Nhân vật & Sự kiện

Clint Eastwood nói gì? Hạn chế của việc hiểu chính trị trong nghệ thuật

10/09/2016

Bất chấp việc có một sự nghiệp thuộc hàng lâu dài và đặc sắc nhất ở Hollywood (nhất là tính cả sự nghiệp diễn xuất và đạo diễn), Clint Eastwood gần đây được bàn tán nhiều vì hai chuyện chẳng liên quan gì đến điện ảnh.

Một là phát biểu châm chích của ông tại Đại hội Đảng Cộng hòa năm 2012, ông lên lớp một chiếc ghế trống mà ông vờ như có Tổng thống Obama ngồi trên đó (một việc mà về sau ông bảo là “ngớ ngẩn”). Chuyện còn lại là bài phỏng vấn trên tạp chí Esquire hồi đầu năm nay (cùng con trai Scott Eastwood), chủ yếu đáng nhớ vì sự nhạo báng của ông về một “thế hệ xù lông nhím” ám ảnh với việc nói năng cho phải đạo của các chính trị gia Mỹ.

Ảnh Clint Eastwood và con trai Scott Eastwood trong bài phỏng vấn trên tạp chí Esquire đầu năm 2016

Đánh giá tác phẩm của một nghệ sĩ thông qua lăng kính chính trị của họ — hay, ít nhất là, lăng kính chính trị mà người đời cho là của họ — không hẳn là quá đáng. Thực ra có những đạo diễn cần phải được xem xét như vậy. Nhưng Eastwood là ví dụ tột bậc cho thấy chỗ có thể thiếu sót trong kiểu đánh giá đó. Ông có thể ủng hộ cả John McCain lẫn Mitt Romney và thậm chí biểu lộ sẽ ủng hộ Donald Trump, nhưng danh mục phim của ông, đặc biệt là gần đây, ở vị thế gần như hoàn toàn đối lập với nền tảng chung của Đảng Cộng hòa. Million Dollar Baby là lựa chọn ủng hộ việc an tử, J. Edgar là sự cảm thông các vấn đề đồng tính nam và chỉ trích sự theo dõi quá đáng của chính phủ, còn True Crime tấn công vào những định kiến phân biệt chủng tộc và kinh tế-xã hội về truyền thông lẫn hệ thống thực thi luật pháp chống tội phạm, trong khi dành thời gian miêu tả phụ nữ bị quấy rối tình dục trên đường phố. Changeling nói về lực lượng cảnh sát tha hóa quan tâm đến việc bảo vệ danh tiếng của mình hơn là bảo vệ công dân, và mặc dù bộ phim năm 2008 này không phải là phản ứng trực tiếp trước những tranh cãi đương thời về sự tàn bạo của cảnh sát, những vấn đề tương tự được đào sâu ở đây, bởi đích thân Dirty Harry chứ không ai khác.

Thậm chí danh sách trên còn chưa tính đến những phim ít lộ liễu chính trị hơn, những phim được cho là một quan điểm không hẳn liên quan đến GOP,* như Bird, Letters From Iwo Jima, Breezy, hay nhiều phim của ông lấy bối cảnh thành phần thu nhập thấp. Và còn chưa kể đến sự yêu ghét suốt cả sự nghiệp của ông đối với công lý và bạo lực, nói chung lẫn lựa chọn cuối cùng để giải quyết xung đột.

Đạo diễn Clint Eastwood, giữa, trên trường quay bộ phim năm 2006 của ông Letters From Iwo Jima

Tất nhiên, chính trị thì phức tạp; cả hai chính đảng Mỹ đều nói mình là hiện thân tiêu biểu tích cực như nhau; và có rất nhiều cách hiểu một tác phẩm nghệ thuật. Khán giả bảo thủ ủng hộ American Sniper, xem như đồng minh của họ trong việc làm thay đổi cách kể chuyện xinê về cuộc chiến Iraq thành sự khoa trương về những người lính và lảng tránh các cuộc tranh cãi được miêu tả trong Green Zone (năm 2010, đạo diễn Paul Greengrass), In The Valley Of Elah (năm 2007, đạo diễn Paul Haggis), và Stop-Loss (năm 2008, đạo diễn Kimberly Peirce). Nhưng phim này còn có thể dễ dàng được hiểu là chống chiến tranh, câu chuyện về một người đàn ông (đặc nhiệm SEAL Chris Kyle trong đời thật, do Bradley Cooper đóng), giết hàng chục người không có vai trò gì ở Iraq, kể cả một đứa trẻ, kết quả là dẫn tới rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý suýt hủy hoại gia đình anh và góp phần vào việc cuối cùng anh bị giết trong tay một cựu binh có vấn đề khác.

Xét một cách nào đó, Gran Torino nói về một người phân biệt chủng tộc hối lỗi và cuối cùng hy sinh thân mình vì những người hàng xóm di dân mà ông ta trở nên lo lắng cho họ hơn cả giả đình mình. Xét một cách khác, đây là người cứu thế da trắng trong một câu chuyện mà mọi người đàn ông da màu đều rập khuôn hoặc là thành viên băng nhóm.

Gran Torino đặc biệt thú vị dưới nhận xét về Eastwood của tạp chí Esquire (trong bài phỏng vấn, ông nói yếu tố không nói năng phải đạo về chính trị của kịch bản là điều hấp dẫn ông trước tiên). Trong phim — công bằng mà xét là một tổng kết sự nghiệp; chính là màn trình diễn cuối cùng của ông cho đến khi ông bị cám dỗ chấm dứt việc nghỉ hưu để làm phim đầu tay trong tư cách nhà sản xuất — ông đóng vai Walt Kowalski, một người thợ và cựu binh sống ở vùng ngoại ô nghèo khổ, bị lãng quên của Detroit, cảm thông với sự thay đổi dân số của nhà hàng xóm và những đứa trẻ chơi đùa trên bãi cỏ nhà mình. Nói cách khác, về bản chất ông đã là người ủng hộ Trump từ lâu trước khi có chuyện.

Clint Eastwood trong phim Gran Torino

Phim không “thẳng thừng chính trị” vì ủng hộ quan điểm của Kowalski hay miêu tả ông như một người hùng giản đơn thái quá. Ngược hẳn lại; rõ ràng ông là một lão khó ưa, một người mà sự kỳ thị và những vết nhơ của mình bị đủ các nhân vật khác chỉ trích. Cái phát bực của bộ phim xuất phát từ cách nhìn sự kỳ thị của con người kỳ thị này chỉ là một khía cạnh trong tính cách phức tạp — chúng ta cũng thấy tình yêu của ông dành cho người vợ đã mất, cơn giận chính đáng đối với một gia đình muốn tống khứ ông, và tội lỗi của ông trong những hành động bạo lực thời đi lính — và trong sự miêu tả định kiến hiện đại, thứ mà đáng xấu hổ là hiếm khi Hollywood đào sâu nghiên cứu.

Tuy nhiên, điều rút ra từ bộ phim cơ bản là lạc quan, miêu tả một thế hệ ương ngạnh và tin tưởng mù quáng nhân nhượng trước một tương lai dung hợp hơn. Chính đó mới là điều mà diễn viên Eastwood muốn đi đến cùng… à, đó mới là ý nghĩa.

Sniper còn chứa đựng thảo luận sâu hơn, vì đến nay đây là bộ phim của Eastwood được đánh giá qua lăng kính chính trị nhất: Vulture gọi đó là “một phim làm nền cho Đảng Cộng hòa,” trong khi Rolling Stone lớn tiếng mắng mỏ “chỉ là hành động cố gắng làm ra câu chuyện cổ tích một giọng điển hình kiểu Hollywood lấy bối cảnh giữa bãi lầy đạo đức điên cuồng rằng đó là/đã là cuộc chiến Iraq mà vừa ngu ngốc hơn lẫn kiêu ngạo hơn bất kỳ thứ gì George Bush hay thậm chí Dick Cheney từng cố làm.” Có lẽ đây là chỉ trích cay độc, nhưng tác giả bài viết này không chắc nếu là đạo diễn khác thì bộ phim có bị đánh giá kiểu đó hay không. (Các bài bình phim khác giàu sắc thái hơn: The Daily Beast miêu tả phim là một bài “trắc nghiệm tâm lý chính trị” còn The New Yorker bảo “là một phim chiến tranh hủy diệt lẫn một phim chống chiến tranh hủy diệt.”)

Trên trường quay American Sniper

Eastwood bị chỉ trích vì đơn giản hóa câu chuyện của Kyle theo cách dẫn tới được hiểu là ủng hộ chiến tranh và kỳ thị; phim bị kết án xem những cảnh giết chóc là những khoảnh khắc hào hứng, với việc miêu tả các mục tiêu là vô danh, và với việc tạo hào quang về một người không xứng đáng được như thế bằng cách lờ đi những khía cạnh đầy vấn đề về tính cách và cuộc sống của anh ta.

Những luận điểm này không hẳn sai, nhưng chúng che khuất điều Eastwood muốn tìm tòi. Thứ nhất, khó xem việc giết chóc như chiến công khi sự công kích chủ yếu của bộ phim là công việc đó đã hủy hoại tinh thần Kyle như thế nào. Câu chuyện bắt đầu với một chọn lựa đạo đức ghê tởm cùng cực — có giết bà mẹ và đứa con đang chạy về phía toán lính với một quả lựu đạn không — và mặc dù người ta có thể kính phục quyết định khó khăn của Kyle là bắn, đây là điều còn lâu bạn mới có được từ những bản anh hùng ca quá giản đơn của John Wayne, mà phải gần với Born On The Fourth Of July (của Oliver Stone) hơn là The Green Berets (của John Wane) ủng hộ chiến tranh. Làm phim đưa kích động vào những cảnh chiến tranh — so với một cảnh đánh nhau, chuẩn bị cho một tay súng bắn tỉa đương nhiên là căng thẳng kéo dài, và thế là sự hồi hộp lớn hơn trong việc bóp cò — nhưng không có chút vui sướng nào trong sự giết chóc về phần Eastwood. Khoảnh khắc căng thẳng nhất trong phim không phải là cảnh đấu súng với tay bẳn tỉa kẻ thù, mà là khi Kyle nhìn một đứa trẻ tranh cãi có nên dùng súng phóng tên lửa chiến đấu với một trung đội lính. Khi thằng bé chọn bỏ chạy, Kyle rã rời nhẹ nhõm vì không phải bắn nó.

Cảnh trong bộ phim năm 2006 Flags of our Fathers, do ông đạo diễn

Chỉ trích “kẻ thù vô danh” đâu chỉ dành riêng cho Sniper; cũng từng dành cho nhiều phim chiến tranh khác rồi. Mặc dù nhìn chung thì ý niệm đó có giá trị, cũng có thể hiểu đó là hậu quả của việc kể chuyện người lính. Đó là sản phẩm phụ của quan điểm và thời lượng, một điều khó mà giảm nhẹ đi trừ khi mục tiêu ngay từ đầu của đạo diễn là dành thời gian ngang nhau cho cả hai phe xung đột. Đạo diễn nào làm được điều đó rõ ràng nhất? Clint Eastwood, với Flags Of Our Fathers Letters From Iwo Jima. (Ví dụ duy nhất nổi bật gần đây của Hollywood là We Were Soldiers, do hai con người — đạo diễn Randall Wallace và ngôi sao Mel Gibson — làm nên cũng gắn với chủ nghĩa báo thù.) Đúng là Sniper thiếu những nhân vật phức tạp người Iraq, nhưng dường như điều đó là vì sự tập trung thiển cận của bộ phim vào Kyle hơn là do quan điểm của đạo diễn. Có thể hiểu vì sao người ta thấy khó chịu và khuôn sáo về khía cạnh này của bộ phim, nhất là những dòng ‘tweet’ kỳ thị chống Hồi giáo xuất hiện để hỗ trợ cho bộ phim, nhưng sự thâm trầm sâu sắc của Eastwood trong Letters khiến tác giả muốn dành cho ông được suy đoán vô tội.

Tác giả nghĩ điều mà Eastwood muốn nói với bộ phim có thể được hiểu tốt nhất qua quyết định giới hạn sự phức tạp của Kyle. Bỏ qua những khía cạnh biến nhân vật này thành biểu tượng hơn là người thường, và Eastwood lúc nào cũng thích giải mã những biểu tượng nam tính như cảnh sát, cao bồi, và người lính. Xét qua lăng kính này, yếu tố đạo đức giản đơn của bộ phim (người tốt có súng ai cũng biết chống kẻ xấu có súng) trở nên còn bi kịch hơn: Đây là câu chuyện người lính thành công nhất trong lịch sử, chỉ giết những mối đe dọa rõ ràng, nhưng về cơ bản anh đã bị hủy hoại bởi chính công việc anh được ra lệnh phải làm. Vậy phim ủng hộ chiến tranh này chính xác nói chuyện gì? (Phim không đề cập đến vũ khí giết người hàng loạt hay bất cứ gì, nhưng khán giả chắc chắn biết bối cảnh, càng tăng thêm một tầng mỉa mai: người lính ưu tú xuất sắc trong một cuộc chiến vô nghĩa.)

Trên trường quay cùng Tom Hanks, trái, người đảm nhận vai Cơ trưởng Sully

Eastwood lúc nào cũng kính trọng những con người làm công việc gian khổ với một sự khắc kỷ. Đúng với Kyle, đúng với Bill Munny của Unforgiven, và không nghi ngờ là sẽ đúng với Chesley Sullenberger, đã lái chiếc máy bay hỏng máy đáp xuống sông Hudson và là đề tài của bộ phim mới nhất của Eastwood, Sully. Trung thực mà nói, đó chính là điều khiến tác giả bài này băn khoăn nhất về bài phỏng vấn trên Esquire. Tác giả tưởng tượng Eastwood làm một phim về Hillary Clinton, người có quan điểm “bắt bạn cúi đầu xuống mà làm việc” sẽ hấp dẫn ông (sự bài bác có vẻ kỳ thị giới tính của ông, gọi bà Clinton là “tiếng nói khó nghe trong bốn năm tới,” chính là câu gây thất vọng nhất trong bài phỏng vấn đó với ‘fan’ này đây). Tác giả không thể tưởng tượng phim của Eastwood xoay quanh Trump, sự khoác lác gây giật gân của ông ta vượt xa J. Edgar Hoover mà chẳng có chút phức tạp nào bù lại. Nhưng một lần nữa: Chính trị là phức tạp, nghệ thuật là phức tạp, và con người là phức tạp. Eastwood không chỉ là một con người mà còn là một nghệ sĩ vĩ đại. Tìm cách khép ông vào khuôn khổ chật hẹp là cố tình không nhận ra điều gì làm ông giá trị đến thế.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: A.V Club

* Đảng Cộng hòa Mỹ, thường được gọi là GOP (viết tắt của Grand Old Party), là một trong hai chính đảng lớn của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, đảng còn lại là Đảng Dân chủ.