Ngày tận thế luôn khiến loài người run sợ từ thủa sơ khai. Mỗi thế hệ
loài người, từ ngày đóng khố sống trong hang động tối tăm, đã có những
câu chuyện và truyền thuyết về ngày tận thế và khiếp sợ khi ngày đó đến
gần.
Tất nhiên, điện ảnh đã tận dụng ngày này hết mức. Đến nay có hàng tá
phim kể về những trận chiến nguyên tử, các bầy khỉ nổi dậy, những cuộc
thập tự chinh đẫm máu, thiên tai, thảm họa thiên thạch hay hành tinh đâm
vào nhau và sự đổ bộ của người ngoài hành tinh. Ta từng xem Mad Max tạo
ra một chiếc xe có thể kéo theo một xe tăng. Chúng ta từng xem Snake
Plissken lang thang các khu phố New York và Los Angeles trống trơn.
Chúng ta cười ha hả khi xem cả thế giới bị xóa sổ trong
2012 và số ít người xem
The Road đã
khóc khi Viggo Mortensen cho ta một lý do mới để trân trọng xe đẩy
trong siêu thị. Kể cả Pixar cũng từng nhúng tay vào thể loại này – một
cách dễ thương – với
Wall-E.
This is the End
Nhưng trong năm 2013, một xu hướng mới đã được tạo ra: ngày tận thế hài hước. Trong năm nay có tận ba phim –
This is the End,
Rapture-Palooza và
The World’s End
– cho rằng ngày tận thế không phải ngày tang tóc mà đáng được cười
nhạo. Nỗi lo sợ lớn nhất của loài người, thứ khiến chúng ta run lẩy bẩy
trong hàng nghìn năm, giờ chỉ còn là một tình huống gượng gạo đáng cười.
Việc gì đã xảy ra? Chỉ cách đây hai năm,
Melancholia đã cho chúng ta thấy cái nhìn u ám về những ngày trước ngày tận thế, và
Take Shelter khiến chúng ta phải tự hỏi có ai khác ngoài chúng ta cảm nhận được các tiếng sấm hay không. Cả
2012 với
những màn kỹ xảo thành phố đổ vỡ, vẫn muốn ta phải đau lòng khi
California, Hawaii, Las Vegas và một phần lớn núi Everest biến thành tro
bụi.
Ta có thể cho rằng lý do là năm 2012 đã đến và đi. Chúng
ta đã kể truyền thuyết về ngày tận thế trong hàng thế kỷ, nhưng ta ít
khi biết nó đến vào ngày nào. Nhưng trong thế kỷ 20, bỗng ta lại tin
rằng người Maya đã tiên đoán tất cả, và thế giới sẽ lụi tàn vào tháng
12, năm 2012. Tạm biệt, chúc an nghỉ.
Nhưng chắc cũng không mấy
ai ngạc nhiên khi tháng 12 đến và đi và chúng ta vẫn còn sống. Nếu cần
tính ngày, thì đó có lẽ là ngày khái niệm “tận thế” trở thành trò cười
cho thiên hạ. Có ai không viết câu mỉa mai nào về ngày tận thế trên
Facebook vào tháng 12 vừa qua chứ? Chắc hẳn bạn còn nhớ những dòng chữ
trên Twitter vào từng khoảnh khắc các múi giờ khác nhau từ từ vượt
ngưỡng 12:01 – “Vẫn còn sống!”
Một cảnh trong phim Melancholia
Nhưng làm sao mà cười được? Đâu có phải thế giới chúng ta đã lý tưởng ưu việt như trong
Star Trek. Phải chăng người ta đã quên rằng trái đất đang ấm lên và nước biển đang dâng lên?
Tất
nhiên là còn nhớ. Có lẽ chúng ta ý thức được điều đó vào lúc này hơn
bao giờ hết. Nhưng văn hóa – và nhất là điện ảnh – có vẻ đang trải qua
một thời kỳ Phục hưng thứ hai với các tác phẩm nghệ thuật nhắc nhở mọi
người rằng ai cũng sẽ phải chết. Như những tổ tiên thời Trung cổ, ngưỡng
đau khổ và sợ hãi của chúng ta đã tận, và chúng ta bắt đầu cảm thấy
những gì trước mắt thật nực cười. Đó chính là sự điên dại muốn được sảng
khoái, được có một tiếng reo to vang trước khi tất cả kết thúc. Nếu
trước kia người ta vẽ tranh và làm thơ về cái chết thì ngày nay ta tận
dụng tài năng của Simon Pegg và Danny McBride. Cũng có khác gì?
Hơn
nữa, chúng ta đang ôm trọn thuyết “ai cũng phải chết” này với lý do
cũng giống như trước: ta không còn biết hành tinh của chúng ta sẽ chết
khi nào. Cái chết đó có thể đến bất cứ lúc nào. Ngày mai có thể là ngày
chúng ta xâu xé nhau để có chỗ cuối cùng trên thuyền. Hay cũng có thể
chúng ta sẽ sống như Mad Max, hay co ro trong bến tàu điện ngầm chờ John
Connor của chúng ta.
Cảnh trong phim 2012
“Hạn sử dụng” không còn. Trước mắt chúng ta là vô tận và chúng ta đang
nóng lòng không biết, cuối cùng, cái ngày đáng sợ mà tổ tiên chúng ta
chờ đợi kia cuối cùng có đến với chúng ta không? Chắc chắn là chúng ta,
phải không? Thế hệ nào cũng muốn nghĩ rằng họ sống ở tận cùng của thời
gian, và chúng ta là thế hệ đầu tiên có thể biến giả thuyết đó thành
hình ảnh một cách thuyết phục.
Chúng ta không biết, và tưởng
tượng ngày tận thế đó tồi tệ đến đâu mãi thì cũng mệt, và vì thế, giờ
chúng ta chỉ biết cười nhạo nó.
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi