Các nhà rạp cần nhìn xa hơn COVID để hiểu rằng cơ hội sống sót tốt nhất
của họ nằm ở việc nắm lấy VOD (video on demand: cho thuê phim theo yêu
cầu), chứ không phải là phớt lờ nó.
Trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý 3 của Cinemark vào ngày 3 tháng 11,
Giám đốc điều hành Mark Zoradi đã thông báo khoản lỗ 148 triệu đôla — và
trong tương lai, khung thời gian phát hành rạp chiếu sẽ là vấn đề
thương lượng trên cơ sở từng phim với các nhà phân phối. Trong báo cáo
thu nhập quý ba của AMC công bố một ngày trước đó, bao gồm khoản lỗ 905
triệu đôla, chuỗi rạp này đã khoe thỏa thuận với Universal như một tài
sản quan trọng cho tương lai.
Nhiều thập kỷ nay giới chủ rạp chống việc xâm phạm khung cửa sổ phát hành, nhưng chưa bao giờ họ lại yếu thế như vầy. Một số chủ rạp muốn xem những tiền lệ mới này
là ngoại lệ của thời COVID, nhưng thỏa thuận giữa AMC-Universal lẫn
việc Cinemark sẵn sàng phát hành phim với khung thời gian hạn chế sẽ không xảy ra
nếu các rạp cảm thấy có giải pháp thay thế.
Bằng cách đề cập đến phát hành
VOD ngay từ đầu, AMC và Cinemark đang trở thành những người chủ động
tham gia vào tương lai của nó. Điều đó cũng có nghĩa là họ đã chọn phe
trong một trận chiến lớn, và đó không phải là rạp chiếu phim đấu với
hãng phim. Mà là VOD đấu với phát trực tuyến.
So với phát trực tuyến, VOD có lợi cho nhà rạp hơn nhiều. Netflix không
phải là bạn. Disney và Warner Bros. đã thiết lập hạ tầng thuê
bao phát trực tuyến cho phim của họ. (Công ty mẹ của NBCUniversal,
Comcast có Mạng Peacock thiên về truyền hình, nhưng cũng quan tâm đến
giao dịch VOD vì Comcast là một công ty truyền hình cáp và cũng là một
hạ tầng VOD.) Mô hình VOD vẫn cho các rạp chiếu chiếm ưu thế; trái
ngược, những ưu tiên của Disney được phản ánh trong quyết định phát hành
Soul trên Disney + vào ngày Giáng sinh.
Vậy cũng có
nghĩa là giới chủ rạp có cơ hội học hỏi từ những sai lầm của họ. Bốn
thập kỷ trước, video cho thuê vẫn chưa được phát minh và ngành công
nghiệp video non trẻ không có con đường nhất định cho việc bán lẻ. Đã có
sự quan tâm ban đầu giữa xinê độc lập và Warner Bros. rằng các rạp
chiếu phim có thể đóng vai trò nhượng quyền bán lẻ — nhưng các nhà rạp
và hiệp hội chủ rạp NATO, không muốn ủng hộ cái kẻ cho thuê video xâm
phạm quyền lợi kia. Giống như truyền hình nhiều thập kỷ trước, họ hy
vọng nó sẽ biến mất. Thực tế, họ đánh mất cơ hội hợp tác và một khoản tiền có thể kiếm.
Các rạp có quyền độc quyền đối với phim trong gần một năm khi ngành công
nghiệp video bắt đầu. Thời hạn độc quyền phim đó thu hẹp dần qua nhiều
thập kỷ, cho đến khi còn được độc quyền trong 90 ngày trước khi phát
hành DVD và VOD. Với VOD cao cấp, quyền truy cập đến sớm hơn khoảng hai
tuần. Giống như kinh doanh cho thuê video trước đây, các nhà rạp đã bỏ
lỡ cơ hội đàm phán từ thế mạnh đó.
Hãy tưởng tượng: Một vài năm
trước, khi rõ ràng Netflix sẽ là mối đe dọa đối với các vũ trụ hãng phim
và rạp chiếu, điều gì sẽ xảy ra nếu một nhà rạp có tư duy hướng tới
tương lai chấp nhận khái niệm thời hạn 90 ngày có thể phải chấm dứt? Nếu
các rạp chiếu hành động khi ở thế mạnh hơn, họ có thể đạt được cam kết
theo hợp đồng với khung thời gian dài hơn, linh hoạt dựa trên sức mạnh
tổng doanh thu của một bộ phim. Lẽ ra họ đã thương lượng được một phần
doanh thu VOD lớn hơn. Các rạp thậm chí có thể còn hưởng khoảng thời
gian độc quyền VOD trên hạ tầng của riêng họ.
Đến lúc này thì rạp chiếu gần như đã mất hết đòn bẩy. Bộ phim đầu tiên bùng cửa sổ phát hành là
Come Play
của Focus Features, ra rạp vào ngày 30 tháng 10. Phim mở màn ở hơn
2.000 rạp, bất chấp kế hoạch phát hành gia đình sau đó ba tuần.
Các lượt đặt trước phim
Freaky, sẽ khởi chiếu vào thứ sáu tuần này và
Croods 2: New Age
(ngày 20 tháng 11) đi kèm với các ngày phát hành VOD cao cấp [PVOD]
định trước (tương ứng trước ba và bốn tuần). Trong số cácchuỗi rạp hàng
đầu ở Mỹ, chỉ có Regal là không chiếu chúng (và cũng chỉ có một nhúm rạp
của chuỗi này mở cửa).
Không thể tránh khỏi việc các hãng phim
sẽ tận dụng lợi thế của họ trên các hạ tầng PVOD và phát trực tuyến sinh
lợi. Các nhà rạp hy vọng, khi điều đó xảy ra, doanh thu từ phát hành
rạp sẽ đủ. Đó không chỉ là cách tốt nhất và đáng tin cậy nhất để có lợi
nhuận, mà những khoản lợi nhuận đó còn đóng một vai trò quan trọng trong
toàn bộ vòng đời của một bộ phim.
COVID gọi tên trò tháu cáy. Các hãng phim có thể chọn đưa phim của mình
vào tủ đông hoặc có thể tích cực theo đuổi các lựa chọn thay thế mà họ
đã đứng ngoài cuộc chơi từ lâu. Giờ đã đến nước này, có lẽ các rạp
chiếu phim có cơ hội cuối cùng để định vị mình cho tương lai.
Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IndieWire