 6 triệu đôla tại thị trường Bắc Mỹ và đứng thứ năm trong tốp 10 phim của năm do tạp chí Time bình chọn.

Áp phích tiếng Hoa của The Grandmaster, bộ phim võ thuật thành công trên thị trường quốc tế năm vừa qua

Một sự gia tăng bất thường

Đo lường bởi doanh thu vé, 2013 là một năm thành công đối với phim Trung Quốc. ent.qq.com tính toán rằng, trong năm 2013, 61 phim thu về hơn 100 triệu nhân dân tệ ở Đại lục bao gồm Lost in ThailandCZ 12, mở màn từ tháng 12/2012 nhưng chiếu đến tháng 1/2013. Con số này năm 2012, 2011 lần lượt là 45 và 35.

Đằng sau doanh thu có vẻ khả quan này, một số phân tích chi tiết hơn cho thấy phần lớn doanh thu đến từ các phim chiếu trong khoảng nửa đầu năm 2013, bao gồm Journey to the West: Conquering the Demons, So YoungFinding Mr Right, mỗi phim thu về hơn 500 triệu nhân dân tệ. Nhưng trong nửa cuối năm, chỉ có duy nhất Personal Tailor của đạo diễn Phùng Tiểu Cương gia nhập vào hội hơn 500 triệu tệ.

Những bom tấn Trung Quốc như The White Storm, Firestorm, Personal TailorPolice Story 2013 tổng cộng chỉ thu về hơn 2 tỉ nhân dân tệ trong tháng 12/2013, giảm 20% so với con số 2,5 tỉ tệ cùng kỳ năm 2012, ent.qq.com cho biết thêm.

Lý Trung, một nhà phê bình phim ở Côn Minh, Vân Nam quy cho những phim bom tấn chịu trách nhiệm về sự sụt giảm này.

Personal Tailor, bộ phim duy nhất ra mắt nửa cuối năm 2013 thu về hơn 500 triệu nhân dân tệ

“Ngày càng có ít phim kinh phí thấp,” nhà phê bình phát biểu với Global Times. Tình hình tháng 12 còn phát sinh từ việc “thiếu những sản phẩm tốt hoặc những chú ngựa ô [như Lost in Thailand].”

Nhà phê bình phim Zhu Yuming ở Bắc Kinh lại nghĩ rằng tháng 12 đã phản ánh thị trường làm phim theo kiểu công nghiệp hóa.

“Đó là giai đoạn cần có những phim hài để cả gia đình cùng thưởng thức, giống như mùa phim Giáng sinh ở phương Tây,” Zhu phát biểu với Global Times. “Nhưng các rạp chiếu phim lại đầy phim tội phạm và lãng mạn.”

Lối thoát

Mặc dù doanh thu phòng vé phim Trung Quốc ở nước ngoài đạt được thành quả tốt, con số phim xuất khẩu giảm 40% từ 75 năm 2012 xuống 45 năm vừa rồi.

Trong một cuộc phỏng vấn với ngân hàng dữ liệu giải trí Trung Quốc entgroup, nhà làm phim kỳ cựu người Hồng Kông Jessica Kam cho biết sự giảm sút số lượng phim Trung Quốc xuất khẩu không phải là một tín hiệu tốt. Những nhà làm phim trong nước quá ít quan tâm đến việc giới thiệu sản phẩm của mình với thị hiếu quốc tế.

Finding Mr Right

“Phim Trung Quốc có hai thể loại chính sẽ thành công quốc tế,” cô cho biết. “Một là phim võ thuật, đặc biệt với những ngôi sao như Thành Long hay Lý Liên Kiệt.

“Còn lại là những phim nghệ thuật đậm văn hóa Trung Hoa như những phim của Trương Nghệ Mưu và Giả Chương Kha."

Mặc dù Lost in Thailand rất thành công tại các phòng vé Đại lục, bộ phim hài dựa vào ngôn từ này lại “lost in translation” (chơi chữ ý nói là không thể chuyển ngữ đạt) khi ra quốc tế. Jessica Kam gợi ý rằng các nhà làm phim nên xem xét nhu cầu thị trường quốc tế ngay từ lúc bắt đầu, bao gồm cả kịch bản và diễn viên.

Với tư cách là một nhà sản xuất, cô có cái nhìn thiên vị dành cho các phim hợp tác sản xuất, tin rằng chúng tạo ra bước tiến tích cực đối với thị trường nước ngoài. Bằng việc hợp tác với Hollywood, các nhà làm phim Trung Quốc không chỉ tiếp cận được thị trường mới mà còn nâng cao tay nghề.

A Touch of Sin của đạo diễn Giả Chương Kha

Nhà phê bình điện ảnh Cui Ting đồng ý với nhận định của Jessica Kam, nhưng nói miễn là những sản phẩm tốt cho khán giả nội địa được ưu tiên.

“Chúng ta có dân số 1,3 tỉ người, và 1 tỉ trong số đó là khán giả điện ảnh tiềm năng,” Cui Ting phát biểu với Global Times.


Dịch: © Ngô Bình @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Bài viết liên quan:

Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.