Tin tức

Cấp phép truyền hình miễn phí mới ở Hồng Kông: Chủ tịch CTI bất mãn vì chờ đợi

16/11/2012

Giá quy trình đấu thầu giấy phép truyền hình miễn phí là một phim bộ nhiều tập quá dài thì có lẽ Vương Duy Cơ sẽ chiếm lấy ghế đạo diễn và hô, "Cắt".

Vị chủ tịch City Telecom, một trong ba đơn vị bỏ thầu, đã phàn nàn chính quyền Hồng Kông bắt các nhà dự thầu chờ đợi cả ngàn ngày cho một quyết định, nói rằng điều này là vô lý và khiến người ta tức giận.

Sự mở rộng rất lớn quyền lựa chọn cho người xem đang bị đe dọa. Chỉ riêng chủ tịch Vương đã đưa ra 30 kênh trong vòng sáu năm, và một sự đầu tư ồ ạt cho chương trình. Mặc dù hầu hết các chương trình sẽ bằng tiếng Quảng Đông, từng nhà trong số ba nhà dự thầu đã có chuẩn bị đưa ra kênh truyền hình phát tiếng Anh.

Chủ tịch Vương Duy Cơ

Câu chuyện trường thiên này bắt đầu từ năm 2009, ông chủ doanh nghiệp viễn thông Vương Duy Cơ đã kiên nhẫn và hy vọng. Nhưng đã đầu tư hơn 300 triệu đôla Hồng Kông, sản xuất xong bốn bộ phim truyền hình, xây dựng một trung tâm đa truyền thông rộng 400.000 bộ vuông, và thậm chí bán cả doanh nghiệp viễn thông của mình, bao gồm Hong Kong Broadband Network, làm "người hiền" không có kết quả.

"Trì hoãn thời gian không chỉ là hành động vô trách nhiệm mà, có thể nói, một tội lỗi," Vương Duy Cơ nói.

Không ngạc nhiên khi chủ tịch Vương phẫn nộ. Cơ quan ban đầu cân nhắc các đơn xin cấp phép thậm chí đã có thời gian đổi tên từ Cơ quan quản lý phát thanh truyền hình (Broadcasting Authority) thành Cơ quan quản lý truyền thông (Communications Authority) từ khi chấp thuận các ứng viên. Hiện giờ các đơn xin cấp phép chuyển sang Ủy ban hành chính, nhưng không rõ vì sao cơ quan tư vấn cao nhất này của chính quyền Hồng Kông tiếp tục hoãn việc cấp phép.

Vương Duy Cơ không phải là người duy nhất mướt mồ hôi vì cuộc đấu thầu này. Các ứng viên i-Cable Communications, đấu thầu dưới tên Fantastic Television, hồi tháng 5 - hai tháng trước khi đơn vị này buộc phải chia phần phát sóng Thế vận hội London với hai đài miễn phí hiện có là ATV và TVB - đã khuấy động công luận. Trong một động thái được xem là phản đối sự chờ đợi bất tận, i-Cable yêu cầu một cuộc trưng cầu ý kiến để tìm hiểu xem công chúng có muốn có thêm đài truyền hình mới không.

Cổ đông chính của ATV Wang Zheng được nhìn thấy khi ATV chủ trì một hội nghị chuyên đề
về truyền hình miễn phí ở Hồng Kông tại Văn phòng Đặc khu Hành chính

Thêm ba đài truyền hình mới sẽ là cần thiết cho sự phát triển văn hóa Hồng Kông cũng như ngành công nghiệp giải trí của đặc khu này.

Đài truyền hình đầu tiên của Hồng Kông là Rediffusion Television - một kênh truyền hình cáp thuê bao thành lập năm 1957. Một thập niên sau xuất hiện kênh truyền hình miễn phí đầu tiên của Hồng Kông, TVB.

Kỷ nguyên vàng là thập niên 1970 khi Rediffusion, tiền thân của ATV, trở thành kênh truyền hình miễn phí vào năm 1973. Hai năm sau Commercial Television được khánh thành, dù chỉ hoạt động có ba năm. Cạnh tranh căng thẳng dẫn tới đổi mới và sản xuất các chương trình giải trí.

TVB không chỉ chiếu phim bộ dài tập, như bộ phim trường thiên Khách sạn 129 tập (1976), mà còn sản xuất những phim truyền hình như Seven Women: Miu Kam-fung (1976), một nỗ lực táo bạo của đạo diễn Đàm Gia Minh, lấy cảm hứng từ đạo diễn Thế hệ mới người Pháp Jean-Luc Godard.

Seven Women: Miu Kam-Fung [Ảnh: © TVB]

Truyền hình trở thành một mặt hàng văn hóa xuất khẩu quan trọng và còn thúc đẩy sự phát triển của Canto-pop trong thập niện 1980, cho phép các ngôi sao Hồng Kông thống trị đấu trường giải trí ở châu Á. Tuy nhiên, TVB chiếm áp đảo ngành công nghiệp này ở Hồng Kông. ATV thì suy vong vì mâu thuẫn giữa các cổ đông kéo dài, và không còn sản xuất chương trình nữa.

Giáo sư Bằng Ứng Khiêm, trưởng khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Trung Quốc, nói rằng việc mở cửa thị trường sẽ thúc đẩy tính đa dạng.

"Người dân thành phố lớn ở Đại lục có nhiều lựa chọn kênh truyền hình hơn Hồng Kông," giáo sư Bằng nói. "Kéo dài vấn đề này sẽ khiến Hồng Kông thua kém."

TVB và ATV hiện vận hành 11 kênh kỹ thuật số. Cable TV, PCCW (Now TV) và TVB Pay Vision là ba nhà cung cấp truyền hình cáp thuê bao.

Vấn đề còn lại là liệu thị trường có ủng hộ việc có thêm đài truyền hình miễn phí không.

Trong khi ATV gặp khó khăn về tài chính, TVB thắng lớn. Theo báo cáo thường niên năm 2011 của TVB, nhà đài này tăng 17% lợi nhuận, từ 1,3 tỉ đôla Hồng Kông lên gần 1,56 tỉ đôla Hồng Kông.

Trong tổng doanh thu gần 5,3 tỉ đôla Hồng Kông, TVB kiếm được hơn 3,4 tỉ doanh thu ròng từ quảng cáo.

Mặc dù trước đó giám đốc điều hành TVB Lý Bảo An lập luận rằng quảng cáo ế ẩm đã 15 năm nay, Vương Duy Cơ nói rằng lợi nhuận 1,56 tỉ đôla Hồng Kông đó là đủ để duy trì ba đài truyền hình khác.

Vương Duy Cơ lập luận rằng sức ảnh hưởng của truyền hình Hồng Kông suy giảm nhiều đến nỗi làm Hồng Kông mất đi lợi thế so với Hàn Quốc và thậm chí Thái Lan trên thị trường Đại lục.

Lực lượng diễn viên của CTI

Một nguồn tin trong ngành cho biết vì ATV không còn làm phim truyền hình nữa, TVB trở thành nguồn xuất khẩu phim truyền hình duy nhất, bán khoảng 400 tập mỗi năm cho các đài truyền hình Đại lục. Tuy nhiên, phim bộ Hồng Kông không được phát sóng trong giờ vàng, khung giờ này dành cho các xuất phẩm của Đại lục.

Nguồn tin trong nghề nói phim Hàn, Thái và Hồng Kông là những phim nhập khẩu được ưa chuộng. "Số lượng phim bộ của Thái vượt hơn của Hồng Kông [ở Đại lục] vì có một đài truyền hình mua một số lượng lớn chương trình của Thái, nhưng các chương trình của Hồng Kông được rất nhiều đài tìm mua," nguồn tin nói.

Khán giả Đại lục vẫn thích phim bộ Hồng Kông vì tiết tấu phim nhanh hơn. "Họ cũng thích xem những phim khắc họa cuộc sống của giới chuyên nghiệp như luật sư và bác sĩ vì đó là đề tài họ không có."

Giáo sư khoa học chính trị của Đại học Trung Quốc Thái Tử Cường nói rằng việc cấp phép truyền hình miễn phí mới sẽ là một phép thử độ uy tín của chính quyền Hồng Kông. Chính quyền nên nhanh chóng giải quyết các đơn xin.

Điểm qua đề xuất của các ứng viên xin cấp phép

• FANTASTIC TELEVISION: Một kênh giải trí tổng hợp bằng tiếng Quảng Đông nhắm vào khán giả đại trà với các chương trình thời sự, giải trí, các chương trình của thiếu nhi và phim. Khoảng 70% chương trình giờ vàng được sản xuất tại địa phương. Kênh nói tiếng Anh tập trung vào phim tài liệu, phong cách sống, thời sự và tài chính.

• HK Television Entertainment: Một kênh tiếng Quảng Đông với các chương trình thời sự, tạp kỹ, thể thao, âm nhạc và phim. Các chương trình phong cách sống được làm tại chỗ. Sẽ cung cấp một kênh nói tiếng Anh "nếu được yêu cầu".

• City Telecom: Khoảng 12 kênh analogue và kỹ thuật số, hai trong số đó là tự sản xuất. Kế hoạch sản xuất 260 giờ phim truyền hình năm nay và 650 giờ năm tới.


Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: South China Morning Post


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi