Bình luận phim

Bridge of Spies: Tom Hanks chiến đấu trong Chiến tranh lạnh

24/10/2015

Phim mới nhất của Steven Spielberg được làm chắc tay, là một phim chính kịch bao quanh một bài học về quyền công dân.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên với những người hâm mộ điện ảnh. Ngay từ thủa ban đầu, Spielberg đã quá thành thạo trong việc chắp ghép các hình ảnh thành một bộ phim nay. Phim mới của ông, Bridge of Spies, là một ví dụ điển hình – có nhiều khoảnh khắc dùng hình ảnh, hay chỉ đơn thuần là khoảng lặng, để chuyển tải nhiều thông điệp hơn cả lời thoại, và sử dụng kỹ thuật biên tập phim để thể hiện những ý nghĩ song song.

Tom Hanks tại điểm kiểm soát biên giới Đông Đức trong Bridge of Spies

Ông cũng từng khám phá những vấn đề xã hội trong các phim trước đây – từ The Color Purple tới Schindler’s List. Gần đây sự khám phá của ông được thể hiện trong những tác phẩm nhỏ hơn nhưng không kém phần quan trọng, như Lincoln từng muốn đưa ra cho chính Tổng thống Obama một bài học về thỏa thuận chính trị.

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi trong câu chuyện trinh thám diễn ra vào thời Chiến tranh lạnh, Spielberge đang bảo vệ bản Tuyên ngôn nhân quyền Hoa Kỳ.

Câu chuyện dựa theo những sự kiện lịch sử có thật. Gián điệp Xô viết Rudolf Abel có góp mặt trong bộ phim, cùng với phi công trinh thám Mỹ Francis Gary Powers từng bị bắn rơi máy bay.

Nhưng kịch tính bắt đầu khi Mỹ nỗ lực tìm cách đưa Powers về nước, và yêu cầu một luật sư ở Booklyn đàm phán trao đổi người.

Ngoài một cảnh rượt đuổi đầu phim, và vụ rơi máy bay U2 của Powers – được Spielberge biến thành hai phút hành động thót tim – đây là một bộ phim tâm lý đầy mục đích, dù có thể có những lúc mang cảm giác trì trệ. Trong vai luật sư James Donovan, Tom Hanks tỏ vẻ một con người rất đỗi bình thường; trong vai Abel, Mark Rylance là một tảng băng bất khả xâm phạm. Phần lớn bộ phim là những cuộc đối thoại căng thẳng khi Donovan trở thành trung gian giữa CIA, quân Xô viết và người Đông Đức.

Mark Rylance trong vai Rudolf Abel,gián điện Liên Xô, Tom Hanks trong vai luật sư James Donovan

Có một vài cảnh cao trào được Spielberg đặc biệt chú tâm, như việc cả Abel và Powers cố tình che giấu thông tin. Nếu bạn nói tiếng Đức, như Donovan, chắc hẳn sẽ tự hỏi có gì ẩn chứa đằng sau vài lời đe dọa ngắn anh ta nhận được ở Đông Đức.

Nhưng cái tâm của bộ phim thổn thức suốt bộ phim, ngay từ ban đầu, sau khi Abel bị bắt, khi Donovan làm luật sư bào chữa cho anh. Chính Donovan cũng tỏ ra kinh tởm khi thẩm phán chấp nhận bằng chứng giả và tuyên bố sự háo hức của mình trong việc kết tội bị cáo.

Donovan phản đối, vì nếu đây là một cuộc chiến về lý tưởng, chẳng phải chính họ cũng nên ủng hộ lý tưởng của mình. Rằng chẳng phải cả những người chúng ta không thích – chúng ta ghét – đều có quyền lợi? Chẳng phải nước Mỹ tượng trưng cho sự công bằng sao?

Như nhiều phim Spielberg khác, thông điệp này gợi tưởng tới các phim kinh điển theo chủ nghĩa tự do như Judgement at NurembergTo Kill a Mockingbird với ý tưởng rằng tất cả mọi người đều đáng được đối xử theo công lý. Bộ phim phán xét tình hình thời sự như Lincoln từng làm với những hoạt động trinh thám của Mỹ ngay trong đất nước mình, và phê phán cách các tù nhân bị đối xử ở Guantanamo.

Tom Hanks (trái) và đạo diễn Spielberg

Dù với một số người, đó có thể là một vấn đề cũ kỹ, nhưng một phần Bridge of Spies cũng mang phong cách hoài cổ, với sự chú ý tỉ mỉ tới chi tiết, và ưa chuộng những mẫu nhân vật của Hollywood xưa (một cặp nam nữ trẻ tuổi ngây thơ cuối cùng bị chia rẽ bởi chính trị, người vợ âm thầm đợi chồng ở nhà). Nhưng có thể một số thứ không cần sự hào nhoáng. Chúng chỉ cần tồn tại.

Như sự chính trực. Như công lý. Như sự tử tế đơn thuần.

Bridge of Spies, xếp loại PG-13. Do Touchstone sản xuất. Thời lượng 135 phút. Phát hành ở Việt Nam với tựa Người đàm phán
Do Steven Spielberg đạo diễn, với các diễn viên Tom Hanks, Mark Rylance

Đánh giá: ★ ★ ★ ½

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger