Tin tức

Cơ trưởng Trung Quốc: Lưu Vỹ Cường xử lý điện ảnh thảm họa hàng không

22/10/2019

Khi siêu phẩm Cơ trưởng Trung Quốc / The Captain càn quét thị trường phim Trung Quốc kể từ ngày Quốc khánh 1/10, đạo diễn của bộ phim đã miêu tả tỉ mỉ với China.org.cn về cách ông chuyển hóa các sự kiện có thật thành một chuyến tàu lượn cao tốc trực quan ly kỳ.

Bộ phim là miêu tả điện ảnh về một cuộc hạ cánh khẩn cấp kỳ diệu do phi công Trung Quốc Lưu Truyền Kiện thực hiện, cơ trưởng chuyến bay 3U8633 của Hãng hàng không Tứ Xuyên vào ngày định mệnh.

Đạo diễn Lưu Vỹ Cường chụp ảnh tự sướng với dàn diễn viên Cơ trưởng Trung Quốc và các khách mời và giới truyền thông trên chuyến bay của Hãng hàng không Tứ Xuyên cho buổi ra mắt đặc biệt giữa không trung - “buổi ra mắt ở độ cao nhất” từ trước đến nay - vào ngày 20 tháng 9 năm 2019

Sự cố xảy ra vào ngày 14 tháng 5 năm 2018, sau khi cửa kính buồng lái bên phải của chiếc máy bay Airbus A319 do Hãng hàng không Tứ Xuyên vận hành bị vỡ trong chuyến bay từ Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, ở độ cao 32.000 feet.

“Tôi đang ở Hồng Kông vào ngày hôm đó và đây là một sự kiện lớn,” đạo diễn Lưu Vỹ Cường nói với China.org.cn. “Internet và mạng xã hội làm cho tin tức truyền đi nhanh chóng và chúng tôi theo dõi sát diễn biến. Thực ra, tôi đã đi lại rất nhiều bằng hàng không Tứ Xuyên đến Thành Đô để làm phim, vì vậy khiến sự việc trở nên cá nhân hơn.”

Trong sự cố đó, một phần cơ thể của phi công phụ đã bị hút ra khỏi máy bay do áp suất thay đổi đột ngột và anh được cứu mạng nhờ đã thắt đai an toàn vào ghế lái. Máy bay mất hầu hết cơ chế điều khiển tự động.

Cơ trưởng Lưu đã tìm cách lấy lại quyền kiểm soát và giảm tốc máy bay bằng tay, cho phép anh hạ cánh thành công ở Thành Đô, với tất cả 119 hành khách an toàn và nguyên vẹn.

Nam diễn viên Trương Hàm Dư và nguyên mẫu ngoài đời thực của nhân vật Lưu Truyền Kiện chụp ảnh trước các mô-đun mô phỏng trong quá trình sản xuất phim

Sau vụ việc, nhiều người nói với Lưu Vỹ Cường rằng câu chuyện đằng sau sự cố này có thể được phát triển thành một bộ phim hay, tuy nhiên, ông do dự vì nhiều công ty điện ảnh đã bắt đầu triển khai kể từ đó.

Vào tháng 8 năm ngoái, Lưu Vỹ Cường nhận được điện thoại từ Vu Đông, chủ tịch Bona Film Group, giải thích rằng ông đã có tác quyền của câu chuyện và muốn Lưu đạo diễn.

“Trước giờ tôi chưa làm một bộ phim nào như vậy, và tôi yêu thích thử thách,” Lưu Vỹ Cường nói, ông đã chỉ đạo nhiều bộ phim kinh điển như Vô gian đạo. Ông quyết định quay bộ phim và bắt đầu tổ chức một đội ngũ sáng tạo và viết kịch bản. Ông cũng thu thập những kỷ niệm từ tất cả những người liên quan đến sự cố chuyến bay.

Đạo diễn Lưu cho biết ông đã học được rất nhiều từ lĩnh vực hàng không dân dụng, chẳng hạn như điều hành, phi công, tiếp viên và kỹ sư trong quá trình sáng tạo khi ông và êkíp đi đến các sân bay ở Thành Đô, Trùng Khánh và Lhasa. Đoàn làm phim cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ nhân viên hàng không dân dụng, họ hy vọng bộ phim có thể tiết lộ và phản ánh nỗ lực của những người làm việc về an toàn hàng không và cả cuộc sống đời thường của họ.

Trong khi đó, các diễn viên được huấn luyện trong ba tháng để nâng cấp kiến thức hàng không dân dụng đồng thời thực hành những gì họ học được trong các mô-đun mô phỏng. Cơ trưởng Lưu do nam diễn viên Trung Quốc Trương Hàm Dư thủ vai, với các vai nhân viên buồng lái và cabin đáng chú ý khác do Âu Hào, Đỗ Giang, Viên Tuyền, Trương Thiên Ái và Lý Thấm thủ vai.

Lưu Vỹ Cường nói sau khóa đào tạo, các diễn viên chính thực sự có thể lái máy bay thật, đồng thời ông cũng chia sẻ rằng các diễn viên phải chịu đựng rất nhiều đặc biệt là khi phải nhiều lần hứng chịu gió lớn trong các mô phỏng trải nghiệm thực tế để quay phim.

Để diễn dịch hoàn hảo cho từng nhân vật, Lưu Vỹ Cường yêu cầu các diễn viên trò chuyện với các nguyên mẫu ngoài đời thực về vai diễn của họ để hiểu sâu hơn và hiểu biết cuộc sống cá nhân và công việc của họ.

Êkíp của Lưu Vỹ Cường còn tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc chế tạo một chiếc máy bay để quay từ đội ngũ hiệu ứng đặc biệt của bộ phim Mỹ Sully, câu chuyện có thật về phi công người Mỹ Chesley “Sully” Sullenberger, đã trở thành người hùng khi hạ cánh chiếc máy bay bị hư hỏng nặng của ông trên dòng sông Hudson để cứu hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay.

Một chiếc máy bay mô phỏng chưa từng có tiền lệ đã được sử dụng trong quá trình làm phim The Captain

Nhưng họ phát hiện ra rằng ngay cả êkíp Hollywood cũng không tạo ra toàn bộ chiếc máy bay - họ đã tạo bản sao của một phần chiếc máy bay và hoàn thành công việc bằng CGI trong phần hậu kỳ.

Để thực hiện cảnh quay Cơ trưởng Trung Quốc gần với trải nghiệm thực tế, các hãng phim Trung Quốc đã đồng ý với Lưu Vỹ Cường và bỏ tiền phóng tay để tạo ra một bản sao hoàn chỉnh theo tỷ lệ 1: 1 chiếc máy bay A319, chia làm ba phần, mỗi phần nặng 20 tấn. Bản mô phỏng này là một phép màu kỹ thuật trong lịch sử điện ảnh do các kỹ sư Trung Quốc tạo ra, vượt qua rất nhiều thách thức kỹ thuật.

Tổng doanh thu phòng vé của Cơ trưởng Trung Quốc đạt 2,47 tỉ nhân dân tệ (349,2 triệu USD) tính đến ngày 14/10, và tiếp tục tăng lên từng ngày và vẫn chưa mất đà.

Viên Tuyền trong vai tiếp viên trưởng chuyến bay

Sau khi thực hiện bộ phim, Lưu Vỹ Cường đưa ra một lời khuyên: “Đừng dễ dàng nổi nóng khi chuyến bay của bạn bị trì hoãn. Họ có lý do nhất định và họ đang cố gắng đảm bảo một chuyến đi an toàn và thoải mái.”

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn