Tin tức

Kỷ nguyên của một nền điện ảnh Hoa ngữ thống nhất

11/08/2014

Bộ phim tâm lý gia đình Aberdeen / Nhân gian, tiểu đoàn viên của đạo diễn Hồng Kông Bành Hạo Tường đã ra mắt đầu tháng 5 vừa rồi. Overheard 3/ Thiết thính phong vân 3 do Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đạo diễn cũng ra mắt cùng thời gian. Bộ đôi biên kịch-đạo diễn nổi danh với các bộ phim gay cấn hành động đã rất thành công với Vô gian đạo được làm lại thành phiên bản Mỹ The Departed.

Trong năm nay chúng ta còn chờ đón bộ phim tình cảm hài của Bành Hạo Tường Everyone Loves Tender Woman; đạo diễn Hứa An Hoa có bộ phim dã sử nói về cuộc đời của nhà văn Tiêu Hồng, The Golden Erab/ Thời đại hoàng kim; và bom tấn The Crossing của đạo diễn Ngô Vũ Sâm. Với dàn diễn viên hạng A, khán giả Hoa ngữ đang có kỳ vọng cao với các tác phẩm này.

Mặc dù mọi người đều đồng ý rằng những ngày đẹp nhất của điện ảnh Hồng Kông đã qua, những nhà làm phim Hồng Kông nổi tiếng đều cho rằng ngành điện ảnh của họ vẫn có vai trò trong thị trường lớn.

Đánh mất phong cách

Trong thế kỷ trước điện ảnh Hồng Kông cực kỳ nổi tiếng với các bộ phim hành động và xã hội đen. Tuy nhiên, tình hình kinh tế bất ổn cuối thập kỷ 1990 đã khiến phim Hồng Kông dần mất vị thế trong thị trường cho Trung Quốc Đại lục.

Một cảnh trong phim Aberdeen [Ảnh: CFP]

“Ở Hồng Kông, trong các phim nội địa thì chỉ có phim hạng X (phim cấp III hay phim 18+) là có thể giữ khán giả trên ghế, còn lại không thể đọ được với Hollywood thậm chí phim Nhật hay Hàn Quốc. Nhu cầu thị trường đã biến mất,” nhà phê bình phim Vương Tư Vĩ nói với Global Times.

Trong thập kỷ qua, rất nhiều tài năng điện ảnh Hồng Kông, bao gồm đạo diễn, diễn viên và kỹ thuật viên đã tham gia làm phim tại Đại lục. Lúc đầu, kết quả không hề thỏa mãn – các phim hợp tác sản xuất kinh phí lớn đều mất đi chất Hồng Kông, đồng thời cũng không thêm chút gì mới mẻ để thu hút khán giả Đại lục.

May mắn thay, tình hình đã tốt đẹp hơn nhiều qua năm tháng. Năm ngoái, gần nửa các phim thu nhập hơn 100 triệu nhân dân tệ (16 triệu USD) tại phòng vé là sản phẩm hợp tác sản xuất giữa các công ty Đại lục và Hồng Kông.

Ấy là chưa kể đến các phim Đại lục có diễn viên Hồng Kông tham gia vai chính. Các phim hành động cảnh sát của Lâm Siêu Hiền như Unbeatable / Kịch chiến (2013), Against War / Nghịch chiến (2011) và The Stool Pigeon (2010) đều được đón nhận tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, The Man From Macau (2014) với Châu Nhuận Phát thu về hơn 500 triệu nhân dân tệ (80 triệu USD) tại phòng vé trong dịp Tết.

Việc kinh doanh cũng hướng tới Đại lục nhiều hơn. Ví dụ, Emperor Entertainment Group Limited, một trong các công ty giải trí có ảnh hưởng nhất Hồng Kông đã chuyển tầm ngắm tới thị trường Đại lục; trong khi chủ tịch Edko Film Limited Giang Chí Cường, một nhân vật kỳ cựu trong ngành giải trí, sau nửa thế kỷ chứng kiến sự lên xuống của điện ảnh Hồng Kông, đã đầu tư vào các phim Đại lục từ lâu.

The Man From Macau (2014)

Không chỉ có vậy, để tiếp cận thị trường Đại lục tốt hơn các công ty phim Hồng Kông đã mở chi nhánh thậm chí dời trụ sở tới Bắc Kinh hoặc Thượng Hải.

Trong khi mọi thứ có vẻ ổn định ở bề mặt, thì người hâm mộ và các nhà làm phim mong mỏi phong cách Hồng Kông xa xưa trên màn ảnh đang tự hỏi liệu tinh thần phim Hồng Kông đã chết, hay có cách nào để làm sống lại không khí ấy trong các tác phẩm hợp tác sản xuất.

Kỷ nguyên mới, tiềm năng mới

Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ trở thành người chiến thắng lớn nhất tại giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông hồi tháng 4. Đối với người Hồng Kông và Đại lục, phim hợp tác sản xuất đã trở thành chuyện thường xuyên tới nỗi chả ai nghĩ tới điều đó khi cân nhắc giải thưởng hay mua vé xem phim.

“Đúng vậy, phim Hồng Kông đang biến mất và kỷ nguyên vàng đã chấm dứt, nhưng một kỷ nguyên mới của phim Hoa ngữ đã tới,” biên kịch Bang Bách Ni viết trên tài khoản Sina Weibo của cô vài ngày sau lễ trao giải Kim Tượng, cũng nói thêm cô tin kỷ nguyên mới đồng nghĩa với việc các nhà làm phim mong muốn thâm nhập thị trường Hồng Kông, Đài Loan hay Đại lục không còn bị giới hạn bởi xuất xứ của họ nữa.

Overheard 3 (2014)

“Họ giờ đứng trên một sân khấu rộng hơn và có thể vận dụng sức mạnh của cả nền điện ảnh Hoa ngữ. Họ có thể theo đuổi các đề tài thú vị, khuấy động cảm xúc y chang mà không cần nhấn mạnh sự khác biệt vùng miền. Bây giờ là kỷ nguyên của tính thống nhất và cải cách.”

Trùng hợp với câu nói của biên kịch Bách là sự nổi tiếng của các phim Love in a Puff (2010) và Love in the Buff (2012) của Bành Hạo Tường cũng như American Dreams in China (2013) của Trần Khả Tân, những phim không hề có dấu ấn Hồng Kông đặc biệt dù do các đạo diễn Hồng Kông đảm nhiệm.

Ba phim kể trên đều xoay quanh những câu chuyện tình yêu tuổi trẻ và theo đuổi giấc mơ. Đạo diễn Bành từng phát biểu vì những người trẻ sống trong thành phố lớn có nhiều điểm chung, cuộc sống và cảm nghĩ của họ là nguồn khai thác dồi dào để thu hút khán giả Hoa ngữ ở bất kỳ địa phương nào.

“Phim Hồng Kông điển hình không có nhiều chỗ đứng trên thị trường Đại lục. Doanh thu tốt nhất của các phim hành động cảnh sát được hợp tác sản xuất cũng không bao giờ vượt quá 300 triệu nhân dân tệ. Việc đó đã khiến các nhà làm phim Hồng Kông thay đổi quan điểm,” Vương Tư Vĩ giải thích việc thành công tại thị trường Đại lục khổng lồ đã ảnh hưởng tới các sản phẩm Hồng Kông như thế nào.

Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các đạo diễn phải đi theo một phong cách “Hoa ngữ” nhất định khi một số thể loại phim luôn là thế mạnh của chỉ các đạo diễn Hồng Kông.

Một cảnh trong phim Rigor Mortis (2013)

Thử thách lớn nhất là vận dụng điểm mạnh của các nhà làm phim này đúng với sở thích của khán giả ở cả hai thị trường.

“Đó là một việc khó và sẽ cần thời gian nhất định để hoàn thành,” ông Vương nói.

Bức tranh toàn cảnh

Trong khi nhiều đạo diễn Hồng Kông nổi tiếng đang dần quen với cuộc sống tại Bắc Kinh, nhiều đạo diễn trẻ đang hướng tới Hồng Kông để bắt đầu sự nghiệp.

Phim kinh dị Rigor Mortis / Cương thi (2013) biến đạo diễn Mạch Tuấn Long thành chú ngựa ô trong ngành điện ảnh Hồng Kông, trong khi Hoàng Tu Bình, đạo diễn phim nhạc kịch The Way We Dance (2013), thắng giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông 2014. Có lẽ ta chưa nên vội kết luận về số phận điện ảnh Hồng Kông lúc này.

Trong cuộc phỏng vấn với xinhua.net đạo diễn Trần Gia Thượng nói rằng phim Hoa ngữ, bao gồm cả các sản phẩm Hồng Kông, không nên chỉ có một hướng đi.

“Cần có sự đa dạng. Hướng đi của chúng ta cần để mở. Ta đã quen mở ra một phương hướng rồi đẩy mọi người theo, nhưng chìa khóa tới thị trường thành công là có sự đa dạng và thỏa mãn nhu cầu của các khán giả khác nhau,” ông nói.

Dịch: © Phương Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times


Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên Facebook của chúng tôi