Tin tức

Những tiềm năng còn bỏ ngỏ của điện ảnh Trung Quốc

12/03/2015

“Hollywood đang quỵ lụy người Trung Quốc? Không phải! Họ đang quỵ lụy đồng nhân dân tệ? Chính xác!” Đới Cẩm Hoa, nhà phê bình phim kiêm giảng viên Đại học Bắc Kinh, nói tại một cuộc hội thảo do Tencent tổ chức vào ngày 3/12/2014.

Theo quan điểm của bà, mặc dù ngày càng nhiều yếu tố Trung Quốc xuất hiện trên phim Hollywood, điều đó không có nghĩa là vị thế của Trung Quốc và văn hóa Trung Quốc đang tăng lên.

Nhiều điều bà phải nói tại hội thảo củng cố các quan điểm về phim Hollywood được Trung Quốc tài trợ mà khán giả Trung Quốc đang dần nhận ra.

“Tất cả những gì chúng ta làm là trả tiền cho một hình ảnh Trung Quốc… Ngành điện ảnh Hollywood đang ở buổi hoàng hôn, nên họ cố gắng nhắm vào thị trường đang lên là Trung Quốc.”

Năm 2014 đã chứng kiến một số phim đồng sản xuất có các yếu tố và diễn viên Trung Quốc như Transformers: Age of ExtinctionX-Men: Days of Future Past. Tuy nhiên, khi đa số khán giả Trung Quốc tới rạp, thay vì coi các yếu tố Trung Quốc như niềm tự hào, họ xem chúng là trò câu tiền lộ liễu.

Lý Băng Băng (phải) trong phim Transformers: Age of Extinction

Trong khi phim ảnh là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để giới thiệu và quảng bá nền văn hóa của một quốc gia, nếu Trung Quốc thực sự muốn cho thế giới thấy nền văn hóa của họ vĩ đại như thế nào, họ cần thực hiện điều đó bằng những bộ phim của chính họ thay vì đơn thuần trả tiền để “cài cắm sản phẩm văn hóa” trong phim nước ngoài.

Tuy nhiên, vấn đề là: các bộ phim Trung Quốc có khả năng tạo dựng danh tiếng cho điện ảnh Trung Quốc ở nước ngoài hay không?

Điều cản trở những bộ phim tuyệt vời

“Gần 300 phim chiếu ở các rạp mỗi năm, khoảng 200 trong số đó là phim nội địa. Cá nhân tôi cho rằng chỉ 20 trong số 200 phim đó đạt yêu cầu,” nhà phê bình phim Yuan Dengyu nói với Global Times.

Nhiều người yêu mến điện ảnh Trung Quốc có suy nghĩ tương tự. Với nhu cầu phim ảnh khổng lồ ở Trung Quốc, số lượng phim thực sự thỏa mãn nhu cầu đó ít đến mức thảm hại. Về phía những phim khấm khá tại phòng vé, chỉ vài phim trong số đó được giới phê bình đón nhân tích cực hay để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.

Cảm giác thất vọng trong lòng khán giả Trung Quốc có lẽ bắt nguồn từ một số xu hướng đáng lo ngại trong ngành đã diễn ra trong vài năm qua.

Cảnh trong phim Thái Bình luân

Trước hết, những đạo diễn nổi tiếng đảm nhiệm những bộ phim Trung Quốc đáng nhớ nhất thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng tương ứng với danh tiếng của họ ở rạp. Trương Nghệ Mưu, Phùng Tiểu Cương và Ngô Vũ Sâm đều là những đạo diễn Trung Quốc đã làm nên tên tuổi trên toàn cầu. Tuy nhiên, những bộ phim mới nhất của bộ ba này, Personal Tailor / Định chế tư nhân (2013) của Phùng Tiểu Cương, Coming Home / Quay về (2014) của Trương Nghệ Mưu và The Crossing / Thái Bình luân (2014) của Ngô Vũ Sâm đều bị các nhà phê bình chỉ trích gay gắt.

Trong một cuộc phỏng vấn trên trang web 21ccom.net, Đới Cẩm Hoa gọi Quay về là “phim dở tệ” và “rơi xuống cấp thấp mới về mọi mặt”. Một năm trước, làn sóng phê phán lan tràn trên truyền thông xã hội sau khi Định chế tư nhân ra rạp. Mới đây hơn, Thái Bình luân bị nhiều cư dân mạng chỉ trích trên trang bình luận truyền thông douban.com vì “dài dòng, nhạt nhẽo” và là “một thảm họa”.

Thứ hai, kể cùng một câu chuyện cũ là phương thức còn tệ hại hơn.

Các câu chuyện như Tây du ký đã được kể đi kể lại trong các bộ phim truyền hình, phim hoạt hình và phim điện ảnh. Tháng 1/2014, The Monkey King / Đại náo thiên cung một lần nữa đưa câu chuyện này lên màn ảnh chỉ để nhận được vô số bình luận tiêu cực và điểm số 4,2 trên douban.com.

Cảnh trong phim Rise of the Legend

Mặc dù không dựa trên nhân vật hư cấu, Rise of the Legend / Hoàng Phi Hồng: Bí ẩn một huyền thoại cũng là nỗ lực thất bại với một nhân vật đã được khán giả Trung Quốc xem rất nhiều lần trước trong các phim điện ảnh và truyền hình, mà tượng đài lớn nhất là loạt phim điện ảnh do Từ Khắc đạo diễn và Lý Liên Kiệt đóng chính trong thập niên 1990.

Thứ ba, càng chỉ trích nhiều, doanh thu phòng vé càng cao. Phần lớn khán giả nói loạt phim Tiểu thời đại giống “video ca nhạc” hay “trình diễn powerpoint” hơn là một bộ phim thực sự. Tuy nhiên, các bộ phim này, với phần ba phát hành trong năm 2014 và phần bốn sắp ra mắt trong năm 2015, tiếp tục lập kỷ lục phòng vé mặc dù bị nhiều nhà phê bình cũng như khán giả coi thường.

Kịch bản khủng khiếp và kỹ xảo tồi tàn cũng là vấn đề lớn mà phim Trung Quốc hiện đang cần giải quyết.

“Các bộ phim Trung Quốc hé lộ một vấn đề then chốt trong xã hội và văn hóa Trung Quốc hiện tại. Chúng ta hy sinh nhiều điều trong công cuộc hiện đại hóa, và cuối cùng chúng ta tạo nên những giá trị giả dối,” Đới Cẩm Hoa nói.

Bà lấy bộ phim Sacrifice / Triệu thị cô nhi (2010) của Trần Khải Ca làm ví dụ.

Triệu thị cô nhi xa rời tinh thần của tác phẩm gốc

Tác phẩm khắc họa vở kịch cổ cùng tên, được người Pháp cho là miêu tả tinh thần vĩ đại của con người khi câu chuyện truyền tới châu Âu vào thế kỷ 17. Tuy nhiên, đạo đức và các giá trị cốt yếu của văn hóa Trung Quốc hoàn toàn vắng mặt trong phim. Thay vào đó, các nhân vật trong phim tỏ ra kỳ dị và khó hiểu.

Thách thức sinh tồn

Mặc dù không hoàn toàn đồng tình với ý tưởng Hollywood chỉ quan tâm đến ví tiền của dân Trung Quốc, đạo diễn kiêm nhà sản xuất nổi tiếng Quan Cẩm Bằng cũng lo lắng về ngành điện ảnh Trung Quốc.

“Thật đáng buồn khi không có phim Trung Quốc nào nằm trong tốp 10 phim hay nhất của truyền thông Pháp và danh sách 50 phim hay nhất của truyền thông Mỹ,” đạo diễn Quan nói với Global Times sau một sự kiện quảng bá cho bộ phim mới sản xuất của ông Under the Sicily Sun ngày 10/12/2014.

“Ngành điện ảnh Trung Quốc có vẻ màu mỡ (để đầu tư), nhưng không thu hút đầu cơ? Ngày càng ít sự quan tâm đến chất lượng của một bộ phim,” ông nói.

Ngành công nghiệp giàu tiềm năng với những bộ phim tuyệt vời đang được thực hiện, nhưng giá trị của những bộ phim đó phần lớn vẫn còn chưa được khai thác.

Blind Massage đoạt nhiều giải thưởng nhưng ế ẩm ở phòng vé

Ví dụ, Quan Cẩm Bằng giải thích rằng ông bất ngờ khi Blind Massage, tác phẩm đoạt giải tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 64 và giải Kim Mã lần thứ 51 tại Đài Loan năm 2014, ế ẩm ở phòng vé. Là thành viên ban giám khảo giải Kim Mã lần thứ 51, ông nói bộ phim xuất sắc trên mọi phương diện, dù là đạo diễn, quay phim hay diễn xuất của các nam nữ diễn viên.

“Thực tế những bộ phim tuyệt vời như thế không được chú ý nhiều là vấn đề mà cả các nhà làm phim lẫn khán giả Trung Quốc nên suy ngẫm,” Quan Cẩm Bằng nói.

Ngày càng nhiều công ty nước ngoài tìm cách thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc, bằng cách làm việc với các nhà đầu tư Trung Quốc hay thông qua các phim đồng sản xuất với các hãng phim Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc cũng bắt đầu hợp tác với các công ty nước ngoài nhằm đưa nhiều phim điện ảnh và truyền hình hơn về Trung Quốc. Sau khi Wanda Group thu mua AMC, chủ tịch Wanda Vương Kiện Lâm cũng nói ông có hứng thú thu mua những công ty lớn hơn như Lionsgate và MGM.

Mặc dù phim nội địa vẫn được bảo hộ ở mức độ nhất định nhờ hạn ngạch nhập khẩu phim, chắc chắn nhiều đối thủ nước ngoài hơn sẽ tiến vào thị trường đã cạnh tranh này. Tuy nhiên, khi gỡ bỏ các công cụ điều tiết, liệu phim Trung Quốc có khả năng sống sót?.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times