Tin tức

Trailer đầu tiên cho thấy Blade Runner 2049 thông minh, nhiều tầng lớp và tráng lệ

11/05/2017

Cuộc truy lùng nhân thân của bộ phim này là một chuyến phiêu lưu bất ngờ pha trộn mọi phương pháp kể chuyện giả tưởng.

Trailer dài đầu tiên của Blade Runner 2049 đã có, và cũng y như phần trước bất hủ, phim này có vẻ giả tưởng tuyệt nhất: thông minh, nhiều tầng lớp, và tráng lệ.


Trailer mới này — mở rộng từ trailer ‘nhá’ cảnh phim hồi tháng 12 — đầy ắp cảnh hoành tráng, bối cảnh lộng lẫy lên cận cảnh và một thế giới thâm dụng CGI mà có lẽ chẳng bất ngờ gì vì bất cứ phần tiếp theo phim hậu tận thế kinh điển nào của Ridley Scott cũng sẽ thể hiện hậu hĩ như thế.

Nhưng cũng liên quan trực tiếp đến câu hỏi rơi rớt lại từ phần phim đầu mới chỉ được đề cập phớt qua mà chưa bao giờ giải đáp: Nhân vật sát thủ người máy nổi loạn Deckard của Harrison Ford và hậu bối của ông, K của Ryan Gosling, cả hai đều là người máy (tự sao chép) mình?

Blade Runner pha trộn với 'đồng hương' hậu tận thế Mad Max

Năm 2015, khi bình phim Mad Max: Fury Road cho Vox, nhà phê bình Todd VanDerWerff đã nhấn mạnh xu hướng sao chép hoặc Blade Runner hoặc Mad Max ở các phim chuỗi khoa học giả tưởng. Tức là, hầu hết phim chuỗi khoa học giả tưởng hoặc đi vào lộ trình “băng đảng chiến binh hành quân trong hoang mạc Dieselpunk hậu tận thế” hoặc lộ trình “hậu tận thế không gian công nghệ cao”.

Từ phải qua: Ryan Gosling, Harrison Ford, Ridley Scott, và Denis Villeneuve trên trường quay Blade Runner 2049

Hiển nhiên Ridley Scott và đạo diễn được ca ngợi Denis Villeneuve của Arrival chọn vứt bỏ kiểu lưỡng phân này bằng cách sáp nhập Blade Runner 2049 với 'đồng hương' hậu tận thế của Blade Runner. Có vẻ như phim mới đã chia cảnh hành động giữa điều quen thuộc — ô tô bay trong một Los Angeles bão hòa quảng cáo, chịu ảnh hưởng Shibuya* — với cái mới tinh: chuyến đi băng qua sa mạc khô rang đến một nơi trông giống như phiên bản thư viện Alexandria chứa ADN tự sao chép thay vì chứa sách.

Hỗn hợp này cho nhà quay phim huyền thoại Roger Deakins (Skyfall), vốn khoái những thứ như thế, chỗ để chơi màu sắc, hiệu ứng kỹ thuật số, và tính thẩm mỹ. Kết quả là một kết cấu hợp nhất tính thẩm mỹ của Blade RunnerMad Max một cách đáng ngạc nhiên — như chúng ta thấy trong những cảnh phim có thể dễ dàng thoát thai từ một trong hai chuỗi phim:

Sự phối trộn đó cho 2049 cảm giác mới lạ, rất giống cách Fury Road tạo cảm giác mới tinh hồi năm 2015, dù vẫn duy trì tất cả thành phần cốt lõi của chuỗi phim đã có tên tuổi.

Thông qua hỗn hợp này, Blade Runner 2049 đề cao chủ đề chính: mâu thuẫn nhân thân

Sự đối lập giữa bối cảnh không gian kịch tính và bối cảnh sa mạc đưa 2049 vào một chuyến phiêu lưu cụ thể và trừu tượng. Nếu nhân vật K của Gosling chỉ là một sự "độ" lại nhân vật Deckard của Ford, thì về cơ bản anh sẽ là một phản anh hùng bị kẹt trong một hệ thống ngoài tầm kiểm soát của mình. Nhưng cả trailer này và hình ảnh trích từ phim trước đó đều nỗ lực thể hiện K đang đi từ một đường phố đen tối của Los Angeles...

...đến một nơi có thể là phát xuất sự xóa sổ nền văn minh:

Việc chuyển từ màu xanh sang cam này là một sự tương phản thị giác mà phim ảnh khét tiếng sử dụng nhằm thể hiện sự căng thẳng và sinh lực. Nhưng công dụng của nó ở đây là báo cho biết K đang đi từ một quang cảnh đô thị siêu thực do con người tạo ra tới một hoang mạc khô cằn kiểu thiền có một Jared Leto bộ dạng như-Obi Wan** sinh sống, người có năng lực tạo ra thí tuệ nhân tạo thâm nhập vào xã hội loài người.

Trailer làm nổi bật câu hỏi liệu bản thân K là một sự tái tạo vượt trội, sao chép cảnh mào đầu của phim gốc — một cảnh tượng mở mắt — rất nổi tiếng và khoe đôi mắt phản chiếu lạ lùng của anh, vốn là dấu hiệu phân biệt nhân dạng bản sao. Thế nên bằng cách cho nhân vật của Gosling thâm nhập thế giới mới này, có vẻ là tìm kiếm Deckard, bộ phim mới đi thẳng vào cốt lõi của chủ đề trung tâm — đến những câu hỏi về nhân thân, liệu di truyền có quyết định số phận, và cái gì làm cho ai trở thành con người.

Doanh nghiệp mất nhân tính trong Blade Runner càng trở nên rõ ràng hơn

Nhân vật của Leto có lời thoại đầu tiên của trailer này, và anh nói rằng: Các doanh nghiệp tạo ra những bản sao để làm “lao động sử dụng một lần rồi vứt”. Mất nhân tính là chủ đề nổi bật xuyên suốt Blade Runner, và 2049 làm cho chủ đề đó rõ ràng hơn nữa. Một cảnh ban đầu từ thế giới hoang tàn này cho chúng ta hình ảnh “những cái xác trần truồng trong container” kinh điển giả tưởng để tiết lộ yếu tố sản xuất dây chuyền bản sao, trong khi hình ảnh phụ nữ gợi tình xuất hiện trong quảng cáo 3D của thành phố lặp đi lặp lại suốt trailer, ám chỉ lằn ranh giữa việc coi những cơ thể khác nhau này như hàng hóa là rất mỏng manh.

Cũng đáng chú ý là trailer thể hiện logo Atari nổi bật, ở một mức độ nhiều đáng kể. Blade Runner là một nghịch lý thú vị, phân tích một thế giới được xây dựng xung quanh việc quảng cáo doanh nghiệp không ngừng trong khi đặt một hàng hóa thật vào bối cảnh hậu tận thế của phim. Logo của Atari gần như nhan nhản khắp bộ phim và trở thành một thứ lỗi thời nổi tiếng khi mà bản thân Atari đã hết thời.

Thú vị là, thay vì xóa bỏ mâu thuẫn đó, phim mới đưa logo Atari vào và sử dụng nó làm phông nền của câu chuyện theo đúng nghĩa đen — cảnh mở màn trailer này — mặc nhiên công nhận một tương lai bị bóp méo trong đó Atari trở thành nhân vật đầu sỏ có mặt khắp nơi. Chi tiết này làm cho cảnh quan của Blade Runner 2049 thậm chí càng có cảm giác kỳ dị hơn, lố lăng hơn. Nhưng cái điều mở mắt đó nhắc chúng ta rằng, chúng ta không còn cách đấng sáng thế kiểu Orwell*** xa nữa đâu.

Blade Runner 2049 ra rạp ngày 6/10/2017, dự kiến phát hành cùng ngày ở Việt Nam với tựa Tội phạm nhân bản 2049.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vox


* Shibuya là một trong 23 khu đặc biệt của Tokyo, Nhật Bản. Địa danh "Shibuya" nổi tiếng với khu thương mại sầm uất xung quanh Nhà ga Shibuya. Đây là một điểm giao thông tấp nập bậc nhất ở Tokyo. Các cửa hiệu ở Shibuya thiên về thời trang giới trẻ nên nghiễm nhiên khu vực này có tiếng là nơi tụ tập đông đảo các dịch vụ may mặc thời trang như Thương xá Shibuya 109.
** Nhân vật hư cấu Obi-Wan Kenobi là một trong vài nhân vật chính xuất hiện trong tất cả sáu phim Star Wars.
*** Eric Arthur Blair (1903–1950), nổi tiếng với bút danh George Orwell, nhà văn và phóng viên người Anh, tác giả cuốn tiểu thuyết 1984 lấy bối cảnh một thế giới hậu tận thế nơi nhân vật Anh Cả (Big Brother) kiểm soát tất cả mọi người. Tiểu thuyết này cũng là nơi phổ biến tính từ Orwellian chỉ sự lừa gạt công khai, theo dõi ngầm và thao túng quá khứ của nhà nước toàn trị.