Nhân vật & Sự kiện

10 phim hay nhất của Tom Cruise

27/12/2012

Trong 25 năm qua, anh đã hoàn thành bốn phần Nhiệm vụ bất khả thi, lái xe trên xa lộ đến khu vực nguy hiểm – và đã đến lúc điểm lại toàn bộ sự nghiệp của Tom Cruise, nhìn lại những bộ phim được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của anh.

Với quá nhiều phim gắn với tên tuổi mình, Cruise rất có duyên với các nhà phê bình, và do phải giới hạn trong 10 tác phẩm giành được thiện cảm của giới phê bình nhất, tác giả bài viết phải loại ra một số bộ phim được người hâm mộ yêu thích (thật đáng tiếc cho War of the WorldsLast Samurai). Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng bạn sẽ tìm ra nhiều tuyệt phẩm của Tom Cruise trong danh sách này, được chọn lọc từ những năm cả trước và sau khi anh nổi tiếng vì “ngược đãi” đồ nội thất của Oprah hơn là diễn xuất. Nào, cùng tới tòa nhà của Tom Cruise trên con đường ký ức nhé!

10. Magnolia (1999)

Sau thành công ngoạn mục của Boogie Nights, New Line cho đạo diễn Paul Thomas Anderson toàn quyền hành động trong dự án tiếp theo của ông – và ông đã tận dụng tối đa lợi thế này, kể một câu chuyện hư cấu kéo dài hơn ba giờ đồng hồ về cuộc sống của các cư dân ở thung lũng San Fernando. Quá nhiều phân tích nghiêm túc dành cho Magnolia đến nỗi sẽ thật ngớ ngẩn khi cố gắng tìm hiểu về bộ phim ở đây, ngay cả tóm tắt sơ lược cũng đòi hỏi quá nhiều chỗ. Vậy nên, nói vừa đủ thì, vào vai bậc thầy nhếch nhác “tự thân vận động” Frank Mackey là biện pháp hoàn hảo cho Tom Cruise để giũ sạch những năm anh bỏ ra để thực hiện Eyes Wide Shut của Stanley Kubrick – và mặc dù bộ phim không dựa vào diễn xuất của anh, đóng góp của anh trong bộ phim này vẫn được nhiều nhà phê bình khen ngợi, ví dụ như Chris Gore của Film Threat coi đây là “thể hiện diễn xuất tuyệt vời của Tom Cruise, một trong những bộ phim hay nhất năm 1999.”

9. Tropic Thunder (2008)

Diễn xuất của Cruise trong vai người quản lý xưởng phim thô lỗ Les Grossman hoàn toàn thu hút mọi sự chú ý, đúng là thành quả ấn tượng khi xét đến dàn diễn viên bao gồm Robert Downey Jr. với nước da màu, thêm nữa còn mang về cho Cruise một đề cử Quả cầu vàng. Theo lời Ken Fox của TV Guide thì, “Cruise thật đáng sợ. Đây là vai diễn sởn gai ốc nhất – và thú vị nhất – kể từ sự hiện diện khó quên của anh trong đoạn băng về khoa học giáo.”

8. Jerry Maguire (1996)

Không chỉ là một bộ phim thành công, đó là một hiện tượng, đưa Bruce Springsteen vào danh sách 40 ca khúc ăn khách nhất, được năm đề cử Oscar cho êkíp và dàn diễn viên, và tạo dựng cả sự nghiệp của Renee Zellweger. Bằng sự kết hợp thể thao với tình yêu – điểm xuyết nhiều trong kịch bản những câu đùa đáng trích dẫn ngay – Cameron Crowe mở khóa công thức phim hẹn hò hoàn hảo (và, không trùng hợp, cả núi tiền vé xem rạp). Trong vai người đại diện thể thao mất công việc được trả lương cao – và thấy mình trong quá trình, tất nhiên rồi – Cruise mang sức hút trị giá triệu đôla của anh vào kết thúc lôgic của phim, đây có thể là nguyên nhân vì sao anh dành thập kỷ tiếp theo để lựa chọn các dự án làm lu mờ tác phẩm này. Dù có người miễn nhiễm với sức hấp dẫn của bộ phim, đa số nhà phê bình đồng ý với Kevin L. Laforest của Montreal Film Journal, khen ngợi Jerry Maguire như sau, “vô cùng cuốn hút và khôn ngoan hơn phần lớn những bộ phim Hollywood. Cực kỳ thú vị.”

7. Collateral (2004)

Sau nhiều năm đóng vai người tốt (với nụ cười rạng rỡ), Cruise bắt đầu có chút bồn chồn vào cuối những năm 1990, mạo hiểm đóng kiểu vai phản diện cả trong những bộ phim được đón nhận nồng nhiệt như (Magnolia) lẫn không như (Vanilla Sky). Tuy nhiên, chính Collateral của Michael Mann, có lẽ thể hiện khía cạnh mới mẻ, hấp dẫn hơn cả: Cruise trong vai tên côn đồ trơ trẽn. Kịch bản của Stuart Beattie không phải là sâu sắc nhất – điều mà nhiều nhà phê bình nhanh chóng chỉ ra – tuy nhiên sức mạnh của Collateral xuất phát từ việc Mann kết hợp Cruise và Jamie Foxx, sắp xếp họ trong những cảnh quay đêm ở Los Angeles đẹp nhất từng thấy. Mặc dù tác phẩm hành động ly kỳ này mất đi nhiều ánh hào quang khi phát hành, Collateral chứng minh thể loại này vẫn có thể thành công trong những điều kiện thích hợp, thu về đề cử Oscar và Quả cầu vàng cho Foxx và bình luận nồng nhiệt từ những người như Bill Clark của From the Balcony, gọi đó là “một trong những bộ phim hấp dẫn nhất mùa hè.”

6. Rain Man (1988)

Hai năm sau khi đóng chung với Paul Newman, Cruise sánh vai cùng một huyền thoại diễn xuất khác khi chia sẻ thù lao hàng đầu với Dustin Hoffman trong Rain Man của Barry Levinson. Mặc dù tính cách của Charlie Babbitt đưa Tom Cruise vào con đường quen thuộc hiện giờ – người hời hợt, tự mãn, vô tích sự trải qua thay đổi trong cuộc sống, trở thành một người chân chính – tất cả hòa cùng lối làm phim cổ điển hoàn toàn thú vị mà khán giả (và hầu hết các nhà phê bình) không thể kháng cự. Vai diễn người mắc chứng tự kỷ Raymond Babbitt của Hoffman thu hút phần lớn sự chú ý, tuy nhiên bạn diễn của anh cũng đạt được những chú ý tích cực cho riêng mình từ các nhà phê bình như Jonathan Rosenbaum của Chicago Reader, nói rằng “thật thú vị khi thấy Cruise làm việc để thay đổi trong một hoàn cảnh không được xác định bởi quảng cáo và thổi phồng.”

5. Born on the Fourth of July (1989)

Anh thu về những bình luận tích cực cho vai diễn trong Rain Man, song với nhiều cây bút, Tom Cruise hồi cuối thập niên 1980 không có gì hơn ngoài khuôn mặt đẹp trên những bộ phim đình đám bị phê bình gay gắt như Cocktail – những bộ phim được yêu thích trong hoàn cảnh thích hợp, nhưng thiếu chiều sâu thực tế. Anh tiếp tục củng cố nhận định đó một năm sau với Days of Thunder, tuy nhiên với Born on the Fourth of July (1989), Cruise đã làm sửng sốt những người đối nghịch bằng vai diễn đau khổ nhất trong sự nghiệp của anh khi đó, dồn quá nhiều tâm sức vào màn khắc họa cựu chiến binh Việt Nam bị liệt Ron Kovic, đến nỗi, theo đạo diễn Oliver Stone, anh gần như chích vào người dung dịch gây liệt tạm thời. Không phải tất cả các nhà phê bình đều thích Fourth of July, nhưng những người bắt được lỗi trong bộ phim thường là vấn đề với đạo diễn Stone – diễn xuất của Cruise được ca ngợi hầu khắp thế giới; Emanuel Levy là ví dụ, coi đó là “một trong những vai diễn xúc động, mạnh mẽ nhất của anh,” còn cây bút của tờ Variety thốt lên “tuyệt vời”.

4. The Color of Money (1986)

Phần sau muộn màng của bộ phim kinh điển, chỉ dựa vào chất liệu gốc một cách lỏng lẻo, được chỉ đạo bởi một đạo diễn thừa nhận rằng ông thực hiện dự án này để tìm nguồn tài chính cho tác phẩm mà mình thực sự muốn làm. The Color of Money lẽ ra thất bại, nhưng không – thực ra, bộ phim được một số đề cử Oscar (và cho Paul Newman giải Nam diễn viên xuất sắc nhất muộn màng). Bất chấp đánh giá cao ở Tomatometer, The Color of Money, gây khá nhiều bình luận khác nhau khi phát hành, bị Siskel và Ebert phủ nhận, và những lời than về “phần tiếp theo không cần thiết” từ những người khác. Đúng là, tác phẩm này không sánh được với The Hustler – nhưng ít phim làm được như thế, và Newman làm nổi bật diễn xuất tốt nhất của Cruise răng to, trẻ trung, hấp dẫn khó cưỡng. Theo lời của Angie Errigo của Empirer Magazine thì “thật vui khi xem hai bậc thầy (Scorsese và Newman) thoải mái trong công việc, và một người, Cruise, đang phát triển.”

3. Minority Report (2002)

Ý tưởng ban đầu là phần tiếp theo của tác phẩm cũng lấy cảm hứng từ Philip K. Dick, Total Recall, Minority Report trải qua nhiều năm phát triển với những góc quanh và bước ngoặt – bao gồm việc mất dàn diễn viên phụ mà ban đầu bao gồm Meryl Streep, Matt Damon, và Cate Blanchett – trước khi cuối cùng ra rạp vào năm 2002. Là điển hình cho một câu chuyện của Dick, Report đưa ra các câu hỏi thú vị về tác động về mặt đạo đức của công nghệ không bị giới hạn, và cái nhìn bi quan – không nói đến cốt truyện rắc rối, khó hiểu – thể hiện sự tiến bộ của một đạo diễn và diễn viên mà các tác phẩm ban đầu bị đánh đồng với cảnh phim màu sáng sủa của phim bom tấn thập niên 1980. Điều quan trọng hơn với Fox và các cổ đông của DreamWorks là, phim thành công toàn diện cả về mặt phê bình và thương mại, thu về trên 350 triệu đôla toàn cầu và những bài ca ngợi nhiệt liệt từ những người như Todd Gilchrist của FilmStew, cho rằng đây là “một bộ phim dành cho các nhà phê bình sành sỏi cũng như cho đám đông nhai Goober.”

2. Mission: Impossible Ghost Protocol (2011)

Với các loạt phim, phần bốn hiếm khi được các nhà phê bình đánh giá cao – đặc biệt khi Mission: Impossible – Ghost Protocol ra mắt năm năm sau phần ba, do một người được biết đến chủ yếu nhờ đạo diễn phim hoạt hình chỉ đạo, tác phẩm không hẳn có lợi thế. Nhưng lạ thay, Ghost Protocol rốt cuộc không chỉ thành công với các nhà phê bình cũng như khán giả mà còn được đánh giá cao nhất của Tomatometer trong cả loạt phim cùng tổng doanh thu toàn cầu 693 triệu USD. “Bộ phim tồn tại chỉ để làm người ta sững sờ và hồi hộp,” Ian Buckwalter của NPR nhận xét, “và với chừng mực đó, tác phẩm cho thấy sự tinh thông, không bao giờ chậm chạp bất chấp thời lượng 133 phút.”

1. Risky Business (1983)

Đây không phải là phim đầu tay của Cruise, nhưng với đa số chúng ta, Ricky BusinessGround Zero đối với vị thế siêu sao điện ảnh của Tom Cruise – và với lý do hợp lý. Thực ra có nhiều lý do hợp lý, bao gồm phong cách đạo diễn dữ dội của Paul Brickman, bản nhạc cổ điển của Tangarine Dream, diễn xuất trẻ trung của Rebecca De Mornay, và – tất nhiên – cảnh mẫu mực khi nhân vật Joel Goodson của Cruise mừng chuyến đi ra khỏi thị trấn của cha mẹ anh bằng việc mặc quần lót nhảy quanh nhà. Bị gộp chung với nhiều phim hài giới tính vị thành niên của thập kỷ, song Risky Business thực chất tăm tối hơn đa số phim đó, và gợi so sánh với The Graduate từ chính Roger Ebert, người gọi đây là “một trong những bộ phim châm biếm khéo léo nhất, khôi hài nhất, dễ hiểu nhất trong thời gian dài.”

Trong trường hợp bạn đang phân vân, dưới đây là danh sách 10 bộ phim hay nhất của Tom Cruise theo đánh giá của các thành viên trang web Rotten Tomatoes:

1. Rain Man -- 88%
2. Magnolia -- 88%
3. Interview with the Vampire -- 85%
4. Mission: Impossible Ghost Protocol -- 85%
5. A Few Good Men -- 83%
6. Top Gun -- 82%
7. The Last Samurai -- 82%
8. The Outsiders -- 81%
9. Collateral -- 79%
10. Minority Report -- 74%

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Rotten Tomatoes


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi

+ XEM THÊM

© Quaivatdienanh.com, since 2010

» Trang web do các thành viên Diễn đàn Quái vật Điện ảnh xây dựng và phát triển, tự nguyện và phi lợi nhuận. » Trang web không chứa bất cứ nội dung quảng cáo nào. » Mọi hoạt động tuân thủ luật pháp Việt Nam. » Chỉ được chia sẻ bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com với tư cách cá nhân và dưới hình thức share link trực tiếp. Các hạ tầng mạng / website / đơn vị tổ chức muốn sử dụng bài viết / thông tin từ Quaivatdienanh.com (trích đăng một phần hoặc toàn bộ) phải có sự đồng ý của chúng tôi.