Tin tức

Assassin's Creed lại vướng lời nguyền phim chuyển thể trò chơi video

28/12/2016

Quái vật Điện ảnh: Assassin's Creed ra rạp cuối tuần này ở Việt Nam với tựa Sát thủ bóng đêm. Nhưng phim đã ra mắt ở Mỹ và nhiều thị trường quốc tế được một tuần, là một thất bại phòng vé! Bài viết sau đây phân tích những sai lầm phim đã mắc phải, có tiết lộ đôi chút nội dung. Chúng tôi chọn đăng làm một nguồn tham khảo dành cho những ai muốn có cân nhắc để quyết định xem hay không xem. Nếu bạn không có ý định cân nhắc, rất nên bỏ qua bài này.

Phim chuyển thể trò chơi video dường như bị một lời nguyền và giống nhiều xuất phẩm đi trước, Assassin’s Creed của Ubisoft là thành viên mới nhất trong câu lạc bộ chịu lời nguyền này.

Giới phê bình và người hâm mộ là sát thủ phim và bản thân là ‘fan’ nhưng người viết bài này cũng phải thừa nhận rằng họ có quyền làm thế.

Nhân vật Callum Lynch, sát thủ bị kết án tử hình ở thời hiện đại, của Michael Fassbender trong phim

Khi phân tích chuyện gì đã hỏng với #AssassinsCreed thì cũng nên bàn xem có thể sửa bằng cách nào.

Nhân vật không kết nối với khán giả

Cảm xúc là điều đưa câu chuyện đi tới và Assassin’s Creed đã có được điều đó trong các trailer hơn là trong chính bộ phim. Chúng ta được giới thiệu Callum Lynch/Aguilar (Michael Fassbender), Sophia Rikkin (Marion Cotillard) và Alan Rikkin (Jeremy Irons) đầu phim, nhưng lại không bao giờ thấu cảm được với những nhân vật này. Như Perri Nemiroff của trang Collider nói:

“Vấn đề lớn nhất với bộ phim cũng là vấn đề lớn nhất của tôi với bất kỳ phim nào mắc phải vấn đề này, là không cho khán giả bất kỳ lý do nào để kết nối được với bất kỳ nhân vật nào. Mọi người trong [Assassin’s Creed] đi qua đi lại như thể họ tuyệt đối đáng thương.”

Callum Lynch là hậu duệ của Aguilar, một sát thủ người Tây Ban Nha sống vào thế kỷ 15

Bộ phim tự làm mình cực khó khăn ngay cả trong việc tìm được mối liên hệ mục tiêu của các nhân vật. Callum Lynch là một sát thủ bị kết án tử hình có quá khứ khó nắm bắt do bị báo chí lược bỏ. Sophia Rikkin là một nhà khoa học giống như mọi nhà khoa học muốn thành đạt, nhưng động cơ của cô không thấy rõ. Alan Rikkin là CEO của Abstergo Industries và thuộc về Templar Order, nhưng ngoài chuyện đó ra, thì cả tình thương của ông ta dành cho con gái cũng không hiểu nổi.

Những nhân vật này thiếu cảm xúc đến độ khác thường khi ta có một dàn diễn viên được đo ni đóng giày cho các vai diễn. Như Jesse Hassenger từ A.V. Club nói:

“Michael Fassbender và Marion Cotillard làm cái quái gì trong Assassin’s Creed vậy?”

Cách hay để khắc phục điều này là chỉ cần thêm lời thoại có ý nghĩa hơn là những cuộc ‘chat’ qua mạng. Một ví dụ là lần đầu Callum Lynch gặp Baptise (Michael K. Williams). Baptiste giải thích rằng mọi tù nhân ở Abstergo phục vụ cho Creed, nhưng với Lynch và với khán giả cuộc nói chuyện đó không hấp dẫn về cảm xúc chút nào. Hãy cho chúng ta biết lý do, đừng chỉ nói về sự việc. Lý do khiến chúng ta phải quan tâm.

Marion Cotillard, trái, trong vai nhà khoa học Sophia Rikkin; Jeremy Irons trong vai Alan Rikkin, CEO của Abstergo Industries và thuộc về Templar Order

Bộ phim thực hiện khía cạnh này đến một chừng mực khi sau đó Lynch gặp cha mình và khi Maria (Ariane Labed) bị giết trước mặt Aguilar. Thật không may đây là hai cảnh duy nhất có chút cảm xúc.

Nếu không phải là game thủ thì khó mà hiểu được bộ phim, thế nên hãy tránh những khái niệm rắc rối

Tác giả bài này chơi hầu hết các game Assassin’s Creed, nhưng vị khán giả ngồi kế bên trong rạp thì chưa từng. Anh ta biết phim dựa theo một trò chơi video nhưng anh hoàn toàn chẳng biết trò chơi đó nói về chuyện gì. Như bất kỳ người xem phim đại trà nào, anh chỉ muốn xem phim hay. Đó là lý do tại sao sau khi xem Assassin’s Creed người viết bất ngờ khi anh ấy bảo, “Tôi chẳng hiểu gì sất. Trái táo gì vậy?”

Thật tệ hại khi một bộ phim không cộng hưởng được với khán giả và nói một phim nào đó được làm cho một nhóm đặc thù thì thật là ngu ngốc. Assassin’s Creed có thể đáp ứng được hầu hết người chơi Assassin's Creed, nhưng phim là phim chứ..

Rogue One: A Star Wars Story là ví dụ hoàn hảo cho thấy một phim nhắm vào mọi khán giả. Không chỉ thỏa mãn những ‘fan’ trung thành của #StarWars, mà ngay cả người chẳng biết gì về Star Wars cũng sẽ dễ dàng hiểu được nội dung bộ phim.

Trong khi #RogueOne giới thiệu rõ ràng hiểm họa của Ngôi Sao Chết và những động cơ để quân kháng chiến tiêu diệt nó, Assassin’s Creed không thiết lập được tầm quan trọng của Trái táo vườn địa đàng (Apple of Eden) và những động cơ bảo vệ nó trước Hội Templars.

Một lần nữa, cách sửa điều này là làm cho việc bảo vệ Trái táo vườn địa đàng có ý nghĩa. Còn một cách hay hơn nữa là đừng để bộ phim chỉ tập trung quanh Trái táo.

Chết tiệt, lẽ ra Trái táo đừng có xuất hiện vì những lý do như sau:

Assassin's Creed dễ dàng là một chùm ba phim, với phim đầu tiên giới thiệu khái niệm về Trái táo và những phim sau đó mở rộng khái niệm này.

Khái niệm Trái táo vườn địa đàng có thể làm nhiều khán giả rối, thì Ngọc vô cực trong #Marvel Cinematic Universe cũng vậy, Ubisoft có thể từ từ giới thiệu Trái táo qua cả loạt phim.

Sao cứ ở mãi trong hiện tại chán ngắt mà không khai thác quá khứ đầy hấp dẫn?

Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất với ‘fan’ của trò chơi video này với bộ phim. Assassin’s Creed diễn ra ở cả 2016 và 1492.

Đặc biệt là, vấn đề bộ phim cắt cảnh giữa hai khoảng thời gian này rất tùy tiện, thế nên khi bạn đang đắm chìm trong những cảnh hành động đẹp tuyệt ở Tây Ban Nha thời Phục hưng, thì đột nhiên bạn bị lôi trở lại hiện tại u ám ở Animus.

Cả bộ phim, như trang Collider đã nói, lẽ chỉ nên diễn ra ở năm 1492, vì đó là điều ‘fan’ muốn thấy và là thứ mà khán giả đại trà trông đợi. Trò chơi video hiếm khi đi theo những chuyến phiêu lưu của Desmond Miles ở hiện tại và gần thậm chí còn bỏ luôn bản đồ thế giới mở (sandbox).

Không có cách nói nào hay hơn Jeremy Jahns đã nói trên YouTube:

“Hãy vì Chúa mà cho chúng tôi ở trong quá khứ đi. Có một phim hay trong bộ phim này mà, đó là khi mọi chuyện đề ở năm 1492.”

Và cách khắc phục chuyện này là. Toàn bộ bộ phim nên diễn ra ở Tây Ban Nha năm 1492. Abstergo và bối cảnh hiện đại có thể xuất hiện ở cuối phim hay trong phần tiếp theo.

"Mọi chuyện đều được phép"

Mọi chuyện đều được phép và xem ra đó mới là vấn đề. Assassin’s Creed có tiềm năng trở thành một trong những phim hay nhất năm 2016 và là một phim chuyển thể trò chơi video hay nhất từng được làm, nhưng trong phim có quá nhiều chuyện xảy ra và khiến khó khắc họa một câu chuyện mạch lạc kết nối được với khán giả.

Hy vọng Ubisoft rút kinh nghiệm từ những sai lầm này vì có mọi thứ để làm cho phim trở nên kỳ ảo. Với một dàn diễn viên kỳ diệu, trang phục tuyệt vời, và nhạc nền sửng sốt, quay phim đẹp và hiệu ứng mê hoặc, sao lại tan tành mây khói thế này?

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviepilot