Tin tức

Ghostbusters Afterlife: Hoài niệm có đang giết điện ảnh không?

08/12/2021

Phim Ghostbusters mới là ví dụ cho nỗi ám ảnh muốn đưa khán giả ngược dòng ký ức hiện giờ của Hollywood. Điều này có gây thiệt hại cho điện ảnh như theo ý kiến của một số người?

Rằng Hollywood đang ngày một lười hơn, và tính nghệ thuật ngày càng bị hy sinh đổi lấy tính sinh lời tối đa, là điệp khúc đã thường nghe. Năm 2019, toàn bộ 10 phim doanh thu cao nhất ở phòng vé Mỹ đều dựa trên các tài sản trí tuệ có sẵn; hai thập kỷ trước, con số này mới chỉ là năm.

Ghostbusters mới là ví dụ cho nỗi ám ảnh muốn đưa khán giả ngược dòng ký ức hiện giờ của Hollywood

Và trong rất nhiều trường hợp, những phim doanh thu lớn này — dù là làm lại, ăn theo, hay là phần tiếp theo của những phim kinh điển — chơi theo một cảm xúc nhất định: hoài niệm. Chúng cho khán giả niềm vui của những trải nghiệm điện ảnh trong quá khứ, và sự thoải mái khi nép mình vào thứ gì quen thuộc.

Nhưng nếu thứ điện ảnh này vốn dĩ được làm ra để trấn an, thì nó lại gây tranh cãi. Phản ứng trái ngược cho bộ phim mới nhất trong chuỗi phim Ghosbusters, Ghostbusters: Afterlife, ra rạp vào ngày 19 tháng 11 ở Anh và Mỹ, là ví dụ cho cuộc tranh luận bắt nguồn từ việc phục vụ — hay như một số người nói là, lợi dụng — thói hoài niệm của khán giả. Một bên, Olly Richards của tạp chí Empire khen ngợi bộ phim, trên hết vì nắm bắt được bản chất của phim gốc: “Nó không hẳn giống như phim Ghostbusters ta biết, nhưng nó hoàn toàn có cảm giác như phim Ghostbusters.” Một bên khác, Charles Bramesco của Guardian đưa ra đánh giá cực kỳ đay nghiến, nói bộ phim là tác phẩm hài lòng đánh đổi với bản gốc, và giả định “niềm vui tự động biết mọi thứ sẽ thay thế cho nhu cầu có tính hài hước hay nét duyên dáng thông minh từng khiến Ghosbusters đáng xem ngay tức khắc.”

Ghostbusters mới xoay quanh con gái và cháu ngoại của một trong những thành viên của bộ tứ từ phần đầu — và liên tục nhắc về các tiền bối

Bộ phim xoay quanh con gái và cháu ngoại của Egon Spengler (Harold Ramis quá cố) trong Ghosbuster bản gốc. Sau khi bị đuổi khỏi nhà ở New York, họ chuyển về ngôi nhà nông trại xa xôi của ông ở ngoại ô Mỹ đầy nắng vàng và ngô. Ngôi nhà hóa ra nằm trên một điểm nóng các hoạt động siêu nhiên, luôn gặp chấn động tưởng do đứt gãy địa chất — nhưng dĩ nhiên, có gì đó quỷ quyệt hơn đang diễn ra.

Đạo diễn bởi Jason Reitman, con trai của Ivan Reitman đã đạo diễn Ghostbusters (1984) phần đầu, đa phần bộ phim cảm giác có ý nghĩa tốt: có vô số cảnh quay tri ân, một số cảnh khá thông minh, bộ phim của cha anh, và nó đầy rẫy trứng Phục sinh dễ nhận ra với fan của chuỗi phim: những liên hệ trong điềm báo giọng nam trung về một kẻ ác tên “Zuul” chẳng hạn. Xe Ecto-1 biểu tượng của Ghostbusters rú tiếng còi tinh túy, các hộp hạt nhân nguyên tử để giam giữ hồn ma bằng các tia đan chéo, và ngay cả người kẹo dẻo Stay Puft xấu xa mà đáng yêu cũng quay lại, dù ở dạng bé hơn nhiều.

Và dĩ nhiên, có sự quay lại được phỏng đoán nhiều và chẳng ngạc nhiên mấy của một vài gương mặt quen thuộc — gồm một gương mặt trở lại đầy ngạc nhiên trong dạng hồn ma kỹ xảo không lời, một nước đi đưa ra nhiều quan ngại đạo đức xoay quanh việc tái hiện những diễn viên đã qua đời nhằm thu lợi cho các hãng phim. “Đây là một mánh làm ăn Frankenstein cần ta lùi lại một bước và nghĩ về hướng đi của công nghệ này,” Bramesco nói với BBC Culture. “Đây rõ ràng là một xâm phạm đạo đức tới quyền lợi của người đã mất — nó bắt đầu với tiếng hò reo cổ vũ của tập đoàn, nhưng tiếp theo nó sẽ đi đâu?”

Jason Reitman (ngoài cùng, phải), con trai của Ivan Reitman (ngoài cùng, trái) đạo diễn Ghostbusters (1984) phần đầu, đã gợi ý anh muốn coi Afterlife là phần đầu trong một “Vũ trụ” Ghosbusters mở rộng

Hoài niệm và “cuộc chiến nội dung”

Những người nản lòng sau chuyến đi ngược dòng ký ức này sẽ chẳng sớm được yên thân đâu. Một hướng phát triển gần đây của các hãng phim và tập đoàn là biến việc vận hành của họ xoay quanh xây dựng các thư viện nội dung với chương trình truyền hình và phim điện ảnh dựa trên những tựa kinh điển truyền cảm hứng nhận diện khách hàng hoài niệm: ví dụ, Paramount+, hạ tầng phát trực tuyến của Paramount, đang thực hiện các phim truyền hình dựa trên Love Story, The Parallax View, The Italian Job, Fatal Attraction, và Grease. Trong khi đó Disney+ đã làm lại và khởi động lại mọi thứ từ Mighty Ducks tới Turner and Hooch, và gần đây là Home Alone.

Phát hành vào tháng 11 và nhận một loạt đánh giá tệ hại, Home Sweet Home Alone cho thấy chạy theo hoài niệm cuối cùng chẳng có lợi gì cho cả khán giả mới và cũ. “Đều quay lại câu hỏi vì sao bộ phim được làm ra,” Patrick Cremona của Radio Times nói. “Chắc chắn không phải cho trẻ con, những người tôi nghĩ chẳng thích thú gì mấy phim này. Không, rõ ràng khán giả nhắm đến ở đây là người lớn còn giữ trong mình tình cảm hoài niệm cho Home Alone nguyên tác — lý giải những liên hệ vụng về suốt phim, gồm một màn xuất hiện khách mời của Devin Ratray vai Buzz McCallister. Nhưng đáng tiếc mà nói, tôi nghĩ kể cả những người hâm mộ trung thành nhất của bản gốc cũng khó mà tìm được gì để thích ở quả bom xịt này.”

Home Sweet Home Alone đã bị phê phán cho nỗ lực trơ trẽn lợi dụng hoài niệm của khán giả

Việc tái sản xuất văn hóa này không phải chuyện gì mới. Trong bài viết năm 2016 trên The Atlantic, các nhà nghiên cứu Amanda Ann Klein và R Barton Palmer cho rằng “điện ảnh đã luôn bắt nguồn từ ý tưởng về sự vô số — đến từ những tác phẩm lặp lại và lợi dụng một cách có ý thức những hình ảnh, câu chuyện, hay những nhân vật có từ những tác phẩm đi trước.” Nhưng nếu thiên hướng nhìn lại này đã luôn hiện diện trong phim ảnh, một số sẽ nói nó đã trở thành căn bệnh rồi.

“Lời than phiền rằng Hollywood đang làm quá nhiều phần tiếp theo, quá nhiều phần làm lại — lấy nước từ một cái giếng sáng tạo đã cạn — không phải là một tiến triển quá gần đây. Lịch sử Hollywood là lịch sử các hãng phim lặp lại thành công của chính họ,” Bramesco nói. “Nhưng tôi nghĩ [điện ảnh hoài niệm] đã tăng tốc thành một món ăn hằng tuần khó tránh, bắt đầu từ thời Phục hưng làm lại phim của Disney.” Thời Phục hưng đang nói đến ở đây chỉ việc hãng phim đào lại kho phim hoạt hình phong phú của họ cho một doanh thu ăn khách phòng vé lần thứ hai, bằng cách biến các phim này thành một loạt phim làm lại do người đóng có sức hút với cả trẻ con, nhiều khả năng xem chúng lần đầu như mới, và những bậc cha mẹ lớn lên xem bản gốc và có thể vui thích được nhắc nhở về tuổi thơ của họ.

Bramesco gọi Alice in Wonderland (2010) của Tim Burton là khởi đầu thực sự của cuộc Phục hưng này. Không thực sự là bản làm lại đầu tiên một phim Disney đông đảo người biết — ta chớ có quên phiên bản chuyển thể người đóng The Jungle Book của Stephen Sommers năm 1994 và các phim 101 Dalmatians sau đó (1996 & 2000). Nhưng, Bramesco tin rằng, doanh thu phòng vé tỉ đôla toàn cầu của Alice in Wonderland đưa ra kết luận “người ta sẽ đi xem một số phim — bất kể là về gì, hay hay dở — [vì nó dựa trên] thứ gì đó họ nhớ.”

Thành công phòng vé dữ dội của The Lion King được Disney làm lại xác nhận hoài niệm sinh lời ra sao

Sau đó, việc sản xuất các phim làm lại và ăn theo người đóng của Disney tăng chóng mặt: Maleficent của Robert Stromberg ra mắt vào 2014, thêm một hay hai phim mỗi năm, cho đến khi 2019 mang lại bốn phim. Đa phần là công thức chiến thắng cho Disney, với một trong các tựa phim của 2019 kể trên, The Lion King — dù không phải là người đóng mà là đồ họa ảnh hiện thực nhìn như thật — thu về 1,65 tỉ USD ở phòng vé toàn cầu.

Tình hình đang đi tới đâu

Và cái khó là ở đó: khiển trách các hãng phim lôi kéo sự hoài niệm là ác ôn thì dễ, nhưng rõ nhìn từ kết quả phòng vé thì họ đang phóng phi tiêu trúng hồng tâm — và chuyện người hâm mộ mong muốn được nhắc về thứ họ yêu thích thì có gì không cao quý? Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ: ám ảnh hoài niệm này sẽ dừng lại ở đâu? Reitman chẳng hạn, đã gợi ý anh muốn coi Afterlife là phần đầu trong một “Vũ trụ” Ghosbusters mở rộng. Một cảnh sau phần chạy danh đề của phim chắc chắn đã đặt biển báo ý định này, cũng như việc thành lập công ty chuyên sản xuất Ghostbusters Ghost Corps trước bản khởi động lại năm 2016 (bị dính phê phán mang tính phản đối phụ nữ vì có bộ tứ đóng chính toàn nữ, đã bị loại bỏ nhẹ nhàng ra khỏi câu chuyện chính trong Afterlife).

Từ Marvel tới Star Wars, các vũ trụ chia sẻ câu chuyện dĩ nhiên đang rất hợp mốt. Nhưng đến gần đây, “vũ trụ” Ghostbusters được hợp thành từ hai phim hài thời 80 với một phim hài tập hợp các gương mặt cũ của chương trình hài Saturday Night Life; về lý mà nói thì đây không phải tư liệu tự nhiên làm nên một thiên truyện giao thoa tầm cỡ.

Loạt phim mới Chucky dựa trên các phim Child’s Play, đã đánh trúng mục tiêu

Mặt khác có một số người tin nó sẽ thành công. “Một phần trong tôi nghĩ, sao phải đợi lâu đến thế?” biên tập tạp chí khoa học-viễn tưởng SFX và người hâm mộ Ghostbusters Darren Scott nói. “Có loạt phim mới Chucky dựa trên các phim Child’s Play, đã đánh trúng mục tiêu. Nó dị một cách tuyệt vời, nó ghê rợn. Nó được làm thông minh — bạn không có cảm giác họ có ác ý gì, hay họ đang cố lấy tiền nhanh chóng. Họ thực sự trút tình cảm vào đó. Và nếu Jason Reitman sắp trút tình cảm vào Ghostbusters, và làm những phim ăn theo và phim truyền hình lớn, thì tuyệt vời thôi.”

Nhưng bên cạnh việc kiểm định chất lượng các chuỗi phim trong tay, có cảm giác điện ảnh Hollywood cần tranh luận với một quan điểm hiện sinh lớn hơn. Ham muốn thu hút bản năng hoài niệm cổ là một phần của một vấn đề lớn hơn, rằng các hãng phim đang có vẻ ngày càng ít muốn chấp nhận rủi ro với những phim không có nhận diện thương hiệu có sẵn; hơn nữa, có sự trớ trêu thực sự ở việc phần nhiều nội dung hoài niệm này kiếm tiền từ những tựa phim gốc tuyệt đối sẽ không được làm ngày nay. Free Guy (2021) mùa hè này, được Disney mua lại sau vụ sáp nhập Fox gây tranh cãi, là phim người đóng đầu tiên của hãng không dựa trên một tài sản trí tuệ có sẵn trong ba năm.

Được hỏi ông có nghĩ một hãng phim sẽ chi tiền cho một ý tưởng nguyên tác như Free Guy lần nữa không — liên quan thay, đã được lên kế hoạch cho một phần tiếp theo — đạo diễn Shawn Levy nói: “Tôi đang lướt qua tập Rolodex danh thiếp các hãng phim — Sony, Warners, Paramount, Disney, Lionsgate — sự thật là các hãng phim này chủ yếu, nếu như không phải hoàn toàn, cược tiền vào những phim chuỗi [...] Một số người gọi Free Guy là người gác đền cuối cùng, và tôi có nghĩ về điều đó. Tôi hy vọng điều đó sẽ không là thật.”

Free Guy (2021) mùa hè này, được Disney mua lại sau vụ sáp nhập Fox gây tranh cãi, là phim người đóng đầu tiên của hãng không dựa trên một tài sản trí tuệ có sẵn trong ba năm

Và kể cả vậy, Free Guy bản thân nó cũng không thoát khỏi thôi thúc hoài niệm: ý tưởng phim dựa trên những trò chơi điện tử như Grand Theft Auto, và hồi ba của phim ném ra đống đạo cụ đáng giá 40 tỉ USD dễ nhận ra là lấy từ kho của Disney, một cái lợi từ vụ sát nhập, từ gươm ánh sáng tới khiên của Captain America — việc nhận diện một lần nữa có vẻ được đưa ra như thể tự thân nó là một niềm vui điện ảnh.

Ý tưởng gây tranh luận này — rằng lực đẩy choáng ngợp của điện ảnh đại chúng Hollywood giờ là đưa ra những liều dopamine của sự quen thuộc — khiến nhiều nhà phê bình ỉu xìu. “Khó mà nói về chuyện này mà không dùng ngôn ngữ kiểu như ngày tận thế, dấu chấm hết cho lịch sử,” Bramesco nói. “Không phải nói theo thuyết hiện sinh gì, nhưng điều này khiến tôi xa rời mọi người, nhận ra hệ thống giá trị nghệ thuật của tôi không những bị đặt xa của người khác, mà còn bị phản đối hoàn toàn.”

Trong khi một số người coi mô hình giải trí đầy hoài niệm hiện đại như ngày tận thế, một số mở rộng vòng tay đón chào nó. “Tôi không quan tâm họ làm lại Batman bao lần, tôi sẽ đi xem mọi phiên bản,” Scott nói. “Đó là cái hay về loại thị trường SFX nhắm tới — chúng tôi yêu thích một thứ, và chúng tôi sẽ đi xem nó. Nếu chúng tôi không thích phiên bản mới thì chẳng sao cả. Chúng tôi sẽ đi xem bản tiếp theo. Chúng tôi sẽ không bao giờ rời bỏ các tình yêu thơ ấu của mình.”

Điện ảnh hoài niệm đã tăng tốc thành một món ăn hằng tuần khó tránh, bắt đầu từ thời Phục hưng làm lại phim của Disney. Alice in Wonderland (2010) của Tim Burton (ảnh trên, trái) là khởi đầu thực sự của cuộc Phục hưng này

Đúng vậy, với số đông người, các trải nghiệm điện ảnh hình thành tính cách — dù giá trị nghệ thuật lớn tới đâu — khó mà dứt bỏ được khỏi tâm hồn. Và dù bạn đồng ý hay không với thói tham lam sản phẩm hoài cổ, rõ ràng điều này chạm vào một bản năng sâu sắc với những gì quen thuộc. Suy cho cùng, khi chúng ta chỉ có thời gian xem vài phim một năm, nhiều khả năng chúng ta sẽ chi tiền cho những trải nghiệm chúng ta nghĩ có thể tin tưởng. Máy xay nỗi hoài niệm — kể cả khi không thể giữ được đà với tốc độ quay hiện giờ — khó mà rời bỏ ta đi sớm. Nhưng biết đâu đó lại là điều khán giả muốn.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC