Tin tức

Những câu chuyện cổ tích rạn vỡ của Hollywood

08/05/2013

Đó là những câu chuyện mẹ từng kể chúng ta nghe.

Câu chuyện về những đứa trẻ bị phù thủy bắt, và những chàng nông dân leo lên tận mây xanh. Câu chuyện về những con sói giả làm bà, và mẹ kế thậm chí chẳng thể giả vờ tốt bụng. Câu chuyện về lòng dũng cảm, sự ngây thơ và cái ác bị đánh bại.

Lúc đó chúng đã là những câu chuyện cũ. Giờ lại còn cũ hơn.

Nhưng trong nhiều lần được kể đi kể lại, có những thứ đã thay đổi. Vài nhân vật biến mất, vài nhân vật khác bắt đầu nổi lên. Những câu chuyện chúng ta nghĩ nói về thứ này lại trở thành chuyện về những thứ hoàn toàn khác – tỷ dụ như nữ quyền và lối suy nghĩ khác thường và lòng tự tin.

Và trong một thể loại đầy rẫy sự thay hình đổi dạng, đây có thể là sự biến hình kỳ diệu nhất.

Gần đây, Hollywood đã đẩy nhanh tiến độ. Chỉ trong ba năm gần đây, chúng ta đã xem những bản chuyển thể rất mới của Beauty and the Beast / Giai nhân và Quái vật, Little Red Riding Hood / Cô bé quàng khăn đỏ, Puss in Boots / Mèo đi hia, Jack the Giant Killer / Jack và đại chiến người khổng lồ, Hansel and Gretel và ba phiên bản Snow White / Bạch Tuyết khác nhau (bản gần đây nhất là tác phẩm đầy phong cách của Tây Ban Nha Blancanieves).

Once Upon a Time, một phim truyền hình dựa trên chuyện cổ tích

Và đó là chưa tính những phim sắp ra mắt – trong đó có Maleficent (Sleeping Beauty / Công chúa ngủ trong rừng được kể từ góc nhìn của hoàng hậu độc ác), Into the Woods của Stephen Sondheim và hai phim làm lại từ Cinderella Beauty and the Beast. Lại còn các phim truyền hình đang diễn ra Beauty and the Beast, Grimm, và Once Upon a Time.

Đôi lúc có cảm giác như bạn không thể vào một cụm rạp mà không vấp phải một cái nấm độc có lời nguyền.

Dù còn nhiều nữa, nhưng càng ngày lại càng ít các phim cổ tích này còn giữ được sự kỳ diệu, sự thông thái, và kỳ quan của chúng.

Chuyện kể trước giờ ngủ

Thuở ban sơ, đó đều là truyện cho trẻ con.

Lúc đầu, ở Hollywood, những câu chuyện cổ tích được xem là chỉ phù hợp cho khán giả nhỏ tuổi. Dù sử dụng truyện của anh em nhà Grimm hay truyền thuyết vùng Cornwall cổ xưa, những câu chuyện này chẳng phải là thứ thường được đưa lên phim dài, và chỉ một vài nghệ sĩ – Mary Pickford có thể là người nổi tiếng nhất, với Cinderella năm 1914 của bà – từng thử nghiệm.

Và rồi đợt Suy thoái làm con người ta mong mỏi những lối thoát an toàn, và sự phát triển của việc kiểm duyệt đặt thêm gánh nặng cho toàn cảnh. Nên, vào năm 1937, Walt Disney đánh bạc với phim hoạt hình dài đầu tiên, Snow White, một sự kết hợp vừa giữ nguyên được những niềm vui thú trẻ con vừa thêm vào chút người lớn ở những bài hát thu hút. Xuất hiện vào giữa lúc kinh tế đang suy yếu, phim mang đến một nơi để người ta rút lui khỏi thực tại.

Snow White mở đầu giai đoạn phim cổ tích từ năm 1937

Việc Disney chọn thời điểm khôn ngoan tiếp tục, với việc cứ mỗi đợt khủng hoảng toàn cầu đều có vẻ đã mang lại một giấc mộng ban ngày mới. Năm 1940, khi Hitler diễu hành xuyên suốt Âu châu, hãng này phát hành Pinocchio, đợt chiến tranh lạnh thập niên 1950 được đóng khung trong Sleeping Beauty Cinderella. Là những giấc mộng ban ngày an toàn, trong trẻo, các phim này có các nàng công chúa xinh đẹp, anh hùng trung kiên và tất cả sự kinh khiếp của những câu chuyện gốc đều được cẩn thận tách ra.

Và rồi, khi văn hóa đại chúng trở nên tự do hơn, những thứ một thời chỉ là thái độ chung có vẻ trở nên bảo thủ và lỗi thời, với những đấng phụ huynh sinh trong thời 'baby boomer' (từ sau Thế chiến II đến năm 1964).

Rốt cục, những mối liên hệ về giới tính trong các phim của Disney đều theo truyền thống, theo cách tốt nhất có thể; chính trị dựa vào hoàng thất. Và ngoài lối mòn trong Song of the South (phim dài này bị ngưng lưu hành vĩnh viễn), những gì là thiểu số dường như đều là vô hình. Có những bài học nhỏ gọn gàng về quyền lực và sự tuân lời, trật tự và ngoan ngoãn.

Đó không phải là câu chuyện cho một thế hệ phụ huynh mới được nuôi dạy bằng “Tự do là chính mình. Bạn và tôi!”

Disney tiếp tục tái bản các phim kinh điển cũ, xây dựng một nền văn hóa công chúa sinh lợi với búp bê và hóa trang. Nhưng với những phim mới, hãng này xoay sang các câu chuyện mới, các nền văn hóa khác và phim hài người thực đóng. Các ông bố bà mẹ trẻ thúc đẩy những phim tuyệt vời nhưng mang tính giáo dục rõ ràng hơn như Muppets. Có vẻ như không còn chỗ cho chuyện cổ tích quá lứa lỡ thì nữa.

Đến khi một loại chuyện cổ tích mới xuất hiện.

Rượu cũ, bình mới

Đợt tái sinh bắt đầu ở những hãng nghệ thuật ở châu Âu, và cho người lớn. Donkey Skin năm 1970 dùng câu chuyện Mẹ ngỗng cũ và làm đen tối hẳn đi bằng sự loạn luân và siêu thực quá liều; The Beast năm 1975 nói về một quái vật không thể nói luôn đe dọa Giai nhân. Và năm 1984, The Company of Wolves của Neil Jorrdan ép uổng câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ vào những truyền thuyết đẫm máu, tàn bạo về người sói.

Trong những câu chuyện cũ vẫn còn sức sống.

Hollywood bắt được gợi ý đó, dù không đi theo lối này. Dù có những phim cố tình gây sốc rốt cục đã biến tướng những chủ đề cổ tích (như Freeway, biến con sói thành một tên sát nhân hàng loạt), đầu tiên hầu hết các hãng phim và đài truyền hình đều hiện đại hóa một cách cẩn trọng. Beauty and the Beast của Disney thêm vào những giai điệu kiểu Broadway; phiên bản truyền hình người thực đóng của câu chuyện này là một chuyện tình người lớn nơi đô thị.

Cả hai đều thành công lớn, vì đều giữ được phép màu xưa cũ.

Tuy nhiên, chính Shrek đã tạo nên một công thức mới năm 2001. Được dựng cho phạm vi khán giả rộng nhất có thể, phim nhắm đến cả những thứ bình dân (bạo lực hài hước và các câu chuyện cười về phòng tắm) và cao sang (diễn viên nổi tiếng lồng tiếng, chơi chữ bằng hình ảnh). Phim thêm vào những ý niệm đúng đắn hiện đại (phụ nữ có quyền tự quyết định, những kẻ ngoài lề học được lòng tự tôn) trong khi vẫn giữ đủ những yếu tố cũ (các lời nguyền độc ác, rồng phun lửa) để được xem là chuyện cổ điển.

Shrek mang đến hướng tiếp cận mới cho phim cổ tích

Và khi phim ra rạp, không chỉ kéo theo lũ lượt các phần sau và phim ăn theo. Phim còn cả một hướng tiếp cận đùa bỡn mới.

Và cả bản làm lại ngạo nghễ và mỉa mai Hoodwinked của chuyện về Cô bé quàng khăn đỏ (và dẫn đến một phần tiếp theo còn ít hấp dẫn hơn); Tangled sáng tạo hơn thì mang Rapunzel vào một phim đấu kiếm dữ dội (trong đó nàng chịu trách nhiệm chính).

Cả hai phim đều dìm những giả tưởng trẻ con xuống dành chỗ cho các câu chuyện cười mỉa mai và các cuộc rượt đuổi sái cả cổ.

Những phim khác biến các câu chuyện vượt thời gian thành các phim thiếu niên do người thực đóng. Lọ Lem thấy mình kẹt tại trường trung học trong A Cinderella Story còn Bạch Tuyết trở thành cô sinh viên Sydney White trong phim cùng tên (giờ là “bảy tên ngố” vây quanh). Enchanted thật sự sáng tạo của Disney bỏ nàng công chúa cổ tích (được cố tình làm mang nét chung chung) vào giữa Manhattan.

Những phim này có các mức thành công khác nhau, nhưng trong khi ít người tìm ra sự hài hước thật sự trong các câu chuyện đó – và tất cả đều có các nữ chính chủ động hơn trong quá khứ – quá nhiều phim vẫn dựa trên những sự ám chỉ văn hóa đại chúng rẻ tiền và nhạc rock-n-roll dẫn dắt. Chưa có phim nào làm việc nghiêm túc với tác phẩm gốc. Mọi thứ đều diễn ra theo hướng cười xuề xòa dễ dàng; chẳng có thứ gì thật sự liều lĩnh cả.

Rõ ràng vẫn còn chỗ cho một loại cổ tích khác – loại đã kết duyên nhu cầu giải trí của người Mỹ với góc nhìn hắc ám hơn mà các nhà làm phim châu Âu quay sang dùng, và từ nguồn gốc các câu chuyện này nảy nở khi xưa.

Truyện cổ tích cho phái mạnh


Đầu tiên, sự thay đổi đúng đắn trong cách tiếp cận có vẻ rõ ràng. Những câu chuyện của Tolkien (và loạt phim Narnia, đến khi loạt này tàn lụi dần) đã tìm thấy những cuộc phiêu lưu trong phim hành động – và bom tấn phòng vé – nơi phép màu và giả tưởng. Vì sao không để những tiền nhân của các câu chuyện đó cũng được cập nhật, hoàng tử công chúa bây giờ là siêu người hùng mặc đồ nhung, phần hành động nay đã đủ bạo lực khéo léo để được xếp hạng PG-13?

Nên trong Snow White and the Huntsman / Bạch Tuyết và gã thợ săn, nàng công chúa của Kristen Stewart trở thành một anh thư kiểu Joan of Arc âu sầu, dẫn quân ra trận; trong Hansel and Gretel: Witch Hunters / Hansel and Gretel: Thợ săn phù thủy, hai anh em nhỏ không chỉ sống sót sau đợt đối đầu hiểm nguy đầu tiên, mà còn trưởng thành thành những anh hùng lương sơn bạc. Và Red Riding Hood / Cô bé quàng khăn đỏ, giờ đã là chuyện kinh dị hoàn toàn, thêm vào một nhân vật hoàn toàn mới: Cha xứ Solomon, người thẩm tra làm việc tự do và người giết ma sói.

Hansel and Gretel biến các nhân vật cổ tích thành anh hùng hành động

Jack the Giant Slayer chỉ là bản làm lại mới nhất. Phim giữ lại chàng nông dân Jack và những hạt đậu thần của anh, nhưng cũng giới thiệu các yếu tố của truyền thuyết thời Arthur, gồm các vật thể có bùa phép, một kỵ sĩ quang minh chính đại đẹp trai và kẻ chờ thời lập lờ. Dù nhắm thẳng đến cái ghê nhất trong truyện gốc (Jach thật sự chém bọn khổng lồ thành nhiều mảnh), phim quá rõ là vẫn nhắm đến khán giả thanh thiếu niên.

Bất hạnh thay, những người hâm mộ điện ảnh còn ít chú ý đến Jack hơn so với Red Riding Hood, Mirror, Mirror / Gương kia ngự ở trên tườngHansel and Gretel, đều là thất bại phòng vé, nữa. (Chỉ có Snow White and the Huntsman, ăn theo danh Twilight của Stewart, là thành công.) Có vẻ như chuyện cổ tích đã gần như hết thời.

Vì vậy, nếu khán giả đã ít màng đến việc xem những hoàng tử công chúa lộng lẫy một thời mặc giáp chạy quanh, kiếm nhuốm máu ác thú – và sự chế giễu chớp nhoáng của Shrek và rốt cục công ty này cũng hết chuyện cười – thì thể loại này còn lại gì? Làm cách nào các nhà làm phim làm mới những câu chuyện này lần nữa?

Có thể bằng cách nhớ lại xem điều gì đã làm chúng vượt thời gian.

Blancanieves, ra mắt vào ngày 29/3 tại New York, là một phiên bản khác của câu chuyện Bạch Tuyết. Và phim đã ngoan ngoãn ngân lên tất cả những nốt quen thuộc – người mẹ kế độc ác, vụ sát nhân suýt diễn ra trong rừng, bảy chú lùn cho lánh nạn, và quả táo độc.

Nhưng phim này, của đạo diễn người Tây Ban Nha Pablo Berger, đã thêm vào một nút thắt duyên dáng. Đầu tiên, ông quay một phim câm trắng đen hiện đại, như The Artist. Sau đó ông chuyển đổi thêm thắt cho phim, chuyển phần hành động về Seville những năm 20, biến Bạch Tuyết thành con gái của một tay đấu bò nổi tiếng, chuyển những chú lùn thành một nhóm hài đưa nàng ấy vào một phân đoạn diễn.

Berger đã làm ra được một bước vừa tiến vừa lùi thú vị - vừa hiện đại hóa câu chuyện vừa kể chuyện theo một phong cách cổ. Nhưng quan trọng nhất là ông làm việc với kịch bản nghiêm túc và chân thành. Bộ phim có những nỗi sợ và kinh hoàng trẻ con – cái chết khi vừa sinh con của mẹ Bạch Tuyết là điều căn bản. Phim cũng có nhận thức của người lớn (mẹ kế của Bạch Tuyết có sở thích hơi kỳ quái, và kết thúc vui buồn lẫn lộn, ít ra là vậy).

Tạo hình mẹ kế của Bạch Tuyết trong Blancanieves [Ảnh: Cohen Media Group]

Nhưng cái chính – và quan trọng nhất – là Blancanieves nhớ được thứ mà nhiều bản chuyển thể chuyện cổ tích đã quên: điều kỳ diệu.

Vì lý do những câu chuyện này tồn tại được qua hàng thế kỷ không phải là do chúng mang đến nhiều chuyện đùa đường phố và tiếu lâm bổn cũ soạn lại, một khung nền cho các thành tựu mới nhất trong việc tạo ra các con quái vật và hỗi loạn bằng kỹ xảo. Sự hấp dẫn của chúng không dựa trên sự mỉa mai xấc xược hoặc các cảnh hành động được biên tập đến chóng mặt.

Mà đó là vì cảm giác trầm trồ và niềm tin tròn xoe mắt vào phép màu không hề bị suy suyển. Và nỗi hoài cổ của một người lớn mệt nhoài về một ngày xưa cũ, lúc có thể tin rằng những điều ước sẽ thành sự thực và mẹ tiên đỡ đầu sẽ luôn trông chừng ta, rằng người tốt rốt cục cũng sẽ được báo đáp và cái ác thế nào cũng bị phát hiện, rằng người đứng đầu luôn công bằng và những người yêu nhau sẽ hạnh phúc bên nhau mãi mãi về sau.

Và không chỉ trong câu chuyện thần tiên mẹ ta kể nữa.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi