Bình luận phim

Jason Bourne: Cuộc đấu ký ức của Matt Damon

30/07/2016

Một phim phần tiếp theo không ai muốn có trong hè này.

Thực ra, bạn có đòi thêm Independence Day không? Có đòi trở lại Wonderland? Lại đồng bóng với Neighbors?

Rõ ràng là không, kết quả phòng vé đã cho biết.

Thế nhưng, thi thoảng một phim lặp lại lại hiệu quả – như các phần mới tiếp theo Finding Nemo và chuỗi Star Trek. Thế nên những người đứng sau Jason Bourne chắc nghĩ rằng họ cũng đang đi đúng đường, một khi rù quến được ngôi sao và đạo diễn quay lại.

Quá tệ là họ đâu có rù quến được biên kịch cũng quay lại.

Vì phim mới nhất trong chuỗi phim về một điệp viên bị mắc chứng quên của họ nhạt như cái tựa, chẳng đem đến mục tiêu tối hậu, chẳng vận dụng uy lực tối cao và dứt khoát là không đem lại di sản nào. Chỉ là hơn hai tiếng đồng hồ rượt đuổi ô tô, đấu tay không, và chứng hoang tưởng chống chính phủ theo mốt.

Đạo diễn Paul Greengrass và ngôi sao Matt Damon đều quay lại, sau gần một thập niên bỏ đi. Nhưng biên kịch Tony Gilroy thì vắng bóng – thế nên cũng chẳng có câu chuyện đủ thông minh để cho mọi sự phức tạp được rõ ràng, và ngay cả nhân vật đáng ghét nhất cũng thú vị.

Jason Bourne của Damon vẫn trong thể trạng chiến đấu

Nhắc lại phòng khi bạn quên, Jason Bourne của Damon là người có vấn đề về trí nhớ – hầu hết là khoảng thời gian trước khi anh trở thành một sát thủ của CIA. Bị tổ chức phản bội, bao năm anh lẩn tránh các sếp cũ, kẻ thù cũ, mặc dù cũng cố ghi được vài bàn.

Anh đang bán nghỉ hưu lúc bộ phim này bắt đầu, kiếm sống bằng cách chiến thắng những trận đấu tay không ở trại tị nạn. (Này, kiếm ăn mà.) Nhưng rồi một đồng minh cũ truy tìm ra anh, và lập tức chúng ta trở lại ngay giữa những trận chiến máy quay cầm tay rung giật và những cuộc đuổi bắt ô tô giật cục của Greengrass.

Giá mà mới mẻ hơn một chút thì giải trí được đôi chút rồi. Nhưng sự trở lại của Bourne có cảm giác do nhu cầu của kịch bản hơn là động cơ cá nhân; kẻ thù bày binh bố trận hại anh thì xấu xa một cách giản đơn thái quá đến nỗi chẳng bõ công huýt sáo chê bai.

Damon vẫn trong thể trạng chiến đấu (mà bạn sẽ nhanh chóng nhận ra trong những cảnh anh để mình trần đến thắt lưng chiến đấu). Nhưng ở anh chẳng có gì ngoài một quyết tâm tiến tới không gì lay chuyển; phức hợp cảm xúc của anh cũng như mọi ngày. Và mặc dù Tommy Lee Jones thêm vài nét chấm phá tính quái trong vai sếp CIA, Alicia Vikander chỉ lạnh tanh trong vai một đặc vụ tham vọng.

Alicia Vikander (trái) trong vai một đặc vụ tham vọng

Trong khi đó, Greengrass phức tạp hóa mọi thứ một cách quá tay. Cốt truyện đầy ắp những thông điệp lộ liễu vụng về về sự tráo trở của chính phủ Mỹ; hai cảnh rượt đuổi chính trong phim cường điệu hóa một cách đau đớn. Cao trào, mở ra tại một hội nghị ở Las Vegas, trông như ai đó đã xem cái kết nực cười của The Nice Guys – và làm cho cái kết này nghiêm trọng.

Khi Greengrass dừng lại một chút để tập trung vào một cảnh chiến đấu nào đó, phim hay lên một chút. Có một cảnh ly kỳ (nếu, thường là, quá phức tạp) lấy bối cảnh đường phố bạo loạn ở Hy Lạp, và thật vui khi thấy diễn viên phụ Julia Stiles của chuỗi phim trở lại chớp nhoáng – luôn có gì đó bí mật về đôi mắt của cô, một điểm cộng cho bộ phim ly kỳ gián điệp này.

Nhưng nếu đây là Bourne hay nhất mà êkíp này có thể đem đến sau chín năm xa cách – có lẽ lần tới nếu họ quên sạch mọi thứ thì sẽ tốt hơn.

Julia Stiles, phải, cùng Matt Damon trong một cảnh phim

Lưu ý phân loại: Phim chứa yếu tố bạo lực.

Jason Bourne (phân loại PG-13) Universal phát hành (thời lượng 123 phút). Ra rạp ở Việt Nam với tựa Siêu điệp viên Jason Bourne
Đạo diễn Paul Greengrass. Diễn viên chính Matt Damon, Julia Stiles, Alicia Vikander

Đánh giá: ★ ½

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger