Bình luận phim

Captain America: Civil War - Chris Evans chống trả trong một phần tiếp theo đem lại thỏa mãn

29/04/2016

Trong vấn đề xung đột toàn cầu, ai chịu trách nhiệm cho sự hủy hoại? Mạng sống nào quan trọng? Cái chết được cứu chuộc bằng thêm nhiều cái chết sao? Và khi nào thì sự thiệt mạng của những con người vô tội là chấp nhận được? Tính phức tạp của những câu hỏi này là lý do các nhà ngoại giao từ mọi quốc gia làm việc thâu đêm suốt sáng để giảm thiểu việc hấp tấp lao vào chiến tranh đến mức thấp nhất.

Đó cũng là lý do hầu hết các Avenger (Hulk và Thor đang nghỉ phép) dành phần lớn thời lượng Captain America: Civil War để đánh nhau. Đối với những khán giả nào cảm thấy bừng bừng bởi màn siêu anh hùng gấu ó trong Batman v Superman: Dawn of Justice, thì hượm đã nào — đây không giống những gì bạn nghĩ đâu.

Không như phim mới nhất trong chuỗi của DC, dành quá nhiều thời lượng để nghiền ngẫm những vấn đề hận thù cá nhân trên một toàn cảnh đen tối rời rạc, và cung cấp không gì khác hơn lời đãi bôi cho việc hai bên cùng thiệt hại, Civil War là một sự bổ sung vào Thế giới điện ảnh Marvel mà, đúng vậy, đưa những người tốt đánh lẫn nhau, nhưng chỉ nhằm thiết lập tương lai cho tính trách nhiệm của siêu anh hùng.

Sau khi để mất đi nhiều mạng người vô tội ở Sokovia trong Avengers: Age of Ultron và cuộc chiến màn một ở phim này thậm chí còn làm chết nhiều người bàng quan ở Lagos, Nigeria, các Avenger đối mặt với sự lên án của cộng đồng quốc tế, dẫn đến việc Liên hiệp quốc ban hành Hiệp ước Sokovia. Mục tiêu: điều phối việc các siêu anh hùng can thiệp vào những khủng hoảng quốc tế. Vision (Paul Bettany) thấy quy trình này là có lý, giải thích với những người khác rằng sự nổi lên ngày càng nhiều con người “được nâng cấp” có nghĩa là tình trạng khẩn cấp đe dọa hành tinh tăng lên tương ứng, và rằng sự hiện hữu của các Avenger, có khả năng, chính là một chất kích thích.

Steve Rogers/Captain America (Chris Evans) từ chối ký vào hiệp ước đó, thuyết phục rằng sự độc lập của các Avenger là cách duy nhất để giải quyết rắc rối trước khi trở thành thảm họa. Ranh giới đã vạch ra, và các thành viên chia phe, Bucky Barnes/Chiến binh Mùa Đông (Sebastian Stan) quay lại, và một gã tên Zemo (Daniel Brühl) cũng thế, chẳng ngẫu nhiên chút nào mà rất quan tâm đến hoạt động của Barnes.

Kế hoạch hành động của Zemo dứt khoát liên quan đến anh chàng Cap thẳng thắn và tình bạn trung thành lâu năm anh dành cho Barnes, trong những kịch bản đe dọa biến chàng trai với tấm khiên vô song thành đúng cái loại kẻ xấu mà anh không hề. Khẩn trương hơn, phức tạp hơn và nhiều nhân vật mới nảy ra hơn — tất tật có thể gây ngạc nhiên có thể không, tùy mức độ bạn đắm đuối vào những thông tin tiền phát hành quá tải — và thế là Nội chiến xảy ra.

Làm phim cho hãng lớn được đầu tư ‘khủng’ có sức mạnh buộc những người sáng tạo vận hành trong bốn bức tường tù ngục hủy hoại nghệ thuật của một chiến lược marketing. Nhưng Thế giới điện ảnh Marvel, một đế chế xây dựng trên nền tảng số lượng lớn những chuẩn mực, có khả năng ở thế cân bằng tương đối. Đội ngũ biên kịch gồm Christopher Markus và Stephen McFeely (chịu trách nhiệm cho hai phim Captain America trước) hiệu quả trong việc phác thảo kịch bản và đánh dấu các điểm phối hợp theo thứ tự, nhưng họ làm thế mà không hề quên xây dựng các nhân vật của họ hơn cả là những thương hiệu.

Những con người nâng cấp này vẫn là con người và có quan hệ với nhau vượt ngoài biên giới của khủng hoảng toàn cầu. Được phép thể hiện nhiều hơn chỉ là những đối tượng chống đối lẫn nhau trên màn hình xanh, dàn diễn viên mở rộng một cách hào phóng bao gồm những nhân vật mới hơn như Wanda Maximoff/Scarlet Witch (Elizabeth Olsen). Còn diễn xuất của Evans — tức nhân vật của anh trên phim — là trung tâm; tuyến truyện của anh bủa vây bởi mâu thuẫn nội bộ, và sự cảm thông của anh dành cho lòng trung thành giằng xé trong Cap gây xúc động theo cách không làm hỏng tính cấp bách của hành động hay làm lạc đi trọng tâm của dàn đồng diễn.

Hai anh em đạo diễn Anthony và Joe Russo (Captain America: The Winter Soldier) tiếp tục khai thác kinh nghiệm của họ từ các phim hài truyền hình như Community, Arrested DevelopmentHappy Endings, tung hứng tất cả thành viên gia đình siêu anh hùng của họ bằng thủ pháp khôi hài để vừa thông tin về tương tác của các nhân vật vừa cung cấp chỗ thở giữa các cuộc chiến. Nhà quay phim Trent Opaloch (đã hợp tác với anh em Russo ở phim Winter Soldier) và các biên tập Jeffrey Ford và Matthew Schmidt (Avengers: Age of Ultron) sáng tạo không gian cho những màn choảng nhau liền lạc và thông suốt; không để mất thứ gì trong các cuộc chiến do đạo diễn hành động và biên tập kém.

Vấn đề kỹ thuật trong tay những người có năng lực cho phép Captain America: Civil War đào xới vào vùng đất mà Winter Soldier đã bắt đầu, những câu hỏi về nguyên tắc và đạo đức, và bãi lầy đen kịt những hậu quả liên quan — như Tony Stark/Iron Man (Robert Downey, Jr.) nói — “làm chuyện phải làm để ngăn chặn điều tồi tệ hơn.”

Phim đan xen nỗi sợ hãi về một cuộc chiến bất tận và sự hủy diệt những con người vô tội, và trong khi đó tiếp tục hợp lý hóa chuỗi diễn biến. Một lập luận trong lịch sử điện ảnh đó là phim được làm ra vừa là để đáp trả thế giới rộng lớn hơn, vừa là sản phẩm của thế giới rộng lớn hơn đó. Và phim siêu anh hùng, hiện là chỗ cho nỗi ám ảnh về vấn đề an ninh toàn cầu đang gây lo ngại, phải tiếp tục giải quyết lập luận khó nghĩ đó nếu muốn có nhiều giá trị văn hóa hơn chỉ là sản phẩm làm ra tiền trên một dây chuyền lắp ráp, hoặc thoái lui vào sự hoài niệm thời thơ ấu để giả vờ hiểu được môi trường đã sản sinh ra chúng.

Civil War đã làm được sự cân bằng đáng nể: hành động nghiêm túc cũng không bao giờ quên chiêu đãi mình bằng sự khôi hài nghiêm túc.

Phim phát hành ở Việt Nam với tựa Captain America: Nội chiến siêu anh hùng.

Dịch: © Hải Đăng @Quaivatdienanh.com
Nguồn: TheWrap