Tin tức

Vấn đề phân biệt chủng tộc ở Hollywood được phản ánh trên phim như thế nào

06/11/2013

2013 có lẽ là năm của người da đen ở các rạp phim. 42, Lee Daniels’ The Butler, Fruitvale Station và 12 Years a Slave đều là những phim đưa cuộc sống của người da đen ở các thời đại khác nhau lên phim, và hai phim cuối cùng được đánh giá cao và tiên đoán sẽ nổi trội trong mùa giải thưởng.

Trong năm nay, quan hệ giữa các màu da ở Mỹ trở nên căng thẳng với việc George Zimmerman được miễn tội giết người khi bắn chết một người da đen, vì thế cũng dễ hiểu khi khán giả chú ý nhiều tới bốn bộ phim đối mặt với vấn đề chủng tộc một cách thẳng thắn nhất này. Thái độ của các phim đa dạng, từ lạc quan tới bi kịch. Một số cho rằng, 2013 là năm điện ảnh màu da tái xuất ở Hollywood.

12 Years a Slave

Nhưng thật ra, thực trạng lại không đơn giản đến thế.

Vấn đề chính với khái niệm da đen ở Hollywood là, dù đã là năm 2013, ta vẫn khó tìm thấy các khuôn mặt da đen, da màu trong các phim không liên quan trực tiếp tới vấn đề chủng tộc.

Ở dưới là một danh sách các phim ra mắt trong năm 2013 có diễn viên chính người da đen trong một kịch bản không liên quan trực tiếp tới vấn đề chủng tộc:

- After Earth (Jaden Smith)
- 2 Guns (Denzel Washington)
- A Haunted House (Marlon Wayans)
- Peeples (Craig Robinson)
- Temptation (Jurnee Smollett)
- LUV (nhiều diễn viên)
- Baggage Claim (nhiều diễn viên)

Đến lúc này chỉ có thế. Thật đó. Nếu bạn tính cả các vai phụ, thì có thể thêm Don Cheadle trong Iron Man 3, Morgan Freeman trong Oblivion và Now You See Me, Common trong Now You See Me, Tyrese Gibson trong Fast and Furious 6, Zoe Saldana trong Star Trek: Into Darkness, Robinson trong This Is the End, và Anthony Mackie trong bốn phim lớn khác.

Morgan Freeman trong Now You See Me

Tổng cộng tới nay ta có 17 phim với sự hiện diện từ trung bình đến mạnh của người da đen. Trong số phim này, ba phim là phần tiếp, và các nhân vật da đen này đã xuất hiện trong các phần phim trước, hai phim được sản xuất bởi Tyler Perry và hai phim có vai chính của một trong những diễn viên da đen nổi tiếng nhất Hollywood (Washington) hoặc con trai của họ (Smith).

Nhưng dù có không tính những phép trừ này, thì ta vẫn có 17 phim trong tổng số 224 phim ra mắt trước 12 Years a Slave trong năm nay có diễn viên da đen trong một phim không nói về vấn đề da đen.

Nói tóm lại, đây là một thực trạng không chấp nhận được.

Nói như thế không có nghĩa là ta hạ thấp các phim về vấn đề chủng tộc trong lịch sử nước Mỹ. Dù mang tính thương mại và có mục đích riêng cao, các phim như The Help hay Remember the Titans, vẫn đưa ra những góc nhìn mới về các lỗi lầm và thành công của nước này trong lịch sử đối mặt với các vấn đề chủng tộc, và có thể gợi lên dư luận và tạo cảm hứng.

Roots, phim truyền hình ra mắt năm 1977

Nhưng không ai vào xem 12 Years a Slave với quan điểm rằng tục nô lệ là điều tốt và xem xong phim phải nghĩ là đó là điều xấu. Không ai đi xem 42 và ủng hộ việc Jackie Robinson thất bại. Người da trắng có thể đi xem các phim này, khóc lóc một chút, nghĩ rằng họ không có gì giống những tay da trắng độc ác trong phim (hay nghĩ mình giống những người tốt bụng trong phim), nhưng rồi sau đó lại đi xem thêm hai mươi bộ phim nữa không hề có một khuôn mặt da đen nào và không nghĩ gì thêm về việc này. Những phim như thế này không thể thay đổi thực sự quan điểm của xã hội về chủng tộc vì những vấn đề chúng đề cập đã được chấp nhận là kinh khủng. Đúng, bốn mươi năm trước, Roots được cho là phim truyền hình mang tính cách mạng, là đỉnh cao của nghệ thuật giải trí, mở đường đưa nước Mỹ da trắng tới với những câu chuyện về người da màu mà họ có thể chưa biết tới. Ngày nay, những vấn đề này được đề cập hàng ngày ở các lớp học.

Hollywood có thể tạo những thay đổi, nhưng không phải là qua những phim chống lại chế độ nô lệ. Họ cần đưa nhiều khuôn mặt da màu vào các phim bom tấn hơn. Nhưng ngược lại, giờ đây Hollywood cho ra mắt vài phim có thông điệp về chủng tộc, đề cử hai ba phim trong giải Oscar cho có, nhưng không hề đối mặt thực sự với vấn đề nay trong chính hệ thống của nó.

Nhìn giải Oscar thì biết. Từ năm 1993, chỉ có ba phim được đề cử giải Oscar Phim xuất sắc có diễn viên chính da đen nhưng không kể về vấn đề chủng tộc, và hai trong số ba phim đó xuất hiện trong cùng năm: Pulp Fiction và The Shawshank Redemption (1994); và Beasts of the Southern Wild của năm ngoái, và phim cuối cùng này là phim độc lập làm xa hệ thống Hollywood. Ta có thể tranh cãi là một số phim khác cũng có phù hợp trong phạm trù này: Jerry Maguire, dù phim phần lớn kể về nhân vật chính da trắng và cô người yêu của anh; Traffic, dù phim có một dàn diễn viên lớn đồng vai chính; Ray, nói về vấn đề chủng tộc nhưng khai thác nhân vật hơn là vấn đề xã hội; và The Curious Case of Benjamin Button, có hai diễn viên chính da trắng nhưng diễn ra trong gia đình và cộng đồng người da đen. Tuy vậy, Pulp Fiction và Shawshank vẫn chỉ là hai phim duy nhất rõ ràng.

Cảnh phim Pulp Fiction

Ngoài ra, các phim khác được đề cử với diễn viên chính người da đen như The Green Mile, Crash, The Blind Side, Precious, The Help, và Django Unchained, đều là các phim nói về vấn đề màu da của nhân vật chính. Đáng nói là, trừ Precious, thì các phim còn lại đều có các nhân vật da trắng cũng có vai trò lớn không kém nhân vật chính da đen.

Người ta hay tự hỏi sao Tyler Perry lại thành công tới vậy, nhưng câu trả lời ở ngay trước mắt. Hollywood mỗi năm đều phớt lờ một nhóm khán giả lớn, rồi muốn vây quanh họ bên một số ít phim lớn. Thường thì họ sẽ tâng bốc một diễn viên da đen nổi bật trong năm (năm nay là diễn viên Frutivale, Michael B. Jordan!), biến anh ta trở thành ngôi sao (anh đang trong quá trình thương thảo cho phim Independence Day Forever và The Fantastic Four), để tạo ảo tưởng là họ có một hệ thống rất đa chủng tộc.

Không ai đòi hỏi phải đưa diễn viên da đen thành nhóm nổi trội ở Hollywood. Cái cần là một sự phản ánh thực tế. Nếu Hollywood muốn trở nên thực sự tiên tiến, họ không nên chỉ làm những phim nhại đi nhại lại những giá trị đã quá hiển nhiên. Thay vì biến chủng tộc thành một vấn đề phải vượt qua, thành một thông điệp đơn điệu như lời thoại của Hulk (“phân biệt chủng tộc…XẤU QUÁ!”) thì sao không biến Bruce Banner thành người da đen nhỉ (ít ra là đến khi anh ta nổi giận)?

Fruitvale Station

12 Years a Slave là một bộ phim hay, và người viết hy vọng Chiwetel Ejiofor, một diễn viên tài năng và ít được trân trọng, sẽ có được đề cử Oscar từ phim này. Nhưng diễn viên da màu không cần thêm tượng Oscar, họ cần thêm cơ hội.

Steve McQueen, một đạo diễn da đen và là đạo diễn của phim này, năm ngoái đã làm phim mang tên Shame (tạm dịch: Xấu hổ). Việc sau 150 năm bãi bỏ chế độ nô lệ, vẫn cần phải bàn luận về tính tốt xấu của nó trong một bộ phim Hollywood như 12 Years là một vấn đề đáng xấu hổ thực sự.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi