Tin tức

Nếu Trung Quốc không cần Hollywood nữa thì sao?

23/02/2021

Mỹ vốn là vua phòng vé đã lâu. Nhưng nay không còn nữa.

Năm 2020, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường điện ảnh hàng đầu thế giới. Theo Comscore (SCOR), quốc gia này, là thị trường điện ảnh lớn thứ hai trong nhiều năm qua, mang về 3,1 tỉ đôla Mỹ ở phòng vé năm 2020 — hơn Mỹ gần 1 tỉ đôla.

Một người Trung Quốc đi xem phim đứng ngắm poster Khương Tử Nha trong rạp chiếu. Phòng vé Trung Quốc năm 2020 phục hồi chủ yếu nhờ tác động của việc xử lý đại dịch cũng như “đầu tư lớn, nội dung đáp ứng yêu cầu khán giả trong nước”

Rõ ràng có một điều đáng lưu ý ở đây: virus corona. Trung Quốc đã hồi phục nhanh hơn so với Mỹ sau đợt bùng phát đầu tiên trong nước. Điều đó dẫn đến các rạp ở Trung Quốc mở cửa lại sớm hơn so với các rạp ở Mỹ, nơi vẫn còn nhiều rạp đóng cửa.

Lưu ý thêm rằng một số phim chính của Hollywood đã không thu hút khán giả Trung Quốc trong năm 2020. Wonder Woman 1984 của Warner Bros. đã không thành công ở Trung Quốc, và Mulan của Disney — nhắm đến khán giả Trung Quốc — là một thất vọng lớn. Điều này xảy ra sau nhiều năm Hollywood toàn cầu hóa phim bom tấn của họ với hy vọng kết nối khán giả Mỹ với khán giả quốc tế, cũng như khán giả ở Trung Quốc.

Vậy nếu Trung Quốc không cần Hollywood nữa thì sao?

Một Hollywood không có Trung Quốc thì thế nào?

Khán giả mang khẩu trang ngừa virus corona khi xem phim trong một rạp chiếu ở Bắc Kinh ngày 24/7/2020. Trung Quốc đã hồi phục nhanh hơn so với Mỹ sau đợt bùng phát đầu tiên trong nước, dẫn đến các rạp ở Trung Quốc mở cửa lại sớm hơn so với các rạp ở Mỹ, nơi vẫn còn nhiều rạp đóng cửa

“Nếu Trung Quốc không cần điện ảnh Mỹ, Hollywood sẽ phải giảm mạnh chi tiêu cho những phim bom tấn kinh phí khủng,” Aynne Kokas, tác giả của Hollywood Made in China nói với CNN Business. “Kinh phí hiện tại bấp bênh nếu không tiếp cận được thị trường Trung Quốc. Điều đó có thể làm thay đổi triệt để mô hình ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ.”

Kokas, phó giáo sư truyền thông ở Đại học Virginia, giải thích rằng để bán phim cho khán giả Trung Quốc, hãng phim Mỹ cần tuyển “những ngôi sao Trung Quôc và điều chỉnh nội dung để phục vụ thị trường điện ảnh Đại lục.”

Những ví dụ gần đây là việc bỏ cờ Đài Loan trên áo khoác của Tom Cruise trong Top Gun: Maverick và “kể lại Doctor Strange để nhân vật chính là người Celtic thay vì Tây Tạng,” bà nói.

Trừ phi Mỹ kiểm soát được Covid và rạp phim mở cửa lại, nếu không thì Hollywood sẽ ngày càng phụ thuộc Trung Quốc

Kokas nói rằng “trừ phi Mỹ kiểm soát được Covid và rạp phim mở cửa lại, nếu không thì Hollywood sẽ ngày càng phụ thuộc Trung Quốc.”

“Bất chấp những gì diễn ra với Covid, ít nhất chúng ta đã bước vào một thế giới mà phòng vé Trung Quốc và Mỹ đều quan trọng như nhau,” bà cho biết thêm.

Trong khi phim Hollywood gần đây sẩy chân ở Trung Quốc, một số phim Trung Quốc lại phất lên mạnh mẽ.

Trung Quốc đã phát hành một phim bom tấn của riêng họ hồi tháng 8 có tựa The Eight Hundred. Bộ phim chiến tranh hành động của CMC Pictures đã thu về hơn 100 triệu đôla Mỹ trong nước vào tuần khởi chiếu và mang về hơn 400 triệu đôla toàn thế giới.

Poster The Eight Hundred tại một rạp chiếu ở Toronto, Canad ngày 28/8/2020. Bộ phim chiến tranh hành động của CMC Pictures đã thu về hơn 100 triệu đôla Mỹ trong nước vào tuần khởi chiếu và mang về hơn 400 triệu đôla toàn thế giới

Shawn Robbins, nhà phân tích của Boxoffice.com, cho CNN Business biết rằng phòng vé Trung Quốc năm 2020 phục hồi chủ yếu nhờ tác động của việc xử lý đại dịch cũng như “đầu tư lớn, nội dung đáp ứng yêu cầu khán giả trong nước.”

“Có một thế mạnh rõ ràng ở thị trường Trung Quốc cho phép họ không phụ thuộc nhiều vào Hollywood,” ông nói. “Đó là lợi thế nội tại của ngành công nghiệp Trung Quốc.”

Khó khăn của Hollywood ở Trung Quốc có thể cũng liên quan đến căng thẳng chính trị Mỹ-Trung gia tăng. Virus corona làm rạn nứt dẫn đến sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc và tính bài ngoại, vốn hay bị truyền thông Trung Quốc khuấy động.

Hai trụ cột của phòng vé toàn cầu

Poster tiếng Trung của Wonder Woman 1984 trong một rạp chiếu ở Thượng Hải ngày 18/12/2020

2020 là một năm thay đổi trật tự phòng vé toàn cầu, song Hollywood vẫn chưa gióng lên hồi chuông cảnh báo. Robbins chỉ ra rằng sức hút của nhiều ‘nhãn phim’ Mỹ đối với khán giả Trung Quốc “có lẽ không suy giảm đáng kể.”

“Mặc dù chúng ta đã thấy những kết quả trái chiều từ các phim khởi chiếu trong đại dịch, hãy nhớ rằng kích thước mẫu là khá nhỏ và không tất yếu phản ánh những gì diễn ra trước đại dịch và những gì có khả năng xảy ra sau đó,” ông nói thêm.

Robbins nói Wonder Woman 1984 là bom xịt ở Trung Quốc vì nhiều lý do, kể cả “phần phim trước gần như không phải là một bom tấn ở đó như những quốc gia khác.”

Ông cũng nói thêm rằng tranh cãi xung quanh Mulan trước khi phát hành gần như gây hại cho thành tích của bộ phim ở Trung Quốc. Và khán giả Trung Quốc được cho là không phải ‘fan’ cứng của phiên bản hoạt hình năm 1998 vì cách mà Mỹ và Disney tái hiện và ‘Tây hóa’ huyển thoại gốc.

Áp phích Mulan trong một rạp chiếu ở Bắc Kinh ngày 11/11/2020

Song các loạt phim như Marvel, Fast & Furious, và những phim Disney khác “nằm trong số những nguồn nhập khẩu hái ra tiền của thị trường Trung Quốc,” ông nói.

“Rất khó nhìn thấy sự thay đổi đáng kể trong thời gian ngắn khi thế giới bắt đầu hồi phục sau đại dịch vào cuối năm 2021 — đặc biệt là khi thực tế gần phân nửa những phim có doanh thu cao nhất năm 2019 ở Đại lục là phim Hollywood.”

Vậy rồi Hollywood và Trung Quốc sẽ đi về đâu? Câu hỏi đó, cũng như nhiều câu hỏi trong ngành công nghiệp điện ảnh lúc này, không có câu trả lời dễ dàng. Song dù tương lai của ngành công nghiệp điện ảnh ra sao, gần như vẫn sẽ là nơi mà Hollywood và Trung Quốc vẫn là hai trụ cốt chính giữ phòng vé toàn cầu.

Có một thế mạnh rõ ràng ở thị trường Trung Quốc cho phép họ không phụ thuộc nhiều vào Hollywood

“Rốt cuộc thì bối cảnh phòng vé toàn cầu phụ thuộc nhiều vào những gì mà hai khổng lồ này có thể đạt được trong những năm tới,” Robbins nói.

Dịch: © Minh Phát @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNN