Tin tức

Ocean's 8 và sự khan hiếm của dòng phim hào nhoáng

20/06/2018

Mồi câu khách lớn nhất của Ocean’s 8, một phần ăn theo chuỗi phim Ocean’s Eleven có các gã trai thực hiện các vụ trộm quy mô, là dàn diễn viên toàn nữ.

Gặp gỡ các quý cô đẳng cấp từ trái qua phải: Sandra Bullock, Cate Blanchett, Sarah Paulson, Rihanna, Helena Bonham Carter, Mindy Kaling và Awkwafina trong Ocean's 8

Trong trailer, Cate Blanchett và Sandra Bullock bày mưu một vụ trộm trang sức trong khi sải bước xuống vỉa hè của New York, dáng vẻ như sở hữu cả thành phố chứ không chỉ cái vỉa hè. Lúc đó túi họ có thể rỗng, nhưng trang phục của họ đáng giá triệu đôla. Bullock mặc áo choàng nếp gấp có màu tiền, Blanchett khóa áo khoác dài họa tiết da báo, với từng đốm đen toát lên vẻ sang trọng.

Nhưng điều ấn tượng nhất về bộ phim này không phải là nó có dàn diễn viên nữ – trong số đó có Sarah Paulson, Mindy Kaling và Rihanna – vào vai những tội phạm cá tính thường giao cho nam. Mà là việc cả phim không tiếc hào nhoáng ra sao. Và dù ta có bám vào ảo ảnh là phim ngày nay toàn sự hào nhoáng, chúng ta đang thực sự lún trong thâm hụt nhung lụa về mặt phim ảnh. Sao ta không thể có thêm champagne và dinh thự trong phim mình xem? Ocean’s 8 có phải là phim sẽ vực lại dòng phim hào nhoáng không?

Ảo tưởng là một ngành kinh doanh nhiều tỉ đôla ở Hollywood, nhưng phần lớn số tiền đó được đổ vào – và, cuối cùng, tuôn ra từ – những phim dựa trên truyện tranh. Trong khi đó, những ảo tưởng về sự xa hoa, đào thoát và kỳ thú, với những câu chuyện cho người lớn có những cá nhân quyến rũ thoát khỏi những tội lỗi lố bịch, đã trở nên hiếm như vàng mười.

Lần này, mục tiêu của vụ trộm là Daphne Kluger (Anne Hathaway)

Không có lý nào chính đáng nào để những phim này lại hiếm như vậy. Các đạo diễn vĩ đại đã đóng góp cho thể loại này. Trong To Catch a Thief làm mê mẩn của Alfred Hitchcock năm 1955, Cary Grant và Grace Kelly lái xe uốn lượn quanh vùng Côte d'Azur tìm một tên trộm đá quý. Một ví dụ về sau nhưng không kém phong cách là The Thomas Crown Affair của Norman Jewison, với Steve McQueen vào vai tay triệu phú ăn cắp gian xảo và Faye Dunaway là một nhà điều tra bảo hiểm sắc sảo không kém. Chất xa xỉ thời thập niên 60 của điện ảnh – trong đó có một trận cờ vua đưa đẩy khêu gợi giữa hai ngôi sao – khiến bộ phim giàu tính thưởng thức, dù bản làm lại năm 1999 của John McTiernan, với Pierce Brosnan và Rene Russo, còn hay hơn. Trong phiên bản mới này, Brosnan bảnh bao không ăn cắp tiền mà là một bức Monet vô giá. Trang sức và mỹ thuật luôn là những đạo cụ hình ảnh hay hơn chỉ đơn thuần là tiền.

Yếu tố thực sự tách rời dòng phim hào nhoáng với phim trộm thông thường – kể cả những phim lớn như Rififi (1955) hay The Italian Job (năm 1969, được làm lại năm 2003) – là sự hiện diện rõ rệt của người phụ nữ. Trong Thomas Crown năm 1999, Russo vừa duyên dáng với gợi cảm, nhưng trí thông minh tóc đỏ của cô mới là điều làm nên màn diễn. Gần đây hơn trong năm 2015, Alicia Vikander mang vẻ tráng lệ của phong cách hiện đại cho The Man from U.N.C.L.E. của Guy Ritchie, dựa trên phim truyền hình những năm 60. Có Armie Hammer và Henry Cavill đóng hai điệp viên thời Chiến tranh lạnh từ hai bên đối đầu của Bức màn sắt, bộ phim đạt gần hết các tiêu chuẩn cần có của một phim hào nhoáng, bao gồm các địa điểm xa hoa và các màn lái xe hành động mạo hiểm. Nhưng dù hai nam chính đẹp trai và hài hước ra sao, Vikander – với giọng nói vừa mượt vừa khàn – mới thâu tóm sự chú ý của ta.

Alicia Vikander và những bộ cánh thời trang của cô trong The Man from U.N.C.L.E.

Có thể nói là, theo kiểu đơn giản thiếu trí tưởng tượng, các nhân vật do Russo và Vikander thủ vai chỉ là bình hoa di động, là mắc treo quần áo đẹp. Nhưng – ngoài việc hạ thấp các diễn viên – điều đó bỏ qua việc thậm chí những phim giải trí tưởng nhẹ nhàng có thể kết nối với chúng ta theo những cách sâu sắc. Cách tiếp cận phẳng lì, cứng nhắc của mắt nhìn người nam đã hủy hoại cách ta hiểu điện ảnh hơn là nâng tầm. Vậy còn mắt nhìn của con người thì sao? Và sự thật là cả nam và nữ giới, đồng hay dị tính, tìm thấy sự vui thích – nếu không phải cùng một sự vui thích – khi nhìn phụ nữ nữa? Các phim này đem đến sự thoát ly thực tế, nhưng không nhất thiết là kiểu không não. Chúng ta đều đi đến chỗ thừa nhận nam tính độc hại đang làm tổn thương nam giới ra sao. Càng có lý do để nam giới nghỉ ngơi và cho phụ nữ hành động nhiều hơn. Là một thể loại, dòng phim hào nhoáng đưa ra hằng hà sa số khả năng cho nhân vật nữ có năng lực giải quyết mọi việc ít nhất cũng bằng, nếu không tốt hơn, đồng cấp nam của họ.

Vậy mới không thể nói quần áo là không quan trọng. Mọi nét mê hoặc của người phụ nữ duyên dáng nằm trong trang phục tuyệt vời. Và ở khoản này chúng ta cũng bị thiếu nhiều. Những bộ quần áo đương đại thực sự đẹp đã trở thành thứ hiếm trên phim – và sẽ đáng phần nào nếu thiết kế trang phục Sarah Edwards của Ocean’s 8 chỉnh đốn lại chỉ một sai lầm đó thôi. Khái niệm về sự hào nhoáng của ta đã bị biến dạng qua việc ta định nghĩa thế nào là hàng may mặc hay phụ kiện có giá trị: ta biết đọc ý nghĩa logo và thương hiệu, nhưng ta mất đi năng khiếu khảo nghiệm giá trị hiếm hơn, như khi một bộ vest áp từ đường vai xuống khít khao không chê vào đâu được, hay một đôi bốt da lộn gần như ở dạng lỏng khi bỏ khóa. Trang phục của Russo trong Thomas Crown, kết hợp áo choàng mềm và áo cổ lọ gợi cảm mà lịch lãm, là ví dụ điển hình.

Quần áo đẹp trên phim cũng nói ngôn ngữ điện ảnh

Quần áo đẹp trên phim cũng nói ngôn ngữ điện ảnh, không chỉ ngôn ngữ thương hiệu. Chúng như những lời thoại viết trong những nếp gấp và cắt bóng; cách chúng di chuyển theo, hay ngược lại, một diễn viên, trở thành một màn diễn xuất. Một phim hào nhoáng hay cần có trang phục đỉnh cao, những diễn viên truyền cảm hứng để không chỉ thâu tóm chuyện “Bao nhiêu tiền và mua ở đâu?” mà còn những gì sâu sắc hơn và kém hữu hình hơn, một dạng khao khát đầy tâm trạng. Đó là một trọng trách khó cho một đống đốm da báo. Nhưng không bao giờ quá muộn để học ngôn ngữ bí mật của chúng cả.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time