Thỉnh thoảng, các nhà làm phim, đại gia hay các nhà chức trách Trung
Quốc lại tuyên bố rằng ngành điện ảnh nước nhà đã sẵn sàng cạnh tranh
với thế giới. Hàng năm, hàng trăm triệu đôla được đổ vào ngành điện ảnh
Trung Quốc, ủng hộ phim trong nước, với ước mơ rằng một ngày, ngành điện
ảnh Trung Quốc sẽ đóng vai trò nâng tầm quyền lực mềm của nước này.
Nhưng bao nhiêu tiền đi nữa thì cũng không thể giúp phim Trung Quốc
thành công nếu không có những câu chuyện mới mẻ. Nhìn lại điện ảnh Trung
Quốc có những gì? Những cuộc đấu đá cung đình từ những triều
đại mà khán giả nước ngoài không có chút kiến thức, kể theo phong cách
không thể giúp câu chuyện trở nên gần gũi hơn, và hết phiên bản này sang
phiên bản khác của Tứ đại danh tác.
Tây Du Ký: Đại náo thiên cung (2014)
Như bao trẻ em Trung Quốc, tác giả bài viết này cũng lớn lên với những
câu chuyện về Tôn Ngộ Không nhưng điều đó không có nghĩa ai cũng muốn
xem lại một phiên bản
Tây du ký nữa.
Hãy tưởng tượng
Hollywood sẽ thế nào nếu hoạt động như điện ảnh Trung Quốc. Khán giả
quốc tế liệu có ra rạp xem phim về Trận chiến Crécy năm 1346 được kể lại
trong một bộ phim cho rằng bạn nghiễm nhiên hiểu biết về những ông
hoàng Anh và Pháp? Sẽ thế nào nếu những tiểu thuyết được chuyển thể duy
nhất chỉ có
Le Morte d'Arthur, War and Peace, Clarissa và
Ivanhoe?
Đều là những tác phẩm kinh điển, và các tác phẩm này cũng từng cho ra
những bản chuyển thể hay, nhưng nếu chỉ xem hết phiên bản này sang phiên
bản khác, chẳng bao lâu tất cả sẽ trở nên cũ rích.
Phim
Địch Nhân Kiệt
gần đây dường như là cơ hội tốt đầu tiên Trung Quốc có được ở nước
ngoài. Địch Nhân Kiệt vừa là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử và truyền
thuyết, và cũng được khán giả phương Tây biết đến qua loạt tiểu thuyết
Judge Dee của nhà văn Hà Lan Robert van Gulik.
Địch Nhân Kiệt: Bí ẩn ngọn lửa ma
Nhưng đây cũng lại là việc dựng lại một nhân vật đã quen, và bộ phim
cũng không quá cố gắng giới thiệu một thế giới rõ ràng cho khán giả nước
ngoài.
Những nỗ lực giới thiệu hình ảnh tuyên truyền đạo đức tư tưởng Mao Trạch Đông,
Lôi Phong, với một thế hệ khán giả mới đã thất bại khi năm ngoái, loạt phim bốn phần này không có được thành công ở phòng vé.
Sự
thực là Lôi Phong có thể là biểu tượng đạo đức, nhưng hình ảnh người
lính này trên các cột điện Trung Quốc ngày nay còn không thể lôi cuốn
người dân chứ đừng nói tới ai khác.
Lôi Phong
Tất nhiên Hollywood tái sử dụng nhiều. Xu hướng làm phim làm lại, phần
tiếp theo thường bị các nhà phê bình chê bai, dù có dẫn tới thành công.
Nhưng Hollywood cũng biết đổi mới. Ngoài ra, Hollywood đã thành công
trong việc tự tạo những truyền thuyết anh hùng để những thế hệ sau vẫn
có thể khai thác.
Hãy nhìn loạt phim
Star Wars, giờ có
sáu tập phim, và ta đang chờ đợi nhiều phần tiếp theo. Ngoài ra nó còn
có phim truyền hình, hàng trăm tiểu thuyết và nhiều trò chơi điện tử.
Trong
vòng 40 năm, Luke Skywalker, Han Solo, và Darth Vader đã trở nên nổi
tiếng khắp thế giới hơn Lưu Bị, Quan Vũ, Tào Tháo có thể làm trong vòng
bảy thế kỷ. Kể cả những phần tiền truyện chán ngắt của
Star Wars cũng không khiến mọi người chán ngán thế giới này.
Một số diễn viên từng đóng vai James Bond
Ví dụ rõ ràng nhất có thể là nhân vật James Bond của Ian Fleming. Không
những điệp viên đẹp trai này được yêu thích khắp thế giới, anh còn là
biểu tượng của cả một giai cấp và những giá trị đậm chất Anh Quốc.
Như
những nhân vật mang tính hình tượng khác, anh không còn gắn bó với diễn
viên đầu tiên đóng vai anh, mà mỗi thế hệ có thể tạo một hình ảnh mới.
Trên
mạng có một văn bản có thể cho chúng ta cái nhìn cận cạnh về quá trình
sáng tạo tại Hollywood ở tầm cao nhất: đó là bản ghi chép cuộc họp ý
tưởng giữa George Lucas, Lawrence Kasdan, và Steven Spielberg khi họ tạo
ra Indiana Jones.
Harrison Ford trong vai Indiana Jones
Cả ba đưa ra các ý tưởng, sinh sôi nảy nở từ nhau, bác bỏ những lời gợi ý
khác nhau, trong cuộc nói chuyện đó, chúng ta thấy một huyền thoại được
sinh ra.
Ngược lại, năm ngoái, tác giả bài này đã gặp một đội
ngũ người Mỹ từng có cơ hội đưa một loạt tiểu thuyết Trung Quốc về việc
cướp mồ mả lên màn ảnh. Nhưng trong khi Spielberg và những người khác
được tự do sáng tạo, từng ý tưởng của đội ngũ kia bị bác bỏ hoàn toàn vì
những hoạt động tham ô, hay những hạn chế của chính phủ hay tính bảo
thủ không muốn đổi mới. Cuối cùng họ từ bỏ dự án này.
Không hề
ngẫu nhiên khi so với Trung Quốc Đại lục, điện ảnh Hồng Kông thành công
hơn rất nhiều trong việc tạo ra truyền thuyết của mình, từ những bộ phim
cảnh sát và tội phạm của Ngô Vũ Sâm tới những màn đánh đấm hài của
Thành Long. Thực chất, hình ảnh Thành Long là hình ảnh anh hùng Trung
Quốc duy nhất được phương Tây nhận ra.
Nếu Trung Quốc muốn thế giới xem phim của họ, họ cần thúc đẩy sáng tạo và cho phép những thế giới mới được mở ra.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi