Bình luận phim

Kỵ sĩ cô độc: Cao bồi và bọn ngốc

12/07/2013

Hây da, Silver – thật tiếc biết bao.

Đã hơn 50 năm từ lần xuất hiện cuối của anh trên truyền hình – tác giả đã rất cố gắng quên đi The Legend of the Lone Ranger năm 1981, và một phiên bản truyền hình thử nghiệm năm 2003 – giờ người bảo vệ đáng tin cậy của phụ nữ và đức hạnh nước Mỹ đã trở lại.

Lần nữa, anh có chiếc mặt nạ đen nhỏ. Lần nữa, Silver và chú tuấn mã và Tonto là bạn trung thành của anh. Lần nữa, anh xông vào muôn trùng khó khăn, đạn lên sẵn nòng để giải giới kẻ xấu và khiến các nàng há hốc “Anh chàng mặt nạ đó là ai thế?”

Mà thôi, ai thèm quan tâm đâu.

Vì dù có tất cả sự ồn ào, háo hức và kinh phí được biết là khoảng 250 triệu USD, không có chút sức sống nào ở đây cả. Không có niềm vui nào. Chỉ có vài đoạn quay rất đắt giá và khoảng ba phim khác nhau được ép vào chung chật hơn cả nàng vũ nữ mặc áo chẽn đi mượn không vừa.

Poster phim

Ví dụ, có kỹ thuật chuyện lồng trong chuyện, khi Tonto già (Johnny Depp được hóa trang nhìn như cao su) kể chuyện đời mình, hiển nhiên gồm một đoạn gặp Custer, hay ai đó giống vậy. (Cảm ơn cho mượn nhé Little Big Man.)

Có những tên cướp trơ tráo từ phim Once Upon a Time in the West tuyệt vời của Sergio Leone, không chỉ có nội dung về ông trùm đường sắt mà còn có hiệu ứng âm thanh cụ thể. (Nhạc phim thậm chí thi thoảng còn mang âm hưởng bản nhạc tài tình của Ennio Morricone.)

Trong khi đó, phần chính của phim là một câu chuyện khởi đầu bám khá sát gốc rễ từ loạt phim truyền hình về nhân vật này. John Reid là một Cảnh vệ Texas mới lên tạm nắm chức – và là người duy nhất sống sót sau một vụ mai phục của tên cướp Butch Cavendish. Được một chiến binh người châu Mỹ bản địa tên Tonto chăm sóc bình phục, anh mang mặt nạ và lên đường tìm công lý.

Và dù anh có mang mũ trắng theo đúng nghĩa đen – chà, thực ra không cần thiết. Đây là dạng cao bồi đứng đắn làm cho John Wayne nhìn như một đứa trẻ ngỗ nghịch hèn nhát.

Armie Harmer (trái) và Johnny Depp trong phim

Sau một chuỗi dài nhân vật chính khiếm khuyết, cũng tốt khi có ai đó có thể cùng Captain America và Superman dẫn đầu màn diễu hành Ngày độc lập 4/7. Nhưng khi phim ngừng mượn nguyên liệu từ các phim khác – khi phải quyết định mình thực sự là ai – thì The Lone Ranger(phát hành ở Việt Nam với tên Kỵ sĩ cô độc) lạc lối.

Liệu đây có phải là một phim cao bồi Viễn Tây đổi mới nghiêm túc? Chà, có hơi hơi – với góc nhìn hoàn toàn trái ngược, và cũng hạn hẹp như, những tiền bối cũ thập niên 1930, đây là loại phim mà trong đó người bản địa châu Mỹ là những nạn nhân cao quý đến khó tin còn “văn minh” luôn đi kèm với mỉa mai.

Liệu đây có là phim hài hiện đại? Chà, chắc cũng có vậy, với những đoạn hài quái về bọn thỏ sát nhân và Tonto chỉ làm mỗi việc tròn mắt nhìn tên nhẹ dạ trời đánh được cặp với mình. (Câu chuyện đùa hay nhất và quái dị nhất là Helena Bonham Carter vào vai một mệnh phụ có một cái chân giả bằng ngà với tác dụng phụ làm súng.)

Helena Bonham Carter trong phim

Liệu đây có phải là một phim được dựng quanh một màn diễn xuất kỳ quái hay thấy của Johnny Depp? Chà, chắc vậy, vì nam diễn viên này – đội một chú chim chết trên đầu – thay đổi qua lại giữa những màn cười cợt dễ dãi và việc huyên thuyên quanh bí ẩn về Wendigo.

Dĩ nhiên, anh người Comanche đây có lẽ chưa nghe đến Wendigo ở Texas – đó là một niềm tin phổ biến ở các bộ tộc sống tại Canada và các nơi lân cận. Nhưng rồi phim lại có một ban nhạc chơi bài hành khúc của John Phillip Sousa tại thời điểm 30 năm trước khi bài này được viết, nên ai thèm để tâm đến việc làm đúng lịch sử hay văn hóa làm gì?

Có lẽ chẳng ai sẽ đi xem The Lone Ranger.

Nhưng điều người hâm mộ có lẽ thật sự cần là được thấy một nhân vật chính không chỉ điển trai – Armie Hammer rõ là thế - mà còn anh hùng, thậm chí là truyền được cảm hứng. Là khám phá được một Tonto có mối quan hệ bình đẳng, trưởng thành, thực sự có qua có lại với nhân vật chính này.

Và còn là hồi hộp với các trường đoạn hành động có địa điểm rõ ràng và hợp lý, thay vì chỉ những cảnh gợi hứng (tồi) từ The General của Buster Keaton, mà lại còn thiếu đi bố cục tuyệt vời của Keaton hay dòng máu lạnh sẵn lòng liều mạng cho cảnh nguy hiểm.

Đó chính là điều khán giả cần – nhưng lại không có trong phim này. (Và Disney – đã trì hoãn việc trình chiếu đến hết mức – biết rõ điều này.) Thay vì vậy, thứ khán giả có được là tiếng ồn và sấm và sự ngớ ngẩn, cùng một số phần từ ba hoặc bốn phim khác, hay hơn.

Ý tác giả là, chẳng lạ gì khi Depp lại hóa trang. Cũng không ngạc nhiên mấy khi Hammer mang mặt nạ. Nếu là bạn chắc bạn cũng làm thế thôi nhỉ?

Ghi chú: Phim có chứa yếu tố bạo lực.

The Lone Ranger (PG-13) Disney (149 phút)
Do Gore Verbinski đạo diễn. Với các diễn viên Johnny Depp, Armie Hammer.

Đánh giá: ★ ½

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi