Tin tức

Hollywood bây giờ chuyên làm phim cho các thị trường ngoài nước Mỹ

28/09/2012

Hollywood không còn như xưa.

Bất luận là do suy thoái, do khán giả Mỹ thay đổi "gu" xem phim, hay là thiếu hứng thú nói chung, lúc này vé bán không được là bao.

Những ước tính cho thấy lượng khán giả Mỹ đến rạp năm 2011 là thấp nhất kể từ năm 1995, chỉ có 1,28 tỉ. Số liệu đó đã liên tục giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm vào năm 2002 với 1,58 tỉ vé bán được, nhưng doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh lai tăng đáng kể trong cùng thời gian.

Có điều gì đó đã thay đổi vào năm 2002 có thể giúp giải thích hiện tượng này. Năm 2001, Hollywood bắt đầu có một vài bộ phim nhiều phần – Shrek, The Lord of the Rings, và vua của mọi phim nhiều kỳ, Harry Potter. Tất cả đều là những phim thành công quá chừng, và kết quả là, bảy trong số mười phim có doanh thu toàn cầu cao nhất là những phim nhiều phần.

Trái: Shrek, phải: The Lord of the Rings - những bộ phim nhiều phần
xuất hiện năm 2001, bắt đầu sự thay đổi ở Hollywood

Tất nhiên, mấu chốt của một phim nhiều phần là làm phần tiếp theo – kẻ thù của khán giả xem phim sáng suốt ở mọi nơi. Phần lớn nỗ lực sáng tạo nhất được dồn vào việc làm phần phim đầu tiên; phần tiếp theo gân như lúc nào cũng lời hơn phần phim đầu. Từ năm 2002 trở đi, Hollywood trở nên quá quen với với khái niệm này, và chúng ta được đối đãi hết lượt này đến lượt khác những phim hành động, phim hoạt hình gia đình, và phim phiêu lưu/kỳ ảo kinh phí lớn. Đến 2011, chín trên mười phim có doanh thu cao nhất là phim nhiều phần. Ngoại lệ duy nhất là The Smurfs / Xì Trum, lúc đó không là phim nhiều phần, nhưng giờ đã có hai phần tiếp theo đang sản xuất.

Thật bất hạnh, khán giả Mỹ sẽ chỉ có đi xem rất nhiều phần phim tiếp theo thôi. Chẳng cần nhìn đâu xa hơn loạt phim Cướp biển vùng Caribê, đến nay đã có bốn phần tiếp theo. Curse of the Black Pearl làm ăn tốt ở thị trường nội địa, thu hơn 300 triệu đôla. Phần thứ nhì, Dead Man’s Chest năm 2006, lại ăn khách tiếp, chỉ riêng ở Mỹ thôi đã kiếm được 423 triệu đôla. Tuy nhiên, sự ngưỡng mộ dường như đã dừng ở đó, với At World’s End năm 2007 – kiếm được chỉ có 309 triệu đôla trên một kinh phí sản xuất là 300 triệu, còn On Stranger Tides năm 2011 chỉ thu được 241 triệu trên một kinh phí là 250 triệu.

Bất chấp tất cả những chuyện như vậy, phần tiếp theo thứ năm đang được xúc tiến và còn bàn bạc quay phần sáu nối đuôi. Có cái gì đã sai lầm nghiêm trọng đây, nhưng nghiên cứu kỹ hơn thì mới hiểu.

Tuy làm ăn kém cỏi ở Mỹ, cả ba phần tiếp theo của loạt phim Cướp biển này đều hạ gục phần đầu, với Dead Man’s ChestOn Stranger Tides vượt qua cái mốc ma thuật 1 tỉ đôla toàn cầu. Đây là mô hình hiệu quả đã bắt đầu năm 2001 và từ đó đến nay vẫn tiếp tục:

1. Hollywood làm phim với kinh phí cao hợp lý.

2. Phim đó làm ăn tốt ở Mỹ và nước ngoài, với tỷ lệ 50 trong nước - 50 ngoài nước trong doanh thu.

3. Hollywood bơm một kinh phí cao hơn làm một phần tiếp theo.

4. Phần tiếp theo này làm ăn khá ở Mỹ, nhưng doanh số ngoài nước chiếm một phần đáng kể.

5. Tiếp tục lập lại.

Tỷ lệ doanh thu từ thị trường ngoài nước Mỹ là chìa khóa. Với Curse of the Black Pearl, doanh thu ngoài nước Mỹ chiếm 53,3%. Với ba phần tiếp sau đó, doanh thu từ bên ngoài lần lượt là 60,3, 67,9, và 76,9%. Đúng vậy, On Stranger Tides kiếm được hơn ba phần tư số tiền của nó ở nước ngoài. Đây là nhờ cả vào khán giả toàn cầu sẵn lòng ngốn hết tất cả những phần phim tiếp theo mà phần lớn thị trường Mỹ hờ hững. Đón nhận của giới phê bình cũng vậy; Rotten Tomatoes cho thấy sự giảm sút trong hưởng ứng của giới phê bình với từng phần phim thành công, bắt đầu với Curse of the Black Pearl đạt 79% và kết thúc với On Stranger Tides chỉ có 34% đáng chê trách.

Thị trường nào ngoài nước Mỹ mua hết chừng ấy vé vậy? Phim số một của năm nay – The Avengers (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Biệt đội siêu anh hùng) – kiếm được gần 900 triệu đôla ở bên ngoài nước Mỹ, và năm thị trường thắng lợi nhất là Trung Quốc, Anh, Brazil, Mexico, và Australia. Không có thị trường nào chiếm áp đảo doanh thu phòng vé; chỉ có thể nói rằng những phim cần chuyển ngữ làm ăn tốt hơn với khán giả nói tiếng Anh và ngôn ngữ Latinh. Cũng đáng để nói rằng một số nước – như Anh – có nền công nghiệp điện ảnh riêng xuất sắc, khiến họ không cần phải ngó ngàng tới phim Mỹ kinh phí thấp hoặc trung bình nhưng có thể thích phim bom tấn.

Cân nhắc mọi điều, công bằng mà nói là Hollywood đang thanh toán chi phí bằng phim bom tấn quốc tế, và việc đó có một tác động sâu sắc lên toàn ngành.

Bất luận có nhận ra hay là không, người Mỹ ngày càng chán xem phim vì quá nhiều phim ở rạp không phải là phim đơn lẻ độc đáo. Thậm chí tương lai của những loạt phim nhiều phần mới có thể được vạch theo cơ cấu dân số của khán giả và thành tích ban đầu. The Hunger Games giờ đang soán ngôi của Twilight trong việc hấp dẫn độc giả trẻ, và cả hai loạt phim này đều bắt đầu với thành tích tốt ở thị trường trong nước vì lượng người hâm mộ đã có sẵn. Từ những gì Twilight đã làm, chúng ta có thể dự đoán hành trình của bộ ba Hunger Games – hay bộ tứ, vì hãng Lionsgate sẽ làm hai phim từ tập truyện Hunger Games cuối, y như họ đã làm với Twilight. Và giờ vì Twilight đang khép lại, đợt phát hành cuối tháng 11 của họ sẽ dành cho phần thứ nhì của phim Hunger Games năm 2013. Môn khoa học này của họ đang trở nên lập đi lập lại.

Kể cả khi thị trường phim hành động ở Mỹ dường như đã bão hòa, Hollywood vẫn tiếp tục khuấy tung lên với một nhịp độ kỷ lục vì những phim đó rất được thị trường ngoài nước Mỹ ưa chuộng và đòi hỏi rất ít phiên dịch về ngôn ngữ và văn hóa. Hiện tượng này có thể thấy ở một quy mô nhỏ hơn với những phim kinh phí thấp, khi sự cân nhắc của hãng phim đối với thị trường ngoài nước Mỹ có thể cắt xén bớt kịch bản hoặc phát triển nhân vật để vừa cỡ giày trong một cuộc đua xe xa hơn. Tất nhiên, xu thế rõ ràng nhất là cuộc oanh tạc các phần phim hành động tiếp theo. Năm tới The Fast and the Furious sẽ có phần sáu, và đừng quên mấy ông bạn của chúng ta ở Marvel. Hiện họ có tám phim đã công bố hoặc đang triển khai để phát hành từ năm 2013 đến 2015; trong số đó có bảy phim là phần tiếp theo.

Với những màn đua xe và cháy nổ không cần chuyển ngữ mấy cũng hiểu,
Fast Five được bên ngoài nước Mỹ vồ vập

Hèn chi mà lượng khán giả đến rạp ở Mỹ sụt giảm. Khi mọi sự đã rồi, không chừng người Mỹ có ngưỡng tới hạn cho thứ rác rưởi sản xuất hàng loạt. Công bằng mà nói, dân Mỹ vẫn cứ ùn ùn đi xem những phim bị giới phê bình nện tơi bời do Adam Sandler hay Kevin James đóng (và trong trường hợp của Grown Ups [đã phát hành ở Việt Nam với tựa Những đứa trẻ to xác], thì là cả hai) mà mừng húm là những phim hài này ở thị trường nước ngoài không chuyển ngữ nổi. Nếu khán giả bên ngoài nước Mỹ muốn xem thêm nhiều phim hài ngớ ngẩn, chắc dân Mỹ sẽ phải lãnh đủ những phim nhiều phần học vấn thấp mắn đẻ còn hơn Police Academy.

Cái đáng xấu hổ thực sự về chuyện này đó là Hollywood có khả năng và làm được những phim xuất sắc. Đúng vậy, những bộ phim Oscar của Mỹ – Moneyball và The Social Network xuất hiện trong tâm trí – làm ăn tốt ở thị trường Mỹ cũng tương đương những phim phần tiếp theo đình đám, sản xuất hàng loạt vậy. The Social Network có doanh thu toàn cầu 225 triệu đôla, so với 415 triệu của The Chronicles of Naria: Voyage of the Dawn Treader, nhưng thành tích trong nước của hai phim này gần như ngang ngửa. Đó là cuộc đấu tay đôi giữa một phim kinh phí 40 triệu với một phim kinh phí 155 triệu tại phòng vé Mỹ. Khán giả Mỹ có thể phân biệt được phẩm chất; chỉ là không có đủ phim phẩm chất cho họ thôi.

Triết lý mới của Hollywood là, “Nếu có thứ gì mà người ta không muốn trả tiền mua nó thì đó chính là một bộ phim hay.” Với cuộc suy thoái toàn cầu, người ta đang chấp nhận rủi ro khủng khiếp với những phim hành động kinh phí lớn (mà thường là thất bại – xem Green Lantern… mà tốt hơn là đừng xem) và ném những đầu thừa đuôi thẹo vào các phim tí hon không được kỳ vọng đi được đến đâu. Vì các hãng phim đặt cược hết tiền bạc vào các phim bom tấn, xem ra như thể họ làm vậy mà không cân nhắc đầy đủ. Thế nên rốt cuộc chúng ta mới có những phim như Battleship (đã phát hành ở Việt Nam với tựa Chiến hạm) – bom xịt có kinh phí 200 triệu đôla dựa theo một trò chơi.

Hy vọng duy nhất dành cho một phim không hành động, kinh phí tầm tầm là một tên tuổi lớn đi kèm để đảm bảo thành công ở mức tối thiểu. Nếu ai đó không có sức hút phòng vé chắc ăn mà có một kịch bản hay ho để làm một phim cỡ 60 triệu đôla, họ tha hồ mà sục sạo nhiều năm ròng. Về điểm này, hẳn có vô số kịch bản hay ho đang trôi nổi khắp Hollywood lẽ ra đã được làm trong những năm 50 hay 70, nhưng trong thập kỷ này thì đừng hòng trông mong gì. Có bao nhiêu phim như The Social Network thành công đi chăng nữa cũng bị mấy tay kế toán tài chính chỉ biết có tiền của Hollywood gạt phăng đi.

Chỉ những nhà làm phim như Spielberg và Scorsese, những diễn viên như Pitt và Clooney – những tay này chỉ cho làm những thứ hay ho nếu và khi nào họ muốn. Nhưng nếu họ hay những người khác giống như họ cũng chạy theo thời cả, thì khán giả hết đường. Hollywood sẽ cứ tiếp tục sản xuất cho các thị trường ngoài nước Mỹ, mà "gu" phim Mỹ của những thị trường đó thật là dễ sợ.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdieanh.com
Nguồn: Business Insider


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi