Tin tức

Operation Red Sea khác biệt thế nào với những phim chiến tranh truyền thống của Trung Quốc

22/03/2018

Tháng 2 vừa rồi, doanh thu phòng vé Trung Quốc Đại lục đã lên tới 10,1 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ USD), kỷ lục doanh thu hàng tháng ở một thị trường. Và khi người tiêu dùng Trung Quốc xem phim điên cuồng, không có phim nào nổi bật hơn Operation Red Sea.

Do Lâm Siêu Hiền đạo diễn và Trương Dịch đóng chính, Operation Red Sea phỏng theo kế hoạch sơ tán ở Yemen vào tháng 3 năm 2015 của hải quân Trung Quốc. Lấy bối cảnh một quốc gia hư cấu ở Trung Đông biến loạn chiến tranh, bộ phim kể câu chuyện về thủy thủ đoàn và một nhóm đặc nhiệm khi họ giải cứu công dân Trung Quốc và những người tị nạn nước ngoài, trong quá trình đó xử lý một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng. Đến cuối tháng 2, bộ phim đã thu về gần 2,5 tỉ nhân dân tệ chỉ trong 13 ngày.

Đặc nhiệm Trung Quốc làm nhiệm vụ giải cứu công dân Trung Quốc ở một đất nước hư cấu châu Phi

Không như bom tấn Chiến lang 2 của hè năm ngoái, câu chuyện khoa trương về một người lính Trung Quốc bất trị ở một đất nước châu Phi không tên, Operation Red Sea là phim chiến tranh từ chân tơ đến kẽ tóc. Phim có nhiều điểm chung với chuỗi phim hành động Die Hard, trong đó nội dung, kỹ thuật làm phim và các hiệu ứng nghe nhìn là sự so sánh gần gũi hơn với tác phẩm sử thi Black Hawk Down của Ridley Scott năm 2001.

Nghiên cứu điện ảnh thường gọi những phim như Operation Red Sea là “phim triệu chứng” (“symptom films”), vì chúng nắm bắt được điều gì của hệ tư tưởng đang thịnh hành trong xã hội — trong trường hợp này, đó là niềm tự hào dân tộc ngày càng tăng và sự tự tin vào quân đội Trung Quốc. Thành công của Operation Red Sea đến vừa kịp lúc sau sự xuống dốc của tháng 1 do hãng phim nhà nước August First Film Studio gây ra, một động thái tượng trưng cho sự kết thúc của kỷ nguyên phim chiến tranh Trung Quốc truyền thống. Được thành lập ngay sau khi Trung Quốc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1949, August First là nhà sản xuất hàng đầu của đất nước này về phim chiến tranh. Trong hơn 60 năm, hãng này đã phát hành rất nhiều bộ phim được xem là kinh điển của thể loại, chẳng hạn bộ ba phim Decisive Engagement năm 1990 đến năm 1992. Đầu năm nay, August First trở thành một bộ phận của Trung tâm văn hóa và nghệ thuật quân đội Trung Quốc, một quyết định đem lại sự nghi ngờ về vai trò của nó trong việc sản xuất phim chiến tranh trong tương lai.

Cảnh quân khủng bố bắt ép một thường dân (góc trái) mang bom trên người để đánh bom tự sát mục tiêu chúng muốn trong phim

Nhiều phim chiến tranh truyền thống của Trung Quốc đều lấy bối cảnh ba cuộc xung đột lớn giữa thế kỷ 20 của quốc gia này: Thế chiến II, Nội chiến Trung Quốc, hoặc Chiến tranh Triều Tiên. Quân đội thường cho mượn lao động và vũ khí trong quá trình sản xuất phim. Các bộ phim thường cho khán giả cái nhìn toàn cảnh về chiến tranh, kể chuyện từ quan điểm của người lính trên chiến trường lẫn từ các nhân vật quân đội ở phía đối lập. Thông qua cách tiếp cận cấp vĩ mô này, các nhà làm phim đã nhấn mạnh cách các lãnh đạo đạt được chiến thắng và được cho là chiến thắng công bằng về mặt lịch sử nhờ điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với cục diện thay đổi trên chiến trường.

Bằng cách diễn dịch và định hình lại ký ức chung về những xung đột gần đây, những bộ phim như vậy đã khuyến khích khán giả Trung Quốc vô thức đánh đồng và ủng hộ chiến tranh nhân danh giai cấp và qua đó biện minh cho tính hợp pháp của nó.

Operation Red Sea quay lưng lại với những câu chuyện lớn lao kể trên. Giống như các phim tương đương của Mỹ, Operation Red Sea tập trung vào một trong những xung đột cục bộ hiện nay, nêu lên mối nguy hiểm của chủ nghĩa khủng bố và cho thấy các phương pháp chiến đấu của thế kỷ 20 — bao gồm tác chiến tại chỗ và các chiến dịch ném bom quy mô lớn — đang bị thay thế bởi các kiểu cận chiến ngẫu nhiên hơn có thể nổ ra bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Phóng viên Hạ Nam người Pháp gốc Trung Quốc lọt vào cuộc chiến khi đeo bám vụ buôn bán công thức chế tạo bom giết người hàng loạt của một doanh nhân tập đoàn đa quốc gia

Phim cũng nắm bắt sự đa dạng của chiến trường hiện đại: trận đánh diễn ra trên đường phố, trong nhà, ở đền thờ, trong các trại tị nạn, và trong sa mạc trống trải. Nếu phim chiến tranh truyền thống phân rõ địch ta, Operation Red Sea nghiên cứu những động cơ phức tạp của con người và các tổ chức trong chiến tranh, thể hiện hàng người tị nạn, chiến binh, kẻ khủng bố, các tập đoàn đa quốc gia, các nhà ngoại giao, phóng viên và quan chức chính phủ.

Thay vì đề cập chiến lược quân sự bao quát, Operation Red Sea khảo sát chiến thuật ở mức độ thường dân. Ngoài việc phô diễn vũ khí quân sự tiên tiến của Trung Quốc, bộ phim còn đào sâu mối dây thâm tình giữa các thành viên của đơn vị tấn công, một động thái tinh tế khuyến khích khán giả đầu tư cảm xúc vào những tính cách phức tạp hơn trên màn ảnh so với những gì họ từng thấy trong phim chiến tranh kinh điển. Nhân vật cũng được thể hiện là có khả năng đáp ứng linh hoạt với tình huống bất ngờ trong những cảnh chiến đấu được biên đạo tốt.

Trong khi phim chiến tranh kinh điển của Trung Quốc mô tả chiến tranh là vinh quang, Operation Red Sea ra sức thuyết phục người ta ủng hộ hòa bình. Dù cốt truyện của bộ phim xoay quanh một hoạt động quân sự, nhưng sự trung thành với những phép chuyển nghĩa sáo mòn của thể loại này không nhằm lãng mạn hóa những gì đang xảy ra trên màn ảnh. Thay vào đó, phim tìm cách lột trần sự mù quáng, hung ác, bạo lực, và ngu xuẩn của chiến tranh.

Sĩ quan hải quân Trung Quốc điều khiển máy bay không người lái tác chiến ứng cứu lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc

Đi vào một môi trường phức tạp, những thành viên nào đó trong đội phải trả giá bằng mạng sống của họ để cứu một phụ nữ Trung Quốc bị bọn khủng bố bắt cóc. Có lẽ, Operation Red Sea tương tự các phim phương Tây như bộ phim tâm lý ly kỳ Full Metal Jacket năm 1987 của Stanley Kubrick và tái hiện đẫm máu cuộc chiến đấu trong Saving Private Ryan năm 1998. Trái ngược với những nỗ lực của Chiến lang 2 nhằm thu hút chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đang lên, Oepration Red Sea vạch trần chiến tranh là loạn lạc, nguy hiểm và bạo lực. Tạo ra hồi hộp bao nhiêu thì phim cũng khiến khán giả sợ hãi và cự tuyệt chiến tranh bấy nhiêu..

Cũng như người phương Tây, đa số người dân Trung Quốc ngày nay không từng trực tiếp trải nghiệm chiến tranh. Thay vào đó, họ trải nghiệm chiến tranh thông qua xung đột ý thức hệ được thể hiện trên các phương tiện truyền thông và nghệ thuật. Tầm quan trọng của Operation Red Sea nằm ở cách nó loại bỏ chủ nghĩa lịch sử nặng tuyên truyền thường thấy trong phim chiến tranh Trung Quốc truyền thống. Mạch diễn biến liên tục căng thẳng bác bỏ bất kỳ mô tả chiến tranh hào nhoáng và huy hoàng nào; thay vì những cảnh chiến đấu kích thích, chúng ta chứng kiến cái chết và đau khổ trong thực tế trần trụi, kinh hoàng của nó. Thay vì những chỉ huy không bao giờ sai lầm và những người hùng bất khả chiến bại, chúng ta theo chân một đơn vị lính đoàn kết được huấn luyện để ứng phó với chiến tranh bằng sự lạnh lùng cẩn trọng.

Đạo diễn Lâm Siêu Hiền, trái, chỉ đạo trên trường quay

Khi những cuộc chiến tranh thực đã biến mất khỏi cuộc sống của chúng ta, những khán giả xem phim không sinh ra ở quốc gia phải đối phó với những xung đột cục bộ có lẽ không bao giờ phải trải nghiệm chiến tranh trong suốt đời mình. Nhưng ngay cả trong một kỷ nguyên không có chiến tranh, chiến tranh vẫn tiếp tục hiện diện như một hệ tư tưởng. Cách con người nghĩ về chiến tranh, sợ hãi và sử dụng chiến tranh là hết sức quan trọng, và điện ảnh vẫn tiếp tục phản ánh điều này. Hôm nay, ở Trung Quốc một trận chiến ẩn dụ đang diễn ra giữa những bộ phim chiến tranh truyền thống với các phim chiến tranh hiện đại, một cuộc chiến về cách miêu tả chiến tranh bằng hình ảnh trên màn bạc.

Dịch: © Ngân Mai @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Sixth Tone