Tin tức

Sức ảnh hưởng của phim Hoa ngữ trên thế giới

18/05/2015

Một cuộc khảo sát tiến hành tại chín quốc gia đã được Viện Truyền thông Quốc tế về Văn hóa Trung Quốc (AICCC) công bố.

Cuộc khảo sát cho thấy mặc dù phim võ thuật Trung Quốc vẫn nổi tiếng với khán giả nước ngoài, đạo diễn và diễn viên Trung Quốc vẫn không có nhiều sự chú ý trên thế giới.

2014 là một năm tốt cho thị trường Trung Quốc, với tổng doanh thu phòng vé cả nước lên tới gần 4,8 tỉ USD.

Thành Long trong Kiếm rồng / Dragon Blade

Những con số khá khả quan cho thị trường nội địa, vậy viễn cảnh là gì?

Bao năm nay các công ty phim Trung Quốc tuyên bố họ muốn vươn ra nước ngoài và cạnh tranh với Hollywood, vậy họ đã thành công bao phần? Kết quả khảo sát trong cuốn sách bạc này đang tìm câu trả lời cho câu hỏi đó.

Được chia thành năm phần chính, quyển sách chạm tới nhiều phương diện như nội dung của phim Hoa ngữ công chiếu ở nước ngoài, ảnh hưởng của các phim này, sự đa dạng của các nhánh phân phối và những vấn đề cốt lõi trong ngành điện ảnh.

Một chủ đề thường xuất hiện trong bản báo cáo là các nhà làm phim nào sẵn sàng thách thức kênh sản xuất và phân phối truyền thống có thể tìm được thành công trên thị trường quốc tế.

“Tiêu điểm của năm nay là cách khán giả nước ngoài tiếp cận với phim Hoa ngữ. Chúng tôi phát hiện ra là mọi người thường xem phim Hoa ngữ qua các kênh miễn phí hơn ra rạp. Rất nhiều người tham gia [cuộc khảo sát] xem phim Hoa ngữ trên mạng. Internet là một mặt bằng màu mỡ và đầy thử thách cho các nhà làm phim Hoa ngữ khai thác. Phim võ thuật và hài vẫn là những thể loại nổi tiếng nhất của phim Hoa ngữ với khán giả nước ngoài,” Hoang Hulin, giám đốc AICCC, nói.

Poster phim Ngọa hổ tàng long / Crouching Tiger, Hidden Dragon

Phim võ thuật có thể thành công lớn, như trường hợp của Ngọa hổ tàng long.

Do Lý An đạo diễn, bộ phim thu về 128 triệu USD ở Mỹ, trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất lịch sử Hollywood.

Hình ảnh đậm chất võ thuật kết hợp với các nhân vật, bối cảnh và trang phục Trung Hoa thỏa mãn những khán giả có “nhu cầu phương Đông”, mà không thách thức các quan niệm về Trung Quốc có trước của họ.

AICCC nói đây là xu hướng rõ rệt từ năm 2011 khi họ bắt đầu dự án.

“Chúng tôi bắt đầu dự án bởi chúng tôi muốn tìm hiểu văn hóa Trung Hoa được đón nhận trên thế giới như thế nào, và phim là cách hiệu quả nhất để giới thiệu văn hóa. Đã có những bài nghiên cứu về ảnh hưởng của phim nước ngoài ở Trung Quốc nhưng ngược lại thì chưa. Hy vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ phần nào điều đó,” Huang nói.

Khán giả trong rạp phim ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc

Cuộc khảo sát chắc chắn sẽ đưa ra một vài phương hướng cho các nhà làm phim Trung Quốc, nhưng có người cho đây chỉ là một phần của ô chữ.

“Đây là một cách để phân tích sức ảnh hưởng của thị trường phim Hoa ngữ. Không phải là cách duy nhất. Tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu đánh giá hiểu biết về phim Hoa ngữ hơn là sự thâm nhập thị trường của chúng. Cần phải xem xét nhiều kết quả khác nhau để nắm được cục diện. Nhưng cuộc khảo sát này rất giá trị,” nhà báo Raymond Zhou của tờ China Daily nói.

Các nhà làm phim Trung Quốc có thể gặp vấn đề thúc đẩy ở màn ảnh rộng, nhưng trên màn ảnh nhỏ sự hứng thú về Trung Quốc và văn hóa nước này đang tăng lên.

“Chúng tôi nhận thấy càng ngày càng có nhiều yếu tố Trung Hoa hiện diện trên các chương trình truyền hình Mỹ, cho dù là nhân vật hay tuyến truyện hay địa điểm, như trong Marco Polo, v.v. . . Đối với tôi đó là một cách Tây phương hóa câu chuyện về văn hóa Trung Hoa. Như là ẩm thực Trung Quốc ở Mỹ vậy, không chỉ là món ăn, mà còn là cách họ hiểu và hình dung về văn hóa Trung Quốc,” phó giám đốc AICCC Luo Jun nói.

Empresses in the Palace, phiên bản Mỹ của Hậu cung Chân Hoàn truyện có trên Netflix, từ 18/3/2015

Sự chú ý đang lên dành cho văn hóa Trung Quốc ở nước ngoài phản ánh nền kinh tế bùng nổ ở nước này.

Và sự thành công trên màn ảnh nhỏ ở nước ngoài có thể là điểm đột phá cho màn ảnh rộng.

“Trong năm ngoái chúng ta đã thấy phiên bản mới của Marco Polo, một series nhỏ. Và còn có Fresh Off the Boat là phim bộ về một gia đình Hoa kiều ở Mỹ. Trước đây chưa từng có chuyện này, đặc biệt với các kênh truyền hình. Chúng ta cũng được xem phiên bản biên tập lại của Chân Hoàn truyện (Empress in China) vốn là một thành công lớn ở Trung Quốc. Hơi sớm để nói rằng các thông tin này dẫn tới một kết luận nhưng chắc chắn chúng chỉ ra một xu hướng. Rằng phim Hoa ngữ đang được chú ý thường xuyên hơn và là kết quả tự nhiên của tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Bởi vì văn hóa và kinh tế luôn đi cùng nhau,” ông Zhou nói.

Kinh nghiệm từ màn ảnh nhỏ có thể đã chỉ đúng hướng: kết hợp sự chuyên nghiệp của Hollywood với nét văn hóa của điện ảnh Hoa ngữ.

Poster phim Trí thủ uy hổ sơn / The Taking of Tiger Mountain

Tuy nhiên việc các nhà sản xuất và đạo diễn phim Hoa ngữ phải tìm ra cách kể truyện hay hơn và những ý tưởng lạ hơn chắc chắn sẽ là một cuộc chiến cam go.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn